Những Người Bạn Sư Phạm Saigon
30 thg 4, 2023
SAIGON THÁNG 4,VỀ LẤY TRÁI TIM , LÀ TÔI HAY LẢ EM.... - Trần Phong Vũ
HẠ HỒNG HOA TRẮNG NỞ- Thơ hathuthuy
Mời Xem :
VẨN VƠ LẮM CHUYỆN...
29 thg 4, 2023
MƯỜI NĂM - Thơ Đinh Hỏi
MƯỜI NĂM
Mười năm chưa mỏi cánh chim,
Mười năm bao đợt ngập chìm lo toan.
Mười năm là chiếc đò ngang,
Đưa bao nhiêu chuyến qua sang bến bờ.
Mười năm như nhện nhả tơ,
Yêu người yêu trẻ chở che nặng tình.
Em ơi, trong kiếp nhân sinh,
Thương em những muốn cực hình rời xa
Mong em có mẹ có cha,
Có người chia sẻ xót xa lúc buồn.
Thương em những muốn phép dồn
Hoá bao nhiêu lượt thổi hồn vào chân!
Để em đứng dậy đi cùng,
Xe lăn để đó không dùng nữa đâu!
Thương em lòng những mong cầu
, Tìm điều kỳ diệu- nghe câu nói ,cười
Để em không bị người người
Nói em CÂM ĐIẾC bùi ngùi lòng cô
Lòng cô bao đợt sóng xô
Thương em mắt đã bặt vô bóng hình
Xung quanh màu đỏ màu xanh
Dáng cha bóng mẹ có nhìn được đâu
Nhói lòng khi nói đến câu:
Em tôi khiếm thị- nỗi đau thương đầy.
Em ơi tình cảm cô đây
Thương em trên cả tình thầy em ơi!
( Thương tặng các em học viên khuyết tật và mồ côi-2016)
Mời Xem :
Về TT.Day nghề cho người khuyết tật Q.12 - Đinh Hỏi
Sinh hoat ở TTDN.NKT và TEMC.(Bài và hình : Đinh Hỏi)
28 thg 4, 2023
Giáo Sĩ Đắc Lộ Và Chữ Quốc Ngữ - Tap văn của Hoàng Đằng
Có người hỏi tôi: “Vì sao sáng tạo chữ Quốc Ngữ là công trình của nhiều người, mà bây giờ khi nói đến chữ Quốc Ngữ ai cũng chỉ nghĩ ngay đến giáo sĩ Alexandre De Rhodes (Đắc Lộ)?”
Trước khi tìm hiểu và suy luận để có câu trả lời cho câu hỏi trên, tôi xin giải thích mấy từ “Chữ Quốc Ngữ”.
“Quốc” là “nước”, “ngữ” là “tiếng nói”; “quốc ngữ” là tiếng nói của người trong nước. “Tự thiên tử dĩ chí ư thứ dân” đều nói thứ tiếng ấy, nên thứ tiếng ấy được gọi là quốc ngữ. Người xưa gọi là “quốc âm”
(Quốc Âm Thi Tập, Đại Nam Quốc Âm Tự Vị…)
Chữ ghi lại tiếng nói ấy là “chữ Quốc Ngữ”, “chữ Quốc Âm”. Còn Quốc Gia Văn Tự thì khác, Quốc Gia Văn Tự là thức chữ (văn tự) được dùng trong việc công, trong chính quyền; dân trình bày gì lên chính quyền, chính quyền phổ biến gì xuống dân bằng văn bản thì văn bản phải được viết bằng thứ chữ ấy.
Vì vậy, chữ Hán, dù không thể hiện tiếng nói người Việt, vẫn đã được xem là “Quốc Gia Văn Tự” của nước ta trong thời gian dài của lịch sử, trong khi chữ Nôm đã có, ít ra từ đời Trần (thế kỷ XIII) và chữ Quốc Ngữ đã có từ thế kỷ XVII, thế mà chữ Nôm không “phổ cập” đóng vai trò Quốc Gia Văn Tự và chữ Quốc Ngữ cũng mới phổ cập đóng vai trò Quốc Gia Văn Tự từ năm 1945 – năm Việt Nam có nền độc lập sau gần 100 năm bị thực dân Pháp đô hộ, dù kể từ độc lập do đế quốc Nhật giao hay từ độc lập do giành được qua Cách Mạng tháng 8.
Vì nghĩ như vậy, tôi đã nói Việt Nam có đến 2 chữ quốc ngữ: chữ quốc ngữ hệ chữ Hán, đó là chữ Nôm và chữ quốc ngữ hệ chữ La Tinh, đó là chữ Quốc Ngữ đang dùng hiện nay.
Trong bài viết này, chữ Quốc Ngữ nói đến là chữ quốc ngữ hệ chữ La Tinh.
Đúng là việc sáng chế ra Chữ Quốc Ngữ đã được làm trước khi giáo sĩ Đắc Lộ (1591 – 1660) đến nước ta năm 1624 và do nhiều người làm.
Giáo sĩ Đắc Lộ chỉ là học trò học tiếng Việt của giáo sĩ Francisco de Pina (1585 – 1625) - người được lịch sử cho biết rất thông thạo tiếng Việt. Và còn nhiều, nhiều giáo sĩ nữa cũng thông thạo tiếng Việt.
Vừa rồi, chính quyền thành phố Đà Nẵng đề xuất tên hai giáo sĩ Tây Phương Francisco De Pina và Alexandre De Rhodes để đặt tên cho hai tuyến đường trong thành phố do trân trọng công lao của hai Ngài trong sáng tạo chữ Quốc Ngữ. Nhờ thế, thêm nhiều người Việt biết đến giáo sĩ Francisco De Pina.
Sử sách cho biết giáo sĩ Francisco De Pina – người Bồ Đào Nha - đến nước ta năm 1617 trước Đắc Lộ; Ngài thông thạo tiếng Việt, giảng đạo bằng tiếng Việt, mở trường và viết tài liệu dạy tiếng Việt cho các giáo sĩ khác, trong đó có Đắc Lộ. Ngoài ra, Ngài truyền giáo ôn hoà, được lòng chính quyền, nhờ vậy, Ngài mới có thể thi hành mục vụ bên cạnh chính quyền sở tại ngay trong dinh trấn Quảng Nam, còn gọi là dinh trấn Thanh Chiêm vì đặt tại làng Thanh Chiêm, xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Dinh trấn Quảng Nam là trung tâm chính trị, quân sự, kinh tế và văn hoá xứ Đàng Trong, về tầm quan trọng, chỉ xếp sau Phú Xuân (Huế).
Rủi là Francisco De Pina mất sớm (1625) lúc mới 40 tuổi do đuối nước ở biển Đà Nẵng khi cố cứu người trên một thuyền bị đắm.
Việc mất sớm của Francisco De Pina là một trong những lý do khiến giáo sĩ Đắc Lộ là người được biết đến nhiều hơn, được tôn sùng hơn từ trước tới nay.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều lý do nữa.
Dựa theo một số tài liệu đã đọc, tôi suy luận như thế này:
1- Đầu thế kỷ XVII, để dễ dàng việc truyền giáo, nhiều nhà truyền giáo phương Tây đã học tiếng Việt thành thạo, sáng chế ra chữ Quốc Ngữ, mở trường dạy chữ Quốc Ngữ và viết tác phẩm bằng chữ Quốc Ngữ để phổ biến.
Tuy nhiên, vì điều kiện khó khăn, việc lưu trữ không tốt; ngày nay, các tác phẩm ấy phần lớn không còn.
Trong các giáo sĩ Tây phương viết tài liệu, sách, từ điển bằng chữ Quốc Ngữ, có thể kể:
- Giáo sĩ Francisco De Pina đã có soạn tài liệu giảng dạy: “Phương Pháp Latinh hoá tiếng Việt”, “Ngữ Pháp tiếng Việt”, đã có dịch từ chữ Latinh sang chữ Quốc Ngữ một số kinh: “Kinh Lạy Cha”, “Kinh Kính Mừng”, “Kinh Tin Kính”, “Kinh Sáng Danh” …,
- Giáo sĩ Gaspar De Amaral đã có soạn từ điển Việt – Bồ …
- Giáo sĩ Antonio De Barbosa đã có soạn từ điển Bồ - Việt …
- Giáo sĩ Đắc Lộ đã có soạn từ điển Việt – Bồ - La và đã viết “Phép Giảng 8 Ngày” …
May mắn chỉ dành cho giáo sĩ Đắc Lộ! Tác phẩm của Ngài vẫn còn và được các nhà nghiên cứu còn dùng, thành thử, tên Ngài nhiều người biết.
2- Vào thế kỷ XV, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha dùng tàu thuyền đi khám phá các vùng đất mới trên trái đất. Toà Thánh muốn kết hợp việc truyền giáo vào việc thám hiểm, giáo hoàng Alexandre VI ký hiệp ước Tordesillas năm 1494 giao cho Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha công việc truyền giáo ở những vùng đất đã khám phá và sẽ khám phá, trong đó, Bồ Đào Nha trách nhiệm việc truyền giáo ở Á Châu, có trách nhiệm chuyên chở miễn phí các nhà truyền giáo, cấp phương tiện xây nhà thờ, nhà ở …, nhưng Tòa Thánh và các nhà truyền giáo phải lệ thuộc công việc vào vua Tây Ban Nha và vua Bồ Đào Nha, muốn phổ biến quyết định gì của Toà Thánh cũng phải được vua Tây Ban Nha hay Bồ Đào Nha chấp thuận.
Vua Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha sử dụng các giáo sĩ Dòng Tên trong việc truyền giáo. Dòng Tên là Dòng Chúa Giêsu (Société des Jésuites), có lẽ được nói gọn lại như vậy vì tục cữ tên của người Việt. Dòng Tên được thành lập ở Paris năm 1535, ban đầu hoạt động trong lãnh vực tu viện và truyền giáo, từ năm 1547, tập trung sang lãnh vực giáo dục.
Trước Dòng Tên, đi theo tàu thuyền của các nhà hàng hải Bồ Đào Nha, nhiều giáo sĩ đã đến nước ta rao giảng Tin Mừng, nhưng do khác biệt quá lớn về ngôn ngữ, về phong tục, tập quán, về tín ngưỡng với dân bản địa, công việc truyền giáo không thành công.
Qua thế kỷ XVII, các giáo sĩ Dòng Tên đến; với tinh thần chịu khó, học ngôn ngữ, nghiên cứu phong tục tập quán, họ đã thành công thu hút được nhiều người theo đạo, trong đó, có những người trong giới “quý tộc”.
Dù là giáo sĩ thuộc Dòng Tên Bồ Đào Nha, Alexandre De Rhodes (Đắc Lộ) là người vùng Avignon – lãnh địa của nhiều đời Giáo Hoàng (sáp nhập vào Pháp từ 1791); có lẽ nhờ thế, Alexandre De Rhodes có uy tín hơn các giáo sĩ khác dưới mắt Toà Thánh và, với uy tín đó, tên tuổi Ngài lan tỏa đến giới Ki Tô giáo Việt Nam.
3- Tình trạng lệ thuộc công việc của Toà Thánh vào vua Bồ Đào Nha như trình bày ở trên, càng về sau càng làm cho Toà Thánh và các nhà truyền giáo không muốn; vì vậy, Alexandre De Rhodes, với uy tín của mình, tìm chỗ dựa ở nước Pháp; Ngài thúc đẩy thành lập Hội Thừa Sai Paris (Société des Missions Étrangères de Paris) năm 1653. Hội Thừa Sai Paris sau này thay các giáo sĩ Dòng Tên Bồ Đào Nha đóng vai chủ chốt trong việc truyền giáo vào Việt Nam, giai đoạn đầu một mình, giai đoạn sau đi cùng với đoàn quân xâm lược Pháp đánh chiếm nước ta.
Đắc Lộ là ông tổ của Hội Thừa Sai Paris; cho nên khi nói đến chữ Quốc Ngữ - một cộng cụ truyền giáo hiệu quả, tên tuổi Đắc Lộ được nhớ ngay và được nhắc đến, ban đầu, từ nhà thờ, sau lan toả ra toàn xã hội.
Việc truyền đạo Ki Tô ra khắp thế giới, buổi đầu, luôn gặp khó khăn; nhiều nơi và nhiều lần, máu đã đổ. Chuyện đó ở Việt Nam cũng không tránh khỏi.
Nghe bài hát “Biển Hát Chiều Nay”, tôi tự nhiên tâm đắc với câu: “Vùi sâu dưới đáy những gì đau thương!” Lịch sử phải biết, biết đúng sự thật chừng nào hay chừng ấy, biết để “ôn cố nhi tri tân”; nhưng dùng lịch sử để khêu lại vết thương giữa lòng dân tộc thì xin đừng! Hãy bắt chước cách viết sử của cụ Trần Trọng Kim (1883 - 1953) trong “Việt Nam Sử Lược”, có phê phán những lời lẽ phê phán luôn ôn tồn.
Ngày xưa, ở nước ta, giữa “lương” và “giáo”, đã có nhiều chuyện không hay do hiểu lầm, do thế lực không tốt xúi giục.
“Vết thương” ấy trên thân thể dân tộc đã lành ở trong dân chúng, nhưng vẫn còn rỉ máu trong giới “trí thức”. Buồn! “Trí thức” không đóng đúng vai trò của mình là hướng dẫn quần chúng đi vào con đường Chân Thiện Mỹ, không cổ xuý đoàn kết mà khuyến khích chia rẽ.
Hãy xem trên thế giới! Nước nào biết xoá bỏ hận thù trong quá khứ thì giàu mạnh và ngược lại.
Việc dùng tên Alexandre De Rhodes để đặt tên đường đã được làm từ lâu ở Sài Gòn, vậy mà chưa nghe ai chống đối. Ở Sài Gòn, người ta đặt tên đường rất có ý tứ. Hai bên công viên 30/4, bên này là đường Hàn Thuyên (người có công với chữ Nôm), thì bên kia là đường Alexandre De Rhodes (người có công với chữ Quốc Ngữ).
Giá như chính quyền Đà Nẵng không biết chi về lịch sử hết, thì không nghĩ ra chuyện muốn dùng tên 2 giáo sĩ đặt tên đường và không có chuyện cãi vã “nên” hay “không nên” rồi.
Trong cãi vã, đã có những ngôn từ xúc phạm đến người đã mất, vu khống cho người đã mất những ý nghĩ và hành động mà họ không có.
Tội chưa!
Hoàng Đằng
03/12/2019 (08/11/Kỷ Hợi)
nguồn : https://quangtribacca.blogspot.com/2022/05/giao-si-ac-lo-va-chuquoc-ngu-hoang-ang.html#more
CÓ THỂ BẠN CHƯA BIẾT
Mộc Châu. Thác Dải Yếm / Hình chụp Quách Như Nguyệt
Sau khi đi Ninh Bình, 3 người nhóm N đi Mộc Châu vì Mộc Châu thuộc tỉnh Sơn La có cây cầu bằng kính dài nhất trên thế giới, mới được khánh thành vào tháng Tư năm 2022.
Người post bài : Còn nhiều ảnh đep nhưng là blog nên số lượng có giớ hãn
Mời Xem Các ảnh khác tại
NHỮNG VỤ TRẢ THÙ ĐẪM MÁU NHẤT LỊCH SỬ NHÂN LOẠI
Nợ máu phải trả bằng máu, nhưng khi sự căm hận đã lên đến đỉnh điểm, con người có thể nhấn chìm cả 1 chủng tộc trong biển máu.
Khái niệm trả thù luôn song hành với lịch sử nhân loại. Con người luôn mang trong mình khát khao được trút sự thù hận của mình lên những kẻ đã đối xử tệ bạc với mình. Hammurabi, bộ luật cổ xưa nhất được tìm thấy từ trước tới nay, đã lấy quan điểm “an eye for an eye” – nợ máu phải trả bằng máu làm gốc rễ. Và nó đã diễn đạt chính xác khái niệm trả thù.
Bộ luận Hammurabi đã đánh dấu sự khởi đầu chính thức của việc chuẩn hóa khái niệm trả thù. Nó vẫn giữ được những ảnh hưởng của mình trong cuộc sống hiện tại, thể hiện trong việc hình thành hệ thống pháp luật dựa trên sự trừng phạt những kẻ dám đi ra ngoài những khuôn khổ của xã hội.
Trên thực tế, trả thù đã vượt ra xa khỏi những chuẩn mực đó. Khát khao được nhìn thấy kẻ thù của mình phải gánh lấy tai họa chỉ được giới hạn ở cấp độ cá nhân, và khi đó, hành động trả thù đã đi quá những giới hạn của pháp luật. Hãy cùng chúng tôi điểm lại những vụ trả thù đẫm máu nhất trong lịch sử nhân loại.
5. 47 Ronin
Đây là sự kiện đã trở thành huyền thoại trong lịch sử nước Nhật, nó trở thành cột mốc được tô đậm bởi lòng trung thành và sự thù hận. Sự kiện này cũng đã trở thành cảm hứng cho nhiều tác phẩm điện ảnh và văn học ra đời sau đó.
Dưới thời Edo, các Samurai được biết đến với vai trò cố vấn quân sự, bảo vệ cho tài sản và tính mạng của những nhân vật quan trọng trong xã hội. Một trong những lời thề của các Samurai là trả thù cho cái chết của chủ nhân mình. Và 47 người Samurai của Naganori Asano đã thực hiện trọn vẹn lời thề này.
Khi ghé thăm Edo (Tokyo hiện nay), Naganori Asano đã dùng gươm gây thương tích cho Kira Yoshinaka, sau khi tranh cãi nổ ra giữa 2 người. Nhà cầm quyền quyết định buộc Naganori phải mổ bụng tự sát. Tất nhiên, ông không còn lựa chọn nào khác ngoài việc thực thi.
47 người Ronin (những samurai vô chủ) kiên nhẫn chờ đợi. Hai năm sau, họ đột nhập vào nhà Yoshinaka, khống chế và buộc ông phải tự sát giống như chủ nhân quá cố của họ. Khi Yoshinaka từ chối, họ đã chặt đầu ông và đem nó đến ngôi mộ của Naganori. Ngay sau đó, họ đầu thú và 46 người Samurai này đã tự kết liễu đời mình. Số phận của người Samurai thứ 47 cho đến nay vẫn là một dấu hỏi lớn.
4. Thảm sát Ngày lễ Thánh Barthélemy
Khi Kháng Cách, một cộng đồng thuộc Cơ Đốc giáo tách khỏi Công giáo La Mã, ra đời sau cuộc cải cách tôn giáo khởi phát bởi Martin Luther vào thế kỷ 16, nhà thờ đã coi họ như cái gai trong mắt mình. Không đơn giản chỉ là việc tranh giành nhau biểu tượng tôn giáo, nhà thờ đã mất đi nhiều hơn thế: quyền lực, lãnh thổ, tài chính…
Đinh điểm của những mâu thuẫn giữa 2 phe Kháng Cách và Công giáo cực đoan là sự kiện công chúa Marguerite de Valois kết hôn với Henry xứ Navarre. Cuộc hôn nhân giữa 2 người đứng đầu 2 phe đối lập đã hoàn toàn thất bại trong nỗ lực xoa dịu những căng thẳng. Những người Công giáo cực đoan vốn đã rất khó chịu với sự hiện diện của những người Kháng Cách giữa lòng thủ đô Paris, nay càng không thể chấp nhận được cuộc hôn nhân giữa công chúa của họ với một người Kháng Cách. Thêm vào đó, sự hào nhoáng xa xỉ của đám cưới giữa thời điểm mất mùa đói kém đang tràn lan càng làm cho mọi việc thêm phần căng thẳng.
Không chỉ dừng lại ở đó, Vua Charles đã mở rộng quy mô của cuộc thảm sát này ra trên toàn bộ lãnh thổ nước Pháp. Tất cả những ai thuộc mang trong mình dòng máu Kháng Cách đều bị xử tử. Tổng cộng khoảng 100.000 người đã thiệt mạng sau khi sắc lệnh này được ban ra.
3. Aaron Burr
Có rất ít cuộc trả thù mang nhiều tính chất chính trị như câu chuyện giữa Alexander Hamilton và Aaron Burr. Và cũng hiếm cuộc trả thù nào diễn ra chóng vánh và trực tiếp như thế.
Burr và Hamilton đều phục vụ trong quân đội cách mạng dưới sự lãnh đạo của Washington. Cả hai đều theo đuổi sự nghiệp chính trị và đều đạt được những thành công sau đó. Hamilton được biết đến như là người đồng sáng lập ra tờ báo Những người chủ trương Liên bang, một trong những tờ báo có ảnh hưởng chính trị cực lớn thời bấy giờ, đồng thời là Bộ trưởng Bộ Tài chính đầu tiên của Hoa Kỳ. Ông chính là cánh tay đắc lực cho những tổng thống thời bấy giờ, gồm có George Washington, Thomas Jefferson và John Adams, với một trong những vai trò chính là loại bỏ những đối thủ ngáng đường họ trên con đường tranh cử tổng thống.
Luật đấu súng quy định rằng không một cáo trạng nào được phép đưa ra sau cuộc đấu, do đó, Burr vẫn tiếp tục quay về thực hiện tiếp nhiệm kỳ phó tổng thống của mình trước khi bị buộc tội phản quốc do nỗ lực xây dựng một đế chế cho riêng mình ở các bang thuộc miền Nam lãnh thổ Hoa Kỳ.
2. Boudica
“Sòng phẳng” và “Chơi đẹp” chưa bao giờ là những điểm tích cực của Đế chế La Mã. Khi Vua Prasutagus qua đời, ông để lại quyền cai trị Celtic Iceni cho người vợ Boudicca và 2 người con gái của mình. Nhưng Rome lại có kế hoạch khác: họ xâm lược Iceni, biến người dân thành nô lệ và cưỡng hiếp 2 người con gái của Boudica. Không may cho Rome, họ không hiểu rằng mình đã vay một món nợ quá lớn.
Những gì chúng ta được biết về Boudica đều có nguồn gốc từ những ghi chép trong lịch sử của đế chế La Mã. Họ mô tả bà như là “một người phụ nữ cao lớn và đáng sợ, với mái tóc đỏ rực dài đến tận hông… Bà mang theo một ngọn giáo có khả năng truyền sự khiếp đảm tới bất cứ ai trông thấy mình.” Và lịch sử cũng đã chứng minh rằng, Boudica nói riêng và người Celts nói chung không nhỏ bé và khiếp nhược như bất cứ một dân tộc nào đã bị xâm lược bởi đế chế La Mã. Ngược lại, họ đã cho thấy mình là một trong những dân tộc đáng sợ nhất trong lịch sử nhân loại.
Vào khoảng năm 60 sau Công nguyên, nhân thời điểm chính quyền La Mã đang bận rộn trong cuộc chiến ở miền Bắc xứ Wales, Boudica đã lãnh đạo những người Iceni và Trinovantes nổi dậy. Họ đã thiêu hủy hoàn toàn Camulodunum, một trong những thuộc địa của La Mã lúc bấy giờ, đồng thời cũng là nơi đặt đền thờ Vua Claudius. Ngay sau đó, đội quân nhanh chóng tiến đến Londinium (London hiện nay). Sau khi chiến thắng binh đoàn số 9 của Đế chế La Mã, 2 thành phố Londinium và Verulamium đã bị thiêu hủy hoàn toàn. Ước tính khoảng 70.000 – 80.000 người bản địa và người La Mã đã thiệt mạng trong cuộc thảm sát này.
Dù sau cùng, Boudica đã phải chịu thất bại trước sự vượt trội về lực lượng của đối phương (nhiều ghi chép cho rằng, La Mã đã thiệt hại mất 3 binh đoàn trong trận Watling Street), nhưng cuộc nổi dậy này đã khiến bà trở thành một biểu tượng của người dân Anh. Lịch sử đã ghi nhận bà như là một trong 10 nữ tướng vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại.
1. Thành Cát Tư Hãn
Ngay sau khi đã thôn tính gần như toàn bộ Châu Á, Thành Cát Tư Hãn tiếp tục tính đến các quốc gia vùng Trung Đông. Để thể hiện thiện chí của mình, ông gửi một món quà bao gồm nhiều châu báu và mỹ nữ tới Đế quốc Khwarezm, được hộ tống bởi khoảng 500 binh lính. Tuy nhiên, người Khwarezm tỏ ra không mấy thiện chí với một chủng tộc “sinh sống trong túp lều”, và họ thẳng thừng từ chối bằng cách hạ sát toàn bộ những binh lính hộ tống đoàn vận chuyển.
Tại thời điểm này, Thành Cát Tư Hãn vẫn tỏ ra hết sức bình tĩnh. Ông cho người Khwarezm một cơ hội thứ hai khi tiếp tục gửi một sứ giả đến thương lượng với họ. Và người Khwarezm đã mắc một sai lầm khủng khiếp khi gửi trả Thành Cát Tư Hãn cái đầu của vị sứ giả đáng thương này.
Để trả thù cho tất cả những nạn nhân xấu số trên, Thành Cát Tư Hãn đã phát động một cuộc thảm sát với quy mô có lẽ chỉ đứng sau cuộc chiến tranh thế giới lần thứ 2. Bốn vị tướng xuất sắc nhất, trong đó có Bạt Tốc Đài, cùng với binh đoàn gồm 200.000 chiến binh thiện chiến đã tiêu diệt hoàn toàn một đội quân có số lượng lớn gấp 5 lần họ. Toàn bộ đế quốc Khwarezmia bị xóa sổ, với khoảng 4 triệu người thiệt mạng. Lịch sử mô tả rằng “ngay cả chó mèo cũng không được tha mạng”. Chưa thỏa mãn cơn giận dữ của mình, Thành Cát Tư Hãn còn cho làm chệch hướng toàn bộ những dòng sông trên lãnh thổ Khwarezmia nhằm mục đích xóa sổ hoàn toàn quốc gia này khỏi bản đồ.
“Khi hai nước giao tranh, đừng giết sứ giả.” Nhất là khi sứ giả đó được cử đến bởi Thành Cát Tư Hãn.
Theo: TríTHỨc Trẻ
Copy từ Trang Lưu Khâm Hưng