19 thg 4, 2023

NHỮNG LỜI NÓI DỐI CỦA PHƯƠNG TÂY (Diển Đàn Khai Phóng )

Tác giả: Georg Diez, der Spiegel số 44/2013
Người dịch: Ninh Dương

Trong một ngôi làng ở độ cao 2100 mét trên dãy Himalaya, nhà trí thức Ấn Độ Pankaj Mishra cắt nghĩa cho thế giới phương Tây hiểu những gì phương Đông đánh giá họ: chẳng bao nhiêu.

Qua khung cửa sổ, Pankaj Mishra nhìn thấy những cây táo, anh dõi mắt theo suốt con dốc dẫn đến những ngọn núi xanh bên kia thung lũng, đằng sau đó là dãy Himalaya với những ngọn núi khổng lồ tỏa sáng khi chúng không bị gió mùa nuốt chửng.

Anh đã đến đây, đến Mashobra, năm 1992, anh lấy xe buýt, đi không màng đích đến, anh muốn tìm hiểu đất nước Ấn Độ của mình, muốn đi du lịch, muốn thấy, hiểu và khi xe buýt ngừng ở Mashobra, vừa xuống xe anh đã cảm thấy khoan khoái dễ chịu và đi bộ xuống sườn đồi đến ngôi nhà nằm giữa rừng táo, -nơi anh sống cho đến nay, bấm chuông, thuê một căn phòng và ở lại: ít nhất là nửa khoảng thời gian trong năm anh ở đó, xa hẳn thế giới bên ngoài và sự ồn ào náo động.

Anh hiện có hai phòng, một ban công nhô ra thung lũng, một phòng rộng chất đầy sách mà anh đã mang dần đến, một kính viễn vọng. Anh ngủ trong gian nhỏ bên cạnh, nơi để máy tính xách tay. Bên trái là một nhà bếp hiếm khi được dùng vì anh đặt phần ăn của mình ở một trong hai cái gọi là quán ăn tại Mashobra: một nhà kho không cửa ở bên đường, một con bò bới thùng rác, một người đàn ông ngồi lom khom trên cầu thang đánh răng. 2000 người sống ở đây, tại độ cao 2146 mét, mùa hè thì cao thêm vài mét. Mùa đông, tuyết đổ làm con đường trở nên lầy lội và sau đó đóng băng. Ít ra thì ở đó cũng có internet.

Mishra, 44 tuổi, đã chọn nơi này để suy ngẫm về thế giới: một người đàn ông của thế kỷ 21, một trí thức của thời đại chúng ta, sống giữa các nền văn hóa, quốc gia, ngôn ngữ, người mà trong các tiểu luận và bài điểm sách cho các tờ “New York Times”, “New Yorker”, “New York Review of Books”, “Guardian”, “Financial Times”, “London Review of Books” đã cắt nghĩa cho phương Tây những gì phương Đông nghĩ.

Và vấn đề bắt đầu từ đó. Liệu có một „Phương Đông” không? Nếu vậy thì Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ, Iran và Nhật Bản, Trung Quốc và Afghanistan có gì là điểm chung? „Phương Đông“ có một lịch sử, một thực tại, một chính trị không?

Dù gì đi nữa, “Phương Tây” vẫn hiện hữu, chính nó tự nhận mình như vậy, tự xây dựng giá trị, sức mạnh, quyền lực và sự ưu việt của mình trên thuật ngữ đó – Nó đã chinh phục thế giới vào thế kỷ 19 dưới lá cờ này, chế ngự các dân tộc và đem lại tiền bạc cùng sự giàu có cho cư dân phương Tây. Vậy là “Phương Tây” cần “Phương Đông” như một cấu trúc, mà nó đã tự xây dựng cho mình và thổi phồng về mặt văn hóa, song hành với các cuộc chinh phục thuộc địa, ngay cả ngày nay nó vẫn cần phương Đông, để phân giới và định nghĩa thế nào là văn minh, thế nào là không: Đây là luận điểm trọng tâm của nghiên cứu “Chủ nghĩa phương Đông” của Edward Said vào năm 1978.

Bây giờ, với cuốn sách mới của anh “Từ tàn tích của đế chế”, Pankaj Mishra đảo ngược hướng nhìn từ phương Tây sang phương Đông, đó là câu trả lời cho Said và là một sự khẳng định khoảng cách **. Trong sách, Mishra chiếu một tấm gương cho phương Tây nhận ra đâu là nguồn gốc của sự thù hận và sự chống đối phương Tây, kể từ đống tro tàn của Twin Towers đến các bãi chiến trường ở Afghanistan và từ Kairo đến Karatschi. Anh nêu rõ sự thù hận này có từ lúc nào và những căn nguyên của nó. Anh phá vỡ những huyền thoại và hình ảnh tự dựng của một phương Tây tốt đẹp và văn minh – nhưng anh cũng đưa ra những lập luận, các sự việc, tiếng nói, phương cách mà “phương Đông” có thể tự xác định bản thân.

Năm 1919 và Hội nghị Hòa bình Paris, xuất phát từ những nỗi kinh hoàng của thế chiến thứ nhất, một trật tự thế giới mới, tốt đẹp hơn, công bằng hơn sẽ phải được hình thành, một điều quan trọng là: Mishra cho rằng, ở đó, sự phản bội của phương Tây đối với các giá trị của mình trở nên thật rõ ràng – là vì trước hết Tổng thống Mỹ Woodrow Wilson công bố nguyên tắc dân tộc tự quyết, để rồi sau đó không những từ bỏ nó mà còn cùng với phương Tây đồng thỏa thuận quyền quyết định từ ngoại bang đối với phần lớn thế giới phi Tây phương.

Nhiều cuộc xung đột trong thời đại chúng ta bắt nguồn từ sự phá sản này, từ những lời dối trá – ranh giới được vẽ tùy tiện, hình thể quốc gia được xây dựng một cách giả tạo, và luận điệu về dân chủ và chủ nghĩa tự do, điều mà liền ngay sau khi nói ra đã bị phủ nhận. Điểm đặc biệt trong cuốn sách của Mishra là ông khéo léo kết nối sức mạnh của lịch sử thế giới từ các sự kiện với cuộc sống và suy nghĩ của những nhân vật quan trọng, những người mà ở phương Tây cũng như ở phương Đông không ai biết đến nhiều- Swami Vivekananda chẳng hạn, một trong những nhà lãnh đạo tinh thần sớm nhất và nổi tiếng nhất Ấn Độ ở vào thế kỷ 19: “Đối với nền văn minh này”, Vivekananda viết về phương Tây, “thanh kiếm là phương tiện, chủ nghĩa anh hùng là công cụ hỗ trợ và sự tận hưởng cuộc sống trong kiếp này và kiếp sau là mục tiêu duy nhất.”

Đằng sau những dòng chữ này là sự hung hãn và tức giận, một sự tức giận chính trị-văn hóa cơ bản và sự bác bỏ mô hình sống phương Tây – chính đó là điểm khác biệt với “Chủ nghĩa phương Đông”: “Edward Said đã phàn nàn về phương Tây. Nhưng bây giờ chúng ta phải mô tả được con đường của chính mình và nói rõ chúng ta muốn trở thành ai và chúng ta muốn đi đâu”, Mishra nói.

Trong cuốn sách của mình, anh nói với phương Tây cũng như phương Đông – đây là một nhiệm vụ giáo dục và đào tạo theo cả hai hướng. Mishra đã mở một kho báu lịch sử và trí tuệ đáng kinh ngạc, qua đó tạo điều kiện cho những tầm nhìn mới cho tư duy ở cả phương Tây lẫn phương Đông. Cuốn sách của ông tuy có cực đoan, nhưng đó không phải là sự giận dữ hời hợt. Cái mà hầu như luôn xảy ra với Pankaj Mishra, đó là một cuốn sách tự tìm kiếm.

Anh nói: “Khi tôi bắt đầu nghiên cứu của mình, tôi nhận ra rằng mình biết rất ít về sự việc này, về những nhà tư tưởng đã bị lãng quên từ lâu.” Mishra mô tả cuộc sống của ba nhân vật chính: Một là nhà hoạt động du sĩ và nhà tư tưởng Jamal al-Dinal-Afghani, người đã lang thang ở Ấn Độ, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập trong nửa sau của thế kỷ 19, đã nói chuyện với những nhà cai trị và đã ở lại trong cung đình nhưng không bao giờ có thể thực hiện ý tưởng của mình về một xã hội công bằng – người đã có lúc quay lưng với hành trình hiểu biết lẫn nhau và sau đó, trở thành một nhà tư tưởng tiên phong cho cái mà ngày nay chúng ta gọi là khủng bố Hồi giáo.

Hoặc là Liang Qichao, “một trí thức hiện đại đầu tiên của Trung Quốc”, Mishra gọi ông ta như vậy, là người đã trải nghiệm ở chính đất nước mình cách phương Tây đẩy một dân tộc vào sự lệ thuộc và cướp đi tất cả niềm tự hào cùng lòng tự tin của họ, trong trường hợp này, thông qua dịch thuốc phiện, đó là kết quả trực tiếp của chính sách thương mại của Anh và chiến tranh nha phiến – Liang Qichao sau đó đến Mỹ, tập ghét dân chủ vì những lời dối trá của nó và nhìn thấy ở Nhật Bản quân phiệt một chế độ chuyên quyền thay cho cái mà ông gọi là “những hoang tưởng vô ích” về hòa bình và công lý.

Đó là những linh hồn hiếu chiến trong những thời chiến mà Mishra kể, Afghani và Liang và nhân vật thứ ba, Rabindranath Tagore, một thiên tài toàn diện người Bengali, một người đàn ông ôn hòa, đó là những gì người ta nói về ông ở phương Tây – nhưng trên thực tế cũng là một đầu óc chính trị đầy mâu thuẫn, người đã phát biểu ở phương Tây về sức mạnh hủy diệt của tệ sùng bái tiền bạc và quyền lực và đã nhận được giải thưởng Nobel, nhưng ở phương Đông, ông đã nhận được sự phản đối gay gắt cho lời nói của mình.

Cùng với ba nhân vật này, Mishra minh họa một cách ấn tượng sự tương tác giữa sức mê hoặc  và niềm hy vọng, vì phương Tây luôn tán thành nó bất chấp những thô lỗ về vật chất, giữa sự khuất phục và hoài nghi, vì phương Tây đã phá hủy những lý tưởng dân chủ vì lợi ích kinh tế của chính họ.

Mishra còn đi xa hơn, trích dẫn những tiếng nói như nhà tư tưởng người Bengal Aurobindo Ghose, người xuất thân từ một gia đình cuồng tín thân Anh đã viết vào đầu thế kỷ 20: “Đạo đức và sự cảm nhận hiện đại đã nổi dậy chống lại sự nô dịch của một quốc gia với một quốc gia khác, một giai cấp với giai cấp khác, người này với người khác. Chủ nghĩa đế quốc đã phải biện minh trước sự cảm nhận hiện đại này và chỉ có thể làm được điều đó bằng cách đóng vai người được ủy thác của sự tự do với sứ mệnh cao cả là văn minh hóa những người kém văn minh“.

Qua đó, Mishra cũng đề cập đến một thiếu sót của chủ nghĩa hiện đại, tự coi mình là tuyệt đối và xem lịch sử của chính nó là lịch sử nhân loại – 5000 năm văn minh Trung Quốc và 4000 năm văn minh Ấn Độ đã bị bỏ qua một bên: Mishra nói về “sự bắt chước phương Tây mù quáng“ và trích lời nhà thơ, họa sĩ, triết gia Tagore rằng không có lý do gì để người châu Á tin rằng “việc xây dựng một quốc gia theo mô hình châu Âu là loại hình văn minh độc nhất và là mục tiêu duy nhất của con người”.

Điều làm cho “Từ tàn tích của đế chế” của Mishra trở nên phong phú không chỉ là cách ông sử dụng ba nhân vật của mình như một chìa khóa để phản ánh những câu hỏi lịch sử trung tâm như quyền tự quyết của các dân tộc – cuốn sách còn quan trọng bởi vì Mishra tìm kiếm câu trả lời cho hiện tại của chúng ta về các câu hỏi của lịch sử: Cuối cùng, cuốn sách chứa đựng sự phê bình toàn diện và hoàn toàn mang tính xây dựng về nhà nước dân tộc, cái mà đối với Mishra là di sản tai hại của cuộc tranh giành quyền lực của phương Tây trong thế kỷ 19 và sẽ là lý do và cơ hội cho các cuộc chiến tranh trong thế kỷ 21 – điều này đã xảy ra.

Về cốt lõi, cuốn sách này là một triết lý chính trị còn phải được diễn giải rõ ràng: “Phương Tây,” Mishra nói, “luôn nghĩ rằng họ biết xã hội vận hành như thế nào. Nhưng sự thống trị của phương Tây rất ngắn, so với đế chế Trung Quốc. Và một mô hình kinh tế như chủ nghĩa tư bản chẳng hạn, có thể hoạt động tốt ở một quốc gia và không tốt ở một quốc gia khác. Ngay cả một ý tưởng như dân chủ cũng phải cần được tẩy rửa những điều xấu xa vốn dĩ đã được thực hiện nhân danh nó. “

Và như thế, cuộc trò chuyện với Mishra nhanh chóng đi đến các vấn đề của hiện tại, từ câu hỏi liệu người ta có thể đơn giản đưa nền dân chủ áp đặt lên một quốc gia như Afghanistan và trông chờ hòa bình trở lại, đến cuộc khủng hoảng ở Ai Cập, một quốc gia quá hỗn tạp, như Mishra lập luận, để cho một nền dân chủ được kiểm soát tập trung có thể là giải pháp thỏa đáng. “Chúng ta phải mang những lịch sử khác nhau vào cuộc tranh luận” anh nói, “như thế có thể chúng ta tìm ra lối thoát. Đại khái là, nhiều quyền tự trị hơn, ít tập trung hơn. Và nhận thức được rằng những hứa hẹn về tự do và nhân quyền từ lâu đã gắn liền với tội ác của chủ nghĩa đế quốc.”

Đối với phương Tây, Mishra nói, con đường này sẽ rất khó đi, “bởi vì khi bạn đã quen với việc thống trị thế giới, bạn sẽ nhìn mọi thứ khác đi.” Nhưng cuộc khủng hoảng tài chính và sự thất bại trong các cuộc can thiệp của Mỹ ở Iraq và Afghanistan đã vẽ ra hướng đi cho anh: “Với Hoa Kỳ, vấn đề không còn là việc xây dựng các quốc gia dân tộc ở những nơi khác trên thế giới,” Mishra nói, “mà chính là việc trước tiên họ tu sửa chính quốc gia của họ”. Và nếu, đó là hy vọng của anh, quan điểm của phương Tây về “phương Đông” thay đổi vì phương Tây hướng nội nhiều hơn, thì nó sẽ giải phóng “phương Đông” khỏi trạng thái sốc tê liệt đã được trải nghiệm qua nhiều thế kỷ – Sự bám víu vào việc muốn được như phương tây bằng mọi giá.

“Chúng ta sống như những người mù trong thời đại của mình, bị cắt đứt ra khỏi lịch sử của mình“

Mishra nói: “Chúng ta sống như những người mù trong thời đại của mình, bị cắt đứt ra khỏi lịch sử của mình, chúng ta cam chịu sự nghèo nàn về trí tuệ – chúng ta phải xem lại để nhận biết đã bước vào con đường sai lầm từ lúc nào và những ý tưởng nào của quá khứ ngày nay vẫn còn hữu dụng”.

Pankaj Mishra nói những câu như vậy một cách bình thản. Anh không phải là một con người ồn ào. Anh gầy, khiêm tốn, khắc khổ. Anh đã viết lời tựa cho ấn bản mới của cuốn hồi ký của Mahatma Gandhi, người mà anh coi là một nhà tư tưởng chống phương Tây.

Một ngày nào đó anh mặc một chiếc áo sơ mi trắng cài khuy, quần chinos màu ngà và giày cổ thấp màu nâu, hôm khác là một áo sơ mi dài màu xanh lá cây, thường thấy ở Ấn Độ. Khi anh không ở Mashobra hoặc đi du lịch, anh sống ở London, nơi vợ anh hành nghề biên tập viên và con anh đi học.

Anh không phải là nhà cách mạng, ngay cả khi cặp mắt sẫm màu của anh đôi khi nhấp nháy sáng, ngay cả khi có thứ gì đó dường như đang bùng cháy bên trong anh ta, ngay cả khi anh ta có một nét nào đó của kẻ lật đổ. “Tôi không cho mình là người rao giảng hay dẫn dắt người khác,” anh nói. “Tôi thấy mình là người nghiên cứu thì đúng hơn.” Và đối với anh, điều đó có nghĩa là du lịch, trên hết là đọc sách. Đó là lý do tại sao anh đến Mashobra, người con trai của một công nhân đường sắt từ Jhansi – với một  cuộc sống thuộc tầng lớp trung lưu thấp, một người thực ra chỉ biết có một đam mê để đạt mục tiêu của mình: thăng tiến nhờ sự nghiệp công vụ hoặc bằng kỹ sư. “Có điều, tôi muốn một cuộc sống thoải mái, nhàn rỗi, tôi muốn một đời chỉ toàn đọc sách”, Mishra nói khi đi bộ xuyên cánh rừng, khởi đầu ngay sau ngôi nhà ở Mashobra. Anh đi bộ ở đây mỗi ngày, thường là vào buổi sáng.

Những đám mây treo thấp trên lùm cây lá kim, đâu đó có một con bò đứng lơ ngơ.

“Tôi cảm thấy mình giống như một trong những người Nga ở thế kỷ 19, người rút lui về vùng quê để thoát khỏi chủ nghĩa tự do đã bị vỡ mộng và sự mất lòng tin vào thế giới đã bị thương mại hóa.”

Anh làm những gì anh muốn, anh đọc và bắt đầu viết, những cuốn sách được gửi đến Himalaya cho anh, anh gửi bài đáp lại đến London và New York, đó là những năm chín mươi và cuộc sống, sự suy nghĩ, viết lách vẫn còn chậm chạp. Anh đã viết những cuốn sách liên kết tiểu sử với những câu hỏi lớn hơn về tôn giáo, bản sắc và tính hiện đại: “Dọc đường đến với Đức Phật” (2005) hay “Tiếng gọi của phương Tây” (2011).

Anh vẫn là một trí thức cho người trí thức – nhưng với “Từ tàn tích của đế chế” điều đó đã thay đổi. Nó được thể hiện rõ ràng vào đầu năm 2011, khi anh sa vào cuộc tranh cãi với trí thức đầu đàn người Anh Niall Ferguson, hay như Mishra nói, “những Niall Ferguson của thế giới này”: Mishra đã nỗi giận với chủ nghĩa đắc thắng trong cuốn sách “Phương Tây và phần thế giới còn lại” của Ferguson, ngược lại Ferguson cảm thấy bị vu khống là một kẻ phân biệt chủng tộc, các lá thư độc giả trao đổi đã được viết qua lại cùng những lời dọa dẫm kiện tụng – Cuộc công kích của Mishra, điều trở nên rõ ràng khi bạn đọc cuốn sách của anh ấy bây giờ, đã được khởi mầm từ những nghiên cứu của anh ta cho “Từ tàn tích của đế chế”.

Khi ở London, Mishra làm việc trong một văn phòng lớn, trống trơn với sàn bê tông và những chiếc thảm Ba Tư. Đó là một trường học cũ từ thế kỷ 19. Trong cuộc trò chuyện anh ta hung hãn hơn, giữ thế công hơn so với ở Mashobra, nhưng đó cũng có thể là do tâm trạng trong ngày.

Anh nói về “Sự dối trá, rằng đế chế đã từng là một hình thức của nền văn minh”, anh nhìn thấy một “hệ thống trí tuệ phá sản bàn về đế chế”, cái mà luôn được coi là mô hình cho toàn cầu hóa. Vậy thì, những gì mọc lên từ đống đổ nát? Pankaj Mishra viết trong cuốn sách của mình: “Thành trì của chính trị phương Tây cuối cùng đã bị phá vỡ. Sự trỗi dậy của châu Á và lòng tự tin của các dân tộc Á châu đang hoàn tất cuộc nổi dậy đã bắt đầu từ hơn một thế kỷ trước của họ. Trên nhiều phương diện, đó là sự trả thù của phương Đông.“

GEORG DIEZ

Ghi chú:

* Với người hầu Ấn Độ tại lâu đài Windsor.

** Pankaj Mishra: „Aus den Ruinen des Empires: die Revolte gegen den Westen und der Wiederaufstieg Asiens“. S. Fischer Verlag, Frankfurt am Main; 448 trang; 26,99 €

(“Từ tàn tích của đế chế: Cuộc nổi dậy chống lại phương Tây và sự tái trỗi dậy của châu Á“)

 ————

Nguồn: Spiegel số 44/2013 trang 124-127 (báo giấy).

Tác giả: Georg Diez: Ký giả, nhà văn.

Xem thêm bài liên quan:
Quý vị đã suy nghĩ thấu đáo đến tận cùng chưa?

Pankaj Mishra sinh năm 1969 tại Ấn Độ. Nhà sử học từng là giáo sư thỉnh giảng tại Wellesly College và University College ở London. Bài viết của ông tập trung vào văn học du ký và các tác phẩm lịch sử được làm phong phú thêm bằng các truy vấn triết học. Nhà tiểu luận kiêm nhà văn Mishra, 53 tuổi, là một trong những tiếng nói quan trọng nhất của Ấn Độ. Cuốn sách „Butter Chicken in Ludhiana“ và „Age of Wrath“ của ông là những cuốn sách bán chạy nhất trên thế giới.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét