Sửa trị tệ tham nhũng luôn là điều vấn đề ưu tiên trong thuật trị nước của các bậc minh quân thời cổ. Bài học xưa có lẽ đến nay còn nguyên giá trị.
Trước hết, mời quý vị độc giả nghe lại một câu chuyện trích từ sách “Cổ học tinh hoa” của Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân. Câu chuyện kể về 3 con rận nhưng có lẽ nhiều người đọc vào phải giật mình.
Chuyện kể rằng, có ba con rận bám trên mình con lợn để hút máu đã nhiều ngày. Chúng tranh nhau chỗ hút được nhiều máu nhất, tị nạnh chẳng chịu nhường nhau, cuối cùng bèn đem nhau đi kiện. Đang trên đường tới quan phủ, bỗng nhiên chúng gặp một con rận khác. Con rận kia mỉm cười hỏi:
– Ba anh đi đâu thế?
Ba con rận cùng đồng thanh:
– Đi đến quan phủ đòi công bằng
Con rận kia lại hỏi:
– Thế ba anh định kiện chuyện gì thế?
Ba con rận đáp:
– Chúng tôi kiện nhau vì tranh một một chỗ đất màu mỡ
Con rận kia nói:
– Các anh dại quá. Tôi thấy chẳng nên tranh lẫn nhau thế làm gì. Điều các anh nên lo là con dao của người đồ tể giết lợn và ngọn lửa của bó rơm thui lợn mà thôi.
Ba con rận nghe ra, biết là dại, thôi không đi kiện nhau nữa. Kể từ hôm đó, chúng cùng nhau làm ăn quần tụ, dù no hay đói cũng không bỏ nhau. Thế là con lợn lại ngày một gầy đi mãi. Chủ nhà thấy vậy bèn không nỡ làm thịt mà cứ cố nuôi vỗ béo tiếp. Ba con rận vì thế cũng lại được nhờ, lúc nào cũng no đủ.
Câu chuyện có hàm ý thâm thuý, sâu sắc. Nhiều người cho rằng đây là một bài học giáo huấn về sự đoàn kết, không tranh giành, khuyên bảo người ta phải biết hợp tác mà cùng phát triển. Lại cũng có người cho rằng chuyện 3 con rận chính là để phê phán kiểu người chỉ biết tư lợi của mình, tranh đoạt phần lợi về mình mà tham bát bỏ mâm, quên đi đại cục. Và rồi cũng lại có người liên tưởng đến một câu chuyện khác, có vẻ thoát ly khá xa văn bản gốc.
Đó là câu chuyện gây nhức nhối cho bất kỳ bậc quân vương trị nước nào: tệ nham nhũng! Ba con rận ký sinh trên cơ thể con lợn cũng giống như sâu mọt tham nhũng đang đục khoét công quỹ, ký sinh trên xương máu của quốc dân. Một khi những “con rận” ấy còn đoàn kết, bao che, dung túng cho nhau thì chúng còn sống khoẻ. Con dao của người đồ tể có lẽ đại diện cho pháp luật nghiêm minh. Khi con dao pháp luật ấy vung lên thì những con rận kia cũng hết đường sống. Chỉ là người cầm con dao ấy có dám vung hay không mà thôi. Vậy thì người cầm con dao có phải là các bậc quân vương, các nhà lãnh đạo của một quốc gia, một vương triều chăng?
Tìm trong sử sách, ta có hàng tá bài học của cổ nhân về câu chuyện muôn thuở chống tham nhũng này. Dưới đây là hai câu chuyện ở thời vua Lê Thánh Tông – một trong những vị vua mạnh tay nhất với tham nhũng.
Hai chữ “liêm tiết” thêu cổ áo
Chuyện kể rằng, Vũ Tự, người làng Hoạch Trạch, tỉnh Hải Dương, làm quan vào cuối đời vua Lê Thánh Tông. Để thử đức độ của Vũ Tự, vua sai người giữa đêm khuya đem đến nhà ông một mâm lễ vật quý. Người này gặp Vũ Tự nói rằng mình vừa thắng kiện, muốn mang chút lễ vật mọn đến tạ ơn.
Vũ Tự nói:
– Ta với ngươi không quen không biết. Quốc pháp theo luật vua ban, không phải ơn huệ tình nghĩa cá nhân. Ngươi nghĩ ta là ai mà đi đêm đi hôm, làm chuyện khinh quân phạm pháp này?
Người kia vật nài:
– Bẩm thượng quan, tập tục bây giờ đều thế cả, đây chỉ là chút lòng thành của tiểu nhân thôi ạ!
Vũ Tự mắng ngay:
– Ta há lại phải theo tập tục quái gở này để chịu ô danh như những kẻ tham lam khác hay sao?
Nói xong, Vũ Tự sai gia nhân đuổi người nọ ra khỏi tư dinh. Người kia về tấu trình một lượt với Lê Thánh Tông. Hôm sau, vua gọi Vũ Tự lại khen thưởng, tặng hai chữ “liêm tiết” đính vào cổ áo triều phục để mặc mỗi khi vào chầu vua bàn việc chính sự làm gương cho bá quan.
Vua đóng giả ăn trộm để trị quan tham
Một lần, vua Lê Thánh Tông muốn điều tra kẻ tham nhũng nên cải trang thành môn sinh trường Quốc Tử Giám. “Người học trò” đi thuê nhà, tới gặp chủ quán. Chủ quán thấy về cơ bản đây là người học trò nghèo, không có tiền ăn Tết, rủ lòng thương bèn nói:
– Ta có nghề ăn trộm rất tài, mà chỉ lấy của người giàu thôi. Cậu có cùng đi thì đôi ta chia phần.
“Người học trò” hồ hởi:
– Cho tôi đi với
Chủ quán thì thầm:
– Được thôi nhưng cậu hứa phải giữ bí mật, cấm chỉ kể cho ai biết. Ta thương cậu nghèo khó nên mới bày ra món hời này.
Đêm hôm đó, hai người đến phủ của viên quan nọ. Nhanh như cắt, chủ quán lao qua tường, đột nhập vào bên trong, một loáng thì chạy ra ấn vào tay “người học trò” 5 nén bạc, đoạn nói:
– Cầm lấy. Hắn là quan coi quốc khố của nhà vua. Giàu lắm!
Lúc đó, “người học trò” cầm nén bạc lên xem hình dáng, kích thước, màu sắc… thì thấy đúng là bạc trong ngân khố của triều đình.
Sáng sớm hôm sau là ngày mồng 1 Tết, vua Lê Thánh Tông sai quân lính gọi viên quan kia vào cung hỏi:
– Đêm qua nhà người bị mất trộm phải không?
Viên quan giật thót người, ấp a ấp úng không nói nên lời, vẫn cố cãi là không mất gì. Vua gọi mang ra 5 nén bạc có khắc chữ: “Ngư khố bạch kim” (bạc của kho triều đình). Lúc đó, viên quan coi kho mới hoảng hồn, cúi đầu nhận tội. Nhà vua hạ lệnh bắt giam rồi giao cho bộ Hình xét xử. Đồng thời, vua cũng truyền báo cho chủ quán nọ bỏ thói trộm cắp. Chủ quán vâng lời vua, làm việc chuyên cần, bỏ hẳn “nghề” tắt mắt. Dân quanh vùng vui mừng thấy chủ quán hoàn lương.
Để trừ dứt nạn tham nhũng, vua Lê Thánh Tông còn đặt ra Bộ luật Hồng Đức là bộ luật chống tham nhũng mạnh mẽ nhất, tích cực nhất ở Việt Nam thời phong kiến. Trong Điều 138 của bộ luật này có ghi: “Quan lại mà tham nhũng, nhận hối lộ, làm sai phép nước thì bị phạt: tham ô từ 1 đến 9 quan tiền bị cách chức, từ 10 đến 19 quan thì bị đánh trượng rồi đi đày, từ 20 quan trở lên bị xử chém. Các quan ăn hối lộ từ 1 đến 9 quan bị phạt 50 quan, từ 10 đến 19 quan thì bị phạt từ 60 đến 100 quan, từ 20 quan trở lên bị phạt làm phu. Của hối lộ một phần trả lại chủ, một phần sung vào kho”. Nhờ pháp luật nghiêm minh nên tài sản của dân, của nước thời ấy đều dồi dào, phong tục thuần hậu, nhân dân yên ổn. Sử sách còn ghi rõ: “Ngủ đêm mọi nhà không phải đóng cửa, ngoài đường không ai nhặt của rơi”.
Vua Minh Mạng xử tử bố vợ vì tham nhũng
Sau này, vào thời nhà Nguyễn cai trị, có một vị vua cũng noi gương Lê Thánh Tông trị tham nhũng, được mệnh danh là “khắc tinh của tham quan”. Đó chính là Hoàng đế Minh Mạng. Người ta còn truyền nhau câu chuyện vua Minh Mạng xử tử cả bố vợ mình vì tham nhũng của công
Chuyện kể rằng, Huỳnh Công Lý là võ tướng từ thời vua Gia Long, lập được nhiều công lao nên được phong là Lý Chính Hầu, con gái của ông được vua Minh Mạng phong là Huệ Phi. Từ đó Lý Chính Hầu càng được tin dùng, được phong làm Phó tổng trấn Gia Định, quyền hành chỉ sau mỗi Tổng trấn Lê Văn Duyệt.
Khi Lê Văn Duyệt ra Huế, Lý Chính Hầu đảm nhiệm phụ trách trấn Gia Định, nhân cơ hội này mà thừa cơ vơ vét của cải của người dân và binh lính. Khi Lê Văn Duyệt quay về Gia Định thì nhận được rất nhiều tin báo về việc làm của Lý Chính Hầu. Sau khi xác thực vụ việc Lê Văn Duyệt liền báo về Triều đình.
Không kể là người nhà, vua Minh Mạng hạ lệnh bắt giam ngay bố vợ và cử người vào Gia Định tìm hiểu sự việc. Khi sự việc được báo lên Vua, số tiền Lý Chính Hầu tham nhũng lên đến 30.000 quan tiền, vua Minh Mạng buồn rầu mà than rằng: “Trẫm nuôi dân như con, thực không kể phí tổn. Nhưng bọn quan lại tham lam giảo quyệt, ngấm ngầm chứa đầy túi riêng, mà kẻ quan quả cô độc lại không được thấm nhuần ơn thực. Gần đây Huỳnh Công Lý làm Phó Tổng trấn Gia Định không bao lâu mà bóc lột của dân trên ba vạn. Nếu các viên mục thú đều như y cả, thì dân ta còn nhờ cậy vào đâu. Trẫm dẫu có lòng săn sóc thương xót cũng không làm thế nào được”.
Sau đó cuộc điều tra còn cho thấy Lý Chính Hầu khi ở Huế có bắt lính xây nhà riêng cho mình ở sông Hương. Vua liền cho bán ngay ngôi nhà này lấy tiền giúp cho cấm binh. Vụ án kết thúc, Vua lệnh cho xử theo đúng luật định bất kể đó là người nhà hay Hoàng thân quốc thích. Lý Chính Hầu bị xử tử ở Gia Định, tài sản bị tịch thu để trả lại cho binh lính và dân chúng
Tịnh Văn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét