BỨC TỬ “ KẺ” HIỀN - PHÁ GIA KẺ KHÁC LÀM GIÀU - TAY VẤY MÁU.
Chim Yến được biết đến là loài chim hiền hoà, trung thành hết mực. Trong đời sống vợ chồng, cả đời chung tình. Khi một trong 2 con chết đi, con Yến còn lại kêu gào thống thiết rồi tự sát theo.
Khai thác tổ yến ngoài tự nhiên là hành vi bức tử loài chim này để làm giàu. Tại sao như vậy? Trước hết, hãy cùng đọc bài khảo cứu của tác giả Huyền Đức. Huyền Đức là bút hiệu của đạo hữu Huỳnh Tấn Đức ở Nha Trang. Vào những thập niên trước, anh tham gia viết thể loại biên khảo cho Đặc San báo Khánh Hoà.
NHA TRANG - KHÁNH HÒA có một loài chim biển đen, nhỏ làm tổ trên các hòn đảo ngoài biển, đem đến cho quê hương một nguồn lợi rất lớn đó là yến sào hay tổ yến.
Loài chim yến này có tên là Hải Yến, Huyền điển, Du hà ru điểu (chim bay trên sóng nước), yến oa, yến thái, quang yến, kim ty yến, có tên khoa học là Collocalia sp, thuộc họ vũ yến (Apodidae). Chim yến thường có mặt tại nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á dọc theo ven biển các nước: Nam Dương, Mã Lai Á, Phi Luật Tân, Thái Lan, Cam Bốt, miền Nam Trung Quốc (bờ biển Phúc Kiến, Quảng Đông, Hải Nam) và Việt Nam.
Riêng ở Việt Nam, chim Yến sống nhiều ở ven biển trên các hòn đảo nhỏ từ Quảng Bình cho đến Hà Tiên. Có ba vùng đặc biệt nhiều yến sào nổi tiếng là Cù Lao Chàm (Quảng Nam - Đà Nẵng), Mũi Én và vùng bờ biển Nha Trang (Khánh Hòa).
Nha Trang có lượng yến sào nhiều nhất trong nước. Cho đến năm 1988, người ta phát hiện có khoảng 8 hòn đảo quy tụ một số lượng nhiều chim yến làm tổ tại Hòn ngoại (4.000 tổ mỗi mùa), Hòn Nội (hai hòn đảo trong hải phận Cam Ranh): Hòn Hổ, Hòn Chà Là (ở trong vịnh Nha Phu); Hòn Dụm (còn gọi là Hòn Yến); Hòn Mùn, Hòn Nọc (thuộc đảo Đàm Mông); Hòn Xa Cừ...
Riêng Hòn ngoại có sản lượng tổ yến khai thác rất cao, có ngày đạt đến 1000 kg yến sào với khoảng cách làm tổ của chim là 130mm, có đến ba hang với đường hầm vừa cao vừa dài chạy suốt từ triền phía Nam sang triền phía Bắc. Đường ngoắt ngoéo, lúc thẳng lúc cong. Ánh sáng lờ mờ từ những kẽ đá trên đỉnh lọt xuống.
Theo sách Mytère la Mer của Larou và Ô Châu Cân lục của Tiến sĩ Dương Văn An viết vào năm Ât Mão (1555), niên hiệu Cảnh Lịch, đời Mạc Phúc Nguyên có ghi chép về nguồn lợi thiên nhiên của hải sản nước ta vô cùng quý giá và hiếm là yến sào, cũng là tài sản quý của Đàng Trong.
Yến sào được xếp vào hàng đầu trong tám loại thực phẩm quý giá như: Tổ yến, Hải sâm, Bào ngư, Hầu lớn, Gân chân hươu nai, Ốc cửu
khổng, Da tê giác và Bàn chân gâu.
Vậy chúng ta hãy nghiên cứu cái tổ yến nhỏ bé này có cái gì đặc biệt mà lại đứng đầu trong bát bửu.
- Tổ yến là do sự cấu tạo nước dãi của loài chim yến tiết ra để làm tổ cho chim yến sinh sống và đẻ trứng hàng năm vào thượng tuần tháng 3 Âm lịch trên các đảo ngoài biển.
Chim yến là giống chim mình nhỏ, thân dài từ 9 đến 10 cm, lông không đẹp, hót không hay, cánh dài và nhọn, đuôi ngắn, mỏ cong, lông ở bụng và lưng màu xám, lông ở cánh và đuôi màu đen như huyền do đó người ta còn gọi là Huyền điểu; nặng được 7-10gram, con cái to hớn con đực, ngón chân có màng, thường bơi lội hay bay lướt trên mặt nước, thức ăn của chim thường là các động vật nhỏ như muỗi, kiến cánh, mối, rầy... Chúng ta cũng đừng nhầm với loài chim Én mình thon, mỏ rộng, đuôi dài và chẻ thành hình chữ V, tuy cùng họ yến nhưng không cho yến sào.
Chim yến thường sống ở nơi hiểm hóc, khi thì ở những mũi đá lởm chởm, dựng đứng, phía dưới là vịnh nước đen sâu, đầy đá ngầm chỉ là những hòn đảo ngoài biển nên việc khai thác tổ yến rất là nguy hiểm và khó khăn.
Theo sách xưa kể rằng vào những năm cuối thế kỷ 18, ông Lê Văn Quang cùng con gái là bà Lê Thị Huyền Trâm cùng các tướng của Tây Sơn đã hy sinh anh dũng khi chống lại quân nhà Nguyễn Ánh. Ông Lê Văn Quang được dân Khánh Hòa suy tôn là Bảo Yến Đảo Chủ và bà Huyền Trâm là Đảo Chủ Thánh Mẫu vì họ có công bảo tồn đàn chim yến nên dân chúng đã lập đền thờ ở đảo Hòn Nội và tổ chức cúng lễ trước khi vào hang yến khai thác. Họ tin tưởng làm lễ như vậy sẽ thu hoạch được cao hơn nữa không xảy ra tai nạn nghề nghiệp cho mọi người khi lấy yến sào.
Tổ yến ở Nha Trang được chim yến làm trong các hang thoáng mát, trên các vách đá cheo leo ở cầc đảo ngoài biển nên chuột, rắn khó có thể đến phá được, với không khí thoáng mát nên các tổ yến trở nên tinh khiết. Tổ yến bám chặt vào vách đá, miệng tổ có hai chân như hai mấu nhỏ treo tổ yến lên cao, cho nên việc lấy tổ yến phải có kinh nghiệm để lấy tổ được toàn vẹn, không bị hư bể hay rơi xuống biển sâu.
Tổ yến nặng khoảng 8-l0 gram, màu sáng, đủ hai chân, không quá ba vết bẩn như lông chim, tạp chất lẫn vào khi chim làm tổ thì gọi là yến quang hay bạch yến.
Tổ có màu sẫm hơn, đứt một chân, được xếp vào loại yến thiên.
Tổ nhỏ hơn chiều rộng bằng hai ngón tay gọi là yến bài.
Tổ có pha nhiều tạp chất, gọi là yến địa. Nếu lấy tổ mà bị vỡ ra từng mảnh vụn, gọi là yến vụn.
Việc thu hoạch tổ yến thường được khởi hành vào đầu tháng 4 Dương lịch vì lúc này chim yến làm tổ vừa xong - nếu thu hoạch kịp vào thời gian này thì chim yến có thời gian làm tổ khác cho kịp việc khai thác đợt 2. Đợt 2, làm tổ kéo dài từ 2 đến 3 tháng vào khoảng tháng 6 là mùa chim yến con nở. Chim yến đẻ trứng sau 25 ngày thì nở, chờ sau 75 ngày cho yến con đủ lớn mới lấy tổ.
Tổ yến đầu tiên mới làm gọi là mao yến vì khí hậu còn lạnh, trong tổ có nhiều lông yến màu tro đen, hình tổ hơi giống hình hán nguyệt, mặt bám vào hang đá thì tương đối bằng, mặt hướng ra ngoài võng lên, dài độ 6-10cm, rộng 3-5cm, mặt trong lõm vào bên ngoài màu tro trắng, lẫn lộn nhiều lông yến, toàn thể do nhiều lớp sợi chồng chất lên mà thành, mặt bám vào thành đá thì sợi xơ chằng chịt, ngổn ngang, sần sùi; mặt lưng võng lên thì sợi xơ tương đối mịn, sắp xếp thành hình sóng lượn, bên trong tổ thì sần sùi như xơ mướp, chất cứng mà dòn, dễ gãy, chỗ gãy trông như chất sừng. Một tổ yến nặng chừng l0 gram.
Khi chim yến nhả dãi làm tổ, trông dãi yến có lẫn máu nên tổ yến có sợi màu huyết đỏ nâu nên gọi là yến huyết. Loại yến này rất là hiếm và quý. Mỗi vụ thu hoạch chỉ được khoảng 2 đến 3kg yến huyết là cùng. Chính vì vậy người ta dựa vào màu sắc của tổ yến mà phân ra nhiều loại như sau để đánh giá trị mà bán ra thị trường:
- Yến thiên màu vàng giá 2.400 dollars/ lkg.
- Yến địa có màu xám, hơi nham nhở xù xì, giá 800 dollars/lkg.
- Yến bài là loại tổ yến đang làm dở, cỡ nhỏ giá 1.700 dollars / lkg.
- Yến quang có màu sáng hay gọi là bạch yến giá 2.700 dollars /lkg.
- Yến tinh chế làm lại giá 1.200 đollars /lkg.
- Yến hồng hay yến huyết màu đỏ sậm giá 3.000 dollars, hiện nay giá hối suất năm 1999: 01 dollar = 1.390 đồng VN.
Như vậy chúng ta mới biết rằng yến sào Việt Nam có giá trị cao hơn các nước khác vì giá thị trường hiện nay ở các nước là 216.77 dollars đến 1,010.72 dollars / lkg mà thôi. Do đó tổ yến Việt Nam được liệt vào loại tổ “yến Vua” (King Nets) với sắc thái trắng và thơm.
Ngày nay các nước phát triển vùng Đông Nam Á áp dụng kỹ nghệ máy móc đã tinh chế yến ra thành nước yến đóng hộp hoặc bỏ vào hũ với thêm nước sâm cao ly cho thơm, mọi người có thể dùng ngay, thay nước giải khát, không như ngày xưa chúng ta mất nhiều công làm một chén thạch yến để chưng với đường phèn và hột sen (ví dụ: một hũ yến quang của Mã Lai hay Nam Dương giá 6 dollars, còn loại Trung Quốc có từ 3 dollars đến 5 dollars, có sâm cao ly).
Nói đến việc lấy tổ yến thật là nguy hiểm, khó khăn và đầy sự nhẫn nại. Nghề lấy tổ yến đã có từ thời nhà NGUYỄN, càng lúc càng phát triển mạnh bởi sự nhu cầu tiêu thụ trên thế giới đã phổ thông nơi dân gian mà ngày xưa nó chỉ phục vụ cho thành phần vua chúa, hoàng tộc, quan lại, phú thương hay là vật triều cống.
Chính nơi quê nhà - Nha Trang - nơi có nhiều tổ yến vậy mà ít có ai biết đến mùi vị của chén yến ra sao? Có một lần, sau khi tôi bị bệnh sốt rét - thương hàn nặng do cuộc hành quân vào khu vực biên giới ở Lệ Minh, Pleiku, tôi về Qui Nhơn nằm dưỡng bệnh được hai vị dưỡng phụ (Cụ Huỳnh Ngọc Điển và bà vợ là Nguyễn thị Nga) cho ăn thạch yến để lấy lại sức và mới có dịp biết chén yến thạch mùi vị thật thơm ngon chi lạ. Khi sang Mỹ, mới hay là xứ này có đủ món sơn hào hải vị trong đó có yến, bày bán khắp nơi không như ở nước ta bán chui, bán lén. Yến sào rất cần cho mọi lứa tuổi để bồi dưỡng sức khỏe, bổ huyết chân khí, giải độc, có tác dụng làm chậm quá trình lão hóa của hệ thần kinh, tráng dương bổ thận, chính vì vậy mà đắt tiền nên chúng ta hay nghe nói ăn nhiều yến ở tuổi nhỏ thì mập ra, nứt da mà chết, không tốt - quá mắc lấy đâu để mà ăn. Phải không các bạn?
Khai thác yến sào, người ta cần phải có kinh nghiệm trong việc leo trèo nơi các hang núi ở biển khơi - họ dùng ghe len lỏi qua các ghềnh đá chìm nổi dưới nước của đáy hang, đôi khi phải xuống ghe để vừa bơi vừa đẩy ghe qua những nơi hiểm trở, trong khi đó có những đợt sóng ngầm và chồm lên như muốn xô ngã, cuốn phăng đi chiếc ghe nhỏ. Ở các hang thấp, họ phải leo trèo hoặc làm giàn giáo bằng những cây tre già để bốc lấy tổ yến. Đến giữa hang, ghe dừng nơi một bến đầy sạn sỏi và đá tảng - sóng vỗ vào đá, bọt bắn như tuyết, tiếng nghe bập bùng và vang rền như tiếng sấm đất, gió thổi vun vút, hơi nước, hơi đá bốc lên làm lạnh buốt cả người. Nhanh như cắt, người ta đóng giằng những cây tre bắc ngang qua lòng hang, đòi hỏi hai đầu phải tra ép vào hai đầu trơn nhẵn mà không có cây nào đỡ cả. Người lấy tổ yến phải tính toán thời gian lúc nước lên - xuống, làm cho thật nhanh và gọn; chứ nước lên thì cuốn phăng mất giàn giáo và lấp luôn cả lối vào hang - đặc biệt của loài chim yến là không bao giờ làm tổ khi thấy có giàn giáo làm cố định sẵn có trước. Muốn lấy tổ yến còn nguyên vẹn, người ta làm một cái chỉa hoặc móc sắt từ từ gỡ ra khỏi vách đá rất công phu bởi vì có nơi chim làm tổ ở độ cao l00 m cách mặt biển trên vách đá thẳng đứng. Hoặc có hang, người ta đi từ đỉnh đảo xuống bằng cách đóng cọc vào kẽ đá rồi buộc giây vào người thả xuống để lấy yến, có nơi phải leo từ mặt biển lên tùy theo sự cấu tạo của hang. Có những nơi miệng hang quá nhỏ không chui vào được, họ phải làm một cái vĩ đan bằng lá buông gắn vào cây tre, luồn vào hang đỡ dưới tổ yến và nạy cho tổ yến rơi xuống vĩ lá buông. Nhiều gia đình đi lấy tổ yến, họ lại huấn luyện con nhỏ trong gia đình chui qua hang nhỏ để lấy cho dễ dàng. Việc leo trèo này không giống như các vận động viên leo núi vì họ không bám vào dây để leo
Lên, leo xuống. Họ đi trên các vách đá dựng đứng, không có dây an toàn bằng cách họ tựa lưng vào vách đá sau, chân đạp vào vách đá trước, hai tay đỡ vào vách đá trước hoặc sau để leo lên, leo xuống như thế và di chuyển vào sâu trong hang nơi có tổ yến.
Vào xem hang yến phải đợi mùa lấy tổ yến, mới thưởng thức trọn vẻ đẹp và thú vị trong hang. Sự lanh lẹ, khéo léo, dẻo dai của người thợ, cảnh nguy hiểm, vẻ lắt léo của những con đường xuống lên để lấy tổ, cảnh rộn rịp nhưng không ồn ào của bầy yến bị mất tổ... Đa số người làm nghề lấy yến, họ sống ven biển như vùng xóm Bóng (Tháp Bà), xóm Cồn (Lầu ông Năm), Chụt, cầu Đá và Bình Tân... Họ có sức khỏe rất tốt, thân thể tráng kiện. Họ có nhiều kinh nghiệm do từ nhiều đời truyền lại nên tạo thành một nghề “cha truyền con nối”.
Ở Nam Dương và Mã Lai không có nhiều tổ yến thiên nhiên nên họ đã nghiên cứu nuôi chim yến trong nhà bằng cách nuôi loài chim yến bụng có màu trắng, bay đi dụ chim yến hàng vào chung sống trong nhà và dụ làm tổ, khi có trứng người ta cho chim yến bụng trắng ấp - Đến khi có nhiều chim yến hàng, người ta che dần các cửa sổ, cửa lớn làm cho nhà tối lại như hang yến ở đảo vậy - chim yến hàng bắt đầu nhả dãi làm tổ và người ta bắt đầu lấy tổ.
Theo nghiên cứu của giáo sư Đỗ Tất Lợi, thành phần hóa học của tổ yến bao gồm như sau: 50% chất protit; 30.55% chất Glucit; 6.19% chất tro. Trong protit có 2.7 % histidin; 2.7% aciginin; 2.4% xystin; 1.4% tryptophan và 5.6% tyrosin. Trong tro có phospho, sắt, kali và canxi. Hoạt chất chưa rõ.
Theo tài liệu cổ, thì công dụng được ghi đầu tiên trong bảng Thảo Cương Mục Thập Di (1765) như sau: tính chất của yến sào là vị ngọt, tính bình, vào hai phế nan và vị... Tác dụng của nó là nuôi phế âm, tiêu đờm, hết ho. Thường dùng chữa hư yếu, ho lao, sốt từng cơn, hen suyễn, thổ huyết. Thường dùng làm món ăn bổ trong các yến tiệc. Làm thuốc, cho yến sào vào túi vải, thêm nước đun sôi, để lắng mà uống, ngày dùng từ 6 gram đến 12 gram dưới dạng thuốc sắc. Theo tài liệu cổ, đối với người biểu tà, tỳ vị hư hàn không được dùng yến sào. Khi ăn thạch yến chưng với đường phèn thêm hạt sen hay sâm Cao Ly, chúng ta thấy hay khạc nhổ ra nhiều đờm màu trắng và đặc, không nên lo lắng vì yến sào làm long đàm.
Loài chim biển đã nhả dãi của mình ra để cống hiến cho loài người một món ăn quý và hiếm có; đó là “bạc chứa vàng chôn” và nó làm lợi cho tỉnh Khánh Hòa hàng ức triệu đồng mỗi năm. Nhà thơ Đinh Phong cũng ca ngợi Nha Trang với vần thơ:
Biển Én sóng vờn trăng thúy liễu
Đồng Bò hương thoảng gió Hoàng Mai
Nước non vẫn thấm mày dương liễu
Mưa nắng riêng gầy vác lão mai.
Tên loài chim yến cũng đi vào văn học nên mọi người đã đặt cho nó thành tên một ngôi trường nhỏ bên cạnh hông nhà thờ Tin Lành trước rạp chiếu bóng Minh Châu, đó trường Kim Yến mà Phùng Văn Quang đã viết lại trong đặc san NT-KH 98. Hay chúng ta còn nhớ đến khách sạn Hoàng Yến nằm chéo đối diện với khách sạn Nha Trang trên đường Độc Lập vào thập niên 70 hay không? Và sau năm 1975, nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế tại đường Duy Tân biến thành nhà hàng Hải Yến. Nhưng các bạn cũng không nên quên “đoàn chim sắt L-19” tức là phi đoàn 114 “Phi Yến” tung hoành khắp vùng II chiến thuật yểm trợ cho các đơn vị bạn từ hải đảo cho đến cao nguyên không ngại gian nguy - ngày đêm luôn luôn có mặt trên bầu trời như con chim yến nhỏ liệng qua, liệng lại. Thêm vào đó, tên loài chim nhỏ này được các bậc cha mẹ đặt cho tên con mình, những cô gái dễ thương hiền hòa của miền thùy dương cát trắng như tên Hoàng Yến, Bạch Yên, Kim Yến, Bảo Yến, Hải Yến... và cũng đã có một nữ Phật tử Yến Phi đã đi vào lịch sử của dân tộc, tự hiến thân mình cho sự nghiệp đấu tranh tự do tôn giáo mà đài tưởng niệm của cô được xây tại nơi cô tự thiêu là công trường Yến Phi trước ty bưu điện Nha Trang - những cơn sóng cứ nối tiếp nhau đưa vào bờ từng đợt, nhíp nhô cái cao cái thấp, những đám rong rêu trôi bập bềnh làm cho con chim yến nhỏ cứ lượn, lượn theo để đớp lây những sinh vật nhỏ bám theo rong hay bọt biển để rồi tự nó tiết chế ra một loại nước miếng làm hồ quyện thành một cái tổ nhỏ mà loài người cho là chât bổ trời phú cho Khánh Hòa với vần thơ:
Khánh Hòa là xứ Trầm Hương
Non cao biển rộng người thương đi về.
Yến sào thơm ngát tình quê
Sóng sâu đá tạt lời thề nước non.
Viết xong ngày 15-9-99
Huyền Đức.
BỨC TỬ “ kẻ “ hiền lương, làm giàu tay vấy máu!
Mỗi năm chim Yến làm tổ sinh sản thường là 3 kỳ. Khi con Yến mái chuẩn bị đẻ trứng, Yến trống dùng nước bọt tiết ra để làm tổ. Tổ gắn trên những vách đá cheo leo hiểm trở vì loài chim này rất nhạy cảm với những yếu tố có thể gây hại đời sống của chúng. Đến ngày sinh, Yến mái bay về thấy tổ bị lấy mất, đau đớn vì chuyển dạ sắp sinh mất tổ
nhưng Yến lại không bao giờ vào tổ của con Yến khác để đẻ, yến gieo mình vô vách núi, toé máu mà chết. Yến trống bay về thấy chim mái chết, nó lượn lờ quanh khu vực, vừa bay vừa kêu gào thảm thiết rồi cũng đâm đầu vô vách núi mà tự sát theo.
Một câu chuyện có thật, rất thương tâm về sự thuỷ chung của loài Yến, thổn thức hàng triệu triệu trái tim của loài người trên Thế giới.
Vào khoảng tháng 4/2018, một nhà báo người Pháp tình cờ thấy một con Yến bay lượn lờ ven đường lộ. Vừa lúc bay ngang lộ, Yến nàng bị ô tô đụng phải. Oằn mình rơi xuống giữa đường, rướm máu giãy dụa, miệng há hốc như kêu cứu. Yến chàng bay sau, thấy vợ đang bần bật dưới lòng đường, chàng rống lên thống thiết rồi chợt vút lên cao, chớp nhoáng chàng bay đến bên nàng miệng ngậm miếng mồi như muốn sú thuốc cho vợ mình qua cơn thảm nạn. Nhưng than ôi! Đôi mắt nàng từ từ khép, mắt hồn thì luyến lưu chàng đang thảm thiết gào lời vĩnh biệt!. Yến chàng ai oán vụt lao lên không trung kèm theo tiếng bi ai khản đặc, rồi đột nhiên rơi chết cạnh Yến nàng.
Câu chuyện thương tâm của đôi vợ chồng yến được nhà báo ghi hình và đưa lên mặt báo, ray rứt lòng người toàn Thế Giới.
Tìm hiểu đặc thù sinh lý của chim Yến, con người tìm cách khai thác triệt để để lấy tổ.
Dùng nhiều thủ thuật với sự trợ giúp kỹ thuật, cách khai thác mà dân nuôi yến gọi là “ khai thác tổ yến một cách nhân văn”, nghĩa là, sau khi DỤ CHIM về nhà, họ theo dõi bằng camera để biết hoặc dùng kính chiếu hậu để biết tổ nào chim non sau sinh đã đủ cánh bay tự tìm mồi ( còn gọi là yến ra ràng), lúc này chim bỏ tổ, người ta mới khai thác, gọi là khai thác nhân văn. Và người ta đi tuyên thuyết việc “ khai thác nhân văn “ này để bào chữa cho cái “ góc khuất tàn độc” của nghề nuôi Yến lấy tổ.
GÓC KHUẤT CỦA NGHỀ NUÔI YẾN LẤY TỔ.
Đứng trên góc độ của một người Tu Phật, góc khuất đầu tiên là
DÙNG ÂM THANH NHÂN TẠO GIẢ TIẾNG CHIM để DỤ chim bay về nơi mình thiết kế cho yến làm tổ. Lợi dụng sự “ ngây thơ “ của “ người” khác để vụ lợi cho riêng mình đó là THỦ ÁC CÓ CHỦ Ý.
TỔ YẾN LÀ NHÀ CỦA YẾN.
Khi muốn đề cập đến đời sống yên ấm hạnh phúc của 1 gia đình, thông thường người ta hay nói “ mái ấm” hoặc “ tổ ấm” . Nghiệp thức của loài Yến, tổ được xây nên bằng TINH HUYẾT, nước bọt là một biến thể của Tinh Huyết, nước bọt được sinh từ tinh huyết của động vật. Yến dùng nước bọt kết thành tổ, coi đây là nhà của Yến. “ Nghiệp Thức” của loài người xem cái nhà-nước bọt yến là món ăn cao cấp, là nguồn lợi để làm giàu.
Lấy TINH HUYẾT của loài khác , yếu ớt, “ kém trí “ hơn để làm giàu là CÁI ÁC CỦA SỰ CƯỚP BÓC TINH VI CỦA KẺ CÓ “ THẾ LỰC”, CỦA KẺ CÓ SỨC MẠNH.
Bao biện cho hành vi này bằng mỹ từ “ khai thác nhân văn”, nghĩa là chỉ khai thác tổ khi yến đã ra ràng bỏ đi. Đó là cách nói để che đậy cái góc khuất đằng sau.
Nếu chỉ đầu tư nhà xưởng, công cụ, công sức, camera, máy phát điện, biến áp... chỉ để 1 năm khai thác “ nhân văn” 3 lần thì dân nuôi yến không giàu nhanh đến như vậy, thậm chí lỗ, và đàn Yến sẽ không sinh sản nhiều.
- Theo dõi ( camera ) biết Yến mẹ gần đến kỳ sinh nở, khoảng 2 tuần lễ trước ngày “ lâm bồn”, dân nuôi yến “ vác dao” vào cạy lấy tổ. Yến cha bay về thấy tổ mất, lập tức dùng toàn bộ tinh lực máu huyết của mình ngày đêm tức tốc làm ra 1 tổ khác cho vợ kịp ngày sinh. Sự vắt kiệt tinh lực để xây tổ trong khoảng thời gian 1 tuần thay vì bình thường là hơn 1 tháng, có khi “ phọt “ máu thay nước dãi. Yến mẹ kịp ngày sinh, yến con ra ràng, người ta khai thác “ nhân văn” tổ này, gọi là HUYẾT YẾN.
Người tiêu dùng nghe nói Huyết Yến ngỡ là tổ có vân sắc màu đỏ. Thực chất, máu yến ra khỏi phổi sẽ KHÔNG BAO GIỜ CÒN SẮC ĐỎ, mà là sắc đen. Chỉ có dân nuôi mới biết cái màu đen hoặc tổ nào là Huyết Yến. Nhưng lợi dụng thị hiếu, có khi họ cho kết cấu vài tố chất đỏ thiên nhiên từ đất đỏ để yến làm tổ, khi lấy tổ có màu đỏ do nước bọt thấm vào, thực chất máu yến khi tiếp xúc với không khí sẽ có màu huyết đen.
Cách khai thác “ nhân văn” này là cái ÁC CỦA KẺ HÚT MÁU GẦN NHƯ BỨC TỬ “NGƯỜI” KHÁC LÀM LỢI CHO RIÊNG MÌNH. Thay vì khai thác “ nhân văn” 1 lần/4 tháng theo lẽ tự nhiên ( rất ít hoặc có thể không có lãi), thì là 2 lần/4 tháng. Trong đó 1 lần là nước dãi yến tự nhiên và 1 lần là huyết yến.
- Để yến đủ sức sinh sản, càng ngày bầy đàn càng tăng, dân nuôi buộc phải “ âm thầm” mua hoặc bằng nhiều cách nuôi trùng cho yến ăn thêm.
- Môi trường nơi yến ở thường tối tăm và ẩm thấp, nên các loài khác như Gián, Bọ, Thằn lằn... thường cũng mò vào để kiếm sống. Để cho bầy yến tồn tại mà sinh lợi, chủ yến lại phải dùng mọi phương tiện để “ khử gián, mối...”. Dĩ nhiên việc GIẾT GIÁN MỐI này cũng....không có gì ầm ĩ ( mà la toáng lên), giống như nông dân ... xịt thuốc trừ sâu ( thôi mà) ! Nhưng hiện nay kỹ thuật diệt gián, mối... này tinh vi và “ hiện đại” hơn nhiều. Dân nuôi chỉ cần 1 cái xi- ranh “ chích “ 1 hoặc vài giọt thuốc khử côn trùng vào ...nơi cần chích, âm thầm mà hiệu quả “ giết bọ giặc” thì vô cùng cao.
NUÔI TRÙNG CHO YẾN ĂN, DIỆT TRÙNG CHO YẾN Ở AN TOÀN, LÀ HÀNH VI ÁC ĐỘC CỦA KẺ ĐỒ TỂ ĐỘI LỐT NHÂN VĂN.
(H.Phi chuyển)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét