8 thg 4, 2023

“LAN ĐỘT BIẾN” & CÂU CHUYỆN VỀ NHÂN PHẨM CON NGƯỜI

Đỗ Trọng Khơi
Thứ năm ngày 2 tháng 3 năm 2023 9:19 AM


Ở bài này tôi xin bàn về dân phẩm, quan phẩm, doanh phẩm trong đời sống quan hệ, lao động và tiếp nhận của con người Việt Nam ngày nay

*


1. Chưa bao giờ xã hội con người Việt Nam phải chịu sự chuyển hóa và tha hóa nhân cách như đoạn ngày này. Kẻ làm quan bên là “lò” rừng rực lửa, bên thì ma đưa lối, quỷ dẫn đường với cái bẫy/bả quyền, tiền khôn lường, khó tránh . Còn đại thể nhân dân nói chung dường chưa mấy phai mờ cái tập tính nhà nông “dĩ thực vi tiên”, nghĩ vụn tính vặt lại phải làm quen tương tác với thời công nghệ tin học 4.0, 5G. Và thế là “bước đi một bước dây dây lại dừng”, tiến thoái lưỡng nan. Cái vấn nạn, hay gọi đúng hơn là “khổ nạn” khi đem văn hóa làng ngàn đời tiệm cận, hòa nhập với văn minh đô thị thời hiện đại, khiến cho tâm thế, nhân cách con người Việt Nam bị xô dạt, va đập đôi chỗ đã thành ra như một thứ “lan đột biến” về lương tri, phẩm giá.

Lan đột biến – một hiện tượng vô tiền khoáng hậu, sự giễu cợt dị thường cứ như chỉ con người Việt Nam đoạn ngày này mới sản sinh ra được. Loại thảo mộc bình thường sau trận bão giá trị quá phi lý, giá từ chục triệu trăm triệu, đến cả tỷ đồng cho mấy cm mắt/mầm mới nhú, còn được gọi là kie lan, rớt xuống vài chục ngàn đồng một giò đã nở bông mà vẫn ít người ưa chuộng, mới thấy đơn giản nó như bản copy thứ cấp của lan phi hồ điệp, song trớ trêu, phải qua nó thì cái phần sống vô pháp, vô luân mới lộ diện; và thêm nữa, nó phản ánh rõ mặt tối khuất nhất của nền kinh tế, xã hội khi chủ nghĩa thực dụng lạnh lùng vô cảm lên ngôi. Nó như phát súng lệnh gọi loạt bom dây chuyền Việt Á, FLC, AIC, Vạn Thịnh Phát, Tân Hoàng Minh vv…phát nổ.

Dùng chiếc kính chiếu yêu “lan đột biến” soi/chụp tới từng phần sống trên cơ thể đất nước ta sẽ thấy sự lây nhiễm sâu và rộng đến chừng nào. Xin nẩy mấy dẫn chứng về quan nhân, doanh nhân – doanh nghiệp với cấp độ màu sắc khác nhau, nhưng họ đều mang chung một thứ tên gọi bất chính, là: vô pháp, vô đạo, lừa đảo, tham nhũng.

Công ty Việt Á thành lập số vốn ban đầu là 80 triệu đồng, với hơn 10m2 nhà xưởng sản xuất và gần như không có trang thiết bị máy móc gì, ấy vậy mà tới đại dịch Covyd-19 công ty được Bộ Y tế cấp phép sản xuất 15 bộ kit thử bệnh, doanh thu sau một năm đạt 406,7 tỷ; đến tháng 12 năm 2021, công ty đã cung ứng kit cho 62 tỉnh, thành phố với doanh thu gần 4.000 tỷ, mà sự thật số kit, tet đó hoàn toàn nhập lậu từ nước ngoài vào. Việt Á lộ nguyên hình là con Covyd ghê tởm, dối trên lừa dưới, biến không thành có!

Vụ Việt Á kéo theo hai ông bộ trưởng Y tế và Khoa học Công nghệ vào vòng lao lý, khiến ta nhớ lại vụ Mobifone với AVG xẩy ra cách Việt Á 4 năm, song nó có một đểm hẹn chung 2019 khi cả nước đang chìm trong cơn đại họa dịch giã thì ngày 28/12, TAND Hà Nội xử Mobifone câu kết với AVG nhằm chiếm đoạt của nhà nước hơn 6.500 tỷ. Trớ trêu sao Mobifone cũng dọn sẵn án cho hai vị Bộ trưởng Thông tin Truyền thông, một án chung thân, một 14 năm tù. Điểm đáng lưu nhớ, Mobifone và Việt Á đã vén ra bức màn tối bấy lâu được bưng bít che đậy, nạn tham nhũng lừa đảo không chỉ ở cấp cơ sở tỉnh/huyện, mà vết thương sâu hoắm nó găm vào cơ thể đất nước đã bội nhiễm tới cả cấp thượng tầng.

FLC lại mang đến sự nguy hiểm khác cho đất nước, đó là việc thao túng thị trường chứng khoán, lừa đảo trắng trợn tới mức làm thủ tục tăng vốn điều lệ khống từ 1,5 tỷ lên 4.300 tỷ. FLC còn cho bán toàn bộ cổ phiếu ROS, rút tiền mặt, chiếm đoạt số tiền khổng lồ lên tới 6.412 tỷ . Nguy hiểm hơn FLC và hầu hết các công ty đã móc ngoặc, hối lộ khắp tầng tầng to nhỏ giới quan chức để mua bán những khu đất/bến bãi đắc địa, thậm chí đất có vị trí chiến lược, gây nguy hại tới cả an ninh quốc phòng.

Và một loạt các vụ tham nhũng, lừa đảo, đưa/nhận hối lộ khác như Vạn Thịnh Phát, Tân Hoàng Minh, công ty AIC, công ty Alibaba, Chuyến bay giải cứu, cờ bạc công nghệ cao…vv, nhỏ thì một hai nghìn tỷ, khủng thì tới hàng trăm nghìn tỷ và thẩy đều chúng cùng một giòng trực hệ ADN đột biến giá trị phát triển rồi sụp đổ, thảm họa theo sau là hàng loạt các quan chức, lãnh đạo cao cấp tới hai Phó Thủ tướng phải mất chức, cấp bộ, ngành, tỉnh thành, vụ, viện từ dân sự tới công an, quân đội phải ra tòa, có những vị phải tận tử vì các lý do bí hiểm khác nhau, gây rúng động nền tảng nhà nước, làm tổn thương và suy kiệt nghiêm trọng lòng tin của nhân dân.

Một góc phần sâu thẳm của tệ nạn gian tham, lừa đảo cần khơi lộ để thấy thêm cái lỗ hổng quản lý kinh tế - xã hội ngày nay, là sức thẩm lậu thác sinh ra loại doanh nhân sư sãi ma quỷ đội lốt tu hành để len lỏi trục lợi vào tận chốn tâm linh, dựng lên hàng loạt các khu đền, chùa, phần mộ cực kỳ to lớn xa hoa đang từng ngày từng giờ trao truyền mê tín dị đoan, tổn hoại nhân tâm từ nhà dân đến nhà trường, nhà chùa và đền phủ vốn là nơi tín ngưỡng thiêng liêng hằng ngàn năm được dân tộc phùng thờ. Thật là: “Đầy nhà vang tiếng ruồi xanh/Rụng rời khung dệt, tan tành gói may/Đồ tế nhuyễn, của riêng tây/Sạch sành sanh vét cho đầy túi tham”.

Qua các vụ việc đó, xét thấy có hai điều vô cùng khó hiểu cần sớm có lời giải đáp: Với quãng thời gian kể từ ngày thành lập tới lúc sa lưới pháp luật các công ty này đã gây ra bao vụ lừa đảo, thu lợi bất chính những món tiền cực khủng, vậy sao nó vẫn ngang nhiên tồn tại và phát triển thành những công ty, tập đoàn lớn? Và, từ nguồn khởi nào đã tạo ra cái não trạng, tâm thần xã hội xui nên từ kẻ lừa đảo đến người bị lừa cứ như họ mặc định phải cùng nhau ào xuống để được chết chìm trong một dòng chẩy không thể cưỡng của số phận thời đại ?

Dù tương lai gần thị trường hàng hóa và nhân phẩm kiểu “lan đột biến” có còn sinh sôi nẩy nở như nấm sau mưa nữa hay không, nhưng trong sâu xa khi phẩm giá con người – xã hội đã bị nuôi cấy bằng “thứ giá” đó thì hiển nhiên nó đã thành ra mẫu ADN di truyền thẩm nhiễm trong cơ thể, não trạng, tất yếu sức ảnh hưởng của nó là rất to lớn, chưa dễ một sớm chiều dứt được.

*

2. Câu chuyện nhân phẩm - lan đột biến không chỉ dừng ở quan phẩm, doanh phẩm mà dĩ nhiên nó còn gây biến thái tới từng thôn làng, làm băng hoại cả dân phẩm, tạo muôn nỗi tang thương cho các gia đình Việt Nam.

Bên những con đường nhựa mở ra ngang dọc băm nát cánh đồng, ngôi làng kéo theo là các khu công nghiệp, công ty mọc lên, đẩy giá đất tăng đột biến cùng với mẫu quan niệm về giá trị sống lụy vật chất. Có thể nói, nhìn từ góc độ cá nhân vị kỷ thấy mẫu hình giá trị được tôn làm “chất lượng sống” đó, thực chất trong nhiều trường hợp nó chỉ là cơn mê lầm tập thể, tầm thường hóa, thê thảm hóa phẩm giá con người, để từ đó con người đã tự hóa thành vật bị nô dịch lại những thứ đồ vật mà trong cơn sa đọa lầm lẫn mình đã ra sức giành giật lấy…Và thế là tình cha con, anh em ruột rà, nghĩa xóm giềng tối lửa tắt đèn bỗng chốc bị xô dạt, chia rẽ, cơ hồ cứ theo giá - lan đột biến, giá đất giá vàng tăng xông theo. Những vụ án con sát hại cha mẹ già, bố mẹ sát hại con thơ, vợ chồng, nhân tình, rồi anh em, xóm làng giết nhau. Đến trẻ em học sinh hệ phổ thông các cấp, đặc biệt là học sinh nữ luôn sẵn sàng lao vào đánh đấm nhau dã man. Và trong nhiều cảnh, tai nghe mắt thấy con người dửng dưng, hoặc ngại ảnh hưởng đến mình nên đã khoanh tay đứng xem người khác dù là trẻ em, phụ nữ bị hành hung đến chết.

Nhiều người hẳn chưa quên những vụ việc vô cùng đau đớn đã xẩy ra, như vụ chó cắn chết bé trai 7 tuổi, chiều 3/4/2019 ở thị trấn Lương Bằng, Kim Động, Hưng Yên. Và ngày 1/4/2019 ở Ninh Bình, một đôi trai gái đuổi đánh sát hại nhau trên đường phố, ngay trước mặt nhiều người, có cả một trung tá công an. Hay trong tháng 11/2022, vụ đôi tình nhân đánh chết nhau ngay tiền sảnh khách sạn ở Cà Mau, và cũng tại Cà Mau vụ hành hạ dã man một ngư dân trên tầu cá…Sự ghê sợ ngoài mọi hình dung nhất phải kể tới vụ tên bố dượng ở Thạch Thất, Hà Nội ngày 17/1/2021 đã đóng 10 chiếc đinh vào đầu cháu gái Đ.N.A ba tuổi, gây ra cái chết vô cùng đau đớn cho cháu; vụ tên bố đẻ cùng mụ “dì ghẻ” bạo hành tàn độc như thời trung cổ, dẫn đến cái chết thương tâm của cháu V.A, 8 tuổi ở TP Hồ Chí Minh mà phiên tòa ngày 25 tháng 11, 2022 đã phải tuyên án tử cho bị cáo; đặc biệt kinh hoàng nữa là vụ án mạng xảy ra ngày 30 tháng 10/2022, ở xã Trung Hòa, huyện Yên Mỹ, Hưng Yên, ba người con gái đem xăng đến đốt nhà mẹ đẻ và đã thiêu chết người mẹ cùng chính hai người con gái thủ ác đó.

Đạo Mẫu, Đạo hiếu vốn được người Việt Nam coi trọng bậc nhất! Là người dân Việt hẳn không ai không biết đến những câu ca: “Công cha như núi thái sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra/ Một lòng thờ kính mẹ cha/ Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”, vậy mà ba người con gái lại rắp tâm thiêu sống mẹ mình! Bi thương bi kịch vô cùng là việc con sát hại cha mẹ già ở Việt Nam ngày nay không còn là chuyện hiếm. Tại sao ở đất nước trọng Đạo hiếu, thờ Đạo Mẫu mà ngày một xảy ra nhiều hơn vụ án sát hại con thơ, cha mẹ, ông bà, anh em ruột thịt? Đây thực sự là một bi thảm lớn lao, là chuyện sống còn cho nền tảng đạo lý – đạo đức và văn hóa – giáo dục của con người Việt Nam đương đại và tương lai rất cần tìm được câu trả lời nghiêm khắc, thấu đáo!

Dường con người Việt Nam ngày nay dù ỏ chốn chân làng góc phố, hay nơi công sở đang sống làm việc bên nhau nhưng cũng luôn trong tâm lý e ngại, thủ thế, thậm chí ủ mưu gian dối, sẵn sàng dẫm đạp, tàn sát nhau mà đôi khi chỉ vì những va chạm quyền lợi nhỏ bé. Người phạm tội, người chứng kiến sự việc, hầu như đều trong tình trạng tê liệt lương tri, không với tâm lý "cháy nhà hàng xóm bình chân như vại", thì cũng cầu an, tránh xa kẻo không phải đầu lại phải tai. Khi đạo đức xã hội đẩy con người ít lòng tin vào nhau thì hiển nhiên tình cưu nâng trong sáng và cao quý dành cho nhau cũng theo đó mà đổ vỡ.

Chắc hẳn cô nữ sinh ở Ninh Bình, người thiếu phụ ở Cà Mau yếu đuối kia, trong lúc bị hành hung tàn nhẫn, tận cõi lòng, từng ánh mắt họ đã âm thầm tha thiết mong nghe được một tiếng can ngăn, một bàn tay đủ dũng cảm chìa ra che đỡ, giải thoát họ ra khỏi nỗi hoảng sợ và tủi nhục. Nhưng họ đã tuyệt vọng trong sự tuyệt vọng cùng bao con người đứng quanh. Và cháu trai 7 tuổi ở Hưng Yên kia, trong lúc hoảng loạn cùng cực cháu kêu khóc, cháu có khắc khoải mong đợi từng tích tắc những người lớn đang lăm lăm gậy, gạch liều mạng xông vào đánh đuổi đàn chó, giải cứu cho cháu. Trong khi chỉ cần một người đàn ông, phụ nữ, miễn đó là một tấm lòng từ mẫu và can đảm, dám liều lĩnh xông vào giành giật cháu trước những hàm răng chó, dù người đó có thể bị thương, thì sinh mạng cháu thì đã được bảo toàn. Nhưng kết cục, sau 10 phút một mình đơn độc trong thỏa sức cắn xé của bầy chó, để rồi khi chúng đi, cháu chỉ còn đủ sức đứng dậy gọi được tên bố mẹ mình lần cuối rồi gục xuống vĩnh viễn . Trong những giây phút cuối đời mình với cơn đau thương tích khủng khiếp đó, cháu đã thật sự tuyệt vọng vào con người .

Điều khó hiểu cũng trước cảnh hiểm nguy đến tính mạng ở trong những tình huống khác, như trước sông/biển sâu xiết lại luôn có những người dám lao mình xuống để cứu người đang đuối nước, để rồi chính mình đuối sức chết chìm. Câu trả lời chỉ có thể là, đối mặt trước nguy hiểm thiên nhiên, dù bao hung dữ nhưng con người đã không phải đắn đo lo sợ như khi đối mặt với chính con người. Bài học về sự hiểm độc sâu tối khiến con người luôn phải đề phòng sau mỗi vụ việc thì chỉ ở xã hội con người mới có. Rõ là chúng ta đang sống trong một đoạn ngày tháng mà nhân phẩm, nhân tính như bị xua đuổi, bị vét cạn tới tận cùng bản thể! Thật đáng kinh hãi xiết bao!

Hỏi đâu thương tổn bằng điều dăn cốt nhục về tình đồng tộc, nghĩa nước non, nền tảng văn hóa trọng tình qua những câu ca dao mà tổ tiên dày công truyền dậy. Lớn lao mà bao quát: “Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ”; “Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy là khác giống nhưng chung một giàn”; “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng”; “Tuy rằng xứ Bắc, xứ Đông/ Khắp trong bờ cõi cũng dòng anh em”; “Của phi nghĩa có giàu đâu/ Ở cho ngay thẳng giàu sau mới bền”; “Đời loạn mới biết tôi trung/ Tuế hàn mới biết bá tùng kiên tâm”… Và cẩn hậu mà tinh tế: “Đó nghèo thì đây cũng nghèo/ Hai ta như bọt với bèo dưỡng nhau”; “Làm người suy chín xét xa/ Cho từng gốc nhọc, cho ra vắn dài”; “Xới cơm thì xới lòng ta/ So đũa thì phải so ra lòng người”; “Ngựa chạy có bầy, chim bay có bạn”… Đọc và suy ngẫm những câu dăn dậy đó người lương dân thì không khỏi thấy ăn năn hổ phận trước tiền nhân. Thật xót xa khi biết còn cao như núi, đầy như biển những lời dăn dậy mà cha ông bao thời dày công lưu lại cho con cháu, nay như bỗng chốc phai tàn!

Lịch sử nhân loại từng trải qua thời nô lệ man dại, thời con người ăn thịt đồng loại. Và dù trong vực thẳm đen tối nhất, dã man cùng cực nhất con người vẫn không đánh mất nhân tính, nhân văn thì còn đấy niềm hi vọng vào điều Chân, Thiện, vào cái Đẹp. Còn tính người thì còn cơ hội cho nền văn hóa, văn minh. Con Người Chân Thiện còn tồn tại, thì tất con người sẽ tìm giải pháp để cùng nhau gắn kết tồn tại trong một cơ chế vận hành phát triển phù hợp. Đó chính là cơ sở thiết cốt, nền tảng cho một dân tộc tính trong giá trị nhân tính phổ quát nhân loại . Nói gọn lại: Nhân tính - trong một cộng đồng là cơ sở ban đầu và nền tảng cho phát triển dân tộc tính. Và trong phẩm hạnh, phẩm tính của mỗi dân tộc những giá trị phổ quát và tối thiểu sẽ mang về điều Chân Thiện .

Mỗi người chúng ta còn sống, còn tự do lao động và thừa hưởng cuộc sống thì tất mỗi người còn phải mang nghĩa phận của giống người. Lương tri thời đại, lương tâm con người sẽ thức tỉnh, lớn lao đủ sức để bào trì, gia hộ cho lương tâm và sinh mạng mỗi con người. Tôi tin vào chân lý hiển nhiên vậy, và cũng như bao người, chúng ta đang lo âu, kinh sợ và thậm chí tuyệt vọng, vì sao sự hèn hạ, nhục nhã của cộng đồng chúng ta vẫn cứ trong cơn ngủ triền miên thế?

Con người Việt Nam cần tỉnh giấc trong suy thoái đạo đức, trong giấc mê hèn mọn, ích kỷ. Con người sợ con người. Con người chết không phải vì đói, mà vì bội thực. Bội thực vật chất và quyền lực! Bội thực niềm tin, đức tin! Có lời nhắc nghiêm khắc: “Đừng đợi sự phán xét cuối cùng. Ngày nào nó cũng đến !”

Vậy phải làm thế nào để người con Việt Nam vượt thoát được tình thế nhân phẩm này? Câu trả lời không gì ngoài yếu tố tìm về nguồn cội, chấn hưng lại nền văn hóa – đạo lý truyền thống và tình nghĩa của người làng quê Việt Nam ngàn năm, cùng với sự đổi mới căn bản nhằm tạo ra một cơ sở giáo dục nâng cao tầm trí thức và tinh thần trách nhiệm, xây dựng lấy những hệ giá trị căn bản cho phẩm giá, đạo đức con người thời công nghiệp – công nghệ thông tin hiện đại.

Xin hãy bắt đầu thay đổi căn cơ gốc rễ từ nền tảng Giáo dục:

Đánh thức dậy lòng can đảm, tinh thần trách nhiệm, phẩm chất công dân cao quý cho các thế hệ người Việt Nam hôm nay và ngày mai.

Tháng 1/2023

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét