19 thg 4, 2023

· Trương Vĩnh Ký: Một Công Ơn To Tát Không Hề Được Biết

 

Đối với nhà nông và nhà vườn miền Nam, Trương Vĩnh Ký có một công ơn to tát, mà thuở sinh tiền, chính ông không nghĩ hay ngờ đến. Chỉ vì vào các thập niên đầu thế kỷ 20, sau khi ông tạ thế (1898), các loại cây có trái ăn ngon và lạ do ông du nhập từ hải ngoại mới phát triển mạnh. Hải ngoại đây tức là “Miền Dưới”, địa danh do dân chúng miền Nam đặt để ám chỉ chung các xứ ở phía “dưới” Nam Kỳ Lục Tỉnh như: Mã Lai Á, Nam Dương (Indonésia), Bồ bà (Java).
Nhắc lại, năm lên 3 (năm 1840), Trương Vĩnh Ký mồ côi cha, bạn của cha ông, cố đạo Long thấy năng khiếu của ông, giúp gia đình mẹ con ông bằng cách đưa ông đến Chủng viện Cái Nhum (Vĩnh Long) tiếp tục học chữ Quốc ngữ và chữ La Tinh từ năm 1846 đến 1848, rồi đem lên Pinhalu (Cao Miên) tiếp tục học từ 1848 đến 1851.
Năm 1851, được 14 tuổi, Cố Đạo Long đưa ông xuất dương du học tại trường đạo Pénang, trong Ấn Độ Dương.
Trong thời gian 6 năm, từ 1851 đến 1858, năm ông rời hẳn Penang về Cái Mơn thọ tang mẹ, sau mỗi niên học, ông đáp thuyền về quê thăm gia đình và mỗi bận, ông không quen mang món ngon vật lạ về biếu mẹ già và bà con trong gia đình.
Món ăn mà ở quê nhà không có, nhưng ở Penang rất thừa thải và các loại trái cây lạ, vị rất ngon như:
Sầu riêng (gốc ở Nam Dương)
Chôm chôm trốc (gốc ở Bồ bà – đảo Java)
Măng cụt tróc
Bòn bon (trái có chùm như trái dâu, vỏ mỏng và mịn,múi ngọt)
Suốt nửa thế kỷ XIX, từ ngày Trương Vĩnh Ký mang các loại trái cây ngon, lạ của “Miền Dưới” về, đến hết thế kỷ XIX, lãnh thổ của Nam Kỳ Lục Tỉnh lúc nào cũng không yên, vì sự cấm đạo của vua Tự Đức, vì các cuộc hành quân xâm chiếm của thực dân Pháp, bắt buộc nông dân lúc nào cũng lo mạng sống của lúa thóc, cơm gạo hơn là lo trồng cây ăn trái. Một mùa lúa chỉ cần có 6 tháng cho việc ruộng nương đồng áng, trái lại sầu riêng, măng cụt đòi hỏi 8 năm mới bắt đầu có trái “chiến” (đầu tiên của cây).
Vì thời cuộc và thời gian nên sự phát triển sầu riêng, măng cụt rất chậm và rất giới hạn trong vùng Cái Mơn và làng xã lân cận. Càng về lâu, càng không ai để tâm đến nguồn gốc các loại cây đặc biệt của “Miền Dưới” do Trương Vĩnh Ký mà có, ngoại trừ một ít bô lão tại địa phương truyền miệng nhau.
Chẳng bì, vào năm 1897, với óc thực dân mà sử Pháp có ghi rành rẽ, dược sĩ hải quân Pháp Raoul “lén” mang 2.000 hột cao su, từ Mã Lai Á đến Sài Gòn, trao cho nhà trồng tỉa Berland để trồng thử trong vùng đất đỏ (Terres rouges) gần Sài Gòn . Đến năm 1905 mới chích mủ lần đầu, được rất nhiều mủ và mủ tốt.
– Bước vào thế kỷ 20, phần đông dân ở Cái Mơn trước tiên, rồi quận Chợ Lách rồi toàn tỉnh Kiến Hòa, giữa 2 mùa cấy gặt và sau mùa gặt, có nhiều thời gian nhàn rỗi, lo săn sóc vườn tược, đào mương cho nước lưu thông, lấy đất đào lên liếp để trồng cây ăn trái.
Đúng ra, vì mức sinh sản cao kéo theo mức sinh sống cao, bắt buộc nông dân phải tìm cách tăng nguồn lợi tức bằng tăng gia diện tích canh tác.
Nhìn vào thống kê của Nam Kỳ Lục Tỉnh là thấy ngay:
Năm 1880: 1.675.000 dân 522.000 mẫu ruộng
Năm 1900; 2.937.000 dân 1.175.000 mẫu ruộng
Năm 1920: 3.600.000 dân 1.850.000 mẫu ruộng
Năm 1930: 4.500.000 dân 2.440.000 mẫu ruộng, 85.000 mẫu mía, bắp, dừa, thuốc, đậu 87.000 mẫu cây kỹ nghệ (cao su) của các nhà trồng tỉa Pháp.
Trái cây ngon, bán đi, mang lại một lợi tức đáng kể, trong khi công sức làm vườn bỏ ra ít hơn công sức làm ruộng. Do đó, chẳng riêng gì nông dân Cái Mơn và lân cận, mà cả khắp nơi đua nhau phát triển vườn cây ăn trái. Có nhà nông giảm diện tích ruộng để lập vườn và trở thành nhà vườn hay chủ vườn.
Nông dân và nhà vườn địa phương Cái Mơn còn có một sáng kiến thu lợi tức khắc nữa là ương hạt giống, chiết nhánh trồng cây cho sớm có trái, thay vì 8 năm còn 5 năm, tháp cây cho cây có sức và sống dai. Mỗi cây được bó trong mo cau, bẹ chuối với đất phân. Vào đầu mùa mưa, cây xanh tươi tốt, cao 1 mét 50, họ đem xuống ghe, chèo chở khắp các tỉnh xa. Do đó, các loại cây có trái ngon nhứt là sầu riêng, măng cụt tràn lan rất nhanh khắp Nam Kỳ Lục Tỉnh.
Sầu Riêng, măng cụt Lái Thiêu, Bún (Thủ Dầu Một), chôm chôm tróc Java, bòn bon ở Xuân Lộc, Long Khánh (Biên Hòa) đều xuất phát từ Cái Mơn, nhưng nguồn gốc thật sự là từ “Miền Dưới” do Trương Vĩnh Ký du nhập vào Nam Kỳ Lục Tỉnh. Đất vùng Hậu Giang lại không hạp với loại cây ăn trái này.
– Từ thập niên 40 của thế kỷ XX này, dù sầu riêng, măng cụt không cần thiết cho đời sống như gạo, muối, nhưng lại là một mối lợi to, nên người Hoa ở Chợ Lớn nắm độc quyền về kinh tế, thương mại, có sẵn phương tiện mạnh mẽ về tài chính, vận chuyển, phân phối, nhúng tay vào và hưởng lợi trên sức lao động của nông dân Việt Nam. Đương nhiên, họ không màng biết sầu riêng, măng cụt xuất xứ từ đâu và không biết đó là công ơn của Trương Vĩnh Ký.
Tóm lại, Trương Vĩnh Ký đối với nhà nông và nhất là nhà vườn Nam Kỳ Lục Tỉnh, rồi đối với nhà thương mại người Hoa ở Chợ Lớn có một công ơn to tát mà không hề được ai biết để nhắc nhở, nói chi đến sự ghi ơn.
Nguồn: Hội Ái Hữu Petrus Ký
Mai Phương St

H.Phi chuyển 

 

Mời Xem Thêm : 

Ngộ Không Phí Ngọc Hùng: Trương Vĩnh Ký nỗi oan thế kỷ 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét