20 thg 9, 2022

Mời Xem 2 Truyên Ngắn của Lan Khai ( 1905-1945 )

 1/ Con bò dưới Thủy tề

Buổi trưa một ngày tháng Sáu.

Trận mưa sùi sụt từ mấy hôm trước lúc ấy tạm ngừng. Những đám mây trắng đục, vẩn khắp bầu trời, lắng xuống cảnh vật một thứ ánh sáng lạnh lùng. Núi xa gợn thành những vệt thiên thanh sẫm. Những đám hơi nước kéo ngang sườn núi như những dải sô trắng, cỏ cây xờ xạc, có dáng mệt mỏi sau luôn mấy hôm bị giày vò dưới những giọt mưa kế tiếp. Trên mặt đất, vật gì cũng đầm đìa những nước. Mặt hồ Ba Bể dềnh lên, nom như một mảnh gương mờ. Ngọn gió chốc chốc thoảng khí lạnh vào tâm hồn.

Lúc ấy, trên cái sân phơi trước mấy gian nhà tre lớn, cách xa lợi nước bốn năm chục thước, Ma Thái Ảnh ngồi bó gối, đôi mày cau có, vẻ mặt hầm hầm. Tuổi trẻ, vóc người cao và mảnh, chân tay dài, gân guốc. Đầu tuy bé mà cổ rất to, mặt lưỡi cày, da bánh mật điểm mấy nốt rỗ huê. Cái trán thót và ngắn không đủ chỗ cho cặp lông mày chữ bát rậm rì che trên đôi mắt voi. Cái mũi ghé nhòm cái mồm rộng, cặp môi thường mím chặt, họa hoằn nở một nụ cười, khi đắc chí. Thái Ảnh rất ít nói. Nhưng sau cái bộ lì lì ấy thường ẩn vô số ý tinh nghịch. Trên đời, Thái Ảnh chỉ có một sự ham mê: săn bắn. Theo ý anh ta, phát được mũi tên trúng chỗ hiểm của con vật mình định giết, tức là cái khoái lạc vô song, và đuổi theo kỳ cùng một con ác thú vào tận rừng sâu thung rậm mới là cái trò quẩng mỡ xứng đáng với cặp mắt tinh nhanh, cái tài trăm phát và cái sức khỏe có thừa của mình.

Nhà có độc một mẹ một con, thế mà hơi được vãn việc ruộng nương, anh ta đã xách nỏ vào rừng. Bà mẹ, vì vậy, thường âm thầm một mình trong mấy gian nhà trống rỗng. Lắm lúc bà thấy con ham mê săn bắn quá, thường can ngăn hoặc dức lác, nhưng lời mẹ nói chẳng ăn thua!

Luôn mấy hôm trời mưa, Thái Ảnh phải ngồi nhà. Bà mẹ định nhân dịp ấy khuyên con lưu ý đến việc làm ăn để mẹ con hôm sám gần gụi nhau. Định thế, nhưng có lúc nào bà nói được ý mình. Thái Ảnh bị bó chân, suốt ngày tấm tức, nguyền đất rủa trời, ném dao quăng điếu, đứng không yên chỗ, ngồi thấy ngứa chân và, hồ thấy mẹ đến gần là vội lảng vào buồng nằm, hoặc xuống nhà chòng ghẹo mấy mống chó con.

Trưa hôm ấy, trời tạnh ráo. Thái Ảnh đã mừng. Nhưng, lúc ra sân nhìn trời mây và thấy chưa có ý hẹn cho cái điều mình muốn, anh ta bực tức vô cùng, ngồi bệt xuống sàn một cách thất vọng. Thái Ảnh chỉ ước ao có cái chổi phép gì quét sạch hết mây đen, hay có thế gì đấm lên cái bộ mặt ủ ê của cảnh vật mấy đấm cho bõ ghét.

Thốt nhiên, ngoài cổng, có tiếng người reo :

- Biết ngay đoán không sai mà!... Có thế chứ lại!

Thái Ảnh thấy Sau Rắt tất tả lên thang, liền đứng phắt dậy hỏi dồn :

- Cái gì thế, Sau Rắt?

- Về mấy dấu chân ở ngoài bãi hồ ấy mà!... Tôi đoán ngay là dấu chân bò, anh cứ gân cổ cãi mãi!...

- Thế sao?

- Sáng hôm nay tôi rình xem, quả nhiên là một con bò, to lắm, béo lắm!...

- A thích nhỉ!... Anh bắn ngã nó rồi chứ?

- Tôi thích quá, hấp tấp thành bắn trượt; nó... lặn ngay xuống hồ!

Thái Ảnh cau mặt lại :

- Cái gì?... Anh vừa nói cái gì?

- Tôi bảo con bò ấy nó lặn xuống hồ mất mà lại!

- Này thôi! Có phải anh định đến đây để giễu tôi thì mời anh bước ngay... Tôi là một thằng cục tính, hẳn anh đã biết!

- Ô hay! Anh không tin ra bãi xem! Hiện dấu chân nó còn kia.

Bà mẹ Thái Ảnh thấy hai người cãi lẽ nhau, ngó đầu ra bảo con rằng :

- Sau Rắt nói thật đấy, con à!... Mẹ, khi còn nhỏ, vẫn nghe các cụ già nói: "Ở gò ta thỉnh thoảng lại có con bò dưới Thủy tề lạc lên". Có lẽ là nó đấy.

Sau Rắt hớn hở :

- Anh xem! Giờ hẳn anh không còn ngờ là tôi nói đùa nữa. Tôi lại đây chính để bàn với anh cái cách săn con bò ấy.

Bà mẹ Thái Ảnh vội xua tay.

- Chớ!... Của thiêng chớ có động vào! Hai người nên nghe lời ta!

Thái Ảnh đưa mắt cho bạn rồi nói rằng :

- Tưởng loài vật thường thì săn, chứ cái quái ấy thì tôi chịu!

Bà cụ thấy lần này Thái Ảnh chiều ý mình một cách dễ dàng quá, bà lấy làm ngờ. Nhưng Thái Ảnh khéo làm mặt tự nhiên, khiến bà được yên lòng.

Sau Rắt hiểu ý bạn, cũng lảng sang chuyện khác. Hai người dắt nhau vào nhà hút thuốc.

Nhân lúc bà cụ xuống thăm ổ trứng gà, Thái Ảnh khẽ bảo bạn :

- Anh cứ về sắp sửa sẵn sàng và rủ cả bọn khán Nạn một thể. Mai sớm tôi sẽ lại. Ta nhất định bắn con bò ấy. Lâu nay mình đang thèm thịt. Vả, thịt bò dưới thủy, đánh chén hẳn ngon!

° ° °

Sáng hôm sau, trời lại lấm tấm mưa. Mây nước, núi rừng vẽ ra một bức tranh thủy mặc lờ mờ. Dưới những giọt nước nhè nhẹ, mặt hồ gọn lăn tăn thành những cái vòng tròn xoắn xuýt. Tiếng mưa gieo ngấn nước, nghe lăn tăn rất hay. Bờ lau búi sậy yên lặng như tờ. Ánh sáng nhạt nhẽo và vẻ đìu hiu làm cho cảnh hồ ban sáng lạnh lùng như một cảnh chết...

Thốt nhiên, mặt hồ hơi sóng sánh; rập rềnh, nhấp nhô, trao lộn... rồi phun lên hai vệt nước trắng, phè phè như tiếng bễ lò rào...

Một cái rung động chạy thoáng qua đám lau lách trên bờ...

Tiếng phè phè mỗi lúc một mạnh; sau cùng một cái đầu thú nhô lên... Dưới cặp sừng nhọn hoắt, hai mắt lấc láo nhìn nghi ngại...

Bốn bề vẫn yên lặng... Trong khoảng trời cao hồ rộng, tuyệt nhiên không có tiếng động nào khác tiếng mưa rả rích và tiếng nước phun tự hai lỗ mũi con vật khác thường kia...

Cái đầu thú lập lờ nghe ngóng chán rồi mới men lại gần bờ và nổi hẳn mình lên trên mặt nước. Chớp mắt con vật đã sừng sững hiện trên bãi cát. Hình dáng, tầm vóc, cả cái sắc lông đỏ quạch đều hiển nhiên là một con bò. Nó rùng mình một cái, những giọt nước còn đọng trên lông bắn tóe như mưa, đoạn nó lửng thững đi về phía rừng cây...

... "Trếch!... Trếch!..."

Dây nỏ bật liền liền...

Tự những đám lau sậy chung quanh đấy, một bọn đông người mọc lên như ma hiện. Trong số ta nhận thấy Ma Thái Ảnh và Nùng Sau Rắt.

Con vật, trúng tên, rống lên một tiếng nguy cấp rồi vùng chạy xuống hồ. Muộn rồi! Bọn thợ săn đã đoán trước ý ấy. Họ vội chạy tản theo lợi nước, miệng hò reo ầm ĩ. Thấy đường về bị cắt, con vật ngần ngừ một lát đoạn phá vào rừng. Nhưng nó vừa loạng choạng được mấy bước đã lăn ềnh ra bãi, mắt trợn ngược, mồm sùi bọt, giãy lên mấy cái rồi nằm im...

Bọn thợ săn chia nhau kẻ đứng canh, người chạy tìm cỏ khô, rơm nỏ và gọi dân làng đến. Chỉ vừa nhá giập bã trầu, trên mặt bình sa đã bốc lên một đám khói đen nghi ngút rồi lửa cháy đùng đùng thui con vật còng queo. Chung quanh thì già trẻ, lớn bé xúm lại như đàn ruồi, cười nói như chợ vỡ.

Trước hết, người ta cắt nguyên một đùi, quả tim, lá gan là phần mũi tên đầu và phạm nhất của anh chàng họ Ma. Rồi cứ theo thứ bậc từng người mà phân phát kẻ một xâu, người một xách, ai về nhà nấy, để trơ lại một đống tro tàn theo giọt mưa trôi ố sắc cát hồ. Cái tịch mịch lại dẫn buông trùm xuống cảnh vật. Trong khoảng trời cao hồ rộng, lại chỉ thấy tiếng mưa rả rích và tiếng sóng uể oải đập bờ...

Thái Ảnh lễ mễ xách phần thịt của mình về nhà. Từ lúc anh phát được mũi tên rất tài tình nọ, tiếng khen ngợi luôn luôn gãi vào lòng tự ái của anh chàng. Nhất là những cái nhìn thán phục của mấy cô gái càng khiến anh ta như say sưa. Thái Ảnh săn bắn thường được nhiều vật lạ, cả hổ báo là những giống nguy hiểm biết báo thù, kẻ tài kém gan non ít khi dám trêu đến; nhưng cái vinh dự của anh ta lần này mới thực tới chỗ tuyệt cao. Họ chịu cái tài anh bắn giỏi không bằng họ kinh cái gan anh dám chẳng kiêng nể vật thiêng liêng.

Thái Ảnh nghĩ ngợi liên miên, mãi lúc về tới cổng mới sực nhớ đến lời mẹ dặn. Anh ta ngập ngừng lo sợ, chưa dám quả quyết lên nhà. Ngay lúc ấy, bà cụ bước ra sân, chừng đang nóng nảy chờ con. Bà thấy Thái Ảnh, cơn giận ở đâu đưa ngay lên cổ, bà quát mắng rằng :

- Thằng con mất dạy kia! Mày định đem tai vạ về cho tao đấy phải không? Muốn sống bước đi đâu thì bước, đừng bận mắt tao nữa!... Đi!... Đi ngay!... Trời ơi, con ơi là con!... Thân già này rồi cũng đến khổ vì mày thôi!...

Thái Ảnh cúi đầu nghe mẹ mắng. Anh ta tự thú rằng không nghe lời mẹ như thế là có lỗi, bèn lủi thủi xách phần thịt của mình sang nhà Sau Rắt. Đến nơi, Thái Ảnh đã thấy họ đang chè chén linh đình, mùi thịt mới xào thơm nức mũi. Ai nấy tiếp Thái Ảnh bằng cái vẻ ngạc nhiên.

- Tôi vừa về đến cổng, mẹ tôi chửi rầm lên, nhất định không cho vào cổng, nói rằng con bò của thần, ai dám động vào tất bị tai vạ.

Bọn kia cười :

- Thế rồi anh sang đây?... Tốt lắm! Anh ở đây chén với chúng tôi càng vui, tai vạ đâu, bọn ta cùng chịu chứ sao!

Thái Ảnh ngập ngừng :

- Tuy vậy, những điều tin tưởng của người già, ta chớ nên coi thường cả...

- Ô hay! Cái anh này hôm nay cũng lẩn thẩn nhỉ. Cơ dễ anh hối rằng đã cho chúng tôi bữa chén vui?

- Này thôi, đừng có làm cái bộ dạng đàn bà thế nữa mà khó coi lắm!

Mỗi người bông lơn một câu, khiến cho Thái Ảnh cũng phải vui vẻ ngồi xuống...

Vụt chốc, mọi người thấy tối sầm lại. Mây đen kéo khắp trời. Dải đất tối mù, giáp mặt không trông thấy nhau. Gió bão, tự chân rừng xa, kéo đến như thiên binh vạn mã. Cây cối đổ gãy rầm rầm. Chỉ trong nháy mắt, mái nhà tốc sạch, lá lợp bay tung như bươm bướm. Súc vật hoảng kinh chạy phá vào rừng. Đàn bà trẻ con ríu rít gọi nhau. Nước hồ cuồn cuộn. Những làn sóng cao ba bốn thước, trắng xóa tự ngoài khơi kế tiếp ném vào bờ như một đàn thủy quái điên cuồng. Một làn chớp lóe mắt rạch ngang khoảng đen tối, tiếp ngay mấy tiếng sét long trời chuyển đất, hồi lâu còn vọng vào thẳm rừng sâu, những tiếng rền rĩ ghê người... Mưa trút xuống như thác, tiếng ồn ào át cả tiếng người kêu vật rống. Nước hồ dâng lên trông thấy, mặt gò hẹp mãi lại... Nỗi kinh hoàng của một dúm người mất tăm giữa trận phong ba ấy thực khôn xiết nói... Gió mỗi lúc một gào thét, mưa mỗi lúc một bàng đà, sóng hồ mỗi lúc một tơi bời thì chớp mỗi lúc một liền, mà sấm sét cũng mỗi lúc cấp, như tiếng trống trời điểm dịp cái khúc nhạc mê hồn... Sau cùng, mặt đất bắt đầu chuyển động, cái gò đất hình như đã không chịu nổi sức sóng vỗ gió lay...

Thái Ảnh níu lấy tay bạn, tái mặt nói rằng :

- Anh xem!... Xưa nay có thế bao giờ!... Thôi!... Thôi!... Thôi đích rồi!... Tai nạn này gây nên chính tự bọn ta!

Sau Rắt đã nao lòng, nghe Thái Ảnh nói càng thêm sợ, vội vàng hỏi bạn :

- Làm thế nào bây giờ?

- Chết!... Chết cả!... Giờ thì muôn việc đều muộn rồi!... Tôi phải về thăm dị tôi đây!...

Thái Ảnh vừa nói vừa chạy đâm bổ vào quãng tối. Sau Rắt toan níu bạn lại, bỗng nghe nổ một tiếng cực to... Cái gò đất, như một con cá kình vừa thức giấc, lặn băng xuống đáy hồ, để lại một đám bọt nổi là cái khu nhà của mẹ Thái Ảnh...

Trong đám ồn ào thế là thôi không thấy tiếng người, tiếng vật nữa. Sóng hồ tung tóe rập rờn, mừng thắng trận...

Cái gò chìm thì cơn phong vũ bắt đầu ngớt rồi tạnh hẳn. Chỉ trong giây lát trời lại quang sóng lại lặng, mưa lại tạnh, gió lại êm. Giữa khoảng tịch mịch vô cùng, có chăng cái tiếng rền rĩ tự trong nếp nhà xiêu vẹo sót lại trên mô đất con con... Nhưng, chính cái tiếng ấy đã yếu lắm, nó chỉ là âm vang của chút hơi tàn...

Trên nền thiên thanh trong vắt, sau những dải mây nhè nhẹ, mặt trời lại hiện ra, chói lọi, tươi cười. Nước hồ gọn những vệt vàng lấp lánh. Lúc ấy, ví có người khách lạ phương xa đứng nhìn cảnh vật, tưởng không ngờ đâu, vừa mươi phút đồng hồ về trước, đã xảy ra một trận phong ba chìm đắm biết bao cuộc đời.

Trải qua một cuộc biển dâu, còn lại chỉ một mô đất nhỏ, người sau gọi là gò Yên ngựa; và mấy cái cột nhà vẫn đứng dưới đáy hồ hôm nào trời quang gió lặng, ai để ý nhìn mới thấy. Di tích có bấy nhiêu, mong manh lắm! Mà, trước sự biến thiên của vũ trụ, cuộc đời con người ta xem vậy thực vô thường!

 

 2/ Đôi vịt con

Qua những đám mây xốp trắng, mặt trăng tròn vành vạnh như một cái đĩa ngọc dạ quang treo lơ lửng giữa vòm trời xám nhạt. Ánh sáng trong và mát dịu soi xuống mặt sông chảy như một dòng thiếc lỏng, in lên mặt đường trắng lốp và những mái nhà tranh âm thầm. Chân trời sáng trưng lên. Những chòm cây lẻ loi đằng xa thu bóng đứng cù rù.

Phố xá vắng tanh.

Bọn trẻ ầm ĩ lúc chập tối giờ đã ngủ yên. Đến lượt các cô sơn nữ bắt đầu phụ trăng, phụ "nàng Cuôi", một cuộc vui rất nhiều thi vị ở đường rừng.

Người ta giải chiếu ra đường, lấy một cái sọt nứa úp vào giữa, trên sọt cài một quả bưởi giả làm đầu, ngang sọt xiên một cái đòn gánh làm hai tay. Cái đầu "bưởi" ấy cũng bịt khăn thêu tử tế còn cái "mình sọt" thì khoác tấm áo trắng dài, hai ống tay luồn ra ngoài hai đầu đòn gánh.

Xúm quanh cái hình nhân rỗng ruột ấy, các cô sơn nữ đua nhau đốt hương, dâng hoa sì sụt khấn, hai mùi thơm nhè nhẹ tản theo làn thanh khí đêm thu.

Khấn khứa xong, các cô đỡ lấy hai đầu đòn, rồi cùng nhau cất tiếng hát:

Mơ... ơi, mơi me nàng li lả,

Mơi me pả nàng Cuôi...

Cuôi ngần tắc nậm lẫu nậm nỉ,

Pi cắp noọng... chùa lù...ùng...

Lùng kin thắc mậy chủ... ủ...

Lùng tiên chủ... thế gia... an...

Giữa cái lặng lẽ canh khuya, những tiếng hát sang sảng ấy tấu thành một điệu hát huyền bí mơ hồ...

Hình nhân bắt đầu nhúc nhích rồi cựa mạnh. Nàng Cuôi đã giáng, Hằng Nga đã giáng, sẵn sàng chịu chuyện khách trần gian. Mọi người buông tay ra. Những câu hỏi tiếp nhau, pha lẫn những tiếng cười giòn...

- Nàng Cuôi à! Noọng bao nhiêu tuổi nhỉ? Cô mười tám tuổi ư?

Đầu đòn gánh sẽ gõ xuống chiếu mười tám lần.

- Nàng Cuôi à! Chị Liễu có chồng chưa nè? Có thì nàng gõ hai, không thì nàng gõ một...

- Nàng Cuôi à! Nội đây thì nàng yêu ai nhất?...

Khách Quảng Hàn xoay quanh một lượt, bỗng đặt tay... à quên!... đặt đầu đòn gánh lên vai cô Nhinh...

- Ồ! Cô Nhinh thì cứ gì nàng Cuôi mới yêu. Ngay trần gian chúng tôi cũng...

Câu nói bỡn của thầy cai thơ lại Biên làm cho các cậu trai tơ đứng vòng quanh bên ngoài và các bạn cô Nhinh cười rộ.

Cô Nhinh quay mặt vào phía trong, cô cúi đầu yên lặng.

- Tôi nói thực tình, không phải nhảm nhí đâu, cô Nhinh đừng giận nhé!...

Không! Cô Nhinh không giận, nhưng cô rất thẹn. Cô tự biết đối với nhan sắc của mình, cậu trai trẻ nào cũng máy môi câu ấy cả.

Mới mười tám tuổi xuân, cô Nhinh có thể gọi là một bông hoa hiếm của rừng xanh. Cái áo chàm điểm những đường thêu dịu bó sát lấy mình cô, cái mình mềm mại, tròn trặn như một đoạn song non. Chiếc xiêm thêu ngắn để hở hai bắp chân xinh và đôi gót đỏ như son. Mấy vuông khăn cải những miếng trám vàng đỏ quấn sơ ngoài mái tóc đen nhánh càng tôn cái màu da sữa. Nét mặt trái xoan. Tia mẳt sáng như lưu ly. Cặp môi thắm như một nụ hồng. Đến cái dáng đi thì thật tuyệt. Nó là cái dáng đi của một bà công chúa trong mơ.

Đêm đã khuya lắm.

Mặt trăng chỉ còn cách đỉnh núi Thần bằng một con sào. Khí trời lành lạnh. Hằng Nga trở về cung Quảng; và đám đông cũng chia tay...

Phố xá lại vắng ngắt...

Ánh trăng thiêm thiếp ngủ trên cái lặng lẽ đêm sâu...

Theo con đường vào trại, in loang lổ bóng xoan tây, thầy cai Biên, đầu cúi gục, vừa đi vừa nghĩ ngợi...

Trẻ tuổi, lại dòng dõi thi thư, thầy cai chỉ vì bực với bọn kỳ mục trong làng mà đầu quân. Trong cái bộ áo nhà binh, thầy cai vẫn có cái vẻ nho nhã. Khuôn mặt dài, màu da sáng, trán cao, mắt sáng và ngay thẳng đã như biểu lộ hết tâm tình người thiếu niên anh tuấn.

Thầy cai làm việc quan rất mẫn cán và cư xử lễ độ, nên quan trên và chỗ bằng hữu đều một lòng yêu chuộng.

Chỉ phải cái vẻ mặt hơi buồn, vì từ khi đổi lên đây, thầy Biên lúc nào cũng vơ vẩn nhớ nhà.

Cũng như hầu hết các người Việt Nam dưới trung châu, thầy Biên chân lên đất đường rừng này, trong trí đã đem theo rất nhiều cái thành kiến ngộ nghĩnh. Phải sống trong một cảnh mà thiên hạ vẫn đồn là nơi ma thiêng nước độc, với một đám đông người tính tình, phong tục, tập quán, ngôn ngữ đều khác hẳn với mình, thầy Biên tự coi như một kẻ cô độc, tệ hơn nữa, như một kẻ đi đày! Những lúc sáng sớm chiều hôm, nhìn cỏ núi hoa ngàn, nghe nai kêu vượn hú, buồn tha hương càng nung nấu trong lòng...

Thầy vẫn rình cơ hội tốt để vận động về dưới xuôi, chứ sống ở đây thì sống sao được!

Thế mà... một ngày kia, chỉ vì một sự gặp gỡ, thầy Biên bỗng thay đổi hẳn ý tình.

Một hôm, nhằm phiên chợ, Biên tò mò chạy xem cho đỡ buồn thì gặp cô Nhinh.

Rồi từ đấy, cặp mắt ngây thơ, nụ cười ý nhị và cái gương mặt mơn mởn dưới ánh chiều xuyên qua lớp lá đa thưa cứ vẩn vơ trong tưởng tượng thầy cai... Nỗi buồn lữ thứ trong lòng Biên vụt đã tiêu tán hết, nhường chỗ cho mối tình mới chớm.

Nhất là đêm hôm nay, nhìn cô sơn nữ thấp thoáng dưới ánh trăng, tấm lòng thầy cai càng thổn thức rung động một cách sâu xa, êm đềm... Những thành kiến khi mới lên đây, giờ đổ nát cả. Cảnh rừng xanh núi đỏ, cảnh đèo heo hút gió, Biên nhận thấy là một cảnh có nhiều thú vị đặc biệt, nhiều cái rất nên mộng nên thơ.

Thầy cai không buồn nữa, không nhớ nhà nữa. Trái lại, thầy rất sẵn sàng đem cái thổn thức của lòng mình đáp lại cái tiếng gọi huyền bí của sơn lâm, nếu tiếng gọi ấy sẽ từ miệng cô Nhinh...

Hai năm sau.

Thầy Biên và cô Nhinh đã thành một đôi vợ chồng xinh đẹp, và đã có con.

Một hôm, thầy cai được giấy mãn lại tiếp luôn cái tin anh trai thầy ở nhà mệt.

Thầy phải về. Cuộc ái ân giờ đến buổi phần ly. Hai vợ chồng đều buồn. Nhất là cô Nhinh càng lo lắm... Cô hoảng hốt nhìn chồng, nhìn dải đường xa đầy rẫy những bí mật. Chồng cô đi, đi về quê. Cái tình quyến luyến ngấm ngầm của cô không biết có đủ sức làm cho chồng lại có ngày nhớ đến mà lên chăng! Khó lòng lắm. Họ hàng, làng nước cùng những lẽ bó buộc, những sức mạnh tối tăm khác nó sẽ xui giục, uốn nắn thầy cai theo một lối khác, cái lối chẳng đưa hai người lại gần nhau, chẳng phải là lối trở lên rừng. Vả chăng, đối với nhau, cô chỉ biết có lòng mình, cô chỉ chắc ở niềm ân ái của mình; còn thầy, đã hẳn đâu thầy thực tình thương cô như một người vợ! Người đàn ông có thể ăn ở với một người đàn bà rất lâu mà chỉ coi như một vật mua vui, một thứ giải buồn khi lữ thứ...

Trời ơi! Yêu người mình yêu để đến lúc phân ly mình phải ngờ vực chính người yêu ấy, tâm sự cô Nhinh thực đã đến điều đau khổ.

Thầy Biên chừng đoán rõ tấn bi kịch trong lòng vợ, nên thầy hết sức khuyên giải, hết sức vỗ về, hết sức làm cho cô Nhinh tin ở lời hẹn sẽ lại đoàn viên.

Cúi đầu nghe chồng nói, cô Nhinh chỉ ôm chặt đứa con thơ vào lòng và ứa hai hàng nước mắt. Cô tưởng như có lắm điều muốn nói cùng chồng, mà thực ra cô chẳng nói được lời nào! Đau đớn cũng như yêu thương, cái cảm tình của cô gái sơn lâm nó chỉ ngấm ngằm trong lòng...

Ông Chánh, bố đẻ cô Nhinh, gọi con ra một chỗ vắng, đưa cho hai quả trứng và bảo rằng:

"Nếu con muốn chồng con trở lên đây, thì con hãy luộc đôi trứng này cho nó ăn".

Cô rụt rè kinh hãi. Đối với chồng, cô không muốn dùng những cách ám muội. Tuy nhiên, sự nghi ngờ sau cũng thắng đoạt được dạ thuần lương.

"Anh à! Chịu khó ăn với em hai quả trứng này nữa".

Lúc ấy bữa cơm đã xong, thầy Biên đã đứng dậy. Vì không muốn để phiền lòng vợ, thầy vui cười ăn hết hai quả trứng.

- Thế nào anh cũng lên nhé... con nó nhớ mong tội nghiệp nè!

- Em cứ yên lòng, đúng hẹn một tháng thì anh lên.

- Đừng quên đấy! Nếu đúng hẹn mà anh không lên thì sẽ có sự chẳng lành.

Thầy Biên nhìn vợ, hiểu câu ấy một cách khác, nên cảm động lắm :

- Em Nhinh! Thế nào anh cũng lên, em chớ nghĩ dại dột nhé!...

Cô Nhinh tiễn chồng ra tận xe. Cô nhìn chồng nhìn con bao nhiêu, lòng càng đau xót. Tiếng còi như xé ruột rồi tiếng máy chuyển rầm rầm; chiếc xe cuốn bụi theo thầy cai đi...

Cô Nhinh kéo vạt áo che mặt nức nở khóc. Lúc ngẩng đầu lên thì...

Đoái trông nhau đã cách ngàn,

Tuôn màu mây biếc trải làn núi xanh...

Thầy Biên về đến nhà chỉ vừa kịp nhìn mặt anh trước khi anh tắt nghỉ. Công việc ma chay xong, kế đến việc gia đình, việc thôn ấp trăm thứ nghìn thứ bộn bề tíu tít, khiến thầy quên hẳn cả thời giờ...

Một đêm kia, thầy Biên bỗng giật mình thức giấc, nghĩ đến vợ con. Thầy rờ tay bẩm đốt, tính từ hôm về đến nay vừa chẵn một tháng tròn.

Một tháng tròn! Theo như lời thầy đã hẹn, cô Nhinh hẳn đang mong mòn con mắt...

"Đừng quên đấy, nếu đúng hạn một tháng không lên, sẽ có sự chẳng lành!"

Thầy Biên lo ngại bồn chồn, những cảnh tượng thảm thê lần lượt hiện ra trước mặt. Thầy trông thấy nét mặt rầu rầu của vợ, nét mặt đầm đìa những lệ nhớ mong... Cặp mắt lưu ly dần dần mờ, nụ cười ý nhị dần dần phai, rồi cô gái đẹp sơn lâm vụt biến thành cái thây ma lạnh cứng, bên mình, một đứa con khóc nhếch nhác...

- Mai ta phải ngược!

Quyết định như thế, Biên quay mình vào phía trong định ngủ, thì tự nhiên nổi cơn đau bụng dữ dội. Cả nhà hốt hoảng, vội đón thầy chạy thuốc tíu tít. Vô công hiệu! Biên chỉ giãy giụa chừng mười lăm phút đồng hồ, bỗng thổ huyết rất nhiều rồi chết. Biên vừa tắt nghỉ, một đôi vịt con tự trong bụng chàng vụt chui qua cuống họng ra ngoài rồi biến mất...

Sáng ngày hôm sau, ở trên rừng, người ta thấy xác mẹ con cô Nhinh nổi lập lờ theo dòng suối trong xanh...

Lan Khai


 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét