Vanvn- Là người của cùng dòng tộc Thái, được đắm chìm trong đêm xòe bản Chàm – Tân Pheo, được Khắp tụa (hát đối) đưa đẩy cùng chị em bên vò rượu cần, tôi cảm nhận rõ rệt trong tâm hồn mình đang dạt dào một mạch chảy huyết thống dòng tộc. Bởi chung ngôn ngữ, chữ viết, chung nếp ăn nếp ở nhà sàn, chung trang phục, nhịp xòe, điệu hát, chung nhiều tập quán, phong tục. Người Thái ở Đà Bắc hiển nhiên là dân tộc Thái từ xa xưa, nhưng không hiểu sao, sau Cách mạng tháng Tám, lại được gọi là dân tộc Thổ (cho đến những năm thập niên 70 của thế kỷ XX) rồi tiếp sau đó là dân tộc Tày?…
1.
Càng đi về phía tây huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình núi non càng ngổn ngang trùng điệp. Nối từ đông sang tây là con đường xuyên qua núi, vắt qua đèo, khúc khuỷu đá, vực thung suối. Chúng tôi tiến vào một vùng đồi với muôn vàn lá cọ xòe tán lên trời xanh, ngỡ như những bàn tay vẫy vẫy chào mời khách đến.
Đây là vùng cư trú của người Thái, có xen vài ba dân tộc khác như Mường, Dao, Kinh với tỷ lệ khiêm tốn. Người Thái có mặt ở huyện Đà Bắc, rải rác từ Tu Lý, Toàn Sơn, Hiền Lương, Hào Lý, men theo dải dọc lòng hồ sông Đà, từ thành phố Hòa Bình lên Nước Mọc, Đồng Nghê. Rồi vùng giáp ranh Sơn La, Phú Thọ đâu cũng có người Thái sinh sống, chan hòa cùng cộng đồng các dân tộc anh em từ biết bao đời nay.
Nếu toàn huyện Đà Bắc dân cư Thái chiếm 49%, thì phạm vi các xã Tân Pheo, Cao Sơn, Trung Thành, Đoàn Kết, Mường Chiềng, Đồng Chum, Yên Hòa… hầu hết là cư dân Thái, tỷ lệ có thể nói thuần đến 80%. Đây là một quần cư khá đồng nhất trong lối sống, canh tác và phong tục, tập quán. Họ sống trong trẻo, hồn nhiên, sống tình nghĩa, sâu nặng, chuộng khách và ghét giả dối, ưa múa hát và dễ hòa đồng, luôn cựa quậy vươn mình về phía ánh sáng văn minh để tồn tại.
Bản Chàm (xã Tân Pheo) là bản văn hóa của người Thái ở Đà Bắc, hội tụ đủ những phẩm chất, những khát vọng của người Thái ngày xưa và hôm nay. Bản Chàm có tên dân gian là bản Cọ. Có lẽ, từ xa xưa vùng này hẳn là một rừng cọ, dấu tích còn những gốc cọ già xù xì, chỏng trơ, chới với đây đó trên các mỏm đồi. Bây giờ, sườn núi Phu Canh và những quả đồi bát úp, những vạt vườn cọ được khoanh trồng theo từng hộ. Dù đa số nóc nhà sàn đã được phủ lên màu ngói nhưng cây cọ, lá cọ vẫn hiện hữu như một thành tố gắn bó, không thể tách rời trong cuộc sống người dân bản Chàm.
Bản Chàm còn được gọi bằng cái tên khác là bản Pheo, có tên trong hệ thống hành chính thời phong kiến. Bản Pheo trở thành tên chung cho cả Mường Pheo bao gồm bảy xóm họp lại. Sau năm 1945, Mường Pheo nằm trong xã Đức Nhàn. Đến năm 1956, xã Đức Nhàn được đổi tên thành xã Tân Pheo cho đến ngày nay.
Loanh quanh một chút về tên đất, tên bản, dù chỉ một giai đoạn ngắn ngủi trong nửa sau thế kỷ XX, là để hình dung sơ lược về sự biến thiên lịch sử người Thái ở đây. Theo ký ức những cụ già nhất bản Chàm hôm nay, cái thuở khai thiên lập địa của người Mường Pheo cách ngày nay cũng vài trăm năm rồi. Có cụ quả quyết rằng, buổi bình minh đó diễn ra vào khoảng cuối thế kỷ XVII. Có cụ khác thì lần theo hồi ức, chập chững biết nhớ là thấy hình hài bản Chàm với vài nóc nhà. Thôi thì, tựu trung lại, chúng ta chỉ nên hiểu và hình dung người Thái đã có mặt trên mảnh đất này cũng phải nhiều thế kỷ rồi. Bên cạnh các bản là những khu rừng cổ thụ, chứa đựng trong đó biết bao câu chuyện huyền bí, không dễ gì người bản Chàm hôm nay lý giải được. Hàng trăm ngôi mộ cổ còn dấu tích trong các cánh rừng rậm rạp. Mường nào chả vậy, lúc thịnh lúc suy. Để tìm dấu tích cha ông xa xưa khác nào mò kim đáy bể. Người Thái ở Đà Bắc là ai, từ đâu đến, định cư trên mảnh đất này từ bao giờ? Đó là câu hỏi luôn day diết trong chính người Thái chứ không chỉ riêng cho sự tò mò của tôi.
2.
Để hiểu hơn về nguồn gốc người Thái ở Đà Bắc, tôi phải lần mò qua các nguồn tư liệu về người Thái sinh sống gần gũi với vùng đất Đà Bắc, đặc biệt là vùng Mộc Châu, Vân Hồ (Sơn La) vốn liền dải địa lý.
Mộc Châu xưa được cai quản bởi dòng họ Xa (người Thái) nổi lên từ cuối thế kỷ XIV – đầu thế kỷ XV. Họ Xa cai quản cả một vùng đất rộng lớn từ Đà Bắc đến bắc Thanh Hóa và Hủa Phăn (Lào) ngày nay. Đến đầu thế kỷ XV vào triều nhà Hậu Lê, thời vua Lê Thái Tổ, châu Mộc chính thức thuộc lãnh thổ Đại Việt (châu Mộc, phủ Gia Hưng, trấn Hưng Hóa), do Xa Khả Xâm (hay Xa Khả Tham) nhậm chức quan Đại Tư mã, cai quản.
Trong cuốn Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn, có viết: Cuối thế kỷ XVIII, Xa Văn Phấn làm phụ đạo châu Mộc. Năm 1776, Xa Văn Phấn mất, con cháu họ hàng họ Xa tranh nhau quyền thế tập. Quan hiệp đốc Hưng Hóa nhà Lê – Trịnh là Lý Trần Thản đã chia tách châu Mộc thành 3 châu nhỏ là: Châu Mộc gồm động Chinh Trình, Đàn Tổng, Hạ Tổng, cho Xa Văn Mang cai quản; Châu Đà Bắc là đất động Trình Sàng, cho Xa Văn Khoa cai quản; Đất động Hàm Hàng làm châu Mã Nam, cho Xa Văn Ôn cai quản.
Cuốn Đại Việt địa dư toàn biên của Nguyễn Văn Siêu, cũng ghi rõ: Châu Mộc xưa vốn có 23 động, là đất cũ họ Xa. Năm 1428, tộc trưởng Xa Khả Xâm có công giúp Lê Thái Tổ đánh nhà Minh, được phong chức Tư đồ tước quận công, Vua còn ban cho con cháu dòng tộc họ Xa nối đời làm quan cai quản cả vùng châu Mộc rộng lớn. Về sau, do con cháu họ Xa tranh quyền đoạt vị, đến năm Cảnh Hưng 36 (1776), nhà Lê trung hưng chia phần đất phía bắc sông Bờ (sông Đà) làm châu Đà Bắc, cho chi thứ họ Xa cai trị. Từ sông Mã trở về phía nam làm châu Mã Nam, cũng cho chi thứ khác của họ Xa cai quản. Phần đất còn lại vẫn gọi là châu Mộc, do tộc trưởng cai quản.
Như vậy ta thấy rõ, vào những thế kỷ XIII – XIV, người Thái ở Đà Bắc là hậu duệ lâu đời của người Thái ở Mộc Châu, đã định cư đông đúc ở phần đất phía bắc sông Đà (tức vùng đất huyện Đà Bắc ngày nay). Đầu tiên chịu sự cai quản chung của dòng trưởng châu Mộc, về sau do chi thứ nắm giữ. Đà Bắc trở thành đơn vị hành chính cấp châu thuộc phủ Gia Hưng, trấn Hưng Hóa từ năm Cảnh Hưng 36, bao gồm 4 động: Hiền Lương, Hào Tráng, Dỹ Lý và Đức Nhàn. Năm 1886, Pháp lập tỉnh Mường, đặt lỵ sở tại Chợ Bờ, châu Đà Bắc nằm trong phủ Chợ Bờ từ đó và thuộc tỉnh Hòa Bình ngày nay.
Người Thái ở Đà Bắc hiện còn bảo lưu rõ nét sự dung hợp hai ngành Thái đen và Thái trắng như người Thái Mộc Châu. Qua những chuyến điền dã, chúng tôi đã gặp một số phong tục còn hiện hữu đã nói lên điều đó. Trong đám hiếu có lễ “bắc thang lên trời”, na ná như câu chuyện dẫn hồn người chết lên mường Then qua dây Khau cát ở Mường Thanh của người Thái trắng. Nhưng một số nơi, người Thái ở Đà Bắc trước đây có tục “hỏa táng”, một phong tục rất đặc trưng của người Thái đen. Người Thái ở Đà Bắc còn dung nạp một phong tục lạ trong đám cưới mà các vùng phụ cận như người Mường, người Thái ở Mai Châu không thấy có, như “Lễ cô dâu nhập họ nhà trai”. Không biết người Thái ở các vùng xa có tục này không. Lễ này diễn ra sau đám cưới, có khi đến vài năm sau mới tổ chức, quy mô không kém gì một đám cưới. Một vài ví dụ đó cho thấy, kết quả của một quá trình hỗn dung văn hóa với người Thái ở Đà Bắc là khá đậm nét, tạo nên một vùng sắc tộc đa thanh, đa dạng và độc đáo.
3.
Là người của cùng dòng tộc Thái, được đắm chìm trong đêm xòe bản Chàm – Tân Pheo, được Khắp tụa (hát đối) đưa đẩy cùng chị em bên vò rượu cần, tôi cảm nhận rõ rệt trong tâm hồn mình đang dạt dào một mạch chảy huyết thống dòng tộc. Bởi chung ngôn ngữ, chữ viết, chung nếp ăn nếp ở nhà sàn, chung trang phục, nhịp xòe, điệu hát, chung nhiều tập quán, phong tục. Người Thái ở Đà Bắc hiển nhiên là dân tộc Thái từ xa xưa, nhưng không hiểu sao, sau Cách mạng tháng Tám, lại được gọi là dân tộc Thổ (cho đến những năm thập niên 70 của thế kỷ XX) rồi tiếp sau đó là dân tộc Tày?
Xét cho cùng, nếu ghi theo tên tự gọi của chính người Thái thì đúng là Tày. Người Thái với tên tự gọi là Tãy – Tay – Tày – Thay – Thai, tùy thuộc vào cách phát âm của từng khu vực. Các nhóm, ngành lớn của người Thái tại Việt Nam bao gồm: Tày Đón (Thái Trắng), Tày Đăm (Thái Đen), Tày Đeng (Thái Đỏ) và Tày Dọ (Thái Yo) cùng một số tên gọi khác với các nhóm nhỏ hơn. Họ đã có mặt ở miền Tây Bắc Việt Nam trên 1200 năm, là hậu duệ những người Thái đã di cư từ vùng đất thuộc tỉnh Vân Nam, Quảng Tây (Trung Quốc) bây giờ. Nhưng trên các văn bản chính thống, từ các vụ viện dân tộc học, văn hóa học, nhân chủng học đến các cơ quan quản lý hành chính, trong trường học và đời sống hàng ngày, đều ghi là dân tộc Thái, chứ không ghi theo tên tự gọi là Tày, phân biệt rõ ràng với dân tộc Tày (Tày – Nùng) ở vùng đông bắc Tổ quốc vốn chung hệ ngôn ngữ nhưng nhiều khác biệt cơ bản.
Với người Thái Đà Bắc, câu hỏi đặt ra là: Nếu gọi là dân tộc Tày thì có thuộc chung dân tộc Tày (Đông Bắc) không? Hay là có thêm một dân tộc Tày khác nữa? Trả lời câu hỏi này chỉ có trông chờ các cơ quan công quyền hữu trách lên tiếng vào cuộc mà thôi. Thiết nghĩ, chúng ta đã sửa được cái tên dân tộc Thổ đầy miệt thị thời Pháp thuộc, thì cái tên dân tộc Thái cũng nên được trả lại cho chính người Thái ở Đà Bắc, để người Thái Đà Bắc đỡ lẻ loi trong cộng đồng rộng lớn người Thái Việt Nam. Mặt khác, tạo sự thống nhất và khoa học, ít ra trong phạm vi quản lý hành chính.
Bản Lác, 20.4.2022
LÒ CAO NHUM
Xem thêm:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét