Ngay sau khi đáp xuống sân bay Sydney, sau một
chuyến bay dài trở về từ Nam Phi, Steve Smith, thủ quân của đội Cricket
Úc, tuyên bố trong một buổi họp báo: “Tôi biết tôi sẽ hối hận trong suốt
quãng đời còn lại của mình”. Smith nói với giọng nói run rẩy khi ngồi
nức nở trước camera và micro để nói về cái xấu hổ mà anh mang về cho gia
đình. Khi Smith rời Úc để tham gia giải đấu Cricket quốc tế được tổ
chức tại Nam Phi, anh ấy là một trong những cầu thủ giỏi nhất thế giới.
Nhưng nay, anh ta đã trở về như một kẻ lừa đảo bị lật tẩy. “Tôi nhận tất
cả trách nhiệm” Smith nói. Đó là đỉnh điểm của một vụ bê bối đã gây
cảnh hỗn loạn trong thế giới người yêu chuộng môn bóng Cricket và nhất
là tại Úc châu kể từ cuối tuần trước.
Smith và anh chàng phó đội trưởng David Warner đã
xúi giục Cameron Bancroft, một đồng đội của họ dùng giấy nhám để chà lên
quả bóng bằng da trong trận đấu hôm thứ Bảy với Nam Phi. Khi quả bóng
bị nhám thì đường bay của nó bị xáo trộn bất thường, (giới Cricket gọi
là Ball tampering) điều đó có nghĩa là gây bối rối, bất lợi cho
đối phương. Một máy quay phim quay được cảnh Cameron đang lôi tờ giấy
nhám được dấu trong quần lót ra để chà lên quả bóng, đã gây nên làn sóng
phản đối rộng lớn. Hiệp hội Cricket Úc cấm Smith và Warner tham dự các
trận đấu quốc tế và quốc gia trong vòng mười hai tháng, cấm Bancroft
trong chín tháng. Cả ba còn bị phạt phải làm 100 giờ làm việc thiện
nguyện phục vụ xã hội. Hôm thứ Năm, huấn luyện viên Darren Lehmann cũng
xin từ chức, người trước đây đã nói rằng ông không biết gì về các hành
động gian trá này.
Trong khi đó, Malcolm Bligh Turnbull người đứng đầu chính phủ Úc cho rằng, hành động của đội Cricket Úc là một “thất
vọng gây sửng sốt”. Ông cho rằng, đây là việc không thể tưởng tượng
được vì cho đến nay „đội Cricket Úc chưa bao giờ dính vào một vụ gian
lận”.
Ai
muốn hiểu toàn bộ „trận bão tố Cricket“ gây ra chỉ do một mảnh giấy
nhám nhỏ chưa đầy nữa bàn tay thì phải hiểu biết căn bản về môn thể thao
„thần thánh“ tại Úc. Một đất nước với một môn thể thao mà hai chữ Fair
play không chỉ là một cụm từ trong môn Cricket, mà còn là nguyên tắc
chính. Mọi vi phạm đều được coi là phạm tội. Đặc biệt ở Úc và các quốc
gia Khối thịnh vượng chung nơi mà môn Cricket là một môn thể thao quốc
gia. Các tờ báo của Úc đưa ra những lời nặng nề như là “kẻ lừa đảo” và
“xấu hổ”.
Gian lận với một mảnh giấy nhám, nếu không hiểu, có
thể xem là quá nhỏ, không xứng với những lời lên án nặng nề, gay gắt
của xã hội Úc nhưng thật ra hành động của Steve Smith, người được xem là
thần tượng là tấm gương của thế hệ trẻ, có thể gây ảnh hưởng đạo đức
xấu tại xứ này. Chỉ với một việc „nhỏ“ qua vụ bê bối bóng Cricket người
ta có thể hiểu được lý do tại sao con người, xã hội Úc được thế giới tôn
trọng, đất nước Úc được xem là một trong những nơi đáng sống nhất trên
thế giới. Đạo đức xã hội, giáo dục con người lành mạnh được thể hiện qua
những hành động cụ thể, dù là những sai lầm nhỏ nhặt nhưng phải được
công khai lên án để mọi người thấy đó mà làm gương chứ không như tại
những đất nước trong khi ngoài đường chăng đầy băng rôn, biểu ngữ tuyên
truyền mà đạo đức xã hội lại bị xuống cấp trầm trọng.
Nhìn những giọt nước mắt và những lời hối hận kịp
thời, người dân Úc có thể hiểu và đến một lúc nào đó họ có thể tha thứ
được cho hành động gian lận của Steve Smith. Cái tâm trạng người
dân Úc với thần tượng yêu quý của họ không khác gì tình cảnh của người
phụ nữ đoan hiền khi nhìn thấy người tình của mình đang đi vào con đường
sa đọa. Do tình yêu thương thật sự mà họ phải thẳng thắn cảnh báo:
Giận thì giận mà thương thì thương
Anh sai đường thì em không chịu nổi
Anh yêu ơi xin đừng có giận vội
Mà trước tiên anh phải tự trách mình. (Giận Mà Thương – Hò Ví Dặm)
Những lời xin lỗi của Steve Smith dù sao cũng toát
lên được bản chất của một con người đúng nghĩa. Vì, gian, tham là hành
động xấu mà hầu như ít ai có thể tránh khỏi phạm phải một lần trong đời,
nhưng cái khó là khi nhận ra thì phải biết hối lỗi chân thành và nhất
là phải biết nhận trách nhiệm cho mình và cho đồng đội của mình.
Steve Smith và những đồng đội có liên quan trong vụ
gian lận, gây tai tiếng trong làng bóng Cricket thật ra chưa đến mức vi
phạm hình sự nhưng họ phải đối diện với tòa án dư luận nghiêm khắc của
xã hội Úc và nhất là tòa án lương tâm của chính họ. Trước tòa án này,
những con người còn có nhân phẩm phải biết sợ hãi để thành tâm hối lỗi,
xin từ chức, rút ra khỏi nhiệm vụ đang làm chứ không phải chỉ dùng những
lời bào chữa bóng bẩy quanh co để cuối cùng là xin được „tự kiểm điểm,
rút kinh nghiệm“
Lối hành xử của Steve Smith được người dân Úc vừa
giận nhưng lại vừa thương là vì vậy. Thái độ của anh ta là thái độ của
một người lớn „có làm, có chịu“, sẵn sàng nhận trách nhiệm về những hành
động sai trái của mình. Với một người lớn có nhân cách, thử hỏi có bản
án lương tâm nào nặng nề hơn để họ phải thốt lên “Tôi biết tôi sẽ hối
hận trong suốt quãng đời còn lại của mình”?
Cái chất „người lớn“ của Steve Smith, nó khác xa
với những kẻ khi nắm chức quyền trong tay thì xem hai chữ „Nhân quyền“
nhẹ không bằng một ngụm rượu ngoại, dùng quyền lực để triệt hạ, san bằng
một ngôi chùa cổ, chiếm đất của giáo xứ, bắt giam hành hạ những người
dân yêu nước tranh đấu chống Trung Cộng xâm lược nhưng đến khi bị truy
tố tham ô, đứng trước một phiên tòa không đúng nghĩa thì lại run rẩy kể
lể, khóc lóc nức nở, lôi vợ dại con thơ, lôi cha mẹ già yếu sắp qua đời
ra để xin được có thời gian để trả hiếu, chăm sóc gia đình, xin được làm
một con ma tự do, xin được đối xử như một con người. Khi có quyền lực
trong tay, họ không có tính người, khi sa cơ thất thế họ thể hiện sự hèn
nhát cố hữu, không xứng đáng được gọi là một „người lớn“.
Làm sao một đất nước có thể lớn lên với những con người không chịu lớn mà mãi làm như những đứa trẻ gian hùng?
Những con người như vậy, đừng mong được giận được thương… hại mà xứng đáng nhận được những lời khinh bỉ của người dân mà thôi.
Phương Tôn
Tháng 4.2018
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét