17 thg 1, 2022

Giáo sư Dương Quảng Hàm:Mối duyên đặc biệt mở ra một gia tộc danh giá

Tiểu Sử GS Gương Quảng Ham 

 Giáo sư Dương Thị Thoa (Lê Thi) – một trong hai phụ nữ được chọn kéo cờ Ngày độc lập 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình-Hà Nội, vừa qua đời hôm 28/8, hưởng thọ 95 tuổi. Giáo sư Dương Thị Thoa là một trong 8 người con của cố giáo sư Dương Quảng Hàm. Thế nhưng, ít ai biết rằng, gia tộc danh giá ấy bắt đầu từ một mối duyên đặc biệt. 

Giáo sư Dương Quảng Hàm (1898-1946) sinh ra và lớn lên ở làng Phú Thị, xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Ở làng Phú Thị có hai gia tộc nổi tiếng là họ Dương và họ Trần đều đỗ đạt khoa cử, nhưng lại có hiềm khích tích tụ. Để hóa giải oán cừu, họ Dương và họ Trần quyết định trở thành thông gia. Anh trai của Dương Quảng Hàm được hứa hôn với chị gái của Trần Thị Vân. Tuy nhiên, trước ngày cưới thì chị gái của Trần Thị Vân đột ngột qua đời. Lời đính ước giữa hai dòng họ không thể bị phá vỡ, thế là cuộc hôn nhân khác được nhanh chóng thiết lập cho Dương Quảng Hàm và Trần Thị Vân.

Bà Trần Thị Vân lớn hơn ông Dương Quảng Hàm 2 tuổi, bước về làm dâu theo đúng nghi lễ phong kiến còn sót lại ở Việt Nam đầu thế kỷ 20. Sau đám cưới, Dương Quảng Hàm lên Hà Nội cư ngụ ở số nhà 195 Hàng Bông để nuôi mộng đèn sách, bà Trần Thị Vân cũng theo chồng nhập cuộc sống đô thị mà buôn bán ở Đồng Xuân. Năm 1920, Dương Quảng Hàm thi đỗ thủ khoa vào Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội, thì bà Trần Thị Vân cũng dành dụm mua được căn nhà số 98B Hàng Bông để làm tổấm cho hai vợ chồng.

Hôn nhân của Dương Quảng Hàm không bắt đầu từ tình yêu, nhưng tình yêu được vun đắp từ hôn nhân. Bà Trần Thị Vân tôn thờ chồng và gánh vác mọi thứ lo toan cơm áo để chồng yên tâm sách vở. Dương Quảng Hàm tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội với khóa luận “Khổng Tử học và học thuyết Khổng Mạnh trong nền tảng giáo dục cũ”, báo hiệu tầm vóc một nhà nghiên cứu tương lai.

Đi dạy ở Trường Bưởi (nay là trường Chu Văn An- Hà Nội), giáo sư Dương Quảng Hàm bắt đầu biên soạn sách giáo khoa, mà hai tác phẩm tiêu biểu nhất là “Quốc văn trích diễm” được làm một cách khoa học với những tuyển chọn và chú thích công phu. Và dù chỉ hướng đến mục đích giáo dục, thì giáo sư Dương Quảng Hàm cũng đã để lại cho văn học nước nhà những công trình văn hóa có giá trị lâu bền. Bộ sách “Trung học Việt văn giáo khoa thư” của giáo sư Dương Quảng Hàm gồm hai cuốn với hơn 1000 trang, cuốn “Việt Nam văn học sử yếu” công bố năm 1941 và cuốn “Việt Nam thi văn hợp tuyển” công bố năm 1942, đến hôm nay vẫn là tác phẩm mà những ai quan tâm đến tiến trình phát triển văn học Việt Nam phải tìm đọc.

Gia đình giáo sư Dương Quảng Hàm năm 1945

Có thể khẳng định, giáo sư Dương Quảng Hàm là người đầu tiên viết văn học sử chữ quốc ngữ của Việt Nam. Sau ngày Quốc khánh 2/9/1945, giáo sư Dương Quảng Hàm được cử làm Tổng Thanh tra Trung học của Bộ Giáo dục. Đáng tiếc, trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến, giáo sư Dương Quảng Hàm đã mất đột ngột vào ngày 23/12/1946. Đến ngày 5/7/2000, giáo sư Dương Quảng Hàm được truy điệu và công nhận Liệt sĩ.

Nhìn lại cuộc đời giáo sư Dương Quảng Hàm, thế hệ sau ngoài việc ngưỡng mộ tinh thần cống hiến của ông, còn bày tỏ sự kính trọng dành cho người vợ đã đứng phía sau vun đắp cho sự nghiệp của ông. Bà Trần Thị Vân đã cùng giáo sư Dương Quảng Hàm tạo ra một gia tộc danh giá trong đời sống xã hội. Trong số tám người con của vợ chồng giáo sư Dương Quảng Hàm, nhiều người đã biết đến nhân vật Dương Thị Thoa (còn có bí danh Lê Thi) là một trong hai thành viên Hội Phụ nữ Cứu quốc đã vinh dự được kéo cờ đỏ sao vàng khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc Lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.

Bà Dương Thị Thoa kể lại giây phút lịch sửấy: “Chúng tôi là đoàn phụ nữ quận Hoàn Kiếm được đứng hàng đầu, vì chúng tôi đi sớm hơn. Tôi đứng chờở ngoài, không đứng trong hàng ngũ. Bất ngờ Ban tổ chức yêu cầu cử một người lên kéo cờ. Mọi người nhìn vào tôi vì tôi đứng ngoài. Tôi đi lên lễ đài, gặp một chị mặc quần áo Tày, hai chị em dắt tay nhau lên chân cột cờ. Lần kéo cờ trước Quảng trường Ba Đình đó tôi thấy sự việc quá trọng đại nên sợ lắm. Khi kéo thì tim đập thình thịch. Khi cờ lên đỉnh cột tôi mới thấy nhẹ nhõm”.

Bà Dương Thị Thoa sinh năm 1926, là người con thứ tư của giáo sư Dương Quảng Hàm. Bà Dương Thị Thoa sau này là Giáo sư – Tiến sĩ, nhiều năm đảm nhiệm cương vị Viện trưởng Viện Triết học Việt Nam. Ngoài bà Dương Thị Thoa, 7 người con còn lại của giáo sư Dương Quảng Hàm đều được người vợ đảm đang Trần Thị Vân nuôi dạy thành tài.

                          Cố giáo sư Dương Thị Thoa

Người con cả Dương Bá Bành sinh năm 1920, là một trong những bác sĩ đầu tiên xuất thân từ Trường Đại học Y khoa Hà Nội, được đích thân Bác Hồ trao bằng tốt nghiệp. Người con thứ hai Dương Thị Ngân sinh năm 1923, là phát thanh viên đầu tiên của Đài Tiếng nói Việt Nam. Chính phát thanh viên Dương Thị Ngân đã đọc “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Hồ Chủ tịch trên sóng phát thanh.

Người con thứ ba là Dương Trọng Bái, sinh năm 1924. Ông Dương Trọng Bái là người biên soạn bộ sách giáo khoa môn Vật lý đầu tiên ở nước ta dành cho bậc phổ thông trung học. Ông Dương Trọng Bái nhiều năm làm Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, có học hàm giáo sư, được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân và Anh hùng Lao động.

Ba người em kế sau bà Dương Thị Thoa cũng có sự nghiệp riêng. Bà Dương Thị Duyên sinh năm 1929 là phóng viên nữ đầu tiên của Thông tấn xã Việt Nam. Năm 1973, bà Dương Thị Duyên có mặt cùng phái đoàn Việt Nam tham gia đàm phán tại Hội nghị Paris. Sau khi thôi nghề báo, bà Dương Thị Duyên làm Ủy viên thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

Người con thứbảy của giáo sư Dương Quảng Hàm là Giáo sư, bác sĩ Dương Thị Cương, sinh năm 1932. Bà Dương Thị Cương từng đảm nhận cương vịViện trưởng Viện Bảo vệ bà mẹ và trẻ sơ sinh, sau đó làm Chủ tịch Hội Sản phụ khoa và kế hoạch hóa gia đình Việt Nam. Bà Dương Thị Cương là phụ nữ Việt Nam đầu tiên được nhận Giải thưởng Kovalevskaya tôn vinh những phụ nữ làm khoa học vào năm 1999.

Còn người con út của giáo sư Dương Quảng Hàm là chiến sĩ cách mạng Dương Tự Minh, sinh năm 1934. Ông Dương Tự Minh từng bị tù đày ở Hỏa Lò. Ông Dương Tự Minh hiện nay vẫn cư ngụ trong ngôi nhà 98B Hàng Bông mà thuở nào vợ chồng giáo sư Dương Quảng Hàm – Trần Thị Vân từng chia ngọt sẻ bùi niềm hạnh phúc lẫn nỗi đắng cay: “Ngôi nhà này phần lớn từ tích lũy nhiều năm buôn bán của mẹ tôi. Cha tôi là một nhà nghiên cứu, suốt ngày chỉ đọc sách và viết. Vì vậy tất cả mọi việc trong nhà, từ lo chi phí ăn uống của gia đình, chăm lo ăn mặc cho các con, tổ chức giỗ Tết thế nào, đều do mẹ tôi đảm nhiệm. Bà vừa lo buôn bán kiếm tiền, vừa chỉ huy mọi việc lớn nhỏ trong gia đình.Cái tên Trần Thị Vân của bà chẳng mấy ai biết vì mọi người luôn gọi bà là “bà Dương Quảng Hàm” và bà cũng luôn hãnh diện tự xưng với cái tên danh giá ấy. Vậy nên chẳng mấy ai biết được công sức của bà trong sự nghiệp của ông”.

Bà Trần Thị Vân tuy không được học hành đến nơi đến chốn, nhưng cũng là con gái của dòng dõi khoa cử. Nhớ về người chồng tài hoa đoản mệnh của mình, bà Trần Thị Vân viết bài thơ xúc động: “Vẫn mong ông trường thọ/ Thọ đến tuổi một trăm/ Ngày ngày cơm hai bữa/ Hai người ta cùng ăn/ Đêm đêm trên giường ngủ/ Hai người ta cùng nằm/ Trông bầy con thơ dại/ Cùng dạy bảo khuyên răn/ Ngồi mát trên sân thượng/ Cùng kể chuyện trăm năm/ Tôi chỉ chăm buôn bán/ Ông theo dõi nghề văn/ Lo sinh kế đầy đủ/ Xem thế cuộc thăng trầm/ Lúc sống cùng nhà ở/ Lúc chết cùng mồ nằm”.

Tâm Huyền (Tuổi Trẽ và Đời Sống )


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét