27 thg 4, 2023

Có phải là tri kỷ - GHIMHO

Thế nào mới được gọi là bạn tri kỷ!
 
Câu hỏi đơn sơ của một người bạn chợt làm tôi chạnh lòng nhớ về kỷ niệm. Lùi xa về quá khứ… Ngày mà Phú Nhuận nơi tôi ở là một xã nhỏ của ngoại ô thành phố Sài Gòn, nơi dân cư còn thưa thớt, trẻ con trong làng còn lang thang đi vớt lăng quăng nơi mương rạch chung quanh. Trước mỗi nhà trong xóm tôi là cái mương dẩn nước từ sông vào, đã có trẻ con chết đuối . Thế nên mẹ tôi rất sợ cho tôi, vì tôi là chuyên gia xuống sông vớt cá. Có lúc làm trôi mất cái nón, về mẹ hỏi, biết là đi vớt cá- bị một trận đòn nhừ tử. Từ đó chừa tội lội sông.
Thế nhưng lại vướng vào tội khác… Lúc ấy tôi có bạn tri kỷ là Lợi, cô bé hơn tôi một tuổi. Tôi chơi thân với Lợi vì bạn ấy hung dữ, có thể bảo vệ tôi khỏi bị bắt nạt. Đến tuổi đi học, tôi đến trường. Bạn ấy không được đi học nhưng tình bạn vẫn khắn khít vì sau khi học về tôi và Lợi lại tung tăng cùng làng khắp xóm. Lúc ấy học trò sướng vô cùng, không biết học thêm là gì. Ba mẹ thì đầu tắt mặt tối có biết gì đến việc học hành, được cắp sách đến trường là vinh hạnh lắm rồi. Xóm tôi rất nhiều trẻ thất học. Chẳng thế mà đầu năm lớp tư ( lớp hai bây giờ ) tôi bỏ học đi rong trong rạp Văn Cầm ba ngày, ba mẹ chẳng biết gì cả.
Lợi thất học nhưng khôn vô cùng, bạn ấy dạy tôi rất nhiều về xã hội người lớn. Chúng tôi đi bán vé số khô bò cùng với nhau, tôi còn phải giữ em. Lợi đã giúp tôi khiêng em tôi đi khi nó đòi ẳm. Tôi thì ốm yếu nhưng Lợi mạnh bạo. Khi đi dạo bán vé số, tôi thường đếm số vé còn lại và số tiền mình có. Có khách lấy xem, không mua. Tôi đếm lại thấy thiếu vé, ngẫm nghĩ… có lẽ ông khách đã tham lam lấy mất của mình chăng! Lại đếm nữa, thấy đủ. Lợi dạy tôi rằng… Không được nghi ngờ người khác khi không thấy. Một nghi mười ngờ, một ngờ mười tội, chết xuống âm phủ cưa hai nấu dầu. Từ đó tôi tâm niệm – Không thấy thì không nói. Lợi giúp tôi rất nhiều trong việc giữ em và bán vé số. Đi với bạn ấy tôi thấy an tâm và tự tin. Chúng tôi lang thang khắp nơi … từ chợ Phú Nhuận đến tận bến Bạch Đằng, Lăng ông Bà Chiểu… Thật là một người bạn tri kỷ bấy giờ.
Dần dần tôi phải học nhiều hơn, lên cấp hai … tôi không còn được đi rong mà phải phụ ba mẹ công việc gia đình, làm gà vịt ra chợ bán, giặt quần áo, lau nhà, theo mẹ ra bến xe mua gà… Đi học ở Gia Long tôi cũng không chơi thân với ai nhiều. Tự biết mình thuộc giai cấp hạ lưu( theo lời anh tôi nói), tôi chỉ có ông anh là bạn tri kỷ. Đi đâu anh cũng dắt đi, xem phim ở rạp Văn Cầm, Đại nhạc hội ở rạp Cẫm Vân, hội chợ Tao Đàn…Lúc anh thiếu tiền mua sách, tôi đập ống heo mua. Tôi không biết xài tiền vì tánh keo kiệt. Đưa tiền cho anh vì anh hứa sau này làm lớn sẽ nâng đỡ tôi. Ngày thi Đệ Thất, anh vẽ hình con ngựa to trên tường với dòng chữ - Hồ văn Sa sẽ đậu Đệ Thất. Anh vẽ lá cờ quốc gia trong tập và dán hình mình giữa lá cờ. Giống như hình tổng thống Ngô Đình Diệm trong lá cờ lúc tụi tôi xem phim chào cờ. Tôi tin chắc anh sẽ làm lớn.
Mỗi ngày tâm sự, chuyện ngắn chuyện dài, cùng dậy sớm làm gà vịt, đi Bến Lức thăm em. Mẹ tôi bận rộn mua bán nên phải gởi con cho mợ Tư Bến Lức nuôi. Mỗi tháng tôi và anh làm sứ giả giao lưu, mang tiền bạc đưa mợ Tư và thăm em. Huệ rồi đến Nga, đến Hoàng. Nhờ vậy mà tôi được tắm sông Bến Lức thoải mái, không biết bơi – đứng trên bờ nhìn anh bơi, tôi tức lắm kêu um sùm. Anh phải cỏng tôi xuống sông cho quậy nước một hồi. Lúc lên bờ, tôi cứ tưởng anh bơi thật. Có biết đâu anh lội bùn mà cỏng em. Lúc anh đi học tiếng Nhật tôi cũng học theo. Tôi đi học may anh cũng muốn đi nhưng lại phải đi du học. Năm anh đi du học tôi học lớp 10. Ngày anh đi tôi buồn thấm thía, mất đi người tri kỷ.
Hụt hẫng lúc đầu, tôi quay sang chơi thân với Sang và Minh Đức. Cùng đi thăm cô nhi viện khắp nơi, Làng cô nhi Long Thành, Cô nhi viện Diệu Quang, Suối nước trong Thủ Đức, Cô nhi viện Thị Nghè, làng cô nhi SOS… theo chân Minh Đức đến tổ chức Hướng đạo Phật tử cắm trại Vũng Tàu, cùng tắm rửa cho cô nhi với trường bạn Petrus Ký… Tình bạn thân thiết không chỉ trong phạm vi học đường, chúng tôi thường đến nhà nhau, học bài cùng nhau. Sau này tôi cũng thân thiết với Mỹ Ngọc khi Ngọc Quý phải đi lấy chồng. Mỹ Ngọc buồn vô cùng. Không biết có thể gọi là tri kỷ… Sau này có dịp cùng Sang học Anh văn, ngày Sang đi Mỹ tôi đã khóc ngậm ngùi khi lại mất thêm người bạn thân thiết.
Sau chiến tranh 75, tôi chơi thân với Châm và Tuyền từ những buổi họp thanh niên. Cùng lang thang khắp khóm một, cùng dẩn thiếu nhi đi cắm trại ở sân gôn, chứng kiến chuyện tình của bạn… Ngày tôi về kinh tế mới, bạn vẫn xuống thăm giúp mang thuốc men, vật dụng cần thiết. Ngày đi dân công hỏa tuyến, nơi biên giới cận kề cái chết tôi nghĩ nhiều đến bạn. Tôi viết lại những cảm nhận tại chiến trường và gởi về Châm vì không biết có còn ngày trở về, tiếc là những lá thơ dài không đến tay người nhận. Tuyền xuất ngoại, tôi và Châm lại tiếp tục những ngày lang thang. Chúng tôi đi với nhau không biết chán, nói bao nhiêu thứ trên đời. Rồi đến một ngày bạn ấy cũng theo chồng đi Mỹ, lại thêm một lần chua xót. Châm là người bạn thân thiết nhất mà tôi phải xa rời. Quá nhiều kỷ niệm, chúng tôi đã chia sẽ bao nhiêu thứ đến nổi tôi nghĩ không bao giờ tôi có được một tình bạn nào sâu đậm hơn. Ngày nhận được email của Châm tôi đã rơi nước mắt vì sung sướng. Những ngày bạn về nước tôi dành hết thời gian cho bạn. Thời gian trôi qua, tình thân còn đó nhưng thời gian, không gian chia cách. Trước cuộc sống bộn bề lo toan, không bao giờ tôi nghĩ mình có thể kết bạn được với ai để có thể chia sẽ tâm tư, để có thể nói được những vui buồn mình đã trãi. Cuộc sống tất bật và không ai có thời gian để tìm hiểu nhau nhiều, giao tiếp chỉ là bề ngoài. Tiền bạc, vật chất là quyết định cho những tình thân. Cuộc sống trở nên thầm lặng và chỉ biết có công việc. Tôi từ chối những cuộc vui chơi, du lịch của cơ quan, bạn cùng chổ làm. Không còn gặp lại người bạn nào của một thời Gia Long, Sư phạm tôi chỉ còn nghĩ đến gặp bạn trong mơ. Ngày về hưu, duyên cơ hội ngộ lại bạn bè năm xưa nhưng cũng chỉ một vài buổi họp. Sau phút vui mừng, ai về nhà nấy. Có thời gian nào để cùng nhau chia sẽ tâm tư, chuyện khó khăn trong đời.
Chuyện đời đưa đẩy … Facebook xuất hiện…Dần dần tôi tìm lại bạn cũ, quen thêm bạn mới . Cùng với thời gian, tình thân đã đến thật nhanh theo tốc độ của FB. Không phải chỉ là xã giao hời hợt nữa mà là những tâm sự từng ngày. Bao nhiêu vui buồn cuộc sống thể hiện lên những dòng tin nhắn, comment.
Ngày đứng giữa sông nước Hạ Long, chung quanh là các bạn trẻ nước ngoài, tôi đã nghĩ rất nhiều về từ tri kỷ. Trước đó tôi nghĩ đến từ ấy rất thiêng liêng và ước ao có một người bạn tri kỷ cùng đi khắp nơi, trãi nghiệm cùng nhau, chia sẽ cùng nhau. Tôi không nghĩ mình có thể tìm được niềm vui bên những người xa lạ. Thực tế… tôi đã lầm. Trước khung cảnh thiên nhiên rộng lớn, tâm hồn con người trở nên khoáng đạt. Chúng tôi đến từ các miền đất khác biệt hẳn nhau..Mã Lai, Anh, Singapore, Đức và VN. Sự cởi mở, lòng yêu thiên nhiên và những trò chơi nhỏ nhỏ nhưng vui nhộn đã kết hợp mọi người. Buổi tối lên bong tàu trò chuyện với nhau bằng những ngôn ngữ âm thanh kết hợp điệu bộ, tình thân đã đến và từ tri kỷ không còn ý nghĩa.
Có lẽ thực tế đã cho tôi cái nhìn khác về cuộc sống.

                      Kỷ niệm lần đầu tiên tiếp xúc với Hạ Long và tình bạn....
 
Mời Xem Hồi Ký Của GhimHo :
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét