11 thg 4, 2018

Dạy tiếng Việt cho trẻ Việt xa Tổ quốc (Hiệu Minh.blog)


Lớp học tiếng Việt ở DC – Minh Phương và các cháu. Ảnh chụp từ màn hình

Đầu năm 2017 trước khi rời DC về nước, anh Hải bên Sứ quán VN tại Mỹ có hỏi sáng kiến giúp bà con VK tại Mỹ, tôi bảo, anh thử giúp lớp tiếng Việt cho trẻ em. Tôi alo cho bạn Minh Phương, Bích Liên và vài bạn bên WB giúp. Về nước nghe tin lớp mở, rất vui. Viết bài cho Quê Hương nhưng các bạn bảo, vừa học được một buổi, đợi chút anh ạ. Thế là bài đó phải viết chung chung.
Hôm nay đúng 1 năm, VTV đưa tin về lớp học (phút 20.40 nhé) đặc biệt này. Vui quá. Lời hứa với Trường Sa thành hiện thực ở một góc nhỏ…

Người gốc Việt thành đạt xứ người nhưng con cháu không biết tiếng mẹ đẻ, thì hội nhập chưa trọn vẹn. Làm thế nào để đạt cả hai luôn là nỗi đau đầu của cha mẹ sống ngoài biên giới.
Vợ chồng người bạn có hai cháu nhỏ sống bên Mỹ, khá thành đạt và giầu có. Tuy nhiên, mỗi lần về nước thăm nhà, anh chị buồn buồn vì họ hàng hỏi thăm, các cháu có biết tiếng Việt không, thì lắc quầy quậy.
Anh chị kể hồi mới sang Virginia, hai cháu mới 4-5 tuổi, tiếng Việt kha khá. Cháu lớn đi mẫu giáo ở Hà Nội nên còn biết đánh vần ABC, bố đọc truyện Sơn Tinh Thủy Tinh các cháu nghe say sưa.
Thế rồi vào trường Mỹ, sợ con mình không biết ngoại ngữ nên ra sức dạy tiếng Anh, nhưng các cô giáo bảo, anh chị đừng sợ, tiếng Anh sẽ vào một cách tự nhiên. Cái cần là nên nói tiếng Việt tại gia đình để các cháu không quên.
Được vài tháng các cháu bắt đầu pha tiếng Anh với tiếng Việt. Sau một năm chỉ còn tiếng Anh nhưng vẫn nghe được tiếng Việt.
Bố mẹ bận, đôi lúc muốn cho nhanh, nói luôn tiếng Anh, tiện đủ đường, vả lại cũng sợ là các cháu không theo kịp ở trường.
Sau 10 năm chỉ còn mỗi tiếng nước người. Và đến lượt các cháu kêu bố mẹ nói tiếng Anh không đúng trọng âm, ngọng nghịu.
Nỗi buồn không của riêng gia đình anh chị mà của nhiều người xa xứ, mài làm ăn, quên mất không dạy con tiếng Việt, một mất mát không nhỏ.
Có lần bố đi đón con ở bến xe, anh nói tiếng Việt thì ông con bảo, bố đừng nói như vậy với con, bất lịch sự vì các bạn không hiểu. Nghe mà đau nhói trong tim.
Nhưng rồi anh cũng nói chuyện riêng và khuyên con. Bạn con là Mỹ trắng chỉ biết mỗi tiếng Anh, con có lợi thế biết thêm tiếng Việt, thế là hơn bạn rồi. Từ đó cháu ít càu nhàu vì bố mẹ nói tiếng Việt với con.
Một lần về Việt Nam, bố cho đi khắp đất nước, gặp ai chỉ nói được tiếng Anh, có mấy bạn gái cùng tuổi rủ đi chơi Sài Gòn rất vui, và xem chừng có vài tuần mà tiếng Việt hiểu rất nhiều.
Ông bố ước, giá lớn lên, con trai tán được cô nào người Việt thì khi đó sẽ tự học thôi. Quả thật, quen vài bạn gái qua Facebook, cháu lớn toàn hỏi, bố ơi bao giờ về Việt Nam.
Ở xứ tây, mang con tuổi teen đi học tiếng Việt quả là thách thức vì các cháu ngại tiếp xúc với người lạ, lại phải nói bằng ngoại ngữ.
Đến một trung tâm do nhà thờ tài trợ và mấy giáo viên không chuyên người Sài Gòn sang đây lập nghiệp, dạy trẻ miễn phí, nhưng có chuyện nho nhỏ là bọn trẻ phải chào cờ xưa. Ông bố cảm thấy ngại vì mang chính trị vào trường Mỹ là không nên. Thế là đành thôi.
Ở thành phố New York có chị người Bắc sang UN làm việc cũng mở lớp dạy tiếng Việt một cách tự nguyện. Chẳng thích “chính trị chính em” nhưng chị dạy bài “Bé lên ba bé đi nhà trẻ…”. Về nhà cháu véo von, ba má nghe thấy cấm không cho con đi học và bắt thay cô giáo vì dạy trẻ hát nhạc đỏ.
Riêng chuyện đó thôi đã làm các cháu bé muốn giữ gốc của cha ông cũng phải quay đi, mất cơ hội vàng cho các cháu học tiếng mẹ đẻ.
Bên Virginia và Maryland có mấy chục gia đình sang làm việc cho World Bank, họ mang theo con nhỏ. Hầu như ai cũng lo con mình sẽ quên tiếng Việt như hai chị kể trên vì cho đó là bài học khá đắt.
Họ đang bàn với nhau mở lớp dạy tiếng Việt hàng tháng rồi tiến tới hàng tuần. Sinh hoạt vui chơi, hát hò, nói chuyện bằng tiếng Việt. Nhưng ngặt nỗi là không có tiền thuê địa điểm.
May quá, có một anh phụ trách kiều bào bên sứ quán Việt Nam tại Washington biết được liền họp lại và đang thảo luận tìm lối thoát. Sứ quán giúp xin tài liệu dạy học từ trong nước, các gia đình đóng góp chút đỉnh mua nước và đồ ăn nhẹ cho con mình.
Trong đoàn có mấy anh chị từng là giáo viên, có bà vợ theo chồng từng dạy mẫu giáo, có anh theo vợ từng đứng giảng đường. Còn trẻ con chỉ cần chỗ chơi, học mà vui và vui mà học, chắc sẽ thành công.
Nếu các cháu học được tiếng Việt một cách nhẹ nhàng, tránh những chuyện nhạy cảm thời chiến tranh, thì mô hình này có thể nhân rộng, bà con sẽ hưởng ứng nhiệt tình.
Năm ngoái trong chuyến thăm Trường Sa, người viết bài này từng nói với các chiến sỹ ở đảo Trường Sa Lớn. Người Việt ở khắp năm châu, có nhiều người vẫn hướng về cội nguồn và muốn con cháu họ đóng góp lớn cho nước nhà.
Nhưng làm thế nào để thực hiện thì việc đầu tiên phải dạy các cháu biết tiếng Việt. Biết nói, biết nghe, và khi cần có thể viết. Với kiến thức toàn cầu thì các cháu sẽ giúp đất nước phát triển.
Đó là giấc mơ không chỉ của người viết bài này mà của nhiều cha mẹ đang sống xa nhà, tránh được nỗi buồn hội nhập thành công nhưng chưa trọn vẹn của anh chị đã nói ở trên chỉ vì con không biết tiếng mẹ đẻ.
Hiệu Minh. 4-2017
Bài trên Quê  Hương

Xem Thêm :http://nhungnguoibanspsg.blogspot.com/2015/12/day-viet-ngu-tai-hai-ngoai-ho-nguyen.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét