27 thg 4, 2023

Mạn đàm phương pháp trị liệu tâm lý của Đông y - Bảo Hân

                              Ảnh: Freepik.

Nhiều người cho rằng trị liệu tâm lý chỉ có trong Tây Y hiện đại, tuy nhiên, trị liệu tâm lý đã có từ thời xa xưa. Các danh y thời cổ đại có rất nhiều phương pháp đặc thù để điều trị các loại bệnh về tâm lý. Dưới đây, xin chia sẻ với mọi người câu chuyện về “Tiên y” Phó Thành Chủ vào cuối đời Minh đầu thời nhà Thanh.

Chuyện kể rằng có một cặp vợ chồng nọ vô cùng ân ái đằm thắm. Một ngày nọ, đột nhiên hai vợ chồng cãi lộn nghiêm trọng, người vợ vì thế không còn vui vẻ, sinh bệnh, không ăn không uống.

Người chồng vô cùng luống cuống, đi tìm danh y Phó Thành Chủ. Sau khi nghe xong tự thuật về bệnh tình, vị danh y tiện tay nhặt một tảng đá và nói: “Hãy cầm tảng đá này về hầm cho mềm bằng lửa nhỏ để làm thuốc dẫn. Tôi sẽ về phòng kê thuốc cho ông, chỉ cần dùng nước của loại thuốc dẫn này uống thuốc, bệnh chắc chắn sẽ khỏi”.

Mọi người đều biết, đá dù có hầm bao nhiêu thời gian cũng không thể mềm. Tuy nhiên người chồng kia vì quá tin lời của vị danh y, đương nhiên cũng là vì ông vô cùng quan tâm tới vợ nên ra sức mang đá đi hầm. Ông hầm ngày thứ nhất không mềm, rồi tới ngày thứ hai, thứ ba, thứ tư, tảng đá vẫn cứ như vậy. Ông tiếp tục hầm tới ngày thứ tám vẫn không thấy đá mềm, bèn chạy đi tìm thầy thuốc hỏi thăm xem cần hầm tới khi nào đá mới có thể mềm?

Phó Thành Chủ dặn người chồng hầm thêm một thời gian nữa, còn dặn đi dặn lại phải sắc bằng lửa thật nhỏ. Người chồng không nghi ngờ gì, ông tin Phó Thành Chủ là một danh y nổi tiếng nhất định không thể nói sai nên lại về nhà tiếp tục hầm đá. Quả nhiên vài ngày sau đó người vợ khỏi bệnh.

Lấy làm kỳ lạ tại sao vợ mình có thể hết bệnh, người chồng đi tìm vị danh y hỏi thăm. Vị tiên y không trả lời mà chỉ hỏi người chồng xem gần đây vợ ông làm những việc gì?

Người chồng kể: “Vợ thấy tôi cứ hầm đá cũng không biết tới lúc nào, lại cảm thấy áy náy liền dậy cùng làm với tôi. Khi tôi có việc phải ra ngoài, bà lấy lại tự mình làm. Cứ như vậy vài ngày sau thì hết bệnh”.

Nguyên nhân câu chuyện hóa ra là như sau: Hai vợ chồng kia vốn vô cùng hòa thuận, tình cảm. Người vợ thấy chồng vì bệnh tật của mình mà cực khổ hầm đá, nên cảm thấy áy náy. Dù sao việc cũng không có gì quá nghiêm trọng, nên dậy giúp chồng hầm đá. Lâu dần mọi việc không vui cũng quên đi và tự nhiên khỏi bệnh.

Câu chuyện trên đây chính là minh chứng ghi chép cho thấy trị liệu tâm lý đã có từ thời xa xưa. Các danh y thời cổ đại có rất nhiều phương pháp đặc thù để điều trị các loại bệnh về tâm lý.

Phương pháp điều trị tâm lý thời cổ đại của Trung Hoa thường vận dụng lý tương sinh tương khắc của ngũ hành để xử lý. Ngũ hành chính là 5 nhóm vật chất, 5 dạng vận động phổ biến của vật chất với những thuộc tính khác nhau bao gồm: kim (kim loại), mộc (gỗ), thuỷ (nước), hoả (lửa), thổ (đất), giữa chúng có mối quan hệ tương sinh tương khắc. Quan hệ tương sinh chính là những khái niệm như Mộc sinh Hỏa, Hỏa sinh Thổ, Thổ sinh Kim, Kim sinh Thủy, Thủy sinh Mộc; ngoài ra quan hệ tương khắc chính là Mộc khắc Thổ, Thổ khắc Thủy, Thủy khắc Hỏa, Hỏa khắc Kim, Kim khắc Mộc. 

Các thầy thuốc thời cổ đại thường lợi dụng quy luật tương sinh tương khắc của ngũ hành để trị liệu tâm lý và thu được hiệu quả vô cùng lớn. 

Các bác sĩ Đông y đều nhìn nhận, Can, Tâm, Tỳ, Phế, Thận của ngũ tạng đều có thuộc tính của ngũ hành. Can thuộc Mộc, Tâm thuộc Hỏa, Phế thuộc Kim, Tỳ thuộc Thổ, Thận thuộc Thủy. Vì đều là ngũ hành nên cũng có lý tương sinh tương khắc, và cũng giống như quy luật của ngũ hành đó chính là: Can sinh Tâm, Tâm sinh Tỳ, Tỳ sinh Phế, Phế sinh Thận, Thận lại sinh Can; tương tự như vậy Can khắc Tỳ, Tỳ khắc Thận, Thận khắc Tâm, Tâm khắc Phế, Phế khắc Can. 

Mỗi một tạng lại đều cất giấu tinh thần, ví dụ: Can tàng hồn (Can là nơi ẩn náu của hồn); Tâm tàng thần (Tâm là nơi ẩn náu của thần);  Tỳ tàng ý và trí (Tỳ là nơi ẩn náu của ý và trí);  Phế tàng phách (Phế là nơi ẩn náu của phách; Thận tàng tinh và chí (Thận là nơi ẩn náu của tinh và chí). Các bệnh về tâm lý chính thần hồn ý chí thất thường, có thể vận dụng quan hệ tương sinh tương khắc của nơi ẩn giấu của ngũ tạng để trị liệu.

Ví dụ “Thần” bị thương, cũng chính là bệnh của Tâm (hỏa), có thể dùng Thận (thủy) để khắc chế nó; có thể lợi dụng “Tinh và chí” của Thận để khắc chế “Thần” của Tâm, như vậy có thể trị khỏi bệnh. Khi đau buồn quá mức chính là “Phách” bị tổn thương, khi đó cần dùng sự vui mừng của “Thần” Tâm để trị liệu cái tình của sự bi thương này. Sử dụng phương pháp này có thể trị khỏi bệnh mà người ta thường gọi là “Thất tình”.

Con người chính là vì tình mà sống, người ta có tình mới có thể làm người, bởi vậy cái tình của con người là rất nặng. Ví dụ câu chuyện của cặp vợ chồng trong phần đầu câu chuyện trên đây. Người vợ vì hai vợ chồng cãi nhau mà không vui, khi nhìn thấy chồng vì quá yêu thương lo lắng tìm thuốc trị bệnh cho mình liền cảm động chạy tới giúp đỡ.

Lại có ví dụ về trị trường hợp giả bệnh của danh y Trương Trọng Cảnh thời Đông Hán. Ông nói với bệnh nhân cần châm cứu vào các huyệt vị sẽ rất đau đớn. Đây chính là khiến bệnh nhân sợ hãi mà trị khỏi bệnh. Chỉ cần bệnh nhân sợ hãi, sẽ không dám tiếp tục nằm trên giường.

Tôi còn nhớ khi học tiểu học, lúc đó sức khỏe không tốt nên hay bị choáng. Lần nọ, khi tôi đang kéo cờ, vì đứng dưới nắng lâu nên chóng mặt và ngất đi. Các bạn trong lớp liền đưa vào phòng y tế nằm nghỉ. Lúc đó tôi đang học năm cuối tiểu học chuẩn bị thi chuyển cấp nên rất bận, bài vở cũng nhiều. Vì không muốn bị thầy gọi lên đọc bài nên cố ý nằm trong phòng y tế thêm một chút, thầm nghĩ nếu như vậy mình vừa không phải kéo cờ vừa không phải học bài.

Đang nhắm mắt nằm nghỉ, đột nhiên tôi nghe thấy các thầy giáo trò chuyện với nhau: “Xem ra phải dùng kim lớn để truyền dịch và tiêm glucose”. Có lẽ thầy giáo dùng phương pháp này để “giúp tôi khoẻ lại”, nhưng khi đó tôi không hề hay biết, trong lòng rất sợ hãi: “Ôi, vậy không được rồi, mình không muốn bị truyền dịch và tiêm đâu, sẽ đau lắm”. Vậy là tôi vội vàng ra khỏi giường và lên lớp học, không dám giả vờ bị bệnh nữa. 

Còn có một phương pháp đơn giản hơn nữa để trị liệu tâm lý mà hiệu quả vô cùng tốt. Người già trước đây thường nói “Không làm việc xấu thì nửa đêm không sợ ma gõ cửa”. Người ta sống ở trên đời nếu làm một người tốt, hoặc một người không có phiền muộn thì sẽ không dễ dàng bị mắc các bệnh về tâm lý.

Vậy phải làm sao để tinh thần không không phiền muộn? Rất đơn giản, đó chính là xem nhẹ những dục vọng, ham muốn và chấp trước của chúng ta, càng nhẹ càng tốt.

Bắt đầu từ hôm nay, tôi có một lời khuyên dù bạn đang khỏe mạnh hay có bệnh, hãy coi nhẹ mọi dục vọng của bản thân, sẽ làm giảm rất nhiều cơ hội mắc các bệnh về “thất tình”. Ngoài ra chúng ta cũng biết, khi một người không căng thẳng, không phiền muộn, thân thể sẽ ở trạng thái cân bằng tốt nhất. Như vậy, nguy cơ mắc các bệnh về tiêu hóa và tâm sinh lý cũng giảm đi, giấc ngủ sẽ ngon hơn và sức đề kháng cũng tốt hơn, từ đó cũng ít mắc các bệnh cảm mạo do thời tiết thay đổi.

Theo Epochtimes
Bảo Hân biên dịch


Mời Xem : 1./Y học cổ xưa: cách ăn dưỡng sinh trị bệnh lý tiêu hoá 

2./ Cảnh báo chất độc trong thuốc Đông y TQ
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét