7 thg 9, 2022

TRĂNG ĐÊM - GHIMHO


Trăng đêm
 
Bạn có bao giờ đi dạo dưới ánh trăng. Nơi không có tiếng xe cộ, không có âm thanh của tivi, máy hát…. Không có ánh đèn, chỉ có ánh trăng lấp loáng phản chiếu dưới dòng nước và mây trôi lơ lững trên đầu. Chỉ có tiếng côn trùng và văng vẳng tiếng đàn ghi ta rộn rã bên ánh lữa bập bùng.
Bạn có biết rằng những đêm trăng mỗi tháng là những chờ mong ấp ủ của bao con tim trai trẻ nơi vùng kinh tế mới. Của lớp người trẻ đầu thai nhầm thế kỷ sau ngày 30/04. Từ giã thành phố, xa rời những tiện nghi ngày trước tôi và các bạn thanh niên cùng lứa tuổi chỉ mong đợi mùa trăng. Mùa trăng là mùa hội ngộ để nam thanh nữ tú dập dìu. Con đường làng nhỏ xíu được đón nhận như đại lộ dẩn từ cầu Căm Xe ra xã.
Những ngày trăng bọn tôi không muốn ngủ. Có hôm thức suốt sáng để ca hát, về đến nhà thì gà gáy sáng. Chỉ lo chuẩn bị để ra rẫy làm nhiệm vụ mà vẫn không mệt. Cái đam mê của tuổi trẻ thật là kinh khiếp. Thức suốt đêm là chuyện bình thường. Đến khi từ rẩy trở về mới vừa đi vừa ngủ.
Dạo ấy, tôi ở khu Căm Xe thuộc xã Minh Thạnh. Nơi đây có hai hạng dân, dân kinh tế mới và dân địa phương. Tôi thuộc dân địa phương trong hai tổ hành chánh, tổ 9 và 10 Căm Xe. Phần lớn dân địa phương đã ở trước 30/04 và dân đi kinh tế tự túc, không hưỡng trợ cấp 6 tháng của nhà nước nên không bị quản lý chặt của xã. Có khả năng phát rẫy đến đâu thì chiếm đất đến đó.
Dân kinh tế mới ở trãi dài từ Căm Xe ra xã thuộc khu C, bị khống chế nhiều mặt. Khu A cũng là dân địa phương gần xã. Khu B lại là dân kinh tế mới từ xã Minh Thạnh đến cầu Bà Già. Nơi tôi ở là địa bàn xa nhất của xã Minh Thạnh. Dân kinh tế mới được cấp đất, được cất nhà cho ở và hưỡng trợ cấp gạo trong 6 tháng nhưng thực ra rất hạn chế vì chỉ được hưỡng mảnh đất đủ cho nhà ở và trồng rau chút đỉnh xung quanh. Sau 6 tháng, hết trợ cấp là đói, chỉ có nước đi làm thuê cho dân địa phương.
Ba năm đầu tiên về rừng, tôi không hoạt động xa, chỉ ở nhà làm rẫy với Vú và ngoại. Quanh quẩn với rừng suối và ngắm trăng. Niềm vui là vào những đêm trăng, họp con nít quanh vùng, đốt lửa và lấy ghi ta đàn cho chúng hát. Sau màn văn nghệ là phát bánh kẹo rồi cho chúng về. Có lúc tiếng đàn hát vang qua suối, bộ đội đóng quân bên ấy chạy qua tìm. Họ bảo tưởng có ban văn nghệ ở đâu về. Nghe mắc cười. Ánh trăng đã chứng kiến những đêm văn nghệ lửa trại cùng nhóm trẻ con . Bọn trẻ từ nhà bà Năm xe lam và ông Tư hớt tóc. Tôi thường làm bánh phục linh bằng bột khoai mì. Khoai mì mài ngâm nước cho lóng lại nhiều lần, đem phơi khô rang lên, cho nước dừa và đường khuấy đến dẻo cho vào khuôn thành bánh. Kẹo là đậu phọng rang với đường thành hột rời, dòn. Đường bỏ một ít nước rang thành bột trắng lên cho đậu phọng vào khuấy đều. Mấy năm sống yên tĩnh với nghề làm rẫy, đến khi có nhóm người ngoài xã vào kêu gọi, đến ba lần, tôi phải tham gia hoạt động xã. Còn nhớ Năm Thích lúc ấy xã đội trưỡng đã vào tìm tôi, sau này cũng trở nên bạn thân. Em tôi cứ gọi đùa là Tam cố thảo lư, theo điển tích Lưu Bị cầu Khổng Minh.
 
Khi phải tham gia vào hoạt động xã tôi mới biết đến thanh niên địa phương. Trên hành chánh thì có phân chia nhưng trong âm nhạc thì không. Bọn tôi kết hợp cùng thanh niên khu C lập ban văn nghệ đầy đủ cả tân cổ với mấy tay đàn thật chuyên nghiệp. Rất nhiều tay đàn nhưng nổi bật nhất là Long đờn tân nhạc - dân kinh tế mới và Sơn đờn vọng cổ - dân địa phương tổ 10.
Gần như ngày nào tôi cũng đi đêm vì lúc đó tôi là Ủy viên văn hóa xã và trong ban chấp hành Xã Đoàn. Nhưng trên hết vẫn là vì lòng đam mê văn nghệ. Đến nổi được mệnh danh là nữ hoàng về đêm. Dân du kích còn phải ngán vì tôi đi đêm về khuya một mình là chuyện thường.
 Lúc đó vẫn còn du kích địa phương nhưng không hiểu sao bọn họ lại sợ ma, cứ kể về bà Mộng Du chết cùng với đứa con trong bụng thường ra đứng đón người đi đường. Thấy tôi thản nhiên đi đêm một mình, họ cứ nói bà nầy gan.
Ban văn nghệ hoạt động mạnh nhất là vào những đêm trăng. Trụ sở chánh của nhóm là nhà tôi và nhà chị Nguyệt, chị Thu. Những ngày có trăng tôi chỉ nôn nao mong cho đến tối để đi hát. Tối đến dù mưa hay không, không thành vấn đề. Mưa mặc mưa, tôi trùm áo mưa để cây đèn bão bên trong. Lúc ấy cũng chẳng có đèn pin vì làm gì có pin. Dầu hôi nhờ có được từ Bổ túc văn hóa, dân đi học để được mua dầu hôi.
Hẹn nhau đến một nhà và ca hát gần đến sáng. Có khi được chủ nhà chiêu đãi đậu phọng luộc, rang hay khoai mì … tùy theo mùa.
Trước cửa nhà tôi có cây cầy to khủng khiếp. Một hôm đang đứng cuốc đất nghe tiếng ngã long trời thì ra sét đánh cây cầy tróc gốc ngã nằm ngang chiếm cả một vùng đất lớn. Cây cầy to đến nổi chỉ dún được ít nhánh và lá để đốt rồi cho nó nằm yên trơ gan cùng tuế nguyệt. Từ đó, mỗi đêm trăng tôi lại leo lên nhánh nó để nằm ngắm trăng. Tróc hết lớp vỏ chỉ còn trơ tấm thân trắng hếu dưới ánh trăng. Cây cầy là nơi lý tưởng đã chứng kiến chuyện tình đầu tiên dưới ánh trăng. Tôi và anh bạn trai mỗi người leo một nhánh ngồi ngắm trăng và nói chuyện đời sau khi đã dạo trăng đến mỏi chân trên con đường duy nhất từ cầu Căm Xe ra xã.
Chuyện tình diễn ra dưới ánh trăng được vài mùa thì tan nhưng cũng là chuyện tình duy nhất mà tôi có.
Sau một thời gian, khi nổi đau đã phôi pha, tôi lại thưởng thức ánh trăng với Lài, cô bạn thân duy nhất mà tôi đã gắn bó nơi ấy. Buổi tối ngồi ngắm trăng trước cửa nhà Lài, nhìn dòng suối dưới chân cầu Căm Xe, tôi say sưa kể chuyện học trò ở Gia Long và Lài chỉ nghe.
Chán ngán chánh quyền với những mắt thấy tai nghe, tôi muốn ra khỏi Ủy ban và Hội đồng nhân dân xã. Cứ ba năm bầu lại vẫn bị dính vào, tôi xin dạy lại để né chánh quyền. Dạy học lại, gánh trách nhiệm Bổ túc văn hóa. Lại cũng làm việc dưới trăng. Những đêm theo dõi lớp ở khu C, tôi về nhà gần hai giờ sáng. Lúc đó có thêm Lài làm bạn đồng hành. Dưới ánh trăng, tha hồ tán dóc. Lài theo tôi về nhà lấy khoai mì, hai đứa leo lên giường bỏ mùng xuống . Ăn trong mùng và nói dóc rồi ngủ luôn.
Khi hết làm công tác Bổ túc văn hóa chuyển sang dạy Anh văn cho cấp hai ngoài xã, tôi lại kết bạn với Thanh và Vân ngoài xã.
Vân là thư ký cho Ũy ban, Thanh là thầy dạy toán cấp hai. Chúng tôi rất thân nhau. Lúc ở ngoài xã, xa nhà nên tôi ở lại nhà Vân. Thanh ở trường nhưng đêm đêm bọn tôi vẫn đi dạo. Nhất là những đêm trăng. Dưới ánh trăng, bọn tôi tâm sự lòng mình. Tôi và Vân không có nhiều điều để nói nhưng Thanh lại nặng mang tâm sự.
Thanh yêu học trò lớp 9 của mình và không thể thố lộ. Mỗi đêm đi dạo tôi lại nghe nó kể lể nỗi lòng. Thấy thương cảm nhưng chẳng biết làm sao. Hoa là học trò của tôi và Thanh, cũng là em gái của Vân. Khi thì tôi nghe Hoa tâm sự, lúc nghe Thanh kể. Ông trời sao lại sắp bày kỳ lạ. Hoa rất dể thương và ngây thơ, biết thầy để ý mình nên em sợ lắm. Hoa kể lúc phát bài cho em, thầy đưa sau cùng và kẹp vào đó lá thơ. Hoa sợ quá xếp lại liền. Em còn nhỏ quá, chưa xác định được gì. Thanh thì kể lúc đang giảng bài nhìn mặt em đẹp quá thấy ngẩn ngơ không nhớ mình phải nói gì nữa.
Dưới ánh trăng tôi chỉ yên lặng để lắng nghe nổi lòng của kẻ đang yêu và tự nhủ. Tại sao con người ta khổ đến như vậy? Cả hai đều dể thương và đáng yêu nhưng trong hoàn cảnh này thì không được. Thương hại Thanh nên tôi vẫn đi với nó để nghe. Thanh dạy toán rất giỏi, tánh phóng khoáng và được lòng học trò nhưng không vừa ý hiệu trưỡng vì nó hay cương bất tử. Không chịu gò bó những qui luật nhãm nhí. Chị Bảy Hiệu trưỡng thấy tôi và Thanh thường đi dạo trăng nói chuyện. Chị gọi tôi lên nhắc nhở- Em cẩn thận đừng quan hệ nhiều sợ mang tiếng.
Tôi thấy buồn cười mà cũng bực mình. Thật là nhãm. Tôi không cần thanh minh chuyện gì, chỉ bảo đó là chuyện của tôi.
Tôi vẫn thầm mong cho Hoa lớn lên sẽ đáp lại tình yêu của thầy và thầy hãy chờ đợi. Thế nhưng cuộc đời biến động. Tôi bỏ ra đi và sau đó Thanh cũng bỏ trường thành kẻ bụi đời. Hoa lập gia đình nhưng không hạnh phúc và vẫn đau khổ âm thầm. Chỉ có Vân vui sống bên chồng con. Lài vui cùng đàn con cháu. Bao nhiêu chuyện đã trãi qua dưới vầng trăng sáng của Căm Xe ngày ấy. Tôi yêu ánh trăng vô cùng nhưng có phải trăng là biều hiệu cho đau khổ, cho xa cách !
Những đêm trăng, những chuyện tình và những cuộc đời….
Nghĩ gì viết nấy

Mời Xem :


Cô đơn….không chỉ riêng ai - GhimHo  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét