Chữ nghĩa làng văn
“Chữ nghĩa làng văn” đôi khi chỉ là một chữ, cụm từ, đoạn văn cô đọng, diễn nghĩa, diễn giải một áng thơ văn hoặc một thể tài nào đó. Những trích dẫn được góp nhặt qua sách vở, trên mạng lưới của nhiều tác giả thành danh hay khuyết danh, không ngoài góc nhìn tận tín thư bất như vô thư. Ấy là chưa kể nhiều từ ngữ, đề mục trong bộ sưu tập đang còn trong vòng nghi vấn, cần phải thẩm định lại nếu có thể được với những bậc thức giả văn kiến súc tích. Những phụ chú, dẫn chứng hay giai thoại do người viết kể lại, với chủ quan, khách quan chỉ cách nhau một sợi tóc. Vì vậy người sưu tầm không đặt ra “sai” hay “đúng”, vì cái sai hiện tại có thể là cái đúng ở một thời điểm nào khác. Xin chân thành cảm tạ và cáo lỗi những tác giả đã đóng góp bài vở trong sưu tập này, nhưng vì phương tiện eo hẹp nên người sưu tầm không thể thỉnh ý tác giả trước khi đăng tải – Ngộ Không Phi Ngọc Hùng.
***
Ký, Đường, Tự, Kim - 1
Chữ Đường 堂
Ở các tiệm thuốc Bắc hay các nơi bắt mạch,
hốt thuốc của người Hoa như Ích Sanh Đường, Hạnh Lâm Đường, Tế Sinh Đường... Chữ Đường
vốn trong tiếng Hán là có ý chỉ nhà lớn, phủ quan. Thế nhưng các tiệm thuốc có
mang chữ Đường xuất phát từ một chuyện thời xưa ở bên Tàu của một trong những
thầy thuốc danh tiếng bậc nhất trong lịch sử Trung Quốc: Thánh Y Trương Cơ.
(Đỗ Duy Ngọc)
Mẹ Đốp
“Chiềng làng chiềng chạ / Thượng hạ Tây Đông / Con gái Phú Ông / Tên là Mầu Thị / Tư tình ngoại ý/ mãn nguyệt có thai / Già trẻ gái trai/ ra đình mà ăn khoán…”
Đó là lời rao của Mẹ Đốp về vụ Thị Mầu hoang thai bị làng phạt vạ trong vở Chèo cổ Quan Âm Thị Kính.
Ký, Đường, Tự, Kim - 2
Trương Cơ (张机), tự Trọng Cảnh, sinh năm 150 mất năm 219,
là một thầy thuốc Trung Quốc hoạt động vào cuối đời Đông Hán. Ông được xưng
tụng là “Thánh y” (医圣) của Đông y. Tác
phẩm quan trọng nhất của ông, Thương hàn tạp bệnh luận, tuy đã thất lạc trong
giai đoạn Tam Quốc nhưng sau đó đã được tổng hợp lại thành hai tập sách Thương
hàn luận và Kim quỹ yếu lược, là hai trong bốn bộ sách quan trọng nhất của Đông
y. Có một thời gian ông đến làm thái thú tại Trường Sa, đúng lúc dân gian đang
có dịch thương hàn. Để cứu chữa cho dân, ông đã vừa làm việc quan vừa chữa
bệnh.
(Đỗ Duy Ngọc)
Ngụ cư
Cụ thân sinh ra Chu Văn An là người Tầu bán phá xa.
Ngụ cư chỉ có thể trở thành nội tịch với điều kiện sống ở làng 3 đời thì mới được vào làng. Cụ Chu Văn An mới là đời thứ 2.
(Gs sử học Lê văn Lan)
Ký, Đường, Tự, Kim - 3
Và như vậy Trương Cơ đã phá vỡ giới luật
nghiêm ngặt thời xưa: ngồi tại công đường kê đơn bốc thuốc cho dân. Ông thường
ghi thêm trước tên của mình bốn chữ tọa đường y sinh.
Sau này để ghi nhớ công ơn của vị thánh y đầy đức độ và tài giỏi, người ta
thường gọi những người ngồi trong nhà thuốc trị bệnh thành “tọa đường y
sinh”, tức là người
thầy thuốc ngồi ở nhà. Và cũng từ đó, các thầy thuốc Bắc thường cho chữ Đường
vào tên nhà thuốc của mình thành một thói quen cho đến nay.
(Đỗ Duy Ngọc)
Góp nhặt phố văn ngõ chữ
Lê Văn Trương
Nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn có lời bàn:
Với một cuộc đời nhiều phen ngang dọc như Lê Văn Trương, một kết cục như thế thật ngoài sự chờ đợi của mọi người. Hôm qua, trong văn học, ông như con cá kình trên sông lớn, muốn in gì thì in, muốn viết thế nào thì viết, tha hồ lui tới. Đã bao nhiêu lần người ta chê bai ông, giễu cợt ông, bảo ông là vội vàng cẩu thả là văn chương dây cà ra dây muống, nhưng đã lại có không biết bao nhiêu độc giả lắng nghe ông, suy tôn ông, thế là được rồi.
Đến nay rút lại, hoá ra thời gian vẫn làm công việc của nó, và cái đòn chí tử giáng vào văn nghiệp Lê Văn Trương lại chính do Lê Văn Trương thực hiện. Công bằng làm sao mà cũng oan nghiệt làm sao!...Trên nhiều phương diện trước sau, Lê Văn Trương vẫn là một số phận văn học mà các thế hệ sau cần luôn luôn nghiền ngẫm để rút kinh nghiệm.
Tướng mặt
Khuôn mặt chữ Dụng (用)
Hình dáng khuôn mặt này không cân xứng, thiếu ngay thẳng. Các bộ vị trán, lưỡng quyền, cằm, mắt, mũi, tai lệch lạc, méo mó không ngay ngắn. Đàn ông thì hình thê khắc tử, cơ khổ lênh đênh đến già. Đàn bà cũng vậy. Tuy nhiên, nếu thân thể cân xứng, da dẻ tươi nhuận và thần khí sung mãn thì được hưởng vài chục năm đầu cuộc sống tạm gọi là bình thường.
Góp nhặt phố văn ngõ chữ
Nguyễn Đình Thiều
Nguyễn Đình Thiều sinh ngày 14-2-42 tại Sơn Tây. Ra Hà Nội, theo hoc trường tiểu học Lý
thường Kiệt rồi trường trung học Thăng Long cho đến năm 1954 di cư vào Nam. Từ
1954 cho tới 1958 Nguyễn Đình Thiều sống tại Nha Trang tiếp tục việc học.
Năm 1959 ông vào Saigon, kết thúc năm cuối cùng bậc trung học vì ông phải lao
vào đời kiếm sống vì gia đình không đủ giúp ông vào đại học. Suốt hai năm 59 -
60, ông sống dọc miền biên giới và cao nguyên Trung phần, hưởng cuộc đời tranh
đấu hiểm nguy và ly kỳ như những nhân vật mà ông đưa vào tiểu thuyết sau này...
Năm 1961 ông bỏ rừng già về Saigon gia nhập quân chủng Không quân. Từ 1962 tới
1964 ông du học tại Hoa Kỳ, trở về nước ông phục vụ trong quân chủng Không quân
tại hầu hết các Không đoàn trên toàn quốc.
Chữ nghĩa làng văn
Tiếp đó Nguyễn Bính nói riêng về phần giải thưởng thơ mà ông lấy làm trọng điểm ý kiến của mình:
“...Khi bắt đầu đặt giải thưởng văn học toàn quốc 1954-55, anh chị em văn nghệ gặp nhau thường hay nói đùa một câu: “Giải thưởng này, cái gì thì không biết, chứ tập thơ Việt Bắc thì chém chết cũng được giải nhất rồi”. Tất nhiên chúng ta cũng đều hiểu rằng câu nói đó không phải là một câu tán dương. Anh em còn nhớ mãi cái cuộc tranh luận về quyển thơ Việt Bắc, chưa ngã ngũ ra sao thì cac ông lãnh đạo hội đã vội vàng đưa ra mấy bài “bịt lỗ châu mai” lại.
Anh em không thể nào quên cái câu ông Hoài Thanh phát biểu: “Ðịch nó không mong gì hơn là ta chê thơ Tố Hữu”. Ông Hoài Thanh đã đem cả địch ra mà bảo vệ cho thơ Tố Hữu. Cái lối nịnh trên nạt dưới ấy tất nhiên ông Hoài Thanh phải đem sử dụng vào việc chấm giải. Vì ông Tố Hữu ai cũng biết là trung ủy, là lãnh đạo văn nghệ, là thứ trưởng.
Trong tất cả các thi sĩ có sách in ở nhà xuất bản của hội Văn Nghệ, chỉ duy có thơ Tố Hữu là được sắp vào loại A, là thuộc cái loại giá trị nhất và được tính tiền bản quyền tác giả cao nhất Sở dĩ anh em biết trước thế nào tập thơ Việt Bắc của Tố Hữu cũng được giải nhất là bởi anh em không còn lạ gì cái tệ sùng bái cá nhân của một số cá nhân lãnh đạo hội Văn Nghệ.
(Nguyễn Bính và tuần báo Trăm Hoa - Lại Nguyên Ân)
Tướng mạo con người qua ca dao, dân ca
Miệng rộng, môi mỏng, liếc ngang
Con gái như thế chẳng màng làm chi
Góp nhặt làng văn xóm chữ
Đào Trinh Nhất
Được tin tiên sinh mất, trong Nam ngoài Bắc làng báo, làng văn đều tỏ tình mến tiếc. Báo Tiếng-dội (Sài-gòn) chủ xướng việc xây mộ cho tiên-sinh. Báo Cải-tạo (Hà-nội) tổ chức ngày lễ truy điệu, ra một số báo đặc biệt đầy đủ về tiên-sinh (Cải-tạo số 134 ngày 10-1951). Các báo đều có nói nhiều về thân thế, văn nghiệp tiên sinh, đăng đủ điếu từ, đối phúng, văn tế, thơ viếng.
Ngày ông nằm xuống, ở trong Nam thi sĩ Đông Hồ Lâm Tấn Phác có câu đối viếng:
“Đàn Tân Văn nổi tiếng tài danh, ra Bắc vào Nam, giọt máu còn nơi dòng Nghĩa thục. Làng hãn mặc nhiều duyên tri kỷ, vàng rơi ngọc xót, nửa đời giờ tỉnh giấc Liêu trai.”
Ngoài Bắc, nhà văn Tam Lang Vũ Đình Chí có thơ khóc ông:
Tin về: anh mất buổi xuân sang
Gang tấc, thương ôi! Mấy dặm đàng
Cán viết tự do treo sợi tóc
Cửa đàn ngôn luận rủ cờ tang
Mất anh, nước mất trang cao sĩ
Còn nước, anh còn tiếng đại lang
Đồng nghiệp xiết bao tình cảm kích
Khóc anh, đâu phải lệ đôi hàng!
Tướng mạo con người qua ca dao, dân ca
Môi mỏng nói điều sai ngoa
Mai sau sinh nở con ra hoang đàng
192 Chữ nghĩa làng văn xóm chữ
Lại
trở lại thi pháp Tú Xương phối hợp cả hiện thực cả trữ tình, lấy cái hơi trữ
tình mà làm sống động lên những đồ vật thường dùng và sự việc hàng ngày. Như
trong bài Đi hát mất ô:
Đêm qua anh đến chơi đây
Giày giôn anh dận, ô tây anh cầm
Rạng ngày sang trống canh năm
Anh dậy em hãy còn nằm trơ trơ
Hỏi ô, ô mất bao giờ
Hỏi em, em cứ ỡm ờ không thưa
Chỉn e rày gió mai mưa
Lấy gì đi sớm về trưa với tình
Ở tám câu lục bát này thì bốn mươi hai tiếng trắc bằng của sáu câu đầu, tôi gạt
sang cho phần hiện thực với những tiếng choang choang lên chất tả thực: giày
giôn, ô tây, nằm trơ, hỏi ô mất, ỡm ờ, không thưa. Sáu câu đầu nói rành rọt về một chuyện mất ô, mất
ở đâu, mất trong trường hợp nào, và có thể đoán được người ăn cắp và
thấy hiển hiện nỗi ấp úng lúng túng của kẻ gian đó.
Câu
chuyện kể lại bằng thơ ít lời, nhưng đủ sự việc tình tiết không kém gì lời văn
xuôi, có thể làm thỏa mãn được một ông quan tòa dự thẩm, và có thể làm mẫu cho
một cách giảng văn ở một lớp văn nào. Có thể ngừng ở đó. Nếu làm văn xuôi (làm
một cách xuôi xuôi), được phép ách lại đó. Nhưng đây là làm thơ, chưa ngừng
được chưa thấy gì là mùi thơ tiếng thơ, chưa thấy ló ra thi sĩ. Cho nên phải đi
bước nữa, nếu thật sự muốn làm thơ. Chỉ thêm có hai câu nữa mà cứu được đoạn
văn xuôi xuôi dễ dàng đó, và chuyển tất cả sang phạm vi thơ.
Chuyển thể tài, chuyển đề tài và chuyển cả chủ đề. Bài thơ nổi gió lên từ hai
câu cuối cùng. Từ một chuyện ăn cắp đồ vật, đáng lý chỉ gây nổi một chút tiếc
của, Tú Xương trang trọng nâng nó lên thành một nỗi niềm xót thương của những
cặp tình nhân muôn thuở. Vẫn trên
cái thực tế đê hạ ấy mà nâng lên, vẫn từ cái vòng bo bíu khốn khổ đó mà mở rộng
nó ra, cho nó có được ít nhiều chân giời. Bên cái lụy tục,
Tú Xương lồng vào một nét thanh tâm, Tú
Xương lấy một cái trong trắng mà
gạn lọc cái vẩn đục, và hút nó theo
lên với thơ mình. Nếu ta có soạn san lại Tình
sử của ta, tôi nghĩ rằng tại
họ nên không để bài thơ này vào?
(Thời và thơ Tú Xương – Nguyễn Tuân)
Tướng mạo con người qua ca dao, dân ca
Lờ đờ như người say rượu
Mắt đỏ hoe, phải liệu mà chơi
Góp nhặt làng văn xóm chữ
Đặng Trần Côn và làng Mọc
Đặng Trần Côn, tác giả Chinh Phụ Ngâm Khúc (bản chữ Hán), ra đời đầu thế kỷ XVIII. Ở đại học Yale, năm 1986, Huỳnh Sanh Thông đã dịch Chinh Phụ Ngâm Khúc bằng tiếng Anh.
Rất gần đây tạp chí văn học Thời Tập (số 3-1990) tiếng Việt bên California có bài viết rất hay về "Mối tình tuyệt vọng của Đặng Trần Côn và Đoàn Thị Điểm".
Cả hai tài liệu đang lưu hành ở Mỹ này đều
viết như ở Việt Nam rằng ông Đặng Trần Côn người làng Nhân Mục, tên nôm là làng
Mọc, huyện Thanh Trì tỉnh Hà Đông, năm sinh không rõ
(khoảng 1710), đậu thi Hương, trượt thi Hội, được bổ làm Huấn Đạo, 1740 triều
Cảnh Hưng được thăng tri huyện Thanh Oai rồi sau tới Ngự Sử Đài. Ông mất khoảng
1745, khi mới ngoài ba chục tuổi...
Không ai biết gì hơn về Đặng Trần Côn ngoài một, hai truyền thuyết về tính ham
học, phóng dật, và... ham rượu.
Những khuất lấp thời Hồng Bàng thị - 1
Dựa vào ngọai kỷ tức ngoại sử Sử thần Ngô Sĩ Liên là sử quan chừng mực. Ông cân nhắc không đưa đọan Âu Cơ…”dâm lọan” hai chồng như Trần Thế Pháp viết Âu Cơ trước kia là “vợ của Đế Lai, con của ông bác ruột, tức anh họ của Lạc Long quân”. Ông anh họ chu du khắp thiên hạ ham vui quá quên cả ngày về.
Ở nhà, ông em họ thấy Âu Cơ dung mạo đẹp lạ lùng và yêu quá. Nàng cũng thấy chàng nhi lang phong tú nên phải lòng ưng theo. Trong phàm lệ, ông ghi: Theo sự ghi chép ấy Kinh Dương vương là em ruột Đế Nghi, mà kết hôn với nhau, có lẽ đời ấy còn hoang sơ, lễ nhạc chưa đặt mà như thế chăng?. Ông làm ngơ bỏ qua một đọan trong Lĩnh Nam chích quái: Giáp một năm, sinh ra một bọc trứng, Âu Cơ cho là điềm không hay, nên đem vất bỏ ngòai đồng nội, hơn bẩy ngày sau, trong bọc nở ra một trăm trứng…
Riêng Âu Cơ đẻ 100 con, Tự Đức phê: “Kinh thi có câu tắc bách tư nam, đó là lời chúc tụng cho nhiều con trai đấy thôi. Xét đến sự thực chưa đến số ấy. Huống chi lại nói đếm trăm trứng! Nếu quả vậy thì khác gì chim muông, sao khác gì lòai người được”.
Hàm Nghi: một nhà ái quốc - 1
Lập gia đình sau hơn 15 năm
Sau khi đến Alger, ngài được đưa về trọ tại khách sạn LHôtel de la Régence trong 10 ngày và Toàn quyền Tirman đã tìm được toà biệt thự Villa des Pins để cấp cho nhà vua. Ngày 24 tháng 1 năm 1889, Toàn quyền Tirman mời vua Hàm Nghi đến dùng cơm gia đình tại phủ toàn quyền. Lúc bấy giờ nhà vua chưa nói tiếng Pháp, chỉ nói chuyện qua người thông dịch, tuy nhiên thái độ lịch sự và nhã nhặn của viên toàn quyền của chính quyền Pháp tại Algérie đã gây được cảm tình với nhà vua và có lẽ nhờ thế mà mối hận thù nung nấu trong lòng của ngài đối với người Pháp tại đây cũng có phần giảm bớt.
Tuy nhiên trong vòng gần một năm trời, ngài chỉ nói tiếng Việt với 3 người được cử đi theo ngài, ăn cơm VN do người đầu bếp VN nấu và đặc biệt là trong suốt 55 năm sống lưu đày, ngài luôn luôn để tóc búi “củ hành”, đội khăn đóng và mặc áo dài đen đúng theo phong tục cổ truyền của người VN từ thế kỷ thứ 19.
(Trần Đông Phong)
Những khuất lấp thời Hồng Bàng thị - 2
Một sử gia nào đấy viết thời Hồng Bàng phải như Sử thần Trần Trọng Kim chép theo Ngô Sĩ Liên, thêm địa dư về nước Văn Lang:
Lộc Tục làm vua phương Nam, xưng là Kinh Dương vương, quốc hiệu là Xích Quỷ. Bờ cõi nước Xích Quỷ bấy giờ phía bắc giáp Động Đình hồ (Hồ Nam), phía nam giáp nước Hồ Tôn (Chiêm Thành), phía tây giáp tây giáp Đại Lý (Vân Nam), phía đông giáp bể Nam Hải.
Với địa dư, bộ Khâm Sử nhà Nguyễn có phần cẩn án:
“Địa giới nước ta đại để nhiều sự việc trong Việt sử thất truyền đã lâu, không còn dựa vào đâu mà khảo đính được. Sử cũ lại chép quá xa, hư truyền nước Văn Lang phía bắc giáp Động Đình hồ của nước Sở thì còn xa lắm, chẳng cũng xa sự thực lắm ru”.
Với sử cũ lại chép quá xa, hư truyền của một thời xa xưa. Chìm đắm hỏa mù gốc gác tộc Việt từ dòng Bách Việt, sử gia Phạm Văn Sơn viết trong Việt Sử tòan thư:
‘’Lấy gì để căn cứ nói rằng chúng ta là một trong nhóm Bách Việt và dẫn chứng bằng hình dáng, tính tìinh, phong tục và văn hóa để ấn định nguồn gốc và dòng giống ẩy. ‘’
Hàm Nghi: một nhà ái quốc - 2
Mối tình Việt – Pháp: Hàm Nghi-Marcelle Laloe
Chính trong môi trường sinh hoạt của giới trí thức và văn nghệ sĩ tại Alger mà chàng thanh niên VN mới ngoài 20 tuồi đã trưởng thành, ông hiểu rõ là giấc mơ trở về cố quốc của ông đã trở thành vô vọng, do đó ông quyết tâm học hỏi để tìm lãng quên trong cuộc sống lưu đày và một hướng đi cho cuộc đời còn lại nơi xứ người, đó là con đường nghệ thuật. Chính nhờ sự thành công trong lãnh vực nghệ thuật, hoàng tử Annam càng ngày càng được giới thượng lưu trí thức ngưỡng mộ và chấp nhận ông vào hàng ngũ của họ tại thủ đô Alger dù rằng ông chỉ là một người da vàng.
Vào thời gian những năm cuối cùng của thế kỷ thứ 19 đầu thế kỷ thứ 20, có một vị thẩm phán từ nước Pháp được thuyên chuyển sang Alger giữ chức vu. Chánh Biện lý Toà Thượng thẩm Alger, đó là quan toà Francois Laloe, một người thuộc dòng dõi thế gia vọng tộc tại miền nam nước Pháp. Quan toà Laloe goá vợ, chỉ có một cô con gái tên là Marcelle Aimée Léonie Laloe, lúc sang Algérie mới chừng khoảng 16 tuổi. Một nhà trí thức, một viên chức đứng hàng đầu của ngành tư pháp thuộc địa tại Algérie, ông Chánh Biện lý Laloe dĩ nhiên là phải lui tới tham dự những sinh hoạt dành cho giới thượng lưu ở thủ đô Alger, nơi mà Toàn quyền Tirman vẫn thường lui tới, đó là gia đình bà Nam tước De Vialar.
Vào thời gian đó, hoàng tử Annam đã sống tại Alger hơn mười năm, ông nói tiếng Pháp không thua gì người Pháp, lại là một nhân vật đã được mọi người trong giới văn nghê. Alger biết đến và ngưỡng mộ, do đó gia đình ông Chánh Biện lý Laloe quen biết với ông hoàng tử Annam thì cũng chẳng lấy gì làm lạ.
(Trần Đông Phong)
Câu đố dân gian
Da trắng như màu thiếc
Ruột rối như rau câu
Bính đinh hoả đánh trên đầu
Nhâm quý thuỷ thân đằng đít
(điếu thuốc)
Hàm Nghi: một nhà ái quốc - 3
Không rõ mối liên hệ giưã hoàng tử Annam và ông toà Laloe từ bao giờ, tuy nhiên có một số tài liệu cho thấy trước đó, cho đến năm 1902, hoàng tử Annam đã có nhiều liên hệ bạn bè với một số phụ nữ Tây Phương tại Algérie cũng như là tại Pháp, đặc biệt là nhà văn Judith Gautier, con gái của văn hào Théophile Gautier cùng với người bạn thân của bà là bà Suzanne Meyer-Zundel và một nhà văn nữ người Nga là T.L. Sepkina-Kupernhic…
Ông toà Laloe có lẽ vốn là người có tư tưởng tiến bộ cho nên đã không chống đối hay ngăn cản sự giao du giưã con gái của ông và ông hoàng tử Annam, một người dân của một nước thuộc đia. của Pháp tại Á châu. Có lẽ nhờ sự trí thức và tâm hồn cởi mở của ông Toà Laloe mà cô Marcelle Laloe được tự do tiếp xúc với ông Hoàng tử Annam trong những buổi sinh hoạt tại salon của bà Nam tước de Vialar và dần dà cô thiếu nữ này càng có cảm tình với chàng thanh niên Á Đông lớn hơn nàng đến 13 hay 14 tuổi.
Mấy lâu sau thì mối tình cảm giưã hai người càng trở nên sâu đậm, rồi sau đó được phép ông toà Laloe cho làm lễ đính hôn. Trong thời gian này, người dân Alger thường thấy hai người ngồi trên xe song mã đi chơi với nhau, một thiếu nữ người Pháp da trắng và một thanh niên Á Đông đầu tóc búi, đội khăn đóng, mặc áo dài đen, một loại trang phục được xem như là độc đáo có một không hai trong xã hội người Pháp và người Bắc Phi tại Alger.
Ngày 4 tháng 11 năm 1904, ông toà Francois Laloe đứng ra làm chủ hôn cho con gái Marcelle Laloe và cựu hoàng Hàm Nghi trong một buổi hôn lễ trọng thể tại thánh đường củaToà Tổng Giám Mục Alger với sự tham dự của hầu hết giới thượng lưu trí thức tại thủ đô nước này và đặc biệt là hàng ngàn người dân thành phố Alger đứng đông đặc trước nhà thờ để được chiêm ngưỡng đôi uyên ương Pháp-Việt này sau lễ cưới.
Đám cưới vua Hàm Nghi
(Trần Đông Phong)
Khoa cử thời xưa
Thời Tây Sơn (1788-1802)
Quang Trung muốn gây dựng một nền quốc học nên chú trọng vào chữ Nôm. Trong các khoa thi, đề ra bằng chữ Nôm và thí sinh phải làm bằng bài chữ Nôm. Đời Quang Trung mới dùng chữ Nôm trong khoa thi Hương ở Nghệ An mà Nguyễn Thiếp tức La Sơn phu tử là chánh chủ khảo. Việc dùng chữ Nôm đang dang dở nửa chừng vì ngài mất quá sớm nhưng nhờ vậy mà sau này chữ Nôm có tư thế và khởi sáng trong văn học nước ta.
Giai thọai làng …vua xóm chữ
Vua…phục sức lố lăng
Trong Thất điều trần, Phan Chu Trinh đã trách vua Khải Định 7 tội, trong đó có tội "phục sức lố lăng". Về điều này, sử sách chép rằng, việc tiếp xúc với người Pháp, đã ảnh hưởng lớn đến vua Khải Định. Trong cách ăn mặc của vua, ảnh hưởng này thấy rất rõ. Chỉ có bộ phẩm phục đại triều là thuộc về lễ nghi truyền thống, vua không dám đụng tới, còn tất cả thứ khác thì vua chế tác. Vua đã tạo mẫu, vẽ kiểu, thiết kế làm ra những bộ trang phục riêng cho mình dùng trong lúc thiết triều, đi vi hành, thường phục hằng ngày bằng cách đính các viên ngọc quý, vàng bạc, kim cương … trên áo quần, giày, ủng, mũ nón, bao kiếm…
Chỉ cần nhìn xem một số hình ảnh và tượng đồng của hoàng đế Khải Định là chúng ta có thể thấy sự khác biệt đó rất rõ ràng nhất là áo bào, cổ áo, gù vai, chóp mũ, quai nón, huân chương, kiếm, giày ống…Điển hình là bộ võ phục, chiếc áo dài được may chẽn, nhưng là áo vua nên phải thuộc loại gấm vóc, thêu rồng vẽ phượng khác hơn người thường, rồi cho gắn thêm hai cái ngù vai (épaulette), là thứ thường thấy trên lễ phục của sĩ quan Pháp.
Ngoài ra, thay vì mang hia, vua đi ủng da láng bóng, có trang trí hoa văn bằng bạc, ngang lưng mang đai cẩn ngọc, mang kiếm Pháp, đeo bao tay trắng, quần tây trắng, nhưng đầu vẫn bịt khăn đóng và có khi đội nón chóp. Cái nón này lợp bằng lông vũ, bọc lụa vàng, có chóp bằng vàng.
Thêm nữa, vua còn cải cách cả cách ăn mặc của các cận thần. Chẳng hạn, với thị vệ, thay vì mang hia, vua cho mang giày ống. Đồng phục của kỵ binh cũng được đổi mới, bỏ mặc áo trấn thủ, chân đất quấn xà cạp, mà được mặc áo nỉ đỏ, mặc quần trắng, đi giày, đội nón kiểu Tây. Có thể nói, chính lối phục sức nửa Tây nửa ta này cùng với hai bàn tay mang tám chiếc nhẫn mặt ngọc, đã làm cho nhiều người đương thời bài bác vua Khải Định.
Tại sao gọi họ là người Tàu?
Trong đoạn văn trên, các câu mà laiquangnam ghi (a ) đến (c) tựu trung ông chỉ gom vào ba mục tiêu:
1 - "Học giả" An Chi cho âm Tàu mà người Việt dùng chắc chắn phát xuất từ âm Tào của Tàu . "Học giả" An Chi lý luận, Âm Tào là một âm Tàu rất cổ. Âm Tàu ngoài các nghĩa mà người Việt hiểu và dùng chỉ vât di chuyển trên sông nước, nay còn có ý nghĩa là xe, có nghĩa là vật có thể di chuyển trên đường bộ nữa .
Tại sao có thêm nghĩa này,nghĩa tàu nghĩa là xe. Cách lý giải này dựa vào sự lý giải mới nhất theo "biện luận của Lưu Quân Kiệt trong Đồng nguyên tự điển tái bổ (Ngữ văn xuất bản xã, Bắc Kinh, 1999) thì đều còn có nghĩa là "xe".
2 - "Học giả" An Chi dùng một nhân vật xa lạ để cứu cho lời dẫn giải của mình. Đây là một trong các thủ pháp ngụy biện. Thủ pháp nguỵ biện dựa vào một uy tín cá nhân. Liệu lý luận của ông Lưu Quân Kiệt có khả tín không?. Mà Lưu Quân Kiệt trong Đồng nguyên tự điển tái bổ (Ngữ văn xuất bản xã, Bắc Kinh, 1999) có đủ uy tín với chúng ta chăng?. Ông này là ai? Tôi không mấy tin khi mà trong tay mình không có bài viết của Lưu Quân Kiệt. Trong chữ Tàò,[艚 ] này, có bộ chu [舟] là chiếc thuyền gỗ chở hàng trên sông nước. Trong ký tự này không hề có bộ xa chỉ chiếc xe. Xe là công cụ di chuyển trên bộ .Thời xưa Tàu đã có từ thủy xa, xe nước. Thủy xa hoàn toàn không dính gì với từ tàu xe ở đây cả.
Ngày ấy xe của Tàu do các con vật kéo cọc cạch. Động lực kéo là sức con vật ,hay sức người . Câu hỏi là tại sao "Học giả" An Chi lại né gỏ chữ Tàu vào mỗi một từ mà mình muốn lý luận mà lại nói lung tung Tàu (a, b ..) sau mỗi chữ quốc ngữ chi vậy?. Ông thực sự muốn đưa bạn đọc vào một con đường quanh co tối hù để họ nãn lòng phải không?. Tôi nghĩ như thế.
Nay bạn và tôi cùng quay lại câu này :" Cái mà trong Nam gọi là tàu thì ngoài Bắc gọi là thuyền. Rồi ngoài Bắc gọi là tàu hỏa thì trong Nam gọi là xe lửa. Thế là cái nghĩa "xe" đã thấp thoáng trong danh ngữ tàu hỏa ("Học giả" An Chi)
.
(Lai Quảng Nam)
Hủ tiếu Sa Đéc
Hủ tiếu Sa Đéc ngoài dạng khô, bạn có thể thưởng thức món này với nước dùng. Không nổi tiếng bằng hai loại hủ tiếu Nam Vang (hủ tiếu gốc Tàu) và Mỹ Tho nhưng hủ tiếu Sa Đéc vẫn là món ngon có hương vị đặc biệt.
Nước dùng nấu từ xương heo và các nguyên liệu khác gồm thịt nạc băm, chả, tim gan, hành lá, ngò và tăng xại, một loại cải đặc trưng của người Tàu. Ngoài ra, món này còn được ăn khô. Khi đó phần bánh đặt cuối cùng, bên trên xếp tim, gan, lòng heo, tôm, thịt bằm sau đó rưới một chút nước tương hấp dẫn.
(Nguồn: Diệu Huyền)
Văn hoá ẩm thực
Ngay cả Hà Nội chưa bao giờ có phở gà trống thiến, cho dù ở phố Huyền Trân Công Chúa, vào đầu những năm 50, đã có một hàng phở gà ngon nổi tiếng khắp Hà thành, đến nổi cụ Nguyễn Tuân ăn xong đã phải khen rằng ”tuyệt phở”. Người bán phở tên là Chí. Ông ta mới hồi cư, làm phở gánh. Con đường mang tên vị công chúa nhà Trần bé bằng cái lỗ mũi, với cái vỉa hè rộng hơn một mét, khách ăn kẻ đứng, người ngồi, húp xì xụp.
Phở gà trống thiến xuất hiện ở Saigon vào những năm 60, ở phía chợ Vườn Chuối. Phở ngon là một lẽ: thịt gà trống thiến thơm và mềm như gà mái tơ, nước phở trong hợp với khẩu vị của những người kén ăn, nhưng cũng còn một lẽ khác : người ta vừa ăn, vừa ngắm cái vẻ thướt tha yêu kiều của con gái ông chủ tiệm, thỉnh thoảng đi ra đi vô, mỉm cười với người này, gật đầu chào người kia. Đó là nữ ca sĩ Y.V, nàng giao thiệp với phao câu, đầu cánh. Thế rồi, không kèn không trống, nàng tuyệt tích giang hồ. Người ta bảo rằng nàng đi Tây.
Tiệm phở vắng khách dần.
(Phở Sài Gòn xưa và nay)
Sống trên đời…
Về cái tên quán Cây Còn gốc gác ở…“con cầy” mà ra.
Chó là con vật được loài người thuần hoá đầu tiên, cách đây khoảng 40 ngàn năm, vì chó trung thành, lại là con vật giữ chủ chốt trong các cuộc đi săn, giữ hang động. Nhiều nơi thờ chó như vật tổ.
Suốt từ Himalaya đến sông Dương Tử, nơi cộng đồng Bách Việt và nhiều sắc tộc khác, ngoài hệ Hán-Tạng sinh sống, người ta thờ chó như linh vật (Totem). Người Mường, người Mán ngày nay vẫn còn xem chó là thuỷ tổ của họ. Người Mường, người Mán cổ có từ “Khai” để gọi con chó, đồng thời lại có nghĩa là con cọp. Dựa dẫm vào cụ cố đạo L. Cadière, tiếng Việt xưa cũng gọi theo họ với con chó là Khai, từ tên cổ sơ Khai với âm “ai” đọc là “ây”: người Việt nay gọi là…con cầy
(nguồn Nguyễn Hưng Quốc)
“Ảo từ”, “ẩn từ” hay “biến từ” trong tiếng Việt?
Từ "dễ", theo thói thường, giữ vai trạng từ trong ngữ pháp, phản nghĩa với "khó". Ấy mà, trong lời ta thán thường nghe: "Đàn bà dễ có mấy tay!", "dễ" giữ nhiệm vụ gì, khó xác định sao cho chính xác. Khác với: "Con bé ấy càng lớn trông càng dễ thương", "dễ" có nghĩa như "đáng".
Nhưng tuyệt đối, không ai nói: "Con bé ấy càng lớn trông càng đáng thương", vì ý nghĩa của hai câu nói khác nhau nhiều lắm. Tình tiết trong ngôn ngữ Việt đâu phải chỉ đơn giản bao nhiêu đó. Vì, nếu như "thương" được thay bằng "yêu", ta sẽ có "dễ yêu" cũng như "đáng yêu", thì "dễ" và "đáng" lại đồng nghĩa với nhau, mới chết!
"Dễ" còn được người Việt sử dụng trong lời khen: "Thằng đó không biết ăn nhằm giống gì mà lấy được con vợ đẹp dễ sợ." Hay: "Tao mới làm quen được con nhỏ kia đẹp ác." Điểm ngộ nghĩnh trong hai thí dụ vừa nêu là biến tính của hai từ "sợ" và "ác". Nghĩa tiêu cực thuần tuý của chúng tan biến đâu mất, để hỗ trợ tích cực, "nâng cấp" tính đẹp lên tột đỉnh, vượt qua ý niệm giới hạn của "sợ" và "ác". Như thể ở cực điểm, ngôn ngữ cường điệu có khả năng triệt tiêu cả đối tính. Tương tự vậy, người Việt nói: "Con vợ thằng chả nói năng vụng về vậy mà nấu ăn ngon ghê!" thay cho "ngon quá"; hoặc "Ca sĩ X không rành nhạc lý gì hết, vậy mà hát hay kinh khủng!".
Lạ… ghê!
(Ngô Nguyên Dũng)
Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Bánh ú đi, bánh gì lại
Chê người chê ỏng chê eo, rút cục không được gì ?
Lại một câu giải thích rất chung chung và nhầm lẫn giữa “bánh dì” với cái “gì”. Có lẽ GS cho rằng ví như: Tôi đem cho người ta cái bánh ú, bị chê ỏng chê eo, nhưng rốt cuộc thử hỏi người ta đã cho lại tôi cái bánh gì nào ? Xin thưa, “bánh dì” ở đây không phải là “cái bánh gì”, nên GS không thể đặt dấu chấm hỏi cuối câu.
Bánh “gì” chính là cái bánh dì (hoặc bánh dầy, bánh dày) làm bằng bột nếp. Bánh ú làm bằng gạo nếp, bánh dì cũng làm bằng bột nếp, đều là bánh ngon.
“Bánh ú đi, bánh dì lại”, có nghĩa: mình cho người ta cái này (bánh ú), thì người ta cũng sẽ đáp lại bằng thứ tương xứng (bánh dì). Thành ngữ gốc Hán có câu “Đầu mai, báo lý” nghĩa là: Quả mơ đi, quả mận lại. Mơ và mận là hai thứ quả thuộc phân chi mận mơ (theo khoa học) và họ mận mơ (theo dân gian) đều ăn ngon, cũng ý nói cho và nhận đều là hai vật tương xứng.
Trong trường hợp GS cứ khăng khăng cho rằng, bánh dì (dầy) ở đây nghĩa là cái bánh “gì”, bánh nào, thì thành ngữ lại được hiểu khác hẳn: Mình cho đi cái bánh ú, không biết (người ta) sẽ đền đáp lại mình cái bánh gì? Tuy nhiên, việc phá vỡ cấu trúc một câu thành ngữ vốn có đã ổn định để đem đến một dị bản, một nghĩa mới do hiểu sai trong trường hợp này là rất khó chấp nhận!
Hoàng Tuấn Công)
Gia Định Báo
Mở đầu
Từ khi Ngô Quyền giành độc lập
(939), người Việt mượn chữ chữ Hán (chữ Nho) dùng trong hành chánh, học
thuật, nhưng vẫn nói tiếng Việt. Chữ Nôm được ghi nhận chính thức xuất
hiện vào thế kỷ 13 dưới triều Trần Nhân Tông (1278-1293). Đến thế kỷ 17 trở
đi, một thứ chữ mới xuất hiện trở nên phổ thông và ngày đó người Việt gọi là
chữ Quốc ngữ. Do
hoàn cảnh lịch sử đưa chữ Quốc ngữ vốn là một phương tiện để học tiếng Việt
cho người nước ngoài, trở thành phương tiện giao tiếp của các linh mục người
Việt và người nước ngoài. (Chữ quốc ngữ thời Hội thừa sai Phạm Thị Kiều Ly,
Nghiên cứu sinh Tiến sĩ - Đại học Sorbonne )
Việc các nhà truyền giáo Âu châu
đến Việt Nam đã tạo ra bộ mẫu tự La tinh cho tiếng Việt không có gì
quá độc đáo, vì đã xảy ra sau Nhật và Trung Hoa khá lâu.
Bấy giờ: Đại Nam ký Hòa ước Nhâm Tuất ngày 5
tháng 6 năm 1862 tại Sài Gòn giữa đại diện triều Nguyễn là chính sứ Phan Thanh
Giản với đại diện của Pháp là thiếu tướng Bonard và đại diện của Tây Ban
Nha là đại tá Don Carlos Palanca Guttiere.
Người dân sống trên dải đất Nam Kỳ
tuy mới thành lập, nhưng họ cũng đã chịu nhiều ảnh hưởng của đạo Phật, Khổng ,
Lão, lại có cá tánh hào hùng, nghĩa khí, có tinh thần yêu nước, kể cả
người bình dân ...họ chống lại việc học chữ Quốc ngữ, được ghi lại trong
ca dao: Anh về học lấy chữ Nhu [Nho],
Chín trăng em đợi, mười thu em chờ.’
(Nam Sơn Trần Văn Chi)
Nam Sơn Trần Văn Chi quê gốc Gò Công, hiện ngụ cư ở tại nam California.
- Tốt nghiệp ĐHSP Sài Gòn, ban Sử Đia 1964-1968
-Tổng Thư Ký Hội Liên Trường trước
1975
(Chasseloup Laubat, Pétrus Ký, Nguyễn Đình Chiểu và Phan Thanh Giản)
- Giảng viên, Tổng Thư Ký Viện Đại
Học Hoà Hảo, trước 1975
- Nhà biên khảo Văn hoá, phong tục (có 8 đầu sách)
- Hiện định cư tại Quận Cam, Hoa Kỳ
Phụ đính
Họan quan
(Nguồn: Tổng hợp)
1*. Mở bài
Người Việt Nam không còn lạ gì những nhân vật
thái giám trong các phim bộ Hồng Kông, những người đàn ông có dáng dấp và giọng
nói ẻo lả như phụ nữ. Ai cũng biết thái giám là những người đàn ông bị thiến,
để phục vụ cho vua và hoàng tộc trong cấm cung. Đặc biệt là Quế công công, thái giám giả Vi
Tiểu Bảo trong Lộc Đỉnh Ký, đã làm những chuyện động trời với Kiến
Ninh công chúa, em của vua Khang Hy, và với 2 tiểu thơ của Mộc Vương phủ, bị
Thiên Địa Hội đưa vào hoàng cung, nơi bí mật để Vi Tiểu Bảo quản lý.
Thái giám ăn hối lộ của các cung phi, để sắp xếp cho được vào phục vụ nhà vua,
thái giám rình rập nghe tin tức, làm gián điệp cho các hoàng hậu, hoàng thái
hậu và giữa các quý phi...
Các triều đình Việt Nam ngày xưa cũng có hoạn quan phục dịch, nhưng ít có ai
nhắc đến họ, vì họ bị xem như những nô tài âm thầm trong cung. Hơn nữa,
không có những hoạn quan chuyên quyền, lộng hành, nhũng nhiễu triều chính như ở
bên Trung Hoa.
Dưới thời Đế Quốc La Mã, những thanh niên khoẻ mạnh được tuyển chọn đem đi
thiến làm hoạn quan. Ví dụ như Bagoas là hoạn thần được Alexander Đại Đế sủng
ái, còn vua Neron thì có hoạn quan tên Sporus.
(Trúc Giang)
Bác tôi là hoạn quan
(tựa đề nguyên thủy: Bộ tam)
Khi Bảo Đại tuyên bố ”thà làm dân một nước
độc lập còn hơn làm vua một nước nô lệ” và trao ấn kiếm cho hai vị đại
diện cách mạng, trong đó có một nhà thơ với những câu thơ buồn hơn cả những cơn
mưa sụt sùi của xứ Huế, ngài làm cho các ông hoàng bà chúa sụt sùi không kém.
Bọn họ khóc kể, vật mình vật mẩy trong những lâu đài còn rực rỡ ánh vàng son vì
số phận đã không còn nuông chìu họ nữa. Họ sẽ bị ném ra khỏi kinh thành, bất
ngờ và tàn nhẫn như bị lôi ra khỏi những giấc mơ rất đẹp.
Cũng buồn không kém, cũng thất vọng, lo sợ, nhưng chỉ dám khóc thầm, đó là
những hoạn quan. Như những con gián, sợ mọi người nhìn mặt như sợ nhìn thấy ánh
sáng ngày, ngay buổi tối hôm ấy họ đã lặng lẽ trèo thành trốn về quê cũ.
Trong đó có bác cả tôi là một trong số những hoạn quan cuối cùng của triều Nguyễn.
(K.D.)
Tác giả: K.Đ. tức Khuất Đẩu sinh năm 1940 tại Bình Định. Tên thật Trương Đẩu.
Tên thường gọi Trương Thanh Sơn.
Hiện sống tại Bình Định.
Tác phẩm: Người giữ nhà thờ họ, Lão tiền bối,
Những tháng năm cuồng nộ
Mời Xem :
CHỬ NGHĨA LÀNG VĂN Kỳ 15/3/2023 - Ngô Không Phí Ngoc Hùng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét