BẠC MỘ
Đỗ Phủ
1. Bản chữ Hán cổ của bài thơ:
薄暮 BẠC MỘ
江水長流地, Giang thủy trường lưu địa,
山雲薄暮時。 Sơn vân bạc mộ thì.
寒花隱亂草, Hàn hoa ẩn loạn thảo,
寒花隱亂草, Hàn hoa ẩn loạn thảo,
宿鳥擇深枝。 Túc điểu trạch thâm chi.
舊國見何日 ? Cựu quốc kiến hà nhật ?
舊國見何日 ? Cựu quốc kiến hà nhật ?
高秋心苦悲。 Cao thu tâm khổ bi,
人生不再好, Nhân sinh bất tái hảo,
人生不再好, Nhân sinh bất tái hảo,
鬢發白成絲。 Mấn phát bạch thành ti.
杜甫 Đỗ Phủ
2. Chú Thích:
- Bạc Mộ : Bạc là Mỏng; Mộ là Chiều. Bạc Mộ : không phải buổi chiều mỏng, mà là Buổi Chiều Nhạt Nắng.
- Ẩn : là Ẩn mình, là nép mình.
- Trạch : là Chọn, lựa.
- Cựu Quốc : là Nước cũ; ở đây chỉ Quê Cũ.
- Cao Thu : Mùa thu cao, là mùa thu đang độ (Khoảng tháng 9).
- Mấn Phát: Mấn là Tóc mai; Phát là Tóc. Mấn Phát : chỉ chung đầu tóc, Râu tóc.
- Ti : là Sợi tơ.
3. Nghĩa Bài Thơ:
Chiều Nhạt Nắng
Khi nước sông đang cuồn cuộn chảy qua nơi nầy, thì cũng chính là lúc núi mây đã chìm trong chiều nhạt nắng. Những đóa hoa lạnh lẽo như nép mình vào trong cỏ rối, và những con chim chiều cũng đã chọn những cành nhánh rậm rạp để qua đêm. Còn ta thì ngày nào mới thấy lại quê xưa đây? Trong cảnh trời thu cao lồng lộng còn lòng ta thì áo não vô cùng, đời người khó mà lại có được cảnh huống xứng ý toại lòng, nên chi đầu tóc cứ bạc trắng như tơ!
Câu chót còn có dị bản là :
鬢發自成絲。 Mấn phát tự thành ti.
Đầu tóc "tự nó trở thành như tơ", hay "trắng như tơ (bạch thành ti)" thì cũng thế thôi. Vì tự dạng của 2 chữ TỰ 自 và BẠCH 白giống nhau, nên dễ nhầm lẫn chăng? Nhưng trong trường hợp nầy thì nghĩa của câu thơ vẫn không thay đổi. Có điều là chữ TỰ chỉ sự diễn tiến tự nhiên nghe thi vị hơn là chữ BẠCH diễn tả thẳng.
Bài thơ dễ xúc động lòng người xa xứ với 4 câu đầu tả cảnh chiều thu man mác, 4 câu sau nói lên sự cảm xúc và tâm tình của tác giả trong cảnh chiều thu, khiến người đọc không khỏi bồi hồi đồng cảm, nhất là những người đang định cư ở chốn tha hương như chúng ta hiện nay...
4. Diễn Nôm:
CHIỀU NHẠT NẮNG
Nơi nước sông cuồn cuộn,
Là khi núi mây chiều.
Hoa lạnh nương cỏ rối,
Chim đêm chọn cành nhiều.
Quê cũ ngày mong ngóng,
Thu sầu khổ bấy nhiêu.
Người đời vui mấy chốc,
Tóc mai đã bạc phiêu !
Lục bát :
Nước sông chảy mãi chảy hoài,
Trời chiều nhạt nắng núi phai mây mờ.
Hoa tìm cỏ lạnh nương nhờ,
Chim chiều chọn nhánh rậm chờ đêm qua.
Bao giờ thấy lại quê nhà,
Thu cao lồng lộng lòng xa xót lòng.
Đời người xứng ý thôi mong,
Lơ thơ tóc đã bạc dần như tơ !
Đỗ Chiêu Đức
Chiều Bên Sông Nước
(mượn ý bài Bạc Mộ của Đỗ Phủ)
Quê nhà mù mịt nước sông ơi,
Bảng lảng chiều hôm lạnh núi đồi.
Hoa nép cỏ hoang tìm ấm áp,
Chim nương cành rậm hết rong chơi.
Thuyền đi biền biệt chừng quên lối,
Thu đến heo may chạnh nhớ người.
Bao nả cuộc đời còn vướng bận ?
Trắng dần mái tóc ngắm chiều rơi !
Đỗ Chiêu Đức
October 20, 2018
(Mượn ý bài Bạc Mô của Đỗ Phủ qua diễn Nôm của anh đồ ĐCĐ)
Chiều Bên Sông Nước
Quê xưa sông nước tít mù ơi
Nắng tắt chiều nghiêng thoải dốc đồi
Xếp cánh hoa tàn cây réo rắt
Gãy cành bụi rậm cú kêu chơi
Thuyền xa bãi cũ lâu về bến
Thu cảm cố nhân vẫn nhớ người
Lụm cụm thân già chưa thất vọng
Lom khom tóc bạc giọt châu rơi
Mai Xuân Thanh
Ngày 27/11/2018
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét