Nghiệp
Vài hôm trước, một người bạn chia sẻ video: "Những Điềm Báo Chấn Động Tại Trung Quốc". Nội dung là, người dân Trung Quốc đang sống trong xã hội động loạn và hoàn cảnh kinh hoàng bất an gồm:
- Thủ đoạn khủng bố trong cuộc đàn áp tín ngưỡng.
- Đặt hàng trăm triệu Camera trên toàn quốc để tăng cường khả năng giám sát.
- Nạn bắt cóc trẻ em phụ nữ ngang nhiên hoành hành khắp nơi ở Trung Quốc.
- Nạn buôn người và buôn bán nội tạng càng lúc càng nghiêm trọng. Đạo đức xã hội Trung Quốc xuống thấp nhất trong lịch sử, và có lẽ cũng thấp nhất thế giới.
Rồi bạn tôi hỏi: Anh nghĩ sao về Nhân Quả?
Quả nhiên thế, mọi sự việc trên đời đều vận hành và được chi phối bởi luật Nhân Quả. Theo thiển kiến của tôi, ngoài luật Nhân Quả, còn một yếu tố quan trọng khác mà chúng ta thường thấy trong kinh Phật, đó là chữ "Nghiệp." Nhằm mục đích trau dồi và khuyến khích trong tinh thần học hỏi, nên xin chia sẻ một vài cảm nghĩ về Nghiệp.
Nghiệp
Chúng ta đang sống trong thế giới đại thị phi, nếu cần phải dùng một chữ để hình dung, đó là chữ "LOẠN". Thực vậy, nếu chúng ta để ý quan sát, hầu hết các hệ thống truyền thanh, truyền hình, mạng lưới đều truyền đạt tin tức phiến diện: thiên tai nhân họa, tranh giành đấu đá, gian tham lừa đảo, ân oán tình thù ... Vì vậy, tâm tư của chúng ta thường bị giao động và bất an trước sự giao lưu tạp nhạp của hệ thống mạng lưới và sự thông tin quá mức của môi giới truyền thông.
Nhà Phật cho rằng trong nhân gian, cõi đời là cõi ta bà. "Ta Bà" là Phạn ngữ, dịch ý là "thế giới kham nhẫn," có nghĩa là con người phải chịu đựng các phiền não, khổ lụy, bất bình, bất mãn, bất như ý...
Chúng ta thường thắc mắc băn khoăn tự hỏi khi đứng trước những nghịch cảnh trớ trêu, nhất là những điều có phần vô lý. Tại sao nạn cơ hàn cứ xảy ra tại Châu Phi? Tại sao cuộc chiến Việt Nam kéo dài gần 20 năm và sau đó dấy lên làn sóng vượt biên tạo nên những mất mát thê thảm của thế kỷ? Tại sao Putin phát động cuộc xâm lăng Ukraine khiến hàng triệu người dân vô tội sống trong cảnh màn trời chiếu đất? Thậm chí có câu hỏi nghịch lý: Tại sao đời cha ăn mặn lại để đời con khát nước? Vân vân và vân vân…
Quả nhiên thế.
Cuộc đời là dòng chảy muôn thuở. Bao điều khiến chúng ta suy ngẫm mãi: thiên tai nhân họa, điềm báo kinh động.... Những tưởng là nghịch lý nhưng nhìn kỹ ta sẽ thấy các sự kiện trong cuộc sống luôn liên kết với nhau bằng những mắt xích. Và rồi trong những góc khuất đâu đó của cuộc đời bất ngờ chúng ta ngộ ra lắm điều ý vị và cơ duyên từ những điều kỳ diệu trong cuộc sống.
Kỳ thực, thế giới chúng ta đang sống là một sân khấu không bao giờ hạ màn tắt ánh sáng. Trong vòng luân hồi truyền kiếp làm sao chúng ta tránh khỏi những tương tác liên quan đến những cá nhân, sự kiện khác.
Và rồi khái niệm chữ “nghiệp” trong kinh Phật được người ta đề cập đến. Nghiệp nói nôm na là nhân duyên tạo thành từ những hành vi gồm thân khẩu ý mà cuối cùng sẽ tạo ra các kết quả khác. Tuy nhiên nghiệp có thể thay đổi, nói đúng hơn là nghiệp có thể chuyển hóa. Nó sẽ xấu đi nếu mình không biết duy trì những đạo hạnh tinh tấn. Hoặc nó sẽ được cải thiện nếu như ai đó thực hiện những việc làm đạo đức nhân bản từ bi rộng lượng với muôn loài.
Trở lại vấn đề tại sao ở hiền nhưng không gặp lành. Ở ác lại thong dong tự tại? Tại sao chúng ta phải sống tốt, phải sống thiện, trong khi những tồi tệ và điềm dữ vẫn cứ xảy ra không ngừng khắp thế giới. Nhân quả cuộc sống xem ra chẳng đi theo những quy luật bình thường như ta kỳ vọng. Cuộc sống phũ phàng khiến ta có câu nói mỉa mai: "Thật thà, thẳng thắn thường thua thiệt!"
Rồi nếu chúng ta quay về nội tâm để phản tỉnh quán chiếu, những lời dạy trong kinh Phật về "biệt nghiệp và cộng nghiệp" chính là những nỗ lực cố gắng giải thích các sự kiện mang tính mâu thuẫn nghịch lý trong cuộc sống hầu giúp người tu tập có một hướng đi trên đường đời lẫn đường đạo chững chạc và tốt đẹp hơn.
Chữ nghiệp trong nhà Phật không có nghĩa một chiều, hễ nói nghiệp thì phải có điều xấu điều ác. Nghiệp cũng có nghiệp chung và nghiệp riêng. Nghiệp riêng thì gọi là biệt nghiệp và nghiệp chung thì gọi là cộng nghiệp.
Chúng ta sinh ra đời, mỗi người mang theo nghiệp riêng của mình, mà cùng sống chung với nhiều người khác. Khi chúng ta biết mỗi người có mỗi nghiệp riêng, mình là kẻ ngoại cuộc không có nghiệp đó thì không hiểu được nghiệp của người khác, cũng chính vì nghiệp riêng của họ mà khiến họ hành xử nhiều khi không hợp lô-gích của người đời. Hiểu như vậy, chúng ta sẽ có thái độ sống dung hòa không thắc mắc, mà thông cảm được hoàn cảnh và tình huống của người khác.
Biệt nghiệp là nhân duyên của mỗi cá nhân, là ai làm nấy chịu. Cộng nghiệp là ảnh hưởng của các mối quan hệ nhân duyên giữa ta và những thành viên khác. Khi nạn động đất vừa xảy ra gần đây tại Turkey, nhiều người đã tỏ ra ái ngại và xót thương cho những nạn nhân kém may mắn. Nếu động đất gây ra tác hại lớn và bao khó khăn cho cả một vùng ảnh hưởng đến nhiều người phải chăng đó là cộng nghiệp? Dân chúng sống tại nơi đó ai cũng bị thiệt hại, không ít thì nhiều. có những trường hợp tồi tệ nghiêm trọng hơn? Tức cùng sống trong vùng có thiên tai nhưng có kẻ bị nặng, tỷ như mất mạng; người bị nhẹ, tỷ như hư hao nhà cửa? phải chăng đó là biệt nghiệp?
Từ lâu, chúng ta thường nghe nói tạo nhân thì phải thọ quả báo, tức là gây nhân nào thì chịu quả nấy. Có một số người mới tu lại nghĩ rằng : Xưa kia làm điều tội ác, ngày nay tu hành là mong giảm bớt khổ đau. Nhưng, nếu trước đã gây nhân nào sau phải chịu quả nấy thì tu để làm gì ? Bởi thế, thiết nghĩ chúng ta nên tìm hiểu luật nhân quả tường tận hơn để không thối chí trên con đường tu hành và truy tầm chân lý.
Phật có dạy trong Kinh A-hàm: Người gây nhân bất thiện, trước hoặc sau họ biết tu thân, tu giới, tu tâm thì quả sẽ chuyển hóa, đổi thay. Đức Phật dùng thí dụ hạt muối để diễn giải về sự chuyển nghiệp, mà vẫn không trái với định luật nhân quả. Người tạo nghiệp bất thiện, nhận lấy nghiệp quả xấu, như người bỏ nắm muối vào một ly nước, nước trong ly sẽ rất mặn không thể uống được. Nếu như trong đời sống hiện tại, người ấy biết sống thiện, tạo duyên lành thì ví như người bỏ nắm muối vào lu nước lớn, vị muối loãng ra, có thể uống được. Nếu người ấy sống đạo đức, tu thân, tu giới, tu tâm, thì ví như người bỏ nắm muối vào trong hồ ao, thì nước sẽ không còn mùi mặn. “Muối” là nghiệp nhân ác, còn “nước” là nghiệp nhân thiện, nước càng nhiều, muối càng loãng ra cho đến vị mặn còn rất ít, không đáng kể.
Cho nên tu là chuyển quả xấu. Chuyển nghiệp không phải là tạo nhân mà không chịu quả, mà là chuyển không thọ đúng như khi gây nhân. Tới đây, đi xa hơn một chút, chúng ta cùng tìm hiểu lý "nhân quả" theo tinh thần Thiền tông. Trong “Chứng đạo ca” của thiền sư Huyền Giác có nói: "Nghiệp chướng bổn lai không." Có nghĩa là nghiệp chướng vốn dĩ là không có thật.
Trong công án của Thiền tông có ghi cuộc đối thoại giữa thiền khách Hạo Nguyệt và thiền sư Trường Sa.
Thiền khách Hạo Nguyệt hỏi:
- Nghiệp chướng bổn lai không. Nhưng tại sao Tổ Huệ Khả lại còn phải chịu quả báo?
Thiền sư Trường Sa trả lời :
- Vì thiện tri thức chưa biết bổn lai không.
Thiền khách Hạo Nguyệt hỏi tiếp:
- Thế nào là bổn lai không?
Thiền sư Trường Sa trả lời:
- Nghiệp chướng.
- Thế nào là nghiệp chướng ?
- Bổn lai không.
Tại sao nói nghiệp chướng bổn lai không?
Tu hành của Thiền tông là phải biết soi lại để nhìn thẳng nội tâm, biết cái gì hư dối thì buông xả, cái gì chân thật để nhận lại. Khi tâm chúng ta mê là chúng ta còn mang nghiệp, nếu biết thức tỉnh chuyển nó thì nó sẽ thay đổi, nên nói nghiệp vốn không thật. Tuy không thật, nhưng nếu chúng ta mê thì nó kéo đi mãi trong vòng luân hồi sinh tử không dừng.
Đã nói “Nghiệp chướng bổn lai không” tại sao Tổ Huệ Khả chết trong tù ? Trong kinh, Phật nói có nhân là có quả, nhưng quả đến còn tùy theo sức tu cao thấp mà chuyển hóa.
Tổ Huệ Khả cũng vậy, khi Ngài ngộ đạo ở Tổ Bồ-đề-đạt-ma, sau Ngài truyền tâm ấn cho Tổ Tăng Xán. Ngài nói : “Ta còn chút duyên phải đi trong nhân gian”. Rồi Ngài đến giáo hóa ở một vùng nọ, bị ngoại đạo sàm tấu cho là Ngài truyền bá tà giáo. Quan địa phương tin lời gièm pha và bắt giam Ngài. Khi bị giam trong khám, Ngài không giận không buồn. Ngài nói duyên ta hết ở đây, rồi Ngài tịch trong khám. Tổ Huệ Khả là người tu hành đắc Đạo, minh tâm kiến tánh. Ngài thấy rõ đầu đuôi gốc ngọn của nhân duyên. Như vậy trả mà không khổ, rồi từ đó được giải thoát sanh tử. Thậm chí cái quả mà chúng ta nghĩ là Ngài trả, nhưng đối với Ngài thì không có trả.
Tâm có nhiễm tất mê, tâm không nhiễm tất giác, cũng như chúng sanh vô minh vọng chấp tạo ra các nghiệp dữ nên bị luân hồi sanh tử, nếu giác ngộ tu hành chuyển nghiệp thì sẽ thoát vòng tục lụy.
Trên con đường từ mê tới giác cũng như cuộc thỉnh kinh của thầy trò Đường Tăng trong Tây Du Ký. Cuộc hành trình ngàn dặm từ Đông Thổ Đại Đường đến Tây Phương Thiên Trúc, thầy trò Đường Tăng gặp thiên ma vạn quỷ ngăn đường cản lối; cũng như trên đường đời của cõi ta bà, con người phải luôn đương đầu với nhiều trắc trở, nghịch cảnh và khó khăn, suốt cuộc hành trình đầy phong ba thử thách, chúng ta phải cố gắng phấn đấu, học hỏi rồi trưởng thành.
Nhân sinh bất như ý thập thường bát cửu, ở đời chuyện nghịch ý mười điều chiếm hết tám chín. Thiết nghĩ mọi người đều đã từng trải nghiệm ít nhiều những khốn khổ, bất như ý trong cuộc sống. Đến khi nào chúng ta cố gắng lòng trong gạn đục, giữ tâm thanh tịnh và bằng lòng với cuộc sống hiện tại, bình tâm trước những nghịch cảnh và thử thách, trân quý những bài học giá trị tiềm ẩn trong những sự kiện của cuộc sống, cả tốt lẫn xấu.
Nghiệp là vậy. Duyên cũng là vậy? Đều có điều tốt đẹp sau mỗi lần chúng ta trải qua những dằn vặt đau khổ. Lúc đó, chúng ta sẽ bình tâm trước những ảnh hưởng của cộng nghiệp xấu khi chứng kiến cảnh bất công của chúng sanh (chính mình và người khác) ngụp lặn giữa bể khổ sân si.
"Có thờ có thiêng, có kiêng có lành." “thiêng” và “lành” ở đây không phải ở việc cúng bái, cầu xin, lạy lục, mong bề trên ban phước lành ... mà ở tâm của con người. “Sống là động nhưng lòng luôn bất động, sống là thương nhưng lòng chẳng vấn vương.” Dầu là biệt nghiệp hay cộng nghiệp, nhân duyên hay quả báo, hẳn chúng ta sẽ nhận ra cuộc đời mãi mãi là một dòng chảy vô thường trong đó mỗi chúng ta bất quá chỉ là một giọt nước đắm chìm trong dòng chảy mênh mông bao la vĩnh hằng ấy.
Trường
04-15-2023
Mời Xem :
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét