Thẩm thoát đã 56 năm rồi. 56 năm đối với một đời người
mất đi là vô cùng ngắn ngủi, nhưng với những người còn sống
là một khoảng cách lớn lao. Bắt đầu từ mùa thu năm 1965, khi
những bước chân còn rụt rè bên mẹ dắt tay ta vào trường Hồ
Ngọc Cẩn đến nay. 56 năm ấy có biết bao nhiêu chính biến xảy ra
đối với đất nước, đồng thời cũng kéo theo rất nhiều biến cố
đối với mỗi cuộc đời. Đôi khi, biến cố làm đổi thay cả một số phận, cả một con người và đẩy đưa đến nhiều hệ lụy..
56 năm đã qua đi, ta gặp trên đường đời biết bao khuôn mặt
thân quen yêu mến và cả những con người dối gian lừa đảo. Có
thằng bon chen, nắm bắt thời cơ ngoi lên đỉnh cao danh vọng, có
đứa luồn lách chui vào cơ quan nhà nước và có dịp đục khoét
của công rồi lên mặt dạy đời (dạy cả những vị thầy lỡ vận
như ta phải cần kiệm, phải biết hy sinh và đừng đòi hỏi). Có
đứa sa cơ thất thế đành phải sống bần hàn bữa no, bữa đói,
uống ly rượu đế cũng thiếu quán nghèo. Đứa làm quan, thằng
làm lính (cả hai chiến tuyến) người giám đốc, kẻ culi, đứa ở
nước trong, thằng ở nước ngoài, có đứa làm văn nghệ văn gừng,
thằng làm kinh tế không cần vốn, rồi có cả những thằng phải
sa chân vào vòng lao lý vì không giữ được mình. Chỉ vì lòng
tham vô đáy, có bao giờ thấu hiểu được câu tri túc...tri nhàn...
Tất cả cũng chỉ vì miếng cơm manh áo. Ôi thôi! Muôn mặt cuộc
đời biết đâu thật giả.
Ta lại nhớ bạn ta Trần Ruộng cũng một
thời miệng lưỡi ba hoa dưới mái trường HNC và sau GP nắm bắt
thời cơ leo cao lên tới bí thư một quận trung tâm, hắn quên hết
nghĩa tình anh em đồng môn một thời gắn bó yêu thương. Cuối
cùng rồi nhắm mắt xuôi tay có ai còn thương tưởng, nếu có nhắc
đến cũng chỉ là cái bĩu môi khinh miệt. Có cả bạn ta Trương
Lềnh lớp đêm HNC sau GP đứng đầu một sở quản lý văn hóa của
tp.
Hắn coi những thằng bạn cùng thời dưới mái trường như hủi
cần phải tránh xa, hắn sợ bị lộ những khoảng tối tăm trong
đời hắn. Đối với bọn chẳng có tinh thần tôn sư trọng đạo thì
thử hỏi có đáng được làm người, thôi thì bọn bay đi chỗ khác
chơi
Riêng ta vẫn
đổ mồ hôi sôi nước mắt để kiếm đồng tiền, bán sức lao động
để mưu sinh, làm đủ thứ nghề lương thiện để sống mà nghèo vẫn
hoàn nghèo, nhưng ta tự hào chưa "ân oán nợ nần " gì ai để
phải mất ăn mất ngủ sợ sệt, lo âu. Ta lại nhớ nằm lòng câu
nói của Tạ Văn Quang: "Hồ Ngọc Cẩn chưa sản sinh cho đất nước
những vị anh hùng, nhưng đã đào tạo cho xã hội những công dân
gương mẫu". Ta muốn sống xứng đáng là một công dân như thế.
Được không? Đừng bắt ta làm Chí Phèo giữa thời hiện đại. Tội
thay.
56 năm đã
qua đi, chồng chất lên cuộc đời mình những lo toan trăn trở, so
đo hơn thiệt về vật chất lẫn tinh thần, tình yêu và sự nghiệp,
những được mất trong cuộc đời nhiều bon chen nghiệt ngã. Đã
thất thập rồi, lắm khi muốn buông xuôi nhưng phía sau lưng là vợ
con, là trách nhiệm,là nghĩa vụ, lại gắng gượng đứng lên sau
nhiều đêm mất ngủ, lại lao vào công việc, quên đi là mình ngày
căng già hơn, sức lực ngày càng hao mòn hơn, trí nhớ cũng kém
cỏi đi, mắt thì mờ, tay chân không còn linh hoạt như xưa. Thế
mới thấy rằng xưa nay, hễ cứ lớn hơn một chút, già hơn một
chút lại thấy nuối tiếc cuộc đời sao ngắn ngủi, lại tham công
tiếc việc, sợ rồi đến lúc nào đó không còn dịp để động đậy
tay chân mà phiền cho con cháu và rồi thầm trách lũ trẻ ngày
nay càng chỉ biết ham chơi đua đòi mà chẳng chịu làm lụng học
hành. Nhưng có ai mà chẳng một thời trẻ trai ngờ nghệch, dại
khờ, ăn chưa no lo chưa tới, chiêm nghiệm về cuộc đời chưa chín
chắn, suy nghĩ hành động còn non nớt và hời hợt đã để thời
gian trôi tuột đi một cách đáng tiếc, phung phí tuổi trẻ mình
không chút bận tâm.
Giờ đây ngồi nghĩ lại, chắc chưa ai trong chúng ta có thể nói là đã hài lòng, mãn nguyện phải không.
Con đường đã đi qua thì quá dài mà đường phía trước thì
ngày càng ngắn lại nhưng đầy dẫy chông gai gập ghềnh khắc
nghiệt. Thôi thì quay lại quá khứ ngây ngô trong trắng với những
kỷ niệm hồn nhiên tươi đẹp xa xưa. Những kỷ niệm ấy như dòng
suối mát tắm táp đời mình bớt đi những oi nồng cuộc sống.
Những lúc rảnh rỗi lại í ới bạn bè ra quán bình dân hay quán
cóc vỉa hè làm vài ly bia kể đủ thứ chuyện trên đời. Có
những câu chuyện kể hoài không biết chán. Không phải như một
nhóm bạn đồng môn tổ chức gặp mặt còn phân biệt "giai cấp
vùng miền". Ta đâu cần đẳng cấp nhiều sao, nhà hàng xa hoa
nhiều gái đẹp. Thứ ấy chỉ là dành cho quan chức chẳng hợp
với anh em ta vốn đã bình dị xuề xòa. Ta vẫn nhớ hoài gương
mặt đăm chiêu của sư huynh Anh Châu, Thân Bình, Công Trí, B.Tiên,
Danh... về thế sự thăng trầm, những người đã có công gắn kết
anh em HNC lại với nhau mấy chục năm nay. Ngồi với nhau cứ khà
khà tư lự mặc cho ngoài kia dòng chảy cuộc đời. Ta cũng tràn
trọng những anh em Thượng Chỉ, Khắc Thường, Thanh Vân, các diễn
viên Trần Quang, Quốc Hùng và nhóm nhạc Dung Nguyễn .. đã cố
gắng hạ mình xuống ngang bằng đồng đệ để có những cuộc vui
chưa bao giờ là gượng ép. Ta vẫn quý Lão ngoan Đồng, người tập
hợp nhiều anh em HNC nhất ở 19 ở Mai Rừng, Huỳnh Anh, Tuấn, Cò
Lã, ở Gia Định quán và ở cả nhà Huỳnh Sang. Nhưng em ơi, thưa
thưa một chút, bệnh tật không chừa một ai đâu, vả lại sức cũng
đã cùng mà lực cũng gần cạn kiệt. Covid đã là biến thể mới
rồi, mạnh hơn, lây lan nhanh hơn thì cần phải triệt để đề
phòng. Sức khỏe của ta là tài sản dành cho con cháu mai sau.
Nhớ nhất là những lúc họp mặt tất niên, tân niên, ngày
nhà giáo, được gặp lại nhiều gương mặt bạn bè và cả những
thầy cô mấy chục năm xưa, giờ đã sọm đi, ốm yếu và bệnh tật.
Nhiều thầy cô nằm lấy tay học trò đầu đã bạc mà run run bước
đi không vững làm tim mình cũng thấy se thắt lại, nước mắt
cũng rưng rưng đành quay mặt dấu đi. Có lẽ đây là món nợ ta
chưa bao giờ trả được. Thôi như "duyên phận " cuộc đời đã ban cho
mình những ẫn sũng và tự huyễn hoặc mình như thế để nuốt
nước mắt vào trong.
Có phải tình cờ là kết đọng của hạnh phúc? Tình cờ đã
đẩy đưa những đứa học trò HNC năm xưa gặp lại nhau đây. Những
con người đã nuôi dưỡng trong 56 năm những tình cảm nồng thắm
bạn bè. Ta lại thấy hiện lên bao khuôn mặt thân yêu trong ký ức,
những kỷ niệm buồn vui chợt ùa về làm ta ngay ngất. Có những
ngày trốn tiết la cà ở Thạnh Phát, ở Liên Cơ, Hiển Khánh, ở
Lăng Ông, Sở Thú mà đầu têu là thằng Tùng thằng Khánh thằng
Lân...Có những hôm đẹp trời còn lẽo đẽo theo Lan Chi về Đồng
Ông Cộ, dù biết rằng mình sẽ không bao giờ với tới, để rồi
được cô chị nhỏ hơn mình 2 tuổi "mời em vào nhà uống nước ".
Rồi có lúc tụ năm tụ ba trước cống trường chờ "chị em 39" về
ngang chỉ để nhìn len lén sau lưng...ơi nếu được quay về tuổi
thơ ngày ấy.
Ngọ của
Phạm Duy đã hiện diện giữa đời mình nhưng rồi mình để lạc
mất giữa mù sương. Một thời mê say và cả đắng cay. Nhưng dù sao
ta cứ tự hào: "mê say thì chỉ một thời nhưng yêu thương thì cả
một đời".
LÊ HÀ THĂNG
mùa Covid thứ 4 /2021
Mời Xem :
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét