11 thg 4, 2018

TỤNG KINH BUỔI SÁNG - Chuyện Ngắn của Tiểu Thư (Tạp Chí Da Màu )



Ngày nào cũng thế, đúng 5 giờ rưỡi sáng, bà Thanh thức dậy, chỉnh tề áo dài vải nâu thô, ngồi xếp bằng, gõ mõ tụng kinh. Bà bắt đầu từ lúc ông Trị chồng bà mất đi, và từ đó đến nay năm năm ròng, nghi thức này không đổi suốt bốn mùa, dù thời tiết thiên nhiên hay chính trị xã hội hay trong gia đình như thế nào chăng nữa. Gọi là nghi lễ vì nó bắt đầu là lễ tụng niệm cầu siêu cho ông Trị mỗi ngày trong vòng 49 ngày. Sau 49 ngày, bà Thanh vẫn tiếp tục, vì như bà có lần nói với con gái, bà cảm thấy nghi thức này là kết nối cuối cùng giữa bà và chồng.
Sáng hôm nay, ngày thứ Bảy, đúng 5 giờ rưỡi sáng, tiếng mõ nhịp đều đều, buồn buồn bắt đầu. Tiếng tụng niệm đều giọng, nghe ê a nhưng không ai oán. Chung quanh hàng xóm hoàn toàn tĩnh lặng, vì đến cả mấy con gà nuôi trong xóm dường như cũng biết kiêng dè không gáy ò o trong ba mươi phút bà Thanh tụng niệm.
Con gái bà Thanh trở mình trên giường, mơ màng nghe tiếng mõ, tiếng kinh trong trạng thái nửa ngủ nửa thức. Trong tuần, đây là lúc chị dậy lo cho chồng con và chính mình đi học, đi làm. Những lúc ấy chị tất bật nhiều việc cùng lúc nên hầu như không để ý đến tiếng kinh cùng mõ. Chỉ có ngày cuối tuần như hôm nay, không cần phải dậy sớm, chị lắng nghe và cảm thấy buồn buồn, nhớ người cha đã mất, thương mẹ giờ đây đơn lẻ, lòng hẳn chưa nguôi ngoai.
Bên cạnh chị, người chồng nuốt ngược vào bụng tiếng thở hắt bực dọc. Ngày thường thì không sao, cuối tuần chưa thức dậy đã nghe tiếng gõ mõ tụng kinh thật là mất hứng. Nó làm người ta hoặc muốn buông tay nằm chết cho rồi, hoặc muốn vùng dậy yêu cuồng sống vội kẻo đến ngày chỉ còn có thể vui cùng kinh kệ. Nể vợ, anh sẽ nằm yên thêm lúc nữa, để khi anh dậy thì việc ấy dường như không liên quan đến cái nhịp ê a và giọng ề à phía bên kia hành lang.
Trong căn phòng bên cạnh, hai đứa trẻ ngủ say chẳng nghe thấy tiếng mõ tiếng kinh gì cả. Nhưng dù chúng không có nhận thức, tiếng kinh và mõ cũng len vào tiềm thức của chúng, thậm chí đôi khi vào giấc mơ thoáng qua trong giấc ngủ, như hôm nay. Thằng anh lớn ngủ mơ bật cười khúc khích. Trong giấc mơ, nó và em đang đánh nhau túi bụi giành đồ chơi (chuyện thường ngày) thì nghe tiếng tụng của bà ngoại. Chúng nó tiếp tục giành giật, cuối cùng thằng em chịu thua. Tuy thua, thằng em không tức tối như mọi khi. Nó nhìn anh, nhe răng cười: bà nhắc “cà ri nị” hoài kìa, bữa nay chắc mẹ nấu cà-ri.
Hết bài kinh thường lệ, bà Thanh ngưng gõ mõ, xếp mõ và dùi một bên, chập choạng tìm cách đứng dậy. Chân bà đã yếu, ngồi lâu tê cứng cả. Trong lúc lính quýnh, một chân bà va vào cái mõ, đá nó đi xa hơn. Đứng vịn vào tủ quần áo, bà Thanh nhìn xuống tấm thảm bà ngồi xếp bằng ở chân giường, cái mõ mấp mé cạnh rìa, chỉ còn chút nữa là nghiêng chạm xuống sàn gạch kêu “keng”. Thực ra bà đã chán ngày ngày ngồi đọc kinh, mấy bài kinh bà vốn dĩ không thể nào nhớ nổi vì có những đoạn “tà há nị” loạn cả lên, bà đọc hoặc là vấp hoặc là cứ phát âm đại cho qua. Nhưng không làm thế nữa, dường như có cái gì không ổn. Bà không chắc thứ gì không ổn, và cũng không muốn suy nghĩ nhiều. Thì cứ xem như một thứ thể dục/tịnh tâm gì đó cũng được, bà chép miệng lẩm bẩm. Bây giờ bà cần nằm một lúc, kẻo không cái lưng than phiền mất.
10/2017
Tiểu Thư

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét