Bài tập nhìn đuổi theo mục tiêu, di chuyển đầu theo chiều ngang… giúp cải thiện tình trạng mất thăng bằng, xoay tròn ở người bị rối loạn tiền đình.
Rối loạn tiền đình là những rối loạn có liên quan đến thăng bằng, xuất phát từ dây thần kinh số 8 và các đường nối kết của nó. Nếu bộ phận này bị tổn thương sẽ khiến thông tin dẫn truyền bị sai lệch và cơ thể bị mất thăng bằng, hoa mắt, chóng mặt, ù tai...
BS.CKII Trần Thị Thúy Hằng - Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, hướng dẫn một số bài tập thăng bằng đơn giản tại nhà giúp cải thiện rối loạn tiền đình cho người lớn và trẻ nhỏ (nếu trẻ hợp tác).
1/ Bài tập nhìn đuổi theo
Để thực hiện bài tập này, bạn ngồi ở tư thế thoải mái, cầm hai thẻ hình ở mỗi tay, ngang tầm mắt và cách mắt 40 cm. Giữ yên đầu, đưa mắt nhanh qua lại giữa hai tấm thẻ. Lưu ý đưa mắt nhanh và không dừng lại ở tấm thẻ nào và chỉ di chuyển mắt của bạn. Khi cảm thấy tình trạng cải thiện, bạn sẽ chú ý đến các chi tiết nhỏ hơn trên tấm thẻ.
Thực hiện bài tập 15-20 lần theo chiều ngang, 5-20 lần theo chiều dọc, 15-20 lần theo đường chéo. Thực hiện 2-3 lần mỗi ngày.
2/ Bài tập nhìn theo mục tiêu
Bạn cần tìm một chỗ ngồi thoải mái (ví dụ trên ghế sofa) để quan sát ba món đồ trong phòng ngang tầm mắt nhằm chọn làm mục tiêu sao cho: một món đồ nằm về phía bên trái, một món đồ ở giữa và một món đồ nằm về phía bên phải của bạn. Di chuyển đầu của bạn để nhìn về mục tiêu bên trái, sau đó đến mục tiêu ở giữa và nhìn vào mục tiêu bên phải.
Thực hiện 10-15 lần xoay đầu mà không dừng lại, tiếp theo 10-15 lần nhưng dừng ngắn ở mỗi mục tiêu. Thực hiện 2-3 lần mỗi ngày.
3/ Bài tập di chuyển đầu theo chiều ngang
Bạn tìm một chỗ ngồi thoải mái, chân để chạm đất, hai tay để trên đùi. Giữ vững thân người, xoay nhanh đầu của bạn và nhìn về bên phải, sau đó xoay đầu nhanh về bên trái, rồi tiếp tục xoay nhanh về giữa và nhìn thẳng về phía trước. Giữ yên trong 5 giây. Tiếp tục thực hiện lại bài tập.
Để đạt kết quả tốt nhất, mắt bạn nên quan sát ở một vật hoặc mục tiêu phía trước bạn theo hướng xoay đầu, kể cả khi nhìn thẳng. Thực hiện 10-15 lần, thực hiện 2-3 đợt một ngày.
4/ Bài tập xoay đầu vòng tròn
Bạn tìm một chỗ ngồi thoải mái, bắt đầu xoay đầu theo vòng tròn khi mở mắt. Thực hiện lại xoay đầu theo vòng tròn khi đang nhắm mắt. Thực hiện 15-20 lần theo cùng hướng. Thực hiện 2-3 đợt mỗi ngày, theo cả hai hướng.
5/ Bài tập nhìn chăm chú khi xoay đầu
Bạn tìm chỗ ngồi thoải mái, đưa ngón trỏ ra trước cách mũi khoảng 25 cm. Nhìn chăm chú vào ngón tay khi đầu bạn xoay về hai bên, dần dần tăng tốc độ xoay đầu lên nhưng bạn vẫn còn nhìn thấy được ngón trỏ. Thực hiện 10-15 lần, 2-3 đợt mỗi ngày.
6/ Bài tập xoay vòng tròn
Bạn đứng thẳng, hai chân rộng bằng vai, hít thở sâu và thư giãn. Tập trung suy nghĩ và sự chú ý của bạn lên bàn chân đang đứng trên sàn. Luyện tập xoay người theo vòng tròn, xoay ra trước, xoay về bên phải, ra sau rồi xoay về bên trái và lại xoay về trước. Nhìn thẳng về phía trước và chăm chú vào mục tiêu cố định.
Bắt đầu xoay với vòng tròn nhỏ, không được uốn cong cơ thể để giữ thăng bằng. Dần dần mở rộng vòng xoay của cơ thể bạn mà không cần uốn người, không dịch chuyển chân. Bạn nên tập khi có người đứng gần để hỗ trợ khi cần thiết. Thực hiện 15-20 lần, xoay người theo chiều ngược lại 15-20 lần, thực hiện 2-3 lần mỗi ngày.
7/ Bài tập xoay bóng vòng tròn
Bạn đứng thẳng trụ trên cả hai chân, thả lỏng người. Giữ quả bóng bằng cả hai tay đưa thẳng ra trước, mắt nhìn vào trái banh. Bạn vẫn đưa thẳng tay và xoay quả bóng theo một vòng tròn lớn. Đầu và mắt hướng theo bóng.
Xoay quả bóng theo vòng tròn lớn nhất có thể: đưa quả bóng qua khỏi đầu và cúi người xuống thấp để bóng chạm mặt đất. Cố gắng thực hiện một cách trơn tru và liên tục. Nếu cảm giác choáng váng tăng, ngừng di chuyển cho đến khi ổn định hơn thì tiếp tục.
Thực hiện 15-20 lần. Thực hiện theo chiều ngược lại, tiếp tục thực hiện 15-20 lần, thực hiện 2-3 đợt mỗi ngày.
8/ Bài tập bước đi xoay đầu
Bạn bắt đầu bằng việc bước đi với tốc độ bình thường. Sau ba bước, tiến hành xoay đầu của bạn nhìn sang phải trong khi tiếp tục bước đi về phía trước. Sau ba bước thì xoay đầu nhìn về bên trái trong khi vẫn tiếp tục bước về phía trước. Lặp lại các bước này và thực hiện thường xuyên nhất có thể. Thực hiện 15-20 lần, 2-3 đợt mỗi ngày.
Trên đây chỉ là những bài tập bổ trợ, người bệnh rối loạn tiền đình cần thăm khám và điều trị theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
BS.CKII Trần Thị Thúy Hằng
Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Xem Thêm :
Nguyên nhân gây chảy mũi khi ăn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét