Lâm Ấp Khu Liên thác quốc cơ
Thế lực lăng lê cái hải thùy
Chỉ nhân bất thiện sự thời biến
Cánh sử Tam Phan cận kiết di
Di tích như kim duy cổ tháp
Thảo thụ tiêu điều . thu táp táp
Giang san y cựu khách đăng lâm
Độc điếu tàn dương hoàn ẩm khấp
Trương gia Mô
LÊN CỔ THÁP CHIÊM THÀNH
Từ xưa dựng nước nơi đây
Hùng tâm bám biển đêm ngày lo toan
Ấy ai hèn yếu chóng quên
Để cho sông núi lặng chìm vào mơ
Đền thiêng còn đó trơ trơ
Ruộng nương rừng thẳm bây giờ tiêu tan
Lên cao nghẹn tủi khóc than
Anh hùng đâu hết , chiều tàn hỏi ai
C.D.M.
Trương Gia Mô (1866-1929) hiệu Cúc Nông, tên tự lúc đầu là Sư Thánh sau đổi là Sư Quản, biệt hiệu Hoài Huyền Tử, k hi làm quan ở Huế, còn được gọi là Nghè Mô; là sĩ phu và quan đại thần triều Nguyễn, và là nhà thơ Việt Nam ở những năm đầu thế kỷ 20.
Đỗ Chiêu Đức xin được viết lại bài thơ của Cụ Trương Gia Mô mà Thầy đã đăng bằng tiếng Hán Cổ sau đây :
Đăng Chiêm Thành cổ tháp 登占城古塔
Lâm Ấp Khu Liên thác quốc cơ, 林邑區連托國基,
Thế lực lăng lê cái hải thùy. 勢力淩厲蓋海陲 .
Chỉ nhân bất thiện sự thời biến, 祇因不善事時變,
Cánh sử Tam Phan cận Kiết Di. 更使三藩近吉夷.
Di tích như kim duy cổ tháp, 遺蹟如今唯古塔,
Thảo thụ tiêu điều thu táp táp. 草樹蕭條秋颯颯。
Giang san y cựu khách đăng lâm, 江山依舊客登臨,
Độc điếu tàn dương hoàn ẩm khấp. 獨吊殘陽還飲泣。
Trương gia Mô 張家模
NGHĨA BÀI THƠ :
LÊN THÁP CỔ của CHIÊM THÀNH.
Nối liền các khu vực của xứ Lâm Ấp lại, đó chính là cái cơ ngơi lập quốc của nước Chiêm Thành đó. Cái thế lực mạnh mẽ xuyên suốt bao trùm cả một dải đất liền với bờ biển. Nhưng... chỉ vì không giỏi ứng biến với sự đổi thay của thời cuộc, nên mới khiến cho Tam Phan ( có thể là chỉ Phan Rang, Phan Rí, Phan Thiết ) gần gũi với Kiết Di (?) hơn.
Di tích hiện nay duy chỉ còn xót lại những Tháp cổ mà thôi. Cây cỏ tiêu điều, gió thu hiu hắt, giang sơn vẫn như cũ, khi khách lên tháp để ngắm nhìn, thì chỉ riêng mình xót xa thương tiếc, nuốt lệ trong ánh nắng chiều tà mà thôi !
Đọc bài thơ nầy làm ta ngậm ngùi nhớ lại bài hát HẬN ĐỒ BÀN của Nhạc sĩ XUÂN TIÊN...
.......Rừng hoang vu !
Vùi lấp bao nhiêu uất căm hận thù
Ngàn gió ru
Muôn tiếng vang trong tối tăm mịt mù.
Vạc kêu sương !
Buồn nhắc đây bao lúc xưa quật cường.
Ðàn đóm vương
Như bóng ai trong lúc đêm trường về.
Rừng trầm cô tịch
Ðèo cao thác sâu
Ðồi hoang suối reo
Hoang vắng cheo leo
Ngàn muôn tiếng âm
Tháng, năm buồn ngân...âm thầm...
hòa bài hận vong quốc ca
Người xưa đâu ?
Mà tháp thiêng cao đứng như buồn rầụ
Lầu các đâu ?
Nay thấy chăng rừng xanh xanh một màụ ........
CHÚ THÍCH :
LÂM ẤP 林邑國 / 臨邑國: Lâm Ấp Quốc có thể coi là một vương quốc đã tồn tại từ khoảng năm 192 đến khoảng năm 605, tại vùng đất từ Quảng Bình đến Quảng Nam. Vương quốc này được coi là giai đoạn khởi đầu cho lịch sử Chăm Pa độc lập.
Chiêm Thành 占城 : là tên gọi của vương quốc Chăm Pa (tiếng Phạn: Campanagara) trong sử sách Việt Nam từ 877 đến 1693. Trước 859 Việt Nam gọi vương quốc này là Hoàn Vương. Đầu thế kỷ thứ 11, Chiêm Thành bao gồm 4 tiểu vương quốc là: Amaravati (vùng Quảng Nam, Đà Nẵng ngày nay, và vùng Bình - Trị - Thiên nhưng sau này bị sáp nhập vào Đại Việt), Vijaya (vùng Quảng Ngãi, Bình Định ngày nay), Kauthara (vùng Phú Yên, Khánh Hòa ngày nay) và Panduranga (vùng Ninh Thuận và Bình Thuận ngày nay).
KIẾT Di :Còn chưa biết là để ám chỉ vùng đất nào.
THU TÁP TÁP : là Gió thu xào xạc.
ĐỘC ĐIẾU : là Riêng mình thương xót. ĐIẾU ở đây chỉ sự Tiếc Thương Ngậm Ngùi, chứ không phải là Điếu tang người chết.
ẨM KHẤP : ẨM là Uống, KHẤP là Khóc. UỐNG cái KHÓC, có nghĩa là NUỐT LỆ NGẬM NGÙI.
DIỄN NÔM :
Đây là bài Thất ngôn Cổ Phong gồm 2 vế 8 câu, nên không cần phải chú trọng đến đối xứng, rất dễ dịch :
Lâm Ấp nước non ôi hùng vĩ,
Bao trùm một dải biển bờ ni.
Chỉ vì không khéo xoay thời cuộc,
Nên khiến Tam Phan nhập Kiết Di.
Còn đến hôm nay duy cổ tháp,
Cỏ cây tàn úa gió thu xuy.
Núi sông vẫn thế nao lòng khách,
Nuốt lệ nắng chiều thương cảm bi !
Đỗ Chiêu Đức.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét