8 thg 4, 2018

Những khác biệt trong giáo dục mầm non ở New Zealand: Con cá chết cũng được báo cho phụ huynh



Là nghiên cứu sinh quốc tế ở New Zealand chuyên ngành giáo dục mầm non, chị Đinh Thị Đoan Hương và gia đình đã trải nghiệm cuộc sống 4 năm trên xứ sở kiwi và có rất nhiều khám phá thú vị về giáo dục ở quốc gia này.
Ngay từ những năm đầu đời, trẻ em New Zealand đã được cả hệ thống xã hội đặc biệt quan tâm. Cả Chính phủ và người dần đều nhận thức rõ độ tuổi từ 0-6 là quãng thời gian ảnh hưởng lớn nhất đến sự hình thành ý thức, nhân cách của con trẻ. Bậc học giáo dục mầm non vì lẽ đó trở thành bậc học được coi trọng nhất trong hệ thống giáo dục quốc gia New Zealand.
Chị Hương và gia đình đã trải qua quãng thời gian tuyệt vời tại New Zealand

Trong thời gian theo học tại New Zealand, chị Hương có đi làm thêm tại các cơ sở giáo dục mầm non và nhận thấy một điểm khác biệt rất lớn trong cách dạy học ở quốc gia này:
Thứ nhất, sự phát triển riêng của từng đứa trẻ trong lớp rất được tôn trọng (sĩ số lớp trung bình từ 20-30 trẻ với 7-9 cô giáo). Cách giáo viên làm việc với trẻ cũng rất chuyên nghiệp, đầy tính khoa học và nhân văn. Mỗi trẻ khi đến lớp sẽ được lập một hồ sơ cá nhân riêng dùng để ghi chép, lưu giữ thông tin nhằm theo dõi và đánh giá sự phát triển của trẻ thường xuyên thông qua chính những câu chuyện trải nghiệm hằng ngày.
Thứ hai, thước đo chất lượng giảng dạy không phải là “trẻ đã làm được phép tính 1+1 hay chưa?”, “học thuộc bảng chữ cái a,b,c hay chưa?” mà là “trẻ có khỏe mạnh không?”, “trẻ đang tự học được những gì?”, “trẻ có đang thực sự hạnh phúc? Trẻ có được tôn trọng và học cách thể hiện sự tôn trọng với người khác và với thiên nhiên xung quanh hay không?…
Con cá chết cũng được báo cho phụ huynh
Câu chuyện xảy ra trên lớp của cậu con trai 4 tuổi nhà chị Hương có lẽ sẽ khiến nhiều người phải suy ngẫm.
Một ngày cậu bé đến lớp và cả lớp phát hiện chú cá Peter vì một lý do nào đó đã chết, nằm ngửa bụng trên mặt nước. Các cô giáo ngay trong buổi sáng hôm ấy đã cùng trẻ chia sẻ cảm xúc về chú cá Peter. Sau đó cô và trò bàn các phương án giải quyết vấn đề như: đem chôn cá ở đâu, chọn bạn cá mới cho bạn cá Sue còn lại trong bể…
Con trai chị Hương và các bạn cùng lớp.

Sau cùng, cả lớp đem chú cá Peter đi chôn ở một góc vườn và trao gửi những lời tạm biệt nhắn nhủ. Không những thế, các cô giáo còn email cho các phụ huynh kể về sự việc đáng tiếc này với hi vọng phụ huynh cũng biết được câu chuyện, và khi về đến nhà, họ có thể chia sẻ cùng các con.
Thật hiếm có quốc gia nào có được môi trường giáo dục đồng nhất từ nhà trường đến gia đình và cộng đồng xã hội đến như vậy!
Trở thành giáo viên mầm non ở New Zealand thực không dễ!
Trở thành một giáo viên mầm non ở New Zealand có lẽ là một câu chuyện “lửa thử vàng”. Họ được đào tạo rất bài bản và năng lực của họ phải trải qua các bước kiểm định chất lượng kỹ càng mới được cấp phép đi dạy trẻ con. Thế nhưng nếu chỉ có năng lực thôi thì chưa đủ.
Ngay từ những bước khởi đầu muốn trở thành sinh viên ngành giáo dục mầm non, bạn phải trải qua một vòng phỏng vấn về động cơ muốn trở thành giáo viên mầm non và những hiểu biết của bạn về các phương pháp nuôi dạy trẻ.
Nếu đạt được các tiêu chuẩn về cả năng lực, tình yêu trẻ, yêu nghề, thì bạn sẽ có cơ hội trở thành… sinh viên ngành giáo dục mầm non. Với tiêu chuẩn đầu vào về đạo đức như vậy, không lạ gì khi chúng ta không phải chứng kiến bất cứ một vụ bạo hành trẻ em nào ở New Zealand.
Trở thành một giáo viên mầm non ở New Zealand có lẽ là một câu chuyện “lửa thử vàng”.

Đặc biệt, đến trước khi ra trường, các giáo viên mầm non phải trải qua nhiều kỳ thi sát hạch, cùng với sự giám sát và đánh giá thường niên từ nhà trường. Nếu không theo kịp yêu cầu, họ có lẽ phải đổi nghề vì sẽ không có chuyện “học giả, thi thật” bởi New Zealand luôn nằm trong top những quốc gia minh bạch nhất thế giới.
Tuy giáo viên mầm non không phải ngành nghề đem lại những đồng lương dư giả nhất, nhưng một khi trở thành giáo viên mầm non ở New Zealand, bất cứ ai cũng cảm nhận một niềm tự hào lớn lao bởi họ hiểu rõ tầm quan trọng của mình chính là người phác họa nên những nét vẽ đầu tiên về thế giới trong mắt trẻ thơ. Họ sẽ cùng bố mẹ các em khai phá những tiềm năng của trẻ và phát triển nhân cách cho trẻ nhỏ.
Nguồn: GD&TĐ
Huyền Sương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét