Chuyện tình Huyền Trân Công Chúa đã được nhắc tới nhiều trong dân gian Việt Nam, dưới nhiều góc độ khác nhau. Người thì ca ngợi Công Chúa đã thay mặt triều đình nhà Trần, thực hiện công tác chính trị, ngoại giao, tạo hoà bình giữa hai nước, đã thường xuyên tranh chấp lâu đời với nhau. Hơn nữa, cuộc hôn nhân đã mang lại cho Đại Việt hai châu Ô và Lý (Rí), xem như mở rộng bờ cõi. Công chúa đã thực hiện một sứ mạng hoà bình. Cũng có người tiếc cho Công Chúa xinh đẹp, lá ngọc cành vàng, phải xa quê hương trao thân gởi phận cho người chồng thuộc sắc tộc lạc hậu, “man di”, trong ý nghĩa của những câu: “Tiếc thay cây quế giữa rừng, để cho thằng Mán, thằng Mường nó leo” hoặc tiếc cho “cái bông hoa lài cắm bãi cứt trâu”.
Cuộc đời của Huyền Trân Công Chúa là một chuổi bất hạnh. Đã trở thành goá phụ ở tuổi ngoài hai mươi, và sau đó xuống tóc đi tu cho hết cuộc đời trần thế.
Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông đi thăm Chiêm Thành
Đời nhà Trần, vua Trần Nhân Tông, sau khi truyền ngôi cho con là Trần Anh Tông, đã rời triều chính, giữ chức Thái thượng hoàng, vào ẩn tu trong núi Yên Tử (Quảng Yên).
Ngài là con trưởng của Trần Thánh Tông, sinh ngày 7 tháng 12 năm Mậu Ngọ (1258). Ngài tuy ở địa vị sang cả, mà trong tâm thì hâm mộ Thiền Tông từ thuở nhỏ. Ngài là người sáng lập ra dòng Thiền Tông Trúc Lâm, dòng Thiền tông lớn nhất tại Việt Nam. Người dân gọi ông là Phật hoàng Trần Nhân Tông.
Vào tháng 2 năm Tân Sửu (1301), theo lời mời của vua Chiêm Thành, Thái thượng hoàng tháp tùng sứ bộ Chiêm Thành, đến thăm nước nầy. Đi thuyền buồm đến Chiêm Thành mất nửa tháng. Khi tiếp kiến vua Chế Mân, ông mặc áo nâu sồng, tay bưng bình bát, được vua Chiêm trân trọng tiếp đón, và đích thân hướng dẫn đi thăm viếng các đền chùa, cố đô, cổ miếu, cùng các danh lam thắng cảnh của người Chàm. Và cũng đàm đạo về tôn giáo.
Chín tháng ở Chiêm Thành trôi qua. Trong buổi tiễn hành, Thái thượng hoàng hứa gả con gái là Huyền Trân Công Chúa cho vua Chiêm, để nối tình thông gia giữa hai nước, vốn đã có những sự tranh chấp lâu đời.
Năm 1305, Chế Mân sai sứ là Chế Bồng Đài và hơn 100 người, đem vàng bạc, hương liệu quý hiếm, đến dâng vua Đại Việt, để xin cưới Huyền Trân Công Chúa. Triều đình không bằng lòng, chỉ có Văn túc Vương Đạo Tái và Trần Khắc Chung tán thành. Sau đó, Chế Mân dâng châu Ô và châu Rí (Lý) làm sính lễ, và hứa phong tân nương Huyền Trân làm hoàng hậu nước Chiêm.
Châu Ô, từ Đèo Lao Bảo đến sông Thạch Hản, nay là Quảng Trị. Châu Lý, ngày nay là Thừa Thiên-Huế.
Tháng 6 năm Bính Ngọ (1306) Huyền Trân lên đường sang Chiêm quốc. Nhà Trần tiếp nhận 2 châu Ô, Lý và đổi tên thành châu Hoá và châu Thuận.
Huyền Trân là con gái của Trần Nhân Tông, là em của vua Trần Anh Tông, là cháu ngoại của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn. Mẹ của bà là con của Trần Hưng Đạo. Bà sinh năm 1287. Năm 1301, Thái thượng hoàng có hứa gả Huyền Trân cho vua Chế Mân. Năm 1306, Chế Mân dâng hai châu Ô, Lý (Rí) làm của hồi môn, cho nên Trần Anh Tông đồng ý gả Huyền Trân cho Chế Mân. Huyền Trân được phong làm hoàng hậu Paramecvari. Một năm sau đó, vào tháng 5 năm 1307, Chế Mân băng hà. Tháng 8 năm 1308, Huyền Trân về nước, và xuất gia đầu Phật ở núi Trâu Sơn (Bắc Ninh). Bà mất ngày mồng 9 tháng giêng năm Canh Thìn (1340), 53 tuổi.
Chế Mân và nước Chiêm Thành
Chế
Mân, hay Jaya Sinhavarman III, là vua thứ 34 của Vương quốc Chiêm
Thành, ở vào thế kỷ 14. Chế Mân có tài thao lược, vào năm 1282, khi Hốt
Tất Liệt đem 500,000 quân Mông Cổ sang tấn công đánh Đại Việt và đồng
thời đem 5000 quân, 100 hải thuyền và 250 chiến thuyền, tấn công đánh
Chiêm Thành. (1282-1285). Chế Mân chỉ huy 20,000 quân chận đường đánh
tan quân nhà Nguyên trên đường biển. Trận đánh có sự yểm trợ của nước
Đại Việt trên đường bộ.
Là anh hùng dân tộc, ông lên ngôi lấy hiệu là Jaya Sinhavarman III, người Việt Nam gọi là Chế Mân. Chế Mân có vợ chính thức là hoàng hậu Tapasi, người Java (Indonesia). Năm 1305, vua Chế Mân sai sứ Chế Bồng Đài cùng hơn 100 người, đem vàng bạc, châu báu cùng với những cống phẩm làm sính lễ, sang dạm hỏi, ngõ ý về lời hứa của Thái Thượng hoàng Trần Nhân Tông. Sau khi thảo luận cùng với triều thần, đến tháng 6 năm Bính Ngọ 1306, Huyền Trân Công Chúa lên thuyền sang Chiêm Quốc nên duyên cùng với vua Chế Mân.
Nói thêm về nước Chiêm Thành.
Các vua cuối đời Trần ham mê tửu sắc, chú tâm hưởng lạc. Triều đình chia bè phái, tranh nhau tham ô. Không ai lo mở mang, bảo vệ đất nước, nên vua Chiêm Thành, thời đó là Chế Bồng Nga, đã ba lần đánh chiếm Thăng Long. Cướp của, giết người, bắt phụ nữ đem về nước. Các vua nhà Trần ôm của cải chạy trốn.
Năm 1390, khi giao chiến với quân Đại Việt, vua Chiêm là Chế Bồng Nga bị giết. Chế Bồng Nga chết, đạo quân thiện chiến cũng chết theo, mở đường cho Đại Việt xâm lăng Chiêm Quốc. Vua Chiêm là Trà Toàn phải cầu viện quân nhà Minh tiếp cứu.
Tới đời vua Lê Thánh Tông (1460-1497), nhà vua thân chinh ra mặt trận đánh Chiêm Thành. Quân Đại Việt đã giết 60,000 binh lính và người dân. Bắt sống Trà Toàn và hơn 30,000 tù nhân đem về làm nô lệ. Kết thúc triều đại vương quốc thứ 14, Nước Chàm xem như bị xóa tên trên bản đồ thế giới.
Huyền Trân Công Chúa về Chiêm quốc
Ngày cưới, các quan văn võ nhà Trần, cùng dân chúng tiễn đưa Huyền Trân hơn 1000 người. Dân chúng đi tiễn đông nghẹt, tiếc thương nàng Công Chúa Đại Việt, lấy người dị tộc, khác biệt về văn hóa, phong tục, tập quán, ngôn ngữ, chắc gì được hạnh phúc? Nhưng Công Chúa nhận thức được rằng, đó là lợi ích của dân tộc, chấm dứt chiến tranh, mang hòa bình cho cả hai nước, nên nàng sẵn sàng ra đi. Hơn nữa, thực hiện lời hứa của phụ hoàng.
Huyền Trân rạng ngời trong ngày cưới, bên ngoài nhiều lời xì xầm, bàn tán. Cho đến nay, người đời sau vẫn nhớ Huyền Trân Công Chúa, đã có công mở mang bờ cõi của Đại Việt về phía Nam.
Hôn lễ của Huyền Trân và Chế Mân, được tổ chức rất linh đình tại Chiêm quốc. Nhà vua ra tận cửa biển đón Huyền Trân Công Chúa. Chế Mân mặc áo bào trắng, quần che cũng màu trắng, ngoài khoác áo giáp đan bằng sợi vàng, chân mang hia đen thêu chim thần Garuda, ngang ngực thắt đai ngọc, lủng lẳng bên hông thanh bảo kiếm, khắc hình đầu thần Ganesa, đầu voi mình người, vỏ kiếm bằng vàng, chuôi kiếm bằng ngà voi, nạm hồng ngọc, đầu đội mũ bằng vàng, chóp nhọn, trên đỉnh nạm một viên ngọc quý to bằng trứng chim sẻ luôn tỏa ánh sáng 7 màu.
Cuộc giải cứu Huyền Trân Công Chúa
Chỉ mới làm vợ của Chế Mân trong 11 tháng, Huyền Trân Công Chúa trở thành góa phụ ở tuổi 25. Chế Mân chết lúc 50 tuổi, trong một trường hợp thật “vô duyên”. Đó là gió lốc làm gãy một cành cây to trong vườn, rơi xuống trúng ngay vào gáy, khi ông đang tắm nắng để trị bịnh ngoài da. Đó là bịnh hắc lào (Bịnh lác đồng tiền). Bịnh do một thứ nấm gây ra, làm ngứa ngáy nên phải gãi. Có hai thứ lác, lác ướt và lác khô, rất hay lây.
Lễ hoả táng Chế Mân vào tháng 9 năm Đinh Mùi (1307), thọ 50 tuổi, trị vì 26 năm.
Đại Việt sử ký toàn thư ghi lại như sau: “Theo tục lệ Chiêm Thành, hễ vua mất thì hoàng hậu phải lên giàn hỏa thiêu để chết theo. Vua (Trần Anh Tông) biết thế, sợ Công Chúa bị hại, bèn sai bọn Khắc Chung, mượn cớ sang viếng tang, rồi nói, nếu hỏa táng Công Chúa thì việc làm chay không có người chủ trương, chi bằng, ra bờ biển chiêu hồn ở chốn ven trời, đón linh hồn Chế Mân, cùng về rồi hãy lên giàn hỏa thiêu. Người Chiêm Thành nghe theo, Khắc Chung dùng thuyền nhẹ, cướp lấy Công Chúa đem về…”
Việc giải cứu có nhiều nghi vấn
Vì không có sử liệu chính xác, đáng tin cậy, nên việc giải cứu Huyền Trân Công Chúa được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Đầy nhiều nghi vấn. Chế Mân chết vào tháng 6 năm 1307, nhưng tới tháng 10, triều đình Nhà Trần mới nhận được tin báo của Chiêm Thành. Sau 4 tháng, Trần Khắc Chung mới lên đường sang Chiêm quốc, và khi đó Huyền Trân vẫn còn sống. Nghĩa là không có việc lên giàn hỏa táng. Theo tục lệ, thì xác Chế Mân phải chôn, hoặc hỏa táng trong vòng 7 ngày sau khi chết, vì ở thời điểm đó không có phương tiện giữ xác, chống sình thúi. Việc hỏa thiêu hoàng hậu cũng được hỏa táng ngay sau đó.
Trần Khắc Chung giả dạng giặc Tàu Ô bắt cóc Công Chúa Huyền Trân
Vua
Trần Anh Tông bàn kỹ với Phạm Ngũ Lão và giao cho Trần Khắc Chung thi
hành. Trần Khắc Chung và Đặng Thiệu lên đường vào Đồ Bàn, dâng lễ phúng
điếu vua Chăm, rồi tìm cách đưa Công Chúa về nước để tránh bị lên giàn
hỏa. Trần Khắc Chung tâu với tân vương là Chế A Đà Ba, xin cho hoàng hậu
làm lễ cầu hồn Chế Mân. Lễ sẽ đặt ở bờ biển thanh vắng, vào lúc hoàng
hôn vắng lặng, thì vong hồn Chế Mân mới dễ trở về. Rồi ngay sau đó hỏa
táng hoàng hậu Huyền Trân.
"Nếu
Công Chúa hỏa tang thì việc làm chay không có người chủ trương, chi
bằng ra bờ biển chiêu hồn, đón linh hồn nhà vua Chế Mân cùng về rồi sẽ
hỏa thiêu".
Chế A Đà Ba chấp thuận và truyền cho các pháp sư phối hợp soạn thảo chương trình và nghi thức tế lễ. Thuyền đưa Huyền Trân ra biển vào lúc hoàng hôn. Sau khi mãn lễ đàn tràng, Huyền Trân cùng chư tăng, quan khách chuẩn bị trở về, thì đoàn thuyền của Khắc Chung, giả dạng giặc Tàu Ô, xông ra chận đánh và bắt cóc Công Chúa Huyền Trân. Thuyền pháp sư bị đánh chìm, 5 sư tăng bị nước cuốn mất tích, và sau đó được lập miếu thờ tại bờ biển.
Theo kế hoạch ém nhẹm việc giải cứu, thuyền của Khắc Chung hộ giá Công Chúa lênh đênh trên biển vùng Khoái Long, suốt 9 tháng để vua Chiêm không nghi ngờ về việc triều đình nhà Trần bắt cóc Công Chúa
Việc 9 tháng trên biển không hợp lý
Với tư cách là một đại công thần nhà Trần, Trần Khắc Chung có cả chục phương cách để giữ bí mật về việc bắt cóc và đưa Công Chúa về Thăng Long. Trên thuyền có ít nhất là vài chục binh lính làm thủy thủ, phục dịch mọi thứ về đời sống cho vài chục người trên biển. Phải đi chợ mua thực phẩm mỗi tháng 4 lần. Chín tháng trên biển phải chịu đựng bốn mùa phong ba bão táp, sóng to gió lớn…
Về chuyện ấy, chỉ có trời biết, đất biết, 2 người đó biết, hàng chục binh lính biết! Cho nên dân gian truyền miệng có câu.
Tiếc thay hột gạo trắng ngần
Đã vo nước đục, lại vần lửa rơm
“Nước đục” ám chỉ Chế Mân thuộc sắc tộc lạc hậu, thằng Mán, thằng Mường. “Lửa rơm” ám chỉ Trần Khắc Chung và Huyền Trân. Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén.
Việc binh vực Công Chúa Huyền Trân có công mở mang bờ cõi thì không ai chối cãi được. Còn việc ấy thì chỉ có trời biết.
Theo Phạm Văn Sơn, trong Lược sử Toàn thư, thì “Việc Trần Khắc Chung lập mưu đưa Huyền Trân về nước, sau khi Chế Mân qua đời là, việc bất tín đối với Chiêm Thành, thì phản ứng của nước Chiêm là chính đáng”. Đó là việc Chế Bồng Nga đã đòi lại đất của hai châu Ô, Lý. Đã có ba lần đánh chiếm Thăng Long, và các vua nhà Trần đã ôm của cải chạy trốn.
Lễ hội Đền Huyền Trân ở Thừa Thiên, Huế
Điện thờ Công chúa Huyền Trân
Hằng năm tỉnh Thừa Thiên, Huế mở hội Đền Huyền Trân, tại núi Ngũ Phong, phường Tây An, thành phố Huế. Tham dự lễ gồm có đông đảo người dân, tăng ni phật tử, các chức sắc tôn giáo, và cả khách du lịch. Chương trình buổi lễ gồm có, màn trình diễn hoạt cảnh thể hiện Công Chúa là người có công mở mang bờ cõi. Những điệu ca múa được những thiếu nữ sắc tộc Chàm và nghệ sĩ người Việt thực hiện.
Lễ hội là dịp tưởng nhớ công ơn mở mang bờ cõi của Công Chúa Huyền Trân, người con gái yêu thương và xinh đẹp của vua Trần Nhân Tông, vì sự nghiệp lớn là đem về cho Đại Việt một vùng đất Châu Ô, Châu Lý diện tích vuông ngàn dặm.
Chuyện tình Huyền Trân Công Chúa trong thi ca và âm nhạc
Chuyện tình Huyền Trân Công Chúa đã đi vào thi ca, âm nhạc, nghệ thuật. Trong thời đó, dân gian cho rằng Chiêm Thành là một dân tộc thấp kém nên có câu:
Tiếc thay cây quế giữa rừng
Để cho thằng Mán, thằng Mường nó leo.
Trong bài` hát “Nước non ngàn dặm ra đi” theo điệu Nam Bình, có người cho rằng Công Chúa đã thốt ra trên đường đi về Chiêm Quốc:
Nước non ngàn dặm ra đi…
Mối tình chi!
Mượn màu son phấn
Đền nợ Ô, Lý
Xót thay vì, Đương độ xuân thì. Số lao đao hay nợ duyên gì?
Đó là than phiền số phận lao đao để trả nợ cho hai châu Ô, Rý.
Trong âm nhạc, nhạc sĩ Phạm Duy đã dùng câu “Nước non ngàn dặm ra đi” để nói về tâm sự của Công Chúa Huyền Trân trên đường sang Chiêm Quốc:
Nước non ngàn dặm ra đi…
Dù đường thiên lý xa vời
Dù tình cố lý chơi vơi
Cũng không dài bằng lòng thương mến người…
Trong bài “Trường ca trên đường cái quan” của Phạm Duy, nhạc sĩ đã phổ nhạc những bài thơ của Đào Tuyến Luyện. Các nhạc sĩ Nguyễn Hiền, Châu Kỳ, Nam Lộc, và cổ nhạc cũng đã dựa vào Huyền Trân Công Chúa.
Tiểu thuyết lịch sử
Cuốn tiểu thuyết “Bão táp triều Trần” có 4 tập: Bão táp cung đình, Thăng Long nổi giận, Huyền Trân Công Chúa, Vương triều sụp đổ, được xuất bản năm 2003. Dịch giả Chapui Gérard chuyển sang tiếng Pháp cuối năm 2009 và phát hành năm 2012.
Đặt tên đường Huyền Trân Công Chúa
Huyền Trân Công Chúa được vinh danh như người phụ nữ đã góp phần mở mang đất nước và kiến tạo hòa bình, cho nên đã có 12 con đường mang tên Huyền Trân Công Chúa. Riêng ở Sài Gòn có hai con đường, một ở quận 1, và một ở quận 11.
Kết luận
Người
mở mang bờ cõi, bảo vệ lãnh thổ thì được người dân tôn vinh, nhất là
người thiếu nữ, Công Chúa đời Trần: Huyền Trần. Trái lại, trong lịch sử
dân tộc đã có những tên bán nước cầu vinh, thì lịch sử nguyền rủa.
– Trúc Giang MN
(Minnesota, 8-9-2022)
H.Phi chuyển
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét