Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm
Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585), huý là Văn Đạt, tự
Hanh Phủ, người làng Trình Tuyền (Trung An), huyện Lĩnh Lại, tỉnh Hải Dương
xưa, nay thuộc huyện Vĩnh Bảo, ngoại thành Hải Phòng. Nguyễn Bỉnh Khiêm là học trò của bảng
nhãn Lương Đắc Bằng. Vì tình hình đất nước lúc bấy giờ không ổn định, nên mãi
đến năm Giáp Ngọ, khi đã bốn mươi ba tuổi ông mới đi thi hương và đỗ ngay giải
nguyên. Sau đó đỗ hội nguyên rồi đỗ trạng nguyên năm thi Ất Mùi, niên hiệu Đại
chính thứ sáu (1535), đời Mạc Thái Tông. Ông
làm quan Đông các hiệu thư, Lại bộ Tả Thị Lang, kiêm Đông các đại học, tước
Trình Tuyên hầu. Làm quan cho nhà Mạc được tám năm, thấy gian thần hoành hành,
ông đã dâng sớ vạch tội và xin chém đầu mười tám tên lộng thần. Vua không nghe,
ông liền trả áo mũ, xin về quê, dựng am dạy học. Học trò ông có nhiều người nổi
tiếng như Phùng Khắc Khoan, Nguyễn Dữ...
Trong khi ở ẩn, Vua Mạc cũng như các chúa Trịnh,
Nguyễn có việc hệ trọng vẫn cho người đến hỏi ý ông. Ông thường kín đáo khuyên
Vua cố gắng tránh chiến tranh để nhân dân khỏi chết chóc. Lúc mất, ông được Vua Mạc truy phong
tước Trình Quốc công, do đó mà có tên gọi là Trạng Trình. Ông mất ngày 28 tháng
11 năm Đinh dậu, niên hiệu Diên Thành thứ 8 nhà Mạc (1585), tròn 94 tuổi.
Người đàn bà nuôi chí lớn
Nguyễn Bỉnh Khiêm sinh ra từ một cuộc hôn nhân
không bình thường, và phần chủ động thuộc về mẹ ông, Nhữ Thị Thục, người đất
Tiên Minh, làng An Tử hạ. Ngoại của Nguyễn Bỉnh Khiêm là Nhữ Văn Lan, một người
thông minh khác thường từ tấm bé, khi lớn lên đã làm rạng rỡ dòng họ và quê
hương với bảng vàng tiến sĩ, khoa thi năm Quí mùi, niên hiệu Quang Thuận, đời
Lê Thánh Tông, được nhà Vua tin dùng, phong chức Thượng thư bộ Hộ.
Theo người ta kể lại thì bà Nhữ Thị Thục là bậc
nữ lưu phong vận tài hoa vào bậc nhất chốn kinh kỳ thời bấy giờ.
Điều khó hiểu là suốt thời kỳ con gái, theo cha,
với những cuộc giao thiệp hết sức rộng rãi mà địa vị người cha cho phép, bà vẫn
hoàn toàn thờ ơ với tất cả, từ ông trạng, ông nghè, ông tổng. Có lẽ trong quan
niệm riêng của bà thì tất cả những tài năng của những con người ấy chỉ đủ để
thi đỗ làm quan, phục tùng vua. Tuổi trẻ bà trôi qua với những cuộc giao du sơn
thuỷ.
Thế rồi chỉ một lần gặp gỡ với ông đồ nhà quê
tên Nguyễn Văn Định bà đã tự nguyện gá nghĩa. Bà Thục rất tinh thông thuật số,
bà đến với ông Định chỉ vì nhận thấy ở ông có tướng sinh quý tử. Từ nhỏ, bà đã
nuôi chí lớn: chồng bà phải là Vua, hoặc sinh con ra làm Vua. Bà cũng đoán
trước, ngay từ thời nhà Lê còn cực thịnh, bước đường suy vong của triều Lê
chẳng còn bao xa. Nhưng rồi thực tế dường như đã không đáp ứng được mong muốn
của bà, "quý tử" của bà sau này danh vọng lắm chỉ đỗ trạng nguyên là
cùng. Vì vậy, giữa hai vợ chồng thường xảy ra xích mích.
Lần nọ, bà Nhữ Thị Thục đi chợ, ông Văn Định ở
nhà trông con. Ông buộc dây vào cành tre, kéo lên, kéo xuống cho con chơi và
nói:
- Nguyệt treo cung, nguyệt treo cung!
Tưởng con không biết gì, chẳng ngờ Văn Đạt (tên
lúc nhỏ của Bỉnh Khiêm) nói:
- Vịn tay tiên, nhè nhẹ rung.
Khi bà Thục về, Văn Định khoe chuyện ấy bảo là
con trai họ thông minh. Không dè, bà Thục nói:
- Nguyệt tượng trưng cho bầy tôi! Nuôi con mong
thành Vua, thành Chúa, chứ thành bầy tôi thì nói làm gì.
Lần khác, biết vợ thường soạn những câu ca để
dạy con và ghi lại trong sách, khi vợ đi vắng. Văn Định lấy sách của vợ tìm một
câu để dạy con, thấy câu:
"Bống bống, bang bang, ngày sau con lớn,
con tựa ngai vàng"
Văn Định hoảng sợ, cho là ý kiến phản nghịch, có
thể bị tội chém đầu, bèn chữa chữ "tựa" thành "vịn". Bà
Thục về đến, biết chuyện này bực lắm.
- Sinh con ra, mong con làm vua thiên hạ. Nay
thầy nó dạy con làm tôi, chán quá! Rất tiếc thân này là phận gái.
Vì nhiều quan niệm bất đồng, bà Thục đã bỏ nhà
ra đi, không bao giờ trở lại với chồng và con, cho cả đến khi nhắm mắt cũng
vậy.
Tương truyền khi còn sống với Văn Định, có lần
bà Thục ra Đồ Sơn, gặp một người dân chài, oai vệ, cao to, sắc sảo, vừa thi
trúng võ cử, sắp đi làm lính túc vệ, bà giật mình than rằng: Người này mới thật
là người mà ta mong ước - Tiếc thay khi đó bà đã là gái có chồng.
Người ấy, sau này cướp ngôi nhà Lê, lên làm Vua,
mở đầu cho triều Mạc (1527), Mạc Đăng Dung.
Có truyền thuyết cho rằng, sau khi bỏ đi, bà
Thục đã bước thêm bước nữa, ít lâu sau sinh hạ ông Phùng Khắc Khoan. Về sau
Phùng Khắc Khoan theo học Nguyễn Bỉnh Khiêm, được ông coi như em ruột. Như vậy,
tuy bà Thục có hai người con đều đỗ đạt và đều nổi tiếng, nhưng dù sao thì bà
cũng không đạt được cái chí lớn lao của mình.
Số chỉ làm Trạng
Nguyễn Bỉnh Khiêm thông minh lạ thường. Đầy thôi
nôi đã biết nói, lên bốn được mẹ dạy cho học thuộc lòng các bài chính nghĩa của
kinh, truyện cùng với mười bài thơ Nôm.
Tương truyền một hôm, bà Thục đưa Nguyễn Bỉnh
Khiêm về quê ngoại thăm gia đình, dọc đường gặp một thầy tướng số Trung Hoa.
Thấy Bỉnh Khiêm có tướng mạo lạ thường, ông bèn nói:
- Đứa trẻ này về sau có thể làm tới ngôi vương.
Nhưng rồi sau khi xem kỹ lại, ông than:
- Da khô quá, thật là đáng tiếc! Cùng lắm chỉ là
trạng nguyên mà thôi.
Tuy thất vọng, nhưng bà Thục vẫn không thôi nuôi
chí lớn. Bà hi vọng "nhân định thắng thiên", bà mong rằng với âm
trạch của tiền nhân, quyết sau này con bà phải ở ngôi thiên tử, để lại tiếng
thơm cho muôn thế hệ mai sau.
Nhưng rồi thực tế đã không đáp ứng được mong mỏi
của bà. Đứa con mà bà xem là "quý tử" ấy đã không theo kịp mẫu người
lý tưởng mà bà hằng tìm kiếm. Bà xem như cuộc đời mình đã bỏ đi. Và đường công
danh của Nguyễn Bình Khiêm sau này như thầy tướng số Trung Hoa dự đoán: Số ông
chỉ làm trạng nguyên.
Thái Ất Thần Kinh
Thấy con học giỏi hơn người, cha mẹ Nguyễn Bỉnh
Khiêm quyết định cho con theo học quan Bảng nhãn Lương Đức Bằng, người làng Hội
Trào, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hoá.
Nguyễn Bỉnh Khiêm học rất giỏi lại nổi tiếng về
văn thơ.
Một hôm, cụ Lương Đức Bằng ốm, biết rằng mình
không sống lâu được nữa bèn gọi Nguyễn Bỉnh Khiêm lại, chỉ cho ông một cái tráp
nhỏ, đặt ở đầu giường, rồi bảo:
- Con hãy mang tráp đến đây, rồi mở ra lấy một
bộ sách mà ta đã gói kỹ vào để sẵn trong ấy.
Nguyễn Bỉnh Khiêm vâng lời, làm theo ý thầy. Cụ
Bằng lại bảo tiếp:
- Thầy cho con quyển sách này, vì thầy nghĩ chỉ
có con mới có thể hiểu nổi, nhưng con phải hứa với thầy là phải giữ gìn sách
cẩn thận. Quyển sách này liên quan đến một việc khá li kỳ, thầy sẽ kể con nghe.
Lần trước, khi thầy đi sứ qua Tàu, lúc trở về nước, có một cụ khách già trao
cho thầy quyển sách. Thầy tưởng cho thầy nhưng sau đó, cụ ấy lại nói: "Ta
không cho ngươi, ta chỉ nhờ người đem về giao lại cho một người An Nam".
Thầy rất ngạc nhiên khi không nghe cụ già ấy nói đến tên họ người mà cụ muốn
gửi gắm. Cụ già liền xua tay: "Không cần. Chừng nào trong tâm linh nhà
ngươi muốn cho ai thì người ấy sẽ được phần". Nói xong, ông cụ ấy bỏ đi
mất, chừng đó, thầy mới hiểu ông ấy là một dị nhân. Nay, thầy giao quyển sách
này lại cho con, ấy là con có phần.
Nghe lời thầy, Nguyễn Bỉnh Khiêm mang sách về
nhà, mở ra đọc. Cảm thấy không lĩnh hội được gì mấy, ông bèn mang sách cất đi,
thỉnh thoảng lại lấy ra đọc, đọc xong rồi lại cất, cứ như thế mãi. Cho tới một
hôm, có một người khách đến cho Nguyễn Bỉnh Khiêm một bài thơ. Ông giở ra xem
thì thấy ngụ ý của bài thơ có phần liên hệ với những câu trong bộ sách của thầy
Bằng trao, mà ông đã cất công sức đọc nhiều lần nhưng không sao thông được. Bộ
sách ấy chính là bộ Thái Ất Thần Kinh mà thầy Bằng để lại cho người học trò cừ
khôi của mình.
Nhờ quyển sách này mà về sau Nguyễn Bỉnh Khiêm
tinh thông số học, tinh thông mọi sự đời, đoán được thế cuộc, nổi tiếng văn
hay.
Lấy tử vi cho cái quạt
Vào một ngày mùa hạ, bà trạng đi chợ mua về cho
cụ trạng Nguyễn Bỉnh Khiêm một cây quạt giấy.
Trạng tính ngày giờ, rồi lấy cho cây quạt một lá
số tử vi. Trạng đoán ra cái ngày chết. Việc làm ấy, trạng bí mật không cho ai
hay. Trạng lại nghĩ:
- Nếu để dùng lâu ngày nó sẽ rách hoặc thất lạc
đi, như vậy "cái ngày chết" của nó ắt sẽ xảy ra và xảy ra rất bình
thường. Nếu đúng như nó có số thật, không ai có thể ngăn cản được, thì sao ta
chẳng mang cất nó đi, để xem tới ngày ấy, nó có chết thật hay không?
Nghĩ thế, nên trạng Trình niêm phong ngay cây
quạt rồi treo nó lên chỗ kín đáo nhất. Tới ngày, cây quạt vẫn còn nguyên. Hôm
đó, suốt từ sáng tới chiều, trạng Trình cứ ở nhà, quanh quẩn ở nơi để quạt, xem
nó chết ra sao. Thỉnh thoảng trạng lại ngắm nghía và lấy tay phủi những hạt bụi
bám xung quanh.
Vừa lúc ấy, có khách đến mời trạng sang ăn giỗ,
ông từ chối không đi, cho rằng trạng giận việc gì nên đánh tiếng nhờ bà trạng.
Từ sáng, thấy cử chỉ kỳ dị của chồng, bà trạng
đã chướng mắt lắm rồi, nên khi được khách cậy nhờ, bà liền đốc thúc trạng:
- Ông ở nhà làm gì, người ta nghĩ tình nên sang
mời, mà ông nỡ từ chối. Tôi mua quạt về cho ông dùng, chớ đâu phải để ông mang
cất đi, rồi cứ ra vào mà phủi bụi cho nó như đầy tớ thế.
Vừa nói, bà trạng vừa giật lấy cây quạt xé nát
tan ra từng mảnh vụn. Thấy vậy, trạng cười nói:
- Ra là thế. Cuối cùng thì ta đã biết được nó
chết thế nào.
Rồi mặc cho bà trạng đứng ngẩn người ra không
hiểu, trạng khăn áo chỉnh tề đi sang nhà người khách lúc sáng để ăn giỗ.
Ngựa đá qua sông
Dòng sông Thái Bình hiền hoà, bình lặng, chiếc
đò ngang nho nhỏ vẫn cần mẫn đi về, nối liền đôi bờ. Bên này là đất Vĩnh Lại,
nơi quê hương của trạng, một vùng đất hiếu học và trọng khoa cử. Nhưng học thì
rất nhiều mà đỗ đạt thì lại ít, chẳng mấy ai làm nên những sự nghiệp lớn lao.
Có thể xem vùng đất này:
"Tuấn kiệt như sao buổi sớm
Nhân tài như lá mùa thu"
(Bình Ngô Đại Cáo - Nguyễn Trãi)
Dân miền Vĩnh Lại ấm ức vô cùng, họ tìm đến hỏi
trạng cho ra nhẽ, song trạng không trả lời gì khác hơn ngoài câu:
- Thiên cơ bất khả lậu!
Dân chúng thầm bất mãn, cho rằng trạng thâm
hiểm, nhỏ mọn, biết mà không nói để bản thân riêng hưởng.
Nghe tin ấy, trạng rất phiền lòng nhưng rồi
thông cảm cho sự nôn nóng, sốt ruột của dân làng, trạng lại bỏ qua. Sau đó,
trạng bèn làm một con ngựa, trạng còn cho thợ khắc hai câu thơ bằng chữ nho:
"Hà thời thạch mã độ giang
Thử thời Vĩnh Lại nghinh ngang công hầu".
Tạm dịch như sau:
"Bao giờ ngựa đá sang sông
Thì dân Vĩnh Lại quận công cả làng"
Ngựa vừa dựng lên, dân làng rủ nhau đến xem rất
đông…
Kể từ đó, ngày lại ngày, họ cứ chờ đợi, mong
ngóng, có người tin tưởng tương lai xán lạn không xa, nhưng cũng có người lại
cho rằng trạng nói thế chỉ để trấn an dân làng, chứ làm gì có chuyện ngựa đá
biết đi, nói chi đến việc lội sang sông được mà hòng những chức như quận công,
đô đốc.
Nhưng rồi người dân Vĩnh Lại đã thoả nguyện,
ngày lại ngày, dòng sông cuộn chảy mang theo phù sa bên lở, bên bồi. Con sống
Vĩnh Lại lở thêm để bồi sang bên kia, đến cuối đời Hậu Lê thì con ngựa đá đã
sang sông thật. người thì vui mừng, người thì hối tiếc vì đã trách nhầm trạng,
song ai nấy đều hy vọng một cuộc đời hiển hách. Uy tín trạng ngày càng cao hơn
và đồn đi khắp nơi, đây đâu cũng rôm rả chuyện con ngựa đá ở bờ sông Vĩnh Lại.
Trai làng thì lên mặt, con gái các nơi đổ xô đến tìm nơi để làm dâu, mong sau
ngày trở thành bà đô đốc hay bà quận công.
Giữa lúc ấy, trong Nam lại xảy ra cuộc chiến tranh
giữa Tây Sơn và chúa Nguyễn. Tây Sơn thắng trận, rồi thừa thắng đem binh ra
diệt luôn chúa Trịnh ở Bắc, trả quyền cho nhà Lê. Vua nhà Lê từ đó thoát khỏi
nạn chúa Trịnh chuyên quyền, nhưng sau khi vua Hiển Tông mất, vua Chiêu Thống
lên ngôi, dòng dõi của Trịnh lại trở về. Vua Lê phải triệu Hữu Chỉnh ở Nghệ An
ra giúp. Chỉnh đem binh ra đánh đuổi và dẹp tan đám con cháu của chúa Trịnh còn
sót lại. Nhưng Chỉnh lại chuyên quyền, ra mặt chống với Tây Sơn, Nguyễn Huệ
thấy vậy, sai Nhậm đánh Chỉnh. Chỉnh đem vua Lê chạy trốn. Nửa đường Chỉnh bị
Nhậm bắt, vua thì thoát nhưng phải giả dạng thường dân mang theo ân tín mà
chạy. Tứớng Tây Sơn đuổi theo, nhà vua phải qua sông Vĩnh Lại và ở lại làng
này.
Việc vua đến lưu trú, lại thêm chuyện "ngựa
đá qua sông" dân làng cho rằng đây là ý trời để làng Vĩnh Lại được oai
danh hiển hách, mới rước vua về đình rồi thảo hịch chiêu mộ quân sĩ để chống
Tây Sơn, sẵn có ấn tín của vua, hết người này đến người khác bức vua phong
tước. Thế cùng, lực kiệt, nhà vua đành nghe theo, vậy là chỉ trong mấy ngày dân
Vĩnh Lại đều thành quan này, quan nọ cả.
Phong tước xong, nhà vua từ giã để chạy sang
làng khác. Hay tin dân làng Vĩnh Lại phò Lê chống Tây Sơn, Vũ Văn Nhậm đem quân
vây đánh, dân làng chống cự không lại, lớp bị giết, lớp bị bắt thật thảm
thương.
Hoành sơn nhất đái
Sau khi nhà Lê bị Mạc Đăng Dung chiếm ngôi, con
của một vị tướng triều Lê tên là Nguyễn Hoàng Dụ trốn sang Lào, được vua Lào
cho nương náu ở xứ Cẩm Châu, trấn Nam Phủ, tỉnh Thanh Hoá.
Năm Quý Tỵ (1532) Nguyễn Kim lập con út vua
Chiêu Tông lên làm vua, gọi là Trang Tông.
Để mưu đồ đại sự, Nguyễn Kim thu nạp một kiện
tướng ở tỉnh Thanh Hoá tên là Trịnh Kiểm, sau là rể của Nguyễn Kim.
Năm Canh Tý (1540), Nguyễn Kim đem quân đánh
chiếm Nghệ An và thu phục luôn cả Thanh Hoá. Nhưng bỗng dưng Nguyễn Kim chết vì
ngộ độc (1545), mọi bình quyền về tay Trịnh Kiểm.
Việt Nam
lúc bấy giờ bị chia đôi: từ Sơn Nam
trở ra thuộc nhà Mạc, gọi là Bắc Triều. Từ Thanh Hoá trở vào là khu vực của nhà
Lê hay gọi là Nam Triều.
Nguyễn Kim mất, để lại hai người con trai là
Nguyễn Uông và Nguyễn Hoàng, cả hai tuy còn ít tuổi nhưng đã bộc lộ tài năng
xuất sắc hơn người. Trịnh Kiểm không khỏi lo sợ cả hai sau này có thể tranh
giành địa vị với mình, nên đã ngấm ngầm ngăn trở, và vì thế Nguyễn Uông chỉ mắc
một lỗi nhỏ, Trịnh Kiểm cũng buộc Nguyễn Uông phải chịu phép gia hình. Nguyễn
Hoàng thấy anh bị hại, sợ đến lượt mình, liền cử người kín đáo lên hỏi Trạng
Trình. Trạng không trả lời cụ thể, chỉ đứng ngắm đàn kiến bò trên hòn non bộ trước
sân nhà và thốt lên một câu:
“Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân”
Tạm dịch nghĩa:
“Hoành sơn một dãy, dung thân ngàn đời”
Từ câu nói đó, Nguyễn Hoàng nghiệm ra rằng trạng
Trình đã bày cho kế đi vào phương Nam lập nghiệp. Nguyễn Hoàng vội vàng đến nói
riêng với bà chị, lựa lời cho ông vào trấn đất Thuận Hoá, phía Nam dãy Hoành
Sơn. Nhờ thế mà lập nên cơ nghiệp của họ Nguyễn ở Đàng Trong, truyền nối lâu
dài.
Khi cơ đồ của nhà Nguyễn trở nên vững vàng,
Nguyễn Hoàng có cho người mang lễ vật đến tạ Trạng Trình, nhưng Trạng đã cương
quyết khước từ.
Lê tồn, Trịnh tại - Lê bại, Trịnh vong
Nhà Lê Trung Hưng dùng căn cứ ở Thanh Hoá tiến
mạnh ra kinh đô. Tuy nhiên các phe phái Lê - Mạc, Trịnh - Nguyễn vẫn hằm hè,
đấu trí, đấu sức nhau, mưu sự thịnh vượng cho mình. Nhiều danh sĩ lại phân vân,
cân nhắc chẳng biết nên theo Lê, hay ở lại với Mạc. Trong số ấy có Phùng Khắc
Khoan, mãi không chọn được hướng đi để tồn tại và phát huy hết khả năng của
mình, Phùng Khắc Khoan đã tìm đến Am Bạch Vân để vấn kế Trạng Trình.
Chuyện kể rằng, khi nghe Phùng Khắc Khoan hỏi
han đến sự thể, Trạng Trình không hề bảo cho Phùng Khắc Khoan là nên định hướng
thế nào, dù họ đã có cả buổi ngồi đàm đạo, ăn cơm, uống rượu.
Phùng Khắc Khoan không khỏi băn khoăn, trằn trọc
mãi đến gần sáng mới chợp mắt được, vừa lúc ấy Trạng Trình đến đập cửa và nói
vọng vào:
- Gà đã gáy rồi, sao không dậy, còn ngủ gì nữa?
Ông Khoan giật mình thức giấc, ông ngầm hiểu ý
của Trạng Trình là đã đến lúc phải vào Thanh Hoá với nhà Lê. Phùng Khắc Khoan
vội vàng bật dậy, sắp đặt hành lý rồi đến chào từ biệt Trạng Trình.
Trạng vẫn không nói gì, chờ tới lúc Phùng Khắc
Khoan quay gót, Trạng liền cuốn một chiếu ngắn ném theo. Nghe tiếng chiếu rơi
phịch cạnh chân mình, Phùng Khắc Khoan càng thêm hiểu ý của Trạng: “Phải hành
động nhanh như cuốn chiếu, chứ đừng chần chờ gì nữa”.
Quả nhiên vào Thanh Hoá, Phùng Khắc Khoan nhanh
chóng được trọng dụng và được Thái sư Trịnh Kiểm tin tưởng, việc gì quan trọng
cũng hỏi ý kiến.
Khi Lê Trung Tông mất, Trịnh muốn nhân dịp này
để nhà Trịnh thay hẳn nhà Lê, vì thực chất nhà vua chỉ là hư vị, mọi công lao
trung hưng và quyền bính đều ở trong tay họ Trịnh cả. Trịnh Kiểm hỏi ý, Phùng
Khắc Khoan lúng túng không biết trả lời thế nào, liền bí mật phái sứ giả ra Hải
Dương hỏi ý kiến Trạng Trình.
Người được cử đi về kể lại:
- Quan Trạng không bảo ban gì cả. Ngài cũng
không có thư hồi đáp.
Phùng Khắc Khoan gặng tới:
- Thế ông được quan Trạng tiếp đãi ra sao? Và
những câu quan Trạng nói ông còn nhớ kỹ không?
Người được cử đi lắc đầu:
- Dạ, ngài Trạng tiếp đãi rất chu đáo. Nhưng
ngoài những câu giao tế bình thường, ngài chẳng nói gì hết. Chỉ trong lúc nhấp
chén trà với tôi, quan Trạng có bảo người nhà một câu không ăn nhập gì vào câu
chuyện cả!
- Là câu gì thế? Phùng Khắc Khoan thắc mắc.
Người đàn ông đáp sau một thoáng ngẫm nghĩ:
- Quan ngài bảo: “Năm nay thóc giống không tốt,
chúng bay nên tìm thóc cũ mà gieo mạ”.
Phùng Khắc Khoan mừng rỡ bảo:
- Đó chính là lời Trạng nói với chúng ta đấy.
Đâu, ông cố nhớ lại ngài Trạng còn nói gì thêm không?
- Dạ nếu thế thì có chuyện này. Vừa cạn tuần trà
xong, ngài Trạng đứng lên, xin ra chùa thắp hương. Tôi giữ lễ, xin phép đi
theo, đến cửa chùa, nhà sư ra đón. Trạng bảo nhà sư: “Giữ chùa, thờ Phật thì
được ăn oản”.
Phùng Khắc Khoan gật đầu, rồi vội vàng đội khăn,
mặc áo vào gặp Trịnh Kiểm, thuật lại từng lời nói, từng cử chỉ của Trạng Trình.
Kiểm hiểu ngay ý Trạng Trình dặn: Phải tôn Lê thì mới hưởng phúc lâu dài. Và
sau đó, Kiểm cho tìm người cháu của ông Lê Trừ, là anh ruột vua Lê Thái Tổ, tên
là Lê Duy Bang ở làng Bố Vệ, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hoá đem về phò lên
ngôi, tức là Lê Anh Tông.
Về sau, con cháu chúa Trịnh cũng đã nhiều lần
muốn chiếm ngôi nhà Lê, nhưng cụ Trạng Trình đều khuyên khéo:
"Lê tồn, Trịnh tại; Lê bại, Trịnh
vong"
Tuy nhà Lê suy nhược, nhưng Lê còn thì Trịnh mới
đứng vững được.
Lời sấm của Trạng Trình không sai, khi vua Lê
Chiêu Thống để mất ngai vàng thì dòng Trịnh cũng chẳng còn ai xưng chúa nữa.
Giỏi ứng xử thoát cửa tử
Một ngày kia, Trạng Trình được Vua triệu vào để
giao cho chức Hình bộ tả thị lang. Thì ra Trạng đã được Vua tin dùng trong việc
thi hành đường lối khoan hậu trong hình ngục. Vua tỏ ra hết sức phẫn nộ đối với
lề thói hà khắc của giới hình quan từ thời Uy Mục đến giờ.
Sự tín nhiệm của Vua đã đem lại cho Trạng Trình
những nỗi vui ít buồn nhiều, bởi tất cả dường đã trở thành cái nếp khó di dời
hoặc lay chuyển. Phân xử, bắt bớ, tra khảo để hạch sách tiền của, chẳng phép
nước luật Vua gì cả. Điều đáng nói là chính bọn hữu ty và cả viên Thượng thư bộ
hình luôn tỏ ra nghi ngại hoặc không tán thành, hoặc né tránh. Họ quan tâm đến
cái ghế của họ hơn là quyền lợi của người dân, vô hình trung Trạng đã trở thành
người đối đầu với họ. Chẳng bao
lâu, Trạng lại được thăng chức Lại bộ tả thị lang, kiêm Đông các đại học sĩ,
được tham gia giảng sách ở toà Kinh Diên cùng dạy học cho Thái tử.
Thái tử Mạc Phúc Hải tuy còn trẻ tuổi nhưng rất
thông minh và biết nghe lẽ phải, nhưng bản chất có phần mềm yếu, thiếu quyết
đoán, ưa phỉnh nịnh. Lợi dụng điều ấy, bọn quan lại sâu dân mọt nước đã đưa
Thái tử vào quỹ đạo của chúng và họ xem Trạng như là chướng ngại vật cần phải
dọn sạch, việc đầu tiên là chúng tìm cách ly gián, gièm pha Thái tử và thầy
mình.
Hôm ấy Trạng phụ trách buổi giảng sách, đề giảng
chỉ là một câu trong sách Luận ngữ:
Vị quân nan, vị thần bất dị
(Làm Vua khó, làm tôi không dễ)
Bài giảng liên quan đến đường lối làm Vua của
Thái tử, vì vậy đã khêu gợi sự chú ý của bọn nịnh thần, chúng chuẩn bị cả một
kế hoạch để Trạng tự chuốc tai vạ cho mình. Trạng đã đoán trước nên vẫn đặt cho
mình ở một tư thế sẵn sàng, điềm tĩnh và tự tin.
Quả nhiên, theo kế hoạch của chúng, Thái tử khơi
mào:
- Thế nào là "làm tôi không dễ"?
Trạng Trình từ tốn:
- Tâu điện hạ, nếu chỉ biết nhắm mắt phục tùng
để hưởng lợi về mình, dùng mưu mô xiểm nịnh để đưa Vua vào con đường lỗi đạo và
muôn dân phải gánh phần tai họa thì không khó. Còn như nếu hết lòng vì nước mà
hiến mưu cao, chước lạ, đem lời trung chính mà can ngăn Vua thì không những nghĩa
vụ của mình sẽ được làm tròn mà còn phúc lây đến trăm họ. Được như thế dễ có
mấy người. Làm tôi như vậy thật không dễ.
Những cặp mắt hằn thù đều hướng cả vào Trạng.
Thái tử lại đặt tiếp vấn đề:
- Thế còn "làm Vua khó"?
Trạng chậm rãi:
- Tâu điện hạ, thật đúng như thế.
Thái tử ra chiều khó chịu:
- Hoàng tổ ta, hoàng khảo ta đã dầy công xây
dựng, biến nguy thành an, đổi loạn làm trị, để lại cho ta một cơ đồ vững chãi
như thế này, há phải làm Vua cũng khó ư?
Một nỗi căm phẫn trào lên trong lòng Trạng. Đây
đúng là luận điệu của bọn nịnh thần vừa mới mớm lời cho Thái tử. Song Trạng đã
kịp thời trấn tĩnh, bởi vì, lúc này chỉ cần một cử chỉ, một lời nói vụng về,
một hành động thiếu cân nhắc thì ông sẽ rơi vào bẫy của bọn tiểu nhân nham hiểm
ngay. Nghĩ thế nên Trạng nói thật ôn tồn.
- Tâu điện hạ, đúng như lời điện hạ phán. Ngày
nay ân trạch của triều đình đã thấm nhuần đến mọi hang cùng xóm vắng, khiến nơi
nơi yên ấm. Hiện tại chính là lúc ngồi hưởng phúc. Tuy nhiên kẻ ngu thần này
vẫn thường nghĩ đến như Nghiêu, Thuấn xưa mà vẫn nơm nớp lo sợ trong nước còn
một người dân đói khổ, bị oan khuất.
- Nhà ngươi có vì ta mà hiến kế không?
- Tâu điện hạ, tiếng nhân đức của điện hạ ai ai
trên đất nước này mà không biết, kẻ hèn này đâu dám tâu xằng. Nhân buổi giảng
sách hôm nay, thần chỉ dám mạo muội dâng lên điện hạ một câu: "Như bão
xích tử, lâm thành cầu chi, tuy bất trúng, bất viễn hỹ. Vị hữu học dưỡng tử nhi
hậu giá giả dã". Hạ thần chỉ mong điện hạ yêu dân như con, như thế thì lẽ
nào không hiểu được lòng dân mà đề ra liệu pháp trị nước, cần gì đến kẻ này.
Vậy là nhờ tài ứng xử, biện bác, Trạng đã thoát
khỏi trong đường tơ kẽ tóc, lại còn khiến Thái tử đã chịu nghĩ lại nhiều sau
buổi giảng này. Chẳng những thế, Trạng và một số giảng quan khác còn được Thái
tử lưu lại ban trà.
Ảnh : Đền Thờ Trang Trình Tại Thôn Trung Am,xã Lý Hoc huyện Vỉnh Bảo tỉnh Hải Dương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét