16 thg 4, 2022

BÀN VỀ "CHẾ ĐỘ NHÂN TÀI" (II)

 
BÀN VỀ "CHẾ ĐỘ NHÂN TÀI" (II)
 
Về chế độ thi cử ở Việt Nam thời xưa cần nói thêm là cách tổ chức này cũng chỉ sao chép của Trung Hoa vì các triều đại Việt Nam công nhận là Trung Hoa có một nền văn minh lâu đời và tinh tiến hơn mình nên không ngần ngại phỏng theo cách tổ chức, cách làm của một nền văn minh phát triển hơn, nhưng không vì vậy mà chịu bị đô hộ và đồng hoá mà sẵn sàng đánh trả khi bị xâm lăng. Đó là một thái độ khôn ngoan đi đôi với một lòng cương quyết bảo vệ nền độc lập quốc gia.
Mặt khác, việc thi cử đã đuợc áp dụng tại Việt Nam một cách liên tục và nghiêm chỉnh trong hơn 8 thế kỷ, đã trở thành một đặc điểm văn hoá của Việt Nam, ảnh hưởng trên tiềm thức và tâm lý người Việt.
Chế độ thi cử thời đó không phải là không có khuyết điểm, nhất là những thể lệ gắt gao về kỵ húy, chương trình học chỉ dựa trên các bộ sách cổ điển Trung Hoa (Tứ thư, Ngũ kinh), đòi hỏi những kiến thức về văn học, triết học, khả năng làm thơ, làm phú theo luật lệ khắt khe của nền văn chương cổ điển Trung Hoa… Nhưng cuộc cách mạng công nghiệp chỉ mới khởi đầu tại Anh trong thế kỷ XVIII và lan qua Tây Âu vào thế kỷ XIX, không thể trách cứ một xã hội Á Đông đã sống với nền nông nghiệp mấy ngàn năm không sớm bắt kịp các tiến bộ khoa học kỹ thuật Tây phương.
Điểm đáng nói là sự tuyển chọn rất nghiêm khắc và công bằng. Thể thức đặt ra được áp dụng cho mọi người; con của các quan lớn trong triều đình, các hoàng tử hay họ hàng nhà vua cũng phải tuân theo cùng những tiêu chuẩn như con nông dân. Không có việc nâng điểm, chạy điểm, mua bằng. Số người được chấm đậu trong mỗi kỳ thi rất ít, đảm bảo rằng chỉ những thí sinh có tài năng vượt trội mới được chọn để ra phục vụ việc công.
Một công sứ Pháp tại Huế có chứng kiến một khoa thi vào cuối thế kỷ XIX, và ông ta rất ngạc nhiên trước thái độ độc lập của hội đồng giám khảo, vì con của một vị đại thần trong Cơ Mật Viện cũng như con của Kinh lược sứ Bắc Kỳ đều bị đánh rớt qua một cuộc tuyển chọn rất nghiêm chỉnh và công bằng. Trong số 1 300 thí sinh kỳ thi hương năm đó chỉ có 29 người đậu cử nhân và 57 đậu tú tài (1).
Một tác giả người Pháp công nhận là "hiếm có nước nào coi trọng công tác giáo dục hơn xứ này" (2).
Đặc điểm đó của xã hội Việt Nam không khỏi làm cho những người khách phương Tây và những kẻ đi chiếm thuộc địa đến Việt Nam trong thế kỷ XIX phải khâm phục. Hai tác giả Pháp, trong hai quyển sách phát hành vào các năm 1874 và 1884, đều cho rằng xã hội Việt Nam là một "nền dân chủ đại học" (3), một lời khen tặng hiếm có dành cho một nước được xem là hậu tiến. Thử hỏi là ngay trong thế kỷ XXI này, có mấy nước được xứng đáng gọi là "nền dân chủ đại học" (démocratie universitaire)?
Một tác giả khác, trong một quyển sách phát hành năm 1885 nói rằng, nhờ chế độ tuyển quan chức qua thi cử đó, "ai cũng có thể thăng tiến để nắm giữ những chức vụ cao cấp nhất trong triều đình. Vì vậy tại xứ này không thấy có tình trạng hận thù giữa các giai cấp, là một trong những mối nguy lớn nhất cho châu Âu ngày nay" (4).
Đó là những lời khâm phục chân thành xuất phát từ những người Pháp khi họ nhận thấy là trong nhiều mặt, cách tổ chức xã hội ở Việt Nam còn tiến bộ hơn các nước châu Âu vào thời đó.
Chưa hết, ngay từ thế kỷ thứ XV, nước Đại Việt đã có được một nền hành chánh tổ chức hết sức qui củ. Nước được chia thành 12 tỉnh, gọi là đạo. Đạo lại được chia thành phủ, huyện, châu... Đơn vị hành chánh căn bản là xã. Các quan đứng đầu các đạo và các phủ, huyện, châu, do nhà vua bổ nhiệm, nhưng các xã đã được quyền bầu những hương chức trong xã, gồm năm người cho các xã lớn có hơn 500 gia đình, bốn người cho các xã trung bình, và ba người trong các xã nhỏ. Các xã trưởng và hương chức khác được dân chọn trong số những người có tài đức và những nho sĩ chưa đậu trong các kỳ thi của nhà nước; họ thật sự là những đại biểu của dân. Hệ thống "xã thôn tự trị" (phép vua thua lệ làng) là một hình thức tản quyền mang tính rất dân chủ rất hiếm thấy vào thời đó.
Chính những người Pháp đã đặt chân đến đây vào cuối thế kỷ XIX đã rất ngạc nhiên khi nhìn thấy điều đó. Một tác giả người Pháp, Jean-Louis de Lanessan, đã có ý kiến như sau: "Với một lối tổ chức chính trị và xã hội hết sức dân chủ như vậy, hoàng đế tại đây không thể nào cai trị một cách độc tài như có người đã nói" (5).
Trong một quyển sách khác, cùng tác giả đó đã nhận xét thêm: "Xét về mặt chính trị, nền cai trị tại An Nam có thể xem như là một thể chế quân chủ mà không có giai cấp quí phái, không có giai cấp tăng lữ, không có quốc giáo, nhưng có những định chế dân chủ và một hình thức tản quyền rất mạnh đến các xã" (6). Nên biết tác giả của những nhận xét đó chính là Toàn quyền Pháp tại Đông Dương, tức là viên chức đứng đầu bộ máy cai trị của thực dân Pháp.
Tất cả những lời nhận xét và bình luận nói trên tôi đã đọc được khi đi tìm tài liệu để viết quyển "Thư ngõ gởi bạn trẻ Việt Nam" trong kho sách của thư viện thành phố Versailles, một thư viện có rất nhều tư liệu xưa thừa hưởng từ kho sách hoàng gia của điện Versailles. Tôi nghĩ nếu chịu khó tìm thêm sẽ còn đọc được những lời khen tặng khác từ những người châu Âu khi họ khám phá mức tiến bộ và tinh tế của xã hội Việt Nam xưa.
Nhưng sách sử tại Việt Nam hoàn toàn không để ý, nói gì về những chứng cứ và đánh giá khách quan trên, trái lại các nhà viết sử Việt Nam quen gộp chung cả thời kỳ quân chủ hơn một ngàn năm trong lịch sử Việt Nam dưới nhãn hiệu "phong kiến" với tất cả hàm ý xấu: thối nát, hủ bại, bất công và áp bức. Những triều đại phong kiến, thời phong kiến, xã hội phong kiến… Những gì mà những chứng nhân ngoại quốc khâm phục và ca ngợi lại bị sử gia Việt Nam miệt thị.
Đã bao nhiêu thế hệ học sinh đã được nhồi nhét những ý tưởng sai lạc và những thành kiến rất xấu về một quá khứ mà đáng lẽ họ phải tự hào. Mong rằng các bạn nhìn lại lịch sử một cách khách quan hơn và không bao giờ dùng hai chữ "phong kiến" trong một thái độ miệt thị tiền nhân.
----------------------
(1) Frédéric Baille, Souvenirs d'Annam. 1886-1890, Paris, Plon, 1890, tr. 3. Tác giả là Phó Công sứ Pháp tại Huế năm 1886 và Công sứ năm 1888.
(2) J.-L. de Lanessan, L'Indochine française, Paris, Félix Alcan, 1889, tr. 230. Tác giả là Toàn quyền Pháp tại Đông Dương từ 1899 đến 1902.
(3) C.-E. Bouilleveaux, L'Annam et le Cambodge, Paris, Palmé, 1874, và H. de Bizemont, L'Indochine française, Paris, 1884.
(4) L.-E. Louvet, La Cochinchine religieuse, quyển I, Paris, Challamel, 1885, tr. 109.
(5) J.-L. de Lanessan, La Colonisation française en Indochine, Paris, Félix Alcan, 1895, tr. 13.
(6) Cùng tác giả, L'Indochine française, Paris, Félix Alcan, 1889, tr. 214.

Copy từ FB  Vinh Dao. (France)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét