21 thg 4, 2022

Góc Đường Thi : BIÊN NIÊN TIỂU SỬ LÝ BẠCH

Góc Đường Thi :                                                                     

                          BIÊN NIÊN TIỂU SỬ LÝ BẠCH
                                             (701 - 762)

  三杯通大道,    Tam bôi thông đại đạo,

                            一斗合自然。    Nhất đấu hợp tự nhiên.
                            但得酒中趣,    Đản đắc tửu trung thú,
                            勿為醒者傳。    Vật vi tỉnh giả truyền !
           Có nghĩa :
                            Ba ly thông qua đạo lớn,
                            Một đấu hợp l tự nhiên.
                            Chỉ cần được vui trong rượu,
                            Mặc cho kẻ tỉnh tuyên truyền !       

            

1. THIÊN TÀI TUỔI TRẺ  :
       LÝ BẠCH sanh vào năm Trường an Nguyên niên (701), tự là Thái Bạch, người làng Thanh Liên, nên còn tự xưng là Thanh Liên Cư Sĩ 青蓮居士, thuộc huyện Xương Long, quận Ba Tây đất Cm Châu; Nhưng Tổ quán gốc gác ông bà ở huyện Thiên Thy tỉnh Cam Túc hiện nay.
    - Thần Long nguyên niên (705), tháng 11 Võ Tắc Thiên mất khi Lý Bạch chỉ mới 5 tuổi. Chính năm nầy Lý đã bắt đầu học tập, đã thuộc làu sách "Lục Giáp" là sách vỡ lòng của trẻ con lúc bấy giờ. Nổi tiếng là thần đồng.
    - Năm Khai Nguyên thứ ba (715). Lý Bạch 15 tuổi đã bắt đầu nổi tiếng giỏi thơ văn, bắt đầu giao lưu và hoạt động xã hội. Thích kiếm thuật và hành hiệp, được mọi người chung quanh yêu mến và cổ vũ.
    - Năm Khai Nguyên thứ 6 (718) Lý Bạch 18 tuổi vào ẩn cư trong núi Đái Thiên Đại Khuông Sơn (Thuộc tỉnh Tứ Xuyên) để học tập và ngao du hành hiệp ở các vùng Giang Du, Kiếm Các, Tử Châu... 

2. TỪ BIỆT THÂN NHÂN XUẤT DU :
    - Năm Khai Nguyên thứ 12 (724) Lý Bạch 24 tuổi rời quê hương bắt đầu cho cuộc viễn du sơn thủy. Từ Thành Đô đến Nga Mi Sơn, rồi đáp thuyền xuống Du Châu (Thành phố Trùng Khánh hiện nay).
    - Năm Nhai Nguyên thứ 13 (725) Lý Bạch rời quê hương đất Thục, trượng kiếm giang hồ. Một thanh gượm, một bầu rượu du hiệp khắp nơi.
    - Năm Khai Nguyên thứ 14 (726) Lý Bạch 26 tuổi. Mùa xuân đi về xứ Giang Tô, mùa thu bệnh nằm ở Dương Châu; Mùa đông rời Dương Châu bắc du lên Nhữ Châu. Đến An Lục của Hồ Bắc; trên đường khi đi ngang qua Trần Châu làm quen với Lý Ung (nhà Thư pháp nổi tiếng lúc bấy giờ) và kết giao với Mạnh Hạo Nhiên (Một danh sĩ nổi tiếng).
    - Năm Khai Nguyên thứ 15 (727) Lý Bạch 27 tuổi kết hôn cùng cháu gái của Tể tướng Hứa Ng Sư ở An Lục Thọ Sơn (năm nầy Vương Xương Linh đậu Tiên Sĩ).
    - Năm Khai Nguyên thứ 16 (728) Nước Thổ Phồn mấy lượt xâm lấn Trung nguyên. Lý Bạch 28 tuổi, mùa xuân xuất du Giang Hạ (Thành phố Vũ Hán ngày nay) cùng hội ngộ với Mạnh Hạo Nhiên ở nơi nầy.   
     Mời đọc bài thơ Lý Bạch và Mạnh Hạo Nhiên chia tay nhau :

      黃鶴樓送孟浩然之廣陵    Hoàng Hạc Lâu Tống Mạnh Hạo Nhiên Chi Quảng Lăng
        故人西辭黃鶴樓,             Cố nhân tây từ Hoàng Hạc Lâu,
        煙花三月下陽州。             Yên ba tam nguyệt hạ Dương Châu.
        孤帆遠影碧空盡,             Cô phàm viễn ảnh bích không tận,
        惟見長江天際流。             Duy kiến Trường Giang thiên tế lưu.

  Có nghĩa :
                  Giả từ Hoàng Hạc phía lầu tây,
                  Xuân đến Dương Châu rực cỏ cây.
                  Chỉ thấy cánh buồm côi khuất dạng,
                  Trường Giang nước chảy lẫn trời mây !
  Lục bát :
                  Tạ từ Hoàng Hạc về tây,
                  Dương Châu đang độ hoa bay xuân về.
                  Nhìn theo buồm lẻ ủ ê,
                  Trường Giang nước chảy não nề trời mây !

                    - Năm Khai Nguyên thứ 17 (729) Ngày 5 tháng 8 là sinh nhật thứ 40 của Đường Huyền Tông được tổ chức thật linh đình. Tứ đó qui định hằng năm đến ngày nầy gọi là Thiên Thu Tiết, tất cả dân chúng được vui chơi nghĩ lễ 3 ngày. Quan coi về thuế khóa là Vũ Văn Dung ra qui định đánh thuế thật nặng để lấy tiền cung phụng cho sự xa xỉ của triều đình. Lý Bạch 29 tuổi đã tỏ ra ngao ngán bất mãn trước thuế khóa hà khắc nầy.
    
3. LẦN LỪA NGÀY THÁNG :
     - Năm Khai Nguyên thứ 18 (730) Lý Bạch 30 tuổi, ở An Lục mấy lần yết kiến Châu quan Bùi Trưởng Sử, nhưng đều bị dèm pha không được trọng dụng. Mùa hè năm đó đến đất Trường An kết giao với Trương Cơ, con của Tể Tướng Trương Duyệt. Ngụ cư tại Ngọc Chân Công Chúc biệt quán (là đạo quán của em gái của Huyền Tông đang tu tiên) ở Chung Nam Sơn. Cũng ở nơi đây, Lý Bạch đã gặp gỡ với nhiều vương tôn đại thần, nhưng đều không có kết quả. Cuối thu đi về Phần Châu ở phía tây của Trường an. Mùa Đông đi về Phường Châu phía bắc của Trường an, gặo được Đỗ Phủ ở đất Tấn. Lúc bấy giờ Đỗ Phủ chỉ mới có 19 tuổi.
    - Năm Khai Nguyên thứ 19 (731) Đường Huyền Tông tín nhiệm hoạn quan Cao Lực Sĩ. Tất cả mọi tấu chương đều phải thông qua Cao Lực Sĩ quyết định mới đến được với vua. Năm đó Lý Bạch đã 31 tuổi, lưu lạc sống buông thả ở Trường an. Mùa hè rời Trường an đến Khai Phong, rồi đến Tống Thành. Mùa thu lại đến núi Tung Sơn của Ngũ Nhạc, cùng với bạn tu theo Đạo giáo là Đan Khâu, có ý ẩn cư; nhưng cuối thu lại chuyển đến Lạc Dương.
    - Năm Khai Nguyên thứ 20 (732) Lý Bạch kết giao với Nguyên Diễn và Thôi Thành Phổ. Khi từ Lạc Dương về An Lục, khi đi ngang qua Nam Dương lại kết giao với Thôi Tông Chi.
    - Năm Khai Nguyên thứ 21 (733) Tháng Giêng, Đường Huyền Tông đích thân chú giải Đạo Đức Kinh của Lão Tử. Lệnh cho thiên hạ từ thứ dân đến kẻ sĩ mỗi nhà phải có một quyển Đạo Đức Kinh của nhà vua chú giải. Lúc nầy Lý Bạch đã 33 tuổi, ẩn cư ở Đào Hoa Nham của Triệu Sơn xứ An Lục để khai khẩn đất núi trồng ruộng và đọc sách.

4. HIẾN PHÚ CẦU QUAN :
   - Năm Khai Nguyên thứ 22 (734) Lý Bạch 34 tuổi, viết và hiến lên cho Huyền Tông bài "Minh Đường Phú", mong cầu được chút công danh. Vì lý do gia cảnh Lý không thể tham dự các khoa thi bình thường mà phải tiến thân bằng con đường hiến thơ phú lên vua hoặc những người quyền qúy để mưu cầu công danh.
   - Năm Khai Nguyên thứ 23 (735) Lý Bạch 35 tuổi, nhân Huyền Tông đi săn vừa đúng lúc Lý cũng có mặt, bèn dâng lên bài "Đại Liệp Phú" luận về giáo lý huyền vi của Đạo giáo để thích ứng với lòng mộ đạo của nhà vua. Cũng trong năm nầy, Lý lại quen biết với Vệ Úy Trương Khanh. Qua Trương Khanh Lý lại hiến thơ cho Ngọc Chân Công Chúa. Trong thơ có 2 câu : Kỷ thời nhập Thiếu Thất, Vương Mẫu ứng tương phùng 幾時入少室,王母應相逢. Có nghĩa :"Bao giờ nhập Thiếu Thất phong, Tây Vương Mẫu sẽ ngóng trông đón mừng !". Từ đó từng bước một tiến lên trong giai cấp thượng tầng. Trong lần nầy ở Trường An, Lý Bạch lại kết giao với Hạ Tri Chương là Hàn Lâm Học Sĩ lúc bấy giờ. Ở Tử Cực Cung Lý đã dâng lên cho Hạ tập thơ của mình. Hạ đọc xong bài "Thục Đạo Nan 蜀道難" đã kinh ngạc mà thốt lên rằng :"Ông không phải là người của thế gian nầy, có phải là Thái bạch Kim Tinh giáng thế hay không ?!" Từ đó mọi người đều gọi Lý Bạch là "Lý Trích Tiên 李謫仙". 

                           Hạ Tri Chương lấy giải Kim Quy đổi rượu khao Lý Bạch

5. ĐƯỢC TÔN XƯNG LÀ HÀN LÂM : 
   - Năm Thiên Bảo Nguyên niên (742) Lý Bạch 42 tuổi. Do Ngọc Chân Công Chúa và Hạ Tri Chương hết lời tán tụng; Đường Huyền Tông lại xem qua thơ văn của Lý Bạch nên rất ngưỡng mộ tài văn thơ của Lý. Nhân có Man Thư đến nên triệu Lý vào cung triều kiến. Ngày Lý Bạch vào cung, nhà vua đích thân đi bộ ra rước vào, ban cho Lý Bạch ngồi giường thất bảo để ăn uống, tự tay vua khuấy cho nguội canh để ban cho Lý. Khi đối đáp, bất cứ về nhân tình thế thái, giang sơn xã tắc, thiên văn địa lý, cứ nhà vua hỏi tới đâu, Lý đều đáp trôi chảy tới đó. Lòng vua cả đẹp bèn ngự phong cho chức Hàn Lâm Học Sĩ, chuyên hầu cận bên cạnh nhà vua sáng tác thơ văn nhạc phủ cho Lý Qui Niên và các đệ tử ở Lê Viên ca hát. Mỗi lần có yến tiệc hay ngao du sơn thủy, Lý Bạch đều theo hầu cạnh bên vua để ứng phó đối đáp khi cần thiết.
     Sự sủng ái tột cùng của nhà vua dành cho Lý Bạch khiến cho các quan viên đồng liêu đều rất hâm mộ, nhưng cũng có không ít người tỏ ra ganh tị ghét ghen.
    - Năm Thiên Bảo thứ 2 (743) Lý Bạch 43 tuổi đang là Hàm Lâm Học Sĩ. Đầu xuân Huyền Tông đang vui chơi trong cung. Lý Bạch phụng chiếu viết bài "Cung Trung Hành Lạc Từ 宫中行樂詞", nhà vua ban cho cẩm hào. Cuối xuân, hoa mẫu đơn ở Hưng Khánh Trì nở rộ, Huyền Tông cùng Dương Qúy Phi cùng thưởng ngoạn hoa đẹp. Lý Bạch lại phụng chiếu sáng tác 3 bài "Thanh Bình Điệu 清平調" nổi tiếng để đời. Nhưng đối với cuộc sống chuyên cung phụng và sáng tác thơ văn cho bậc đế vương vui chơi; lâu dần Lý Bạch cũng cảm thấy chán ngán mõi mệt, nên thường cùng với Hạ Tri Chương và các bạn rượu "Tửu Trung Bát Tiên 酒中八仙" vui chơi say xỉn suốt ngày. Huyền Tông cho gọi cũng không về chầu. Trước vì khi trong say phải thảo chiếu hách man thư, bắt Cao Thái Úy phải tháo giày, nên Cao thường sàm tấu dèm pha. Dần dà nhà vua cũng lơ là với Lý, nên ban tặng vàng bạc rồi cho Lý vinh quy bái tvề quê.
                                     
                                          Dương Thái Sư mài mực, Cao Thái Úy tháo giày.

6. LÝ ĐỖ TƯƠNG THỨC :
    - Năm Thiên Bảo thứ 3 (744) Lý Bạch 44 tuổi. Mùa hè năm đó đến Đông đô Lạc Dương. Gặp và kết giao với Đỗ Phủ. Hai nhà thơ lớn của văn học đời Đường gặp nhau ở nơi đây. Lúc nầy tiếng tăm của Lý đã vang rền khắp nước, còn Đỗ thì lại thanh xuân và tài hoa đương độ. Mặc dù Lý Bạch lớn hơn Đỗ Phủ 11 tuổi, nhưng không vì tuổi tác và tài danh vang dội của mình mà tỏ ra kiêu ngạo trước mặt Đỗ; ngược lại tính hào phóng trong kết giao bạn rượu của Đỗ cũng không chịu cúi đầu khuất phục trước Lý. Hai người cùng xây dựng và kết giao trên tình bằng hữu bình đẵng hữu nghị. Hai người cùng hẹn nhau sẽ gặp lại ở đất Lương Tống để cùng tầm đạo cầu tiên. Mùa thu năm đó, sau khi gặp nhau họ còn kết giao với Cao Thích, lúc nầy tuy Cao Thích chưa thành danh nhưng ba người đều có chí lớn đều muốn làm nên sự nghiệp để đời về sau. Mùa đông năm đó Lý Đỗ lại chia tay; Lý Bạch đi đến Tử Cực Cung của Tề Châu nhờ đạo sĩ Cao Thiên Sư truyền thụ cho phép bùa chú. Từ đó về sau Lý Bạch chính thức trở thành đạo sĩ của Đạo Giáo. 
    - Năm Thiên Bảo thứ 4 (745) Lý Bạch 45 tuổi. Lần thứ 3 gặp lại Đỗ Phủ ở đất Đông Lỗ. Chỉ trong thời gian hơn một năm họ hẹn nhau 2 lần, gặp nhau 3 lần, nên tình tri kỷ tri giao càng thêm nồng thắm. Họ cùng nhau đi tìm những ẩn sĩ cao nhân, những văn thi nhân, những nhà thư pháp nổi tiếng đương thời. Mùa đông năm đó Lý Đỗ lại chia tay nhau.
                

                                Thi Tiên Lý Bạch và Thi Thánh Đỗ Phủ

7. LÝ BẠCH và LOẠN AN LỘC SƠN :
     - Năm Thiên Bảo thứ 14 (755) Loạn An Lộc Sơn nổ ra, Lý Bạch cùng gia quyến chạy về hướng nam tị nạn. Nghe tin Lạc Dương thất thủ, trung nguyên chia cắt. Khi đến Lật Dương của tỉnh Giang Tô thì gặp được Trương Húc. Mùa hè đến đất Việt trung, nghe tin Quách Tử Nghi, Lý Quang Bật đại thắng ở Hà Bắc. Mùa thu nghe tin Huyền Tông chạy về đất Thục, Lý bèn dọc theo Trường Giang về hướng tây, đến Lư Sơn để ẩn cư lánh nạn.
   - Năm Thiên Bảo thứ 15, cũng là năm đầu Chí Đức (756) Lý Bạch 56 tuổi. Tháng giêng, An Lộc Sơn ở Lạc Dương tự xưng là Đại Yên Hoàng Đế. Tháng 5, Quách Tử Nghi và Lý Quang Bật đại phá Sử Tư Minh (người nổi loạn cùng thời với An Lộc Sơn), thu phục trên mười quận ở Hà bắc. Tháng 6, An Lộc Sơn dẫn quân công phá Đồng Quan, bắt sống Ca Thư Hàn.
   - Năm Chí Đức thứ 2 (757) Lý Bạch 57 tuổi. Ở trong quân dinh của Vĩnh Vương làm bài "Vĩnh Vương Đông Tuần Ca 永王東巡歌" bày tỏ tâm tình muốn lập công báo quốc. Vĩnh Vương thừa cơ  thiện tiện xuất binh đông tuần; binh bại. Lý Bạch bị giam trong ngục ở Tầm Dương, nhờ có Ngự Sử Trung Thừa Tống Nhược Tư và bạn thơ Thôi Huán cứu ra. Tống rất xem trọng tài năng của Lý, đích thân tấu biểu xin tội và tiến cử Lý với vua Đường Túc Tông. Cuối cùng vì tham gia đông tuần với Vĩnh Vương nên bị lưu đày biệt xứ. Năm đó Đỗ Phủ 46 tuổi, tháng tư trốn ra từ dinh trại của giặc, yết kiến Túc Tông ở Phụng Tường, được phong chức Tả Thập Di.
   - Năm Càn Nguyên nguyên niên (758) Tháng tư, Sử Tư Minh lại làm phản. Tháng 12, Sử Tư Minh bại binh ở Ngụy Châu. Lúc nầy Lý Bạch đã 58 tuổi bắt đầu đi đày  đất Dạ Lang. Cuối xuân đầu hạ, khi đi ngang qua tây dịch đất Vũ Xương, đến Giang Hạ, thăm chỗ ở cũ của Lý Ung, lên Hoàng Hạc Lâu, ngắm Anh Vũ Châu. Mùa Thu đến Giang Lăng. Mùa đông đến Tam Hiệp. Lúc bấy giờ Đỗ Phủ đã 47 tuổi, đang giữ chức Tư Công Tham Quân ở Hoa Châu.
                   Loạn An Lộc Sơn

8. PHÚ CA NHI CHUNG (Chết trong thơ ca) :
    - Năm Càn Nguyên thứ 2 (759) Triều đình vì nạn hạn hán lớn ở đất Quan Trung mà tuyên bố đại xá thiên hạ : Tội chết sẽ thành lưu đày; Tội lưu đày trở xuống đều được xá miễn. Lý Bạch sau những năm lưu đày vất vả, giờ cũng được tự do. Ông bèn xuôi dòng Trường Giang băng về phía hạ lưu với bài thơ Tứ tuyệt nổi tiếng "Tảo Phát Bạch Đế Thành 早發白帝城" diễn tả tâm lý vui mùng phơi phới của người vừa được trả tự do :                            
                  
                  朝辭白帝彩雲間,    Triêu từ Bạch Đế thái vân gian,
                  千里江陵一日還。    Thiên lý Giang Lăng nhất nhật hoàn.
                  兩岸猿聲啼不住,    Lưỡng ngạn viên thanh đề bất trụ,
                  輕舟已過萬重山。    Khinh chu dĩ quá vạn trùng san !
      Có nghĩa :
                  Sáng từ Bạch Đế ngát trời mây,
                  Ngàn dặm Giang Lăng chỉ một ngày.
                  Vượn hú đôi bờ nghe chẳng dứt,
                  Thuyền ta đã vượt vạn trời mây !
     Khi đến Giang Hạ, Lý Bạch trọ ở nhà người bạn là Thái Thú Lương Tễ. Lại theo lời mời của bè bạn lần nữa thả thuyền du Động Đình Hồ. Ít lâu sau, về lại Tuyên Thành, Kim Lăng. Lần lữa hai năm trường toàn sống nhờ vào bè bạn.
    - Năm Thượng Nguyên thứ 2 (761) Lý Bạch đã 61 tuổi. Vì bệnh tật nên phải trở về Kim Lăng. Đời sống khó khăn, bất đắc dĩ phải sống nhờ vào người chú trong họ tộc đang làm huyện lệnh ở Đương Đồ là Lý Dương Băng.
    - Năm Thượng Nguyên thứ 3 (762) Lý Bạch 62 tuổi, bệnh nặng, trên giường bệnh đích thân trao cho Lý Dương Băng bài phú "Lâm Chung Ca 臨終歌" rồi xuôi tay nhắm mắt.
      Về cái chết của Lý Bạch, có rất nhiều truyền thuyết, nhưng tựu chung có ba nguồn chính sau đây :
     * Theo sách Cựu Đường Thư 舊唐書 thì : Lý Bạch chết vì say rượu do uống rượu qúa độ nên say chết ở Tuyên Thành.
     * Theo chính sử và các chuyên gia nghiên cứu sử học thì : Khi Lý Quang Bật đem binh đông trấn Lâm Hoài để dẹp tan loạn An Lộc Sơn, Lý Bạch đã 61 tuổi, nghe tin vẫn muốn tham gia giết giặc, những mong trong tuổi tàn niên được góp chút hơi tàn cho đất nước. Nhưng chỉ mới giữa đường thì nhóm bệnh phải sống nhờ vào người chú họ là nhà thư pháp Lý Dương Băng đang là Huyện Lệnh huyện Đương Đồ. Năm sau 62 tuổi mất tại nơi nầy.
     * Theo các truyền thuyết dân gian đầy tính lãng mạn mang sắc thái thần tiên thì : Lý Bạch uống rượu trên sông ở huyện Đương Đồ, khi đến bến Thái Thạch thì nhảy xuống nước vớt trăng, rồi ôm trăng mà chết. Lại có thuyết cho rằng, sau đó Lý Bạch đã từ lòng sông cởi cá kình vọt lên bay mất hút vào trời xanh. Những điều nầy đều rất hợp với tính cách sống phóng túng buông thả theo kiểu tu tiên của Lý Bạch, vượt qua lề thói của đời thường, vượt qua cả uy quyền tột đĩnh của cả đương kim hoàng đế, như những câu thơ của Thi thánh Đỗ Phủ đã viết về ông :

                 李白斗酒詩百篇,    Lý Bạch đấu tửu thi bách thiên,
                 長安市上酒家眠,    Trường an thị thượng tửu gia miên,
                 天子呼來不上船,    Thiên tử hô lai bất thướng thuyền,
                 自稱臣是酒中仙。    Tự xưng thần thị tửu trung tiên.
     Có nghĩa : 
                 Lý Bạch đấu rượu thơ tiên trăm bài.
                 Trường an quán rượu ngủ dài,
                 Vua kêu cũng chẳng sợ oai lên thuyền.
                 Tự xưng thần vốn rượu tiên...
                                             Di Tích Mộ và Tượng của Lý Bạch

         Hẹn bài viết tới !
                                                                     杜紹德
                                                                 Đỗ Chiêu Đức


Mời Xem :


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét