22 thg 1, 2022

Đừng đào sâu quá (TC.Da Màu )

Tác giả: Alberto Moravia
Chuyển ngữ: Trùng Dương

Lời giới thiệu:


 

Alberto Moravia (1907-1990) là một nhà văn kiêm nhà báo Ý. Ông là tác giả của nhiều truyện ngắn, tiểu thuyết, bình luận, kịch; nhiều tác phẩm của ông đã được dựng thành phim, trong đó một số đã được trình chiếu ở Sài Gòn vào đầu thập niên 1960. Cũng vào thời điểm này, một số truyện ngắn của ông đã được phổ biến tới độc giả Việt qua bản dịch. Cá nhân người dịch nhớ đã được xem phim “Hai Người Đàn Bà,” do đạo diễn Vittorio De Sica thực hiện dựa vào cuốn “La ciociara” (1957) với nữ tài tử Sophia Loren đóng vai người mẹ. Và truyện ngắn còn như in trong tâm trí tôi sau trên cả nửa thế kỷ là truyện “Đừng đào sâu quá.” 

Chỉ gần đây, một lần chợt nghĩ tới truyện ngắn này, tôi vào Internet tìm hiểu mới biết nó nguyên thủy được rút ra từ tuyển tập “Những mẩu chuyện thành Rome” (Roman Tales, tựa Ý là Racconti romani), bản Anh ngữ xuất bản lần đầu đồng thời với bản tiếng Ý vào năm 1957. Tập truyện này gồm 61 truyện ngắn, thoạt xuất hiện trên tờ nhật báo Il Corriere della Sera. Bối cảnh của tất cả nhóm truyện này là Rome và các vùng lân cận trong khung cảnh xã hội Ý sau đệ nhị Thế Chiến. Các nhân vật gồm toàn dân thường, từ những người thất nghiệp, cựu tù nhân, bồi bàn, tài xế, kẻ chuyên lường gạt, trộm cắp, tội phạm, thường dân cả đàn ông lẫn đàn bà, giới hạ lưu khao khát thoát ra khỏi cảnh nghèo khó. Điều đặc biệt là tất cả các truyện được kể lại từ ngôi thứ nhất, và người kể (narrator) nhiều khi không có tên, nhưng các chi tiết trong truyện dần cho thấy lý lịch của người kể chuyện, điạ vị hoặc nghề nghiệp, gia cảnh. Chính điều này cho thấy tài dựng truyện và cách khai triển nhân vật tài tình của tác giả.

Tôi nhớ hoài truyện ngắn “Đừng đào sâu quá” này, vì câu chuyện một phần, mà vì cách xây dựng nhân vật và cốt chuyện phần lớn. Tôi sẽ không đào sâu, giải thích lý do tại sao, mà để người đọc tự khám phá lấy khi đọc bản chuyển ngữ (t bản Anh ngữ) bên dưới. [TD]

Agnese lẽ ra đã phải cho tôi một dấu hiệu nào đó mới phải, chứ ai lại bỏ đi ngang xương như vậy mà không bảo gì nhau thế này. Tôi không tự nhận là người hoàn hảo, song nếu nàng đã bảo cho tôi biết là nàng cần cái gì, thì đã hẳn chúng tôi đã thảo luận chuyện đó với nhau. Thế nhưng mà không, không có gì hết; trong suốt hai năm lấy nhau, nàng không nói một lời; và rồi vào một buổi sáng, lợi dụng lúc tôi không có ở nhà, nàng lẻn đi, như một cô hầu gái tìm được chỗ làm khá hơn. Nàng bỏ đi; và ngay giờ đây, sáu tháng sau khi nàng bỏ tôi đi, tôi vẫn không tài nào hiểu được tại sao lại thế.

Sáng hôm đó, sau khi mua ít đồ dùng tại một tiệm gần nhà (tôi vốn thích đi mua đồ lấy vì tôi biết giá cả, tôi biết tôi muốn cái gì, tôi khoái mà cả và cãi cọ, nếm cái này thử cái khác, tôi muốn biết miếng bíp tếch của tôi đến từ loại bò nào và trái táo tôi ăn từ cái giỏ nào), tôi lại còn đi mua một thước rưỡi tua để đính vào cái màn trong phòng ăn. Vì tôi không muốn phải trả cái giá tiệm vải đòi nên tôi đi nhiều tiệm khác nhau cho tới khi tôi tìm thấy đúng cái mà tôi muốn ở cái tiệm nhỏ trên đường dell’Umiltà. Tôi về tới nhà vào khoảng mười một giờ hai mươi; tôi vào thẳng phòng ăn để so sánh mầu của giải tua với mầu của cái màn, và ngay lập tức, tôi thấy trên bàn ăn lọ mực và cây bút với một lá thư. Thành thực mà nói, cái làm tôi chú ý nhất là vết mực trên cái khăn trải bàn. “Trời đất,” tôi nghĩ, “sao nàng lại có thể vô ý làm vậy nhỉ?… Làm vấy mực lên khăn trải bàn.” Tôi cất lọ mực, cây bút và lá thư và giỡ cái khăn trải bàn mang vào nhà bếp, dùng chanh chà sát vào vết mực, vò tới vò lui và xoá được vết mực. Xong tôi trở lại phòng ăn, thay khăn bàn khác; và chỉ lúc đó tôi mới nhớ tới lá thư. Thư gửi đề tên tôi: Alfredo. Tôi mở thư và đọc: “Em đã làm xong việc nhà. Anh có thể nấu đồ ăn trưa lấy, anh đã quen làm đồ ăn lấy mà. Giã biệt. Em về nhà Mẹ. Agnese.” Có một lúc, tôi không hiểu gì hết. Rồi tôi đọc lại lá thư và cuối cùng tôi nhận ra là Agnese đã bỏ đi, nàng đã bỏ tôi sau hai năm chung sống. Theo thói quen, tôi cất lá thư vào cái ngăn kéo tủ chén bát nơi tôi cất giữ các giấy biên nhận và thư từ, rồi đến ngồi vào cái ghế bên cửa sổ. Tôi không biết phải nghĩ gì, tôi đã không hề sẵn sàng và thấy khó tin. Khi tôi đang ngồi đó suy nghĩ, mắt tôi nhìn xuống sàn nhà và thấy một sợi lông trắng có lẽ rớt ra từ cây phất trần bằng lông Agnese dùng để phủi bụi. Tôi nhặt sợi lông lên, mở cửa sổ vất nó ra ngoài. Rồi tôi lấy cái mũ đội lên đầu và rời nhà.

Khi tôi đếm bước trên từng viên gạch trải đường — một cái tật xấu của tôi – tôi bắt đầu tự hỏi không biết đã làm gì để đến nỗi Agnese bỏ tôi đi một cách vô cảm như thế, như cố tình sỉ nhục tôi làm vậy. Thoạt đầu, tôi nghĩ, để xem Agnese có thể tìm thấy nơi tôi một dấu hiệu thiếu chung thủy nào dù là thật nhỏ. Quả thật tôi đúng là một người không ham đàn bà, tôi không hiểu họ và họ không hiểu tôi; và từ ngày tôi lập gia đình, đàn bà không còn hiện hữu đối với tôi. Tới độ, thực tế là chính Agnese thường tỏ ra bực bội khi nàng nhiều lúc hỏi tôi: “Anh sẽ phản ứng ra sao nếu anh yêu một người đàn bà khác?” Và tôi thường trả lời: “Không thể có chuyện đó được vì tôi yêu em và cảm giác đó sẽ mãi mãi tới cuối đời tôi luôn.” Giờ đây, nghĩ lại thì cụm từ “tới cuối đời tôi” đã chẳng hề làm nàng vui mà ngược lại, nó khiến nàng dài cái mặt ra và rút vào câm lặng. Bơi móc thêm, dựa vào một suy nghĩ theo chiều hướng khác, tôi nóng lòng tìm hiểu liệu có thể nào Angese bỏ tôi đi vì chuyện tiền bạc và cách chung chung tôi đối đãi với nàng. Thế nhưng, lại một lần nữa, tôi thấy lương tâm của tôi rõ ràng không có vấn đề gì. Về chuyện tiền bạc, quả thực là tôi không hề cho nàng tiền trừ phi vì một lý do đặc biệt nào đó, thế nhưng nàng đâu có cần tiền làm gì đâu? Tôi lúc nào cũng có đấy, sẵn sàng trả tiền cơ mà. Còn như cách tôi đối đãi với nàng, trời ạ, không có gì gọi là không tử tế hết, bạn có thể thấy đó. Đi xem xi nê thì hai lần một tuần nhé; hai lần một tuần đi tiệm uống cà phê này, không cần biết là nàng ăn một ly kem hay uống một ly cà phê; đôi cuốn tạp chí có hình ảnh mỗi tháng và một tờ nhật báo mỗi ngày này; vào mùa đông, chúng tôi đi xem kịch opera; mùa hè thì đi nghỉ mát ở Marino, tại nhà bố tôi. Giải trí thì ê hề như thế đó; còn như về áo quần, Agnese càng có ít lý do để phàn nàn. Khi nào nàng cần cái gì, dù đó là xú chiêng hay vớ dài hay khăn tay, tôi luôn sẵn sàng: này nhé, tôi đi với nàng tới từng tiệm, giúp nàng chọn quần áo, tôi chi tiền không chút cằn nhằn. Luôn luôn là cùng chỗ thợ may và thợ làm mũ phụ nữ; nàng không hề dù chỉ một lần bảo tôi: “Em cần một cái nón, em cần một cái áo đầm,” mà tôi không đáp là: “Ừ thì đi, anh sẽ đi với em.” Hơn thế nữa, cũng phải nhìn nhận là Agnese không thể phủ nhận là sau năm đầu nàng ngưng luôn không đặt may thêm áo quần nào nữa. Đúng ra thì chính tôi là người phải nhắc nàng là nàng cần món đó món nọ. Thế nhưng nàng thường trả lời là nàng vẫn còn đồ may từ năm ngoái, không thấy cần thêm; do đấy cuối cùng tôi nghĩ là nàng khác với những người đàn bà khác, là nàng không quan tâm về thời trang.

Như thế thì phải nói là không hề có vấn đề vì ngoại tình hay vì chuyện tiền bạc được. Vậy cái còn lại là, theo danh từ của các luật sư, sự “bất đồng tính khí.” Giờ thì tôi lại tự hỏi, cái gì có thể là bất đồng tính khí khi mà suốt hai năm qua giữa hai chúng tôi không hề có cãi vả, dù chỉ một lần? Lúc nào chúng tôi cũng có mặt bên nhau mà, và nếu cái gọi là bất đồng này có mặt thì nó phải hiển hiện chứ. Thế nhưng Agnese không hề nói nguợc lại với tôi, đúng ra là nàng hầu như không nói năng gì cả. Vào vài buổi tối chúng tôi đi tiệm uống cà phê với nhau, nàng không hề mở miệng; chính tôi là người nói từ đầu tới cuối. Tôi không chối là tôi thích nói và nghe chính mình nói, nhất là khi tôi ở bên người mà tôi có mối liên hệ mật thiết. Cách tôi nói thường là điềm đạm, đều đều, không lên giọng cũng chẳng xuống, hợp lý, trôi chảy; và nếu tôi tấn công một đề tài nào thì tôi thường xé ra thành vô vàn miếng nhỏ, từ đầu đến chân, ở mọi góc cạnh. Và các đề tài tôi thích là chuyện liên hệ tới việc trong nhà: Tôi thích đàm luận về giá cả mọi món đồ, về cách thức sắp xếp đồ đạc, về nấu nướng và sưởi ấm, đúng ra là về bất cứ điều càn rỡ nào. Tôi không hề thấy chán khi nói về những thứ này; tôi khoái nói về chúng tới độ tôi bắt gặp tôi nói tới nói lui với cùng một lập luận. Và – để cho được công bằng – đối với giới phụ nữ thì đây hẳn là loại đề tài họ thích: nếu không thì nói về cái gì bây giờ chứ? Trong mọi trường hợp, Agnese thường chú ý lắng nghe tôi – ít ra có vẻ thế đối với tôi. Chỉ có một lần, khi tôi đang giải thích cho nàng về chức năng của cái máy nước nóng bằng điện, tôi để ý thấy nàng ngủ gật. Tôi thức nàng dậy, hỏi: “Em chán nghe rồi hả?” Nàng liền trả lời: “Không, không đâu, em bị mệt, tại tối qua em khó ngủ đấy thôi.”

Các ông chồng thường có nơi làm việc hoặc tiệm hoặc nếu không có gì khác để làm thì họ đi chơi với bạn bè. Nhưng trong trường hợp của tôi thì nơi làm việc, cửa tiệm, bạn bè – chính là Agnese. Tôi không bao giờ để nàng một mình dù chỉ một lúc. Tôi ở bên nàng ngay cả — có lẽ bạn sẽ ngạc nhiên – khi nàng đang nấu ăn. Tôi có một đam mê dành cho việc nấu ăn và mỗi ngày, truớc các bữa ăn, tôi thường mang cái tạp dề và tiếp tay Agnese trong việc bếp núc. Tôi làm mọi chuyện: nào là gọt khoai, cắt đậu ve Pháp, sửa soạn đồ nhồi, coi chừng cái xoong nấu nước sốt. Tôi giúp nàng đắc lực tới độ nàng thường bảo tôi: “Coi này, anh làm cái này đi… Em bị nhức đầu; em đi nằm đây.” Và rồi thì tôi nấu nướng lấy mình tôi; và với cuốn sách dậy nấu ăn, tôi còn có thể thử nấu các món mới nữa cơ. Quả đáng tiếc là Agnese không tham lam; thực tế là gần đây nàng ăn mất ngon và hầu như không đụng vào đĩa đồ ăn của mình. Một lần nàng bảo tôi –tất nhiên là nói giỡn: “Anh sinh ra là một người đàn ông là một sai lầm… Anh đúng là một người đàn bà – đúng ra là một bà nội trợ.” Tôi phải nhận là có phần nào sự thật trong nhận xét đó: thực tế là, ngoài việc bếp núc, tôi thích giặt giũ, ủi quần áo, may vá và, để giải trí, tôi thường viền lại mấy cái khăn tay. Như tôi nói lúc nãy, tôi không rời nàng một bước, ngay cả khi bà bạn nào đó của mẹ nàng tới thăm nàng; ngay cả khi chả hiểu sao nàng muốn học tiếng Anh: để được ở bên nàng, tôi cũng gắng học cái thứ tiếng vô vàn khó khăn đó. Tôi gắn bó với nàng tới độ đôi khi chính tôi cũng thấy mình tự làm lố bịch – như cái lần đó, vì không nghe kịp điều nàng nói nhỏ với tôi khi ngồi trong một tiệm cà phê, tôi theo nàng vào tới tận phòng vệ sinh và người gác cửa phải bảo tôi là đấy là phòng dành cho phụ nữ và tôi không được phép vào. Ô vâng, một người chồng như tôi không phải dễ kiếm. Nhiều khi nàng bảo tôi: “Em cần tới nơi đó, gặp người đó chắc anh sẽ không thấy thích thú gì đâu.” Nhưng tôi thường trả lời nàng ngay: “Anh sẽ cùng đi… vả, anh chẳng có việc gì làm.” Thì nàng trả lời: “Thì đi, không sao, nhưng em báo cho anh biết là anh sẽ buồn chán đó nghe.” Nhưng tôi không hề một mảy may chán, và sau đó tôi bảo nàng: “Em thấy không, anh không hề chán.” Chúng tôi, phải nói là, không hề xa cách nhau.

Suy nghĩ về những điều trên và không ngừng thắc mắc không hiểu tại sao Agnese lại bỏ tôi đi, tôi tới tiệm của bố tôi lúc nào không hay. Tiệm ông bán đồ tế tự nằm trong khu Piazza Minerva. Bố tôi là một người còn trẻ trung, với mái tóc đen quăn, một hàng râu mép mà nụ cười của ông bên dưới hàng râu đó tôi không tài nào hiểu nổi. Có lẽ do thói quen giao tiếp với các vị linh mục và tín đồ sùng đạo, ông có vẻ rất điềm đạm, dịu dàng và luôn lịch sự. Thế nhưng mẹ tôi, vốn biết rõ ông hơn ai hết, nói là tính khí ông đã được dấu kỹ bên trong ông. Tôi đi qua các tủ kính đựng đầy áo lễ và bình thánh và bước thẳng vào căn phòng đằng sau tiệm nơi bố tôi đặt bàn giấy. Như thường lệ, ông đang kết toán sổ sách, môi quặp lấy hàng râu mép và có vẻ suy nghĩ lung. Tôi nói không cả kịp thở: “Bố, Agnese đã bỏ con.”

Ông ngẩng lên và hình như mỉm cuời duới hàng râu mép; song có thể là do tôi tưởng tượng thế. “Thật đáng tiếc,” ông nói, “Bố rất tiếc… Mà vụ việc xẩy ra như thế nào?”

Tôi kể với ông mọi sự. Và tôi kết luận: “Lẽ tất nhiên là con phật lòng… Nhưng điều mà con muốn biết là tại sao cô ta bỏ con.”

Vẻ ngỡ ngàng, ông hỏi: “Con thực tình không hiểu à?”

“Không.”

Ông im lặng một lát, rồi nói với một tiếng thở dài: “Alfredo à, bố thật tiếc, nhưng bố không biết phải nói sao với con… Con là con bố, bố hỗ trợ con và bố rất quý con… nhưng vợ con – đó là chuyện của con.”

“Đúng thế, nhưng tại sao cô ta bỏ con mới được chứ?”

Ông lắc đầu. “Nếu bố là con, bố sẽ không đào sâu quá,” ông nói. “Thôi hẵng để mặc như thế… Biết rõ lý do thì giúp được gì cho con đấy?”

“Nhiều lắm chứ ạ… hơn bất cứ gì khác.”

Đúng lúc đó, hai ông linh mục bước vào tiệm, và bố tôi đứng dậy để ra tiếp khách trong khi nói với tôi: “Trở lại đây sau nghe con… ta sẽ nói chuyện… Giờ bố bận.” Biết không trông đợi gì ở ông, tôi rời tiệm.

Nhà của mẹ Agnese ở vùng Corso Vittorio không xa đây lắm. Tôi ngẫm nghĩ người duy nhất có thể giải thích cho tôi sự bí mật đằng sau việc nàng bỏ đi chính là Agnese; nên tôi tới nhà mẹ nàng. Tôi chạy lên cầu thang, và được đưa vào phòng khách chờ. Thế nhưng, thay vì là Agnese tiếp tôi, thì là bà mẹ. Bà cũng là một chủ tiệm, và là một người tôi không tài nào chịu nổi, với mái tóc nhuộm đen, đôi má đỏ ửng, nụ cuời ranh mãnh, giả tạo. Bà mặc một cái áo choàng ở nhà có gắn một bông hồng trên ngực. Khi thấy tôi, bà nói với vẻ vồn vã mầu mè: “Ô, Alfredo, anh tới có việc gì vậy cà?”

“Má biết tại sao con đến,” tôi đáp. “Agnese đã bỏ con.”

“Đúng rồi, nó hiện ở đây,” bà nói, vẻ bình thản. “Con ơi, có còn gì để làm thay đổi được việc đó nữa? Những việc như thế đã không tránh được.”

“Má nói gì lạ vậy, có phải đấy là câu trả lời duy nhất má cho con không?”

Bà ngắm tôi một lúc, rồi hỏi: “Anh đã kể với bố mẹ anh chuyện này chưa?”

“Có, con đã nói với bố con.”

“Thế ổng nói sao?”

Bố tôi nói gì thì ăn nhậu gì tới bà chứ? Tôi miễn cuỡng trả lời: “Má biết bố con mà… Ổng nói tốt hơn con không nên đào sâu quá.”

“Ổng có lý đấy, con à… Đừng đào sâu quá.”

“Thế nhưng.” Tôi kêu lên, trở nên nóng nẩy, “tại sao cô ta bỏ con? Con đã làm gì cô ấy? Tại sao má không chịu cho con biết vậy?”

Trong khi nói, và trong cơn giận dữ, mắt tôi tình cờ để ý tới cái bàn. Mặt bàn phủ một cái khăn và trên đó có một miếng thêu trang trí ở trung tâm, trên miếng thêu đặt một bình hoa cẩm chướng mầu đỏ. Nhưng miếng thêu bị lệch. Một cách tự động, không cả biết tôi đang làm việc đó trong khi bà mẹ vợ mỉm cuời và không trả lời tôi, tôi nhấc bình hoa lên và đặt miếng thêu vào đúng chỗ. Bà nói: “Tốt, giờ thì miếng thêu đã ở ngay ngắn đúng chỗ… Thế mà tôi đã không để ý, nhưng anh lại thấy ngay lập tức… Giỏi… và giờ thì anh nên rời đây.”

Bà đứng lên; trong khi đó, tôi cũng đứng lên. Tôi muốn hỏi liệu tôi có thể gặp Agnese, song tôi hiểu là vô ích; tôi cũng sợ nữa là nếu gặp nàng, tôi có thể mất tự chủ và làm hay nói điều gì ngu xuẩn. Thế nên tôi ra về, và từ dạo đó tới bây giờ tôi không gặp vợ tôi. Một ngày nào đó, có lẽ, nàng sẽ trở lại, nhận ra là những anh chồng như tôi không dễ gì gặp mỗi ngày trong mỗi tuần đâu. Thế nhưng nàng sẽ không được bước qua ngưỡng cửa nhà tôi mà không chịu giải thích cho tôi biết tại làm sao nàng đã bỏ tôi đi.

[TD2022-01]


                         Bìa tập truyện “Roman Tales” ấn bản đầu, 1957

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét