13 thg 1, 2022

Thơ Dương Khuê (1839- 6/3/1902 )


 * Dương Khuê :ĐÔI NÉT VỀ QUAN THƯỢNG THƯ-THI SĨ DƯƠNG KHUÊ,

 Gặp lại cô đầu cũ 

 Hồng Hồng, Tuyết, Tuyết,
Mới ngày nào chửa biết cái chi chi
.Mười lăm năm thấm thoắt có xa gì!
Ngoảnh mặt lại, đã tới kỳ tơ liễu
Ngã lãng du thời, quân thượng thiếu,
Kim quân hứa giá, ngã thành ông[5] 
 Cười cười nói nói thẹn thùng,
Mà bạch phát với hồng nhan chừng ái ngại.
Riêng một thú Thanh Sơn[6] đi lại
,Khéo ngây ngây dại dại với tình.
Đàn ai một tiếng dương tranh...[7] 
(5)Dịch nghĩa: Lúc ta chơi bời phóng đảng là lúc ngươi còn nhỏ, bây giờ ngươi đến tuổi lấy chồng thì ta đã thành ông (già).

(6) Có người cho rằng "Thanh" làng Thanh Thần. "Sơn" là Sơn Minh (sau đổi là Sơn Lãng). Đây là quê cả tác giả, và là làng có nhiều cô đầu.

 Trước mộ cô đào Cấn

Có ai biết thẳm sâu lòng đất
Một tâm hồn chôn chật nơi đây
Người từng nhả điệu tình da diết
Tự ngày xưa và mãi mai nay.

Có ai thấu nỗi buồn cách trở
Ai tiễn đưa ai chốn “liễu Giang đình”
Giữa cuộc đời đơm hoa, dang dở
Ôm lời thề tấc dạ đinh ninh…

Để hôm nay loài người hưởng thụ
Nét tinh hoa - vốn quý tâm hồn
Hoài vọng Thăng Long – Vân Trì mây tụ
Giọng ca trù nức nở cô thôn!

Thương cảm lắm, vùi sâu mãi mãi 
Ở nơi này dặm trường thân gái
Một người con đất Việt Nam ta
Giữ lời buồn của một loài hoa

Cô đào Cần những năm tháng ấy
Long đong, chìm nổi, thế mà…
Soi vầng nguyệt đâu nào Hồng với Tuyết
Sân khách mơ màng thổn thức nghiệp cầm ca…

(Liễu Giang đình:

“Tiễn ai chi liễu Giang đình” trong bài “Tặng cô đầu Cần” của Dương Khuê.)

Nam Hồng – Hà Nội ngày 15 tháng 8 năm 2014.

Tặng cô đầu Hai 

Mưỡu:
Lấy ai là kẻ đồng tâm
Lấy ai là kẻ tri âm với nàng?
Đêm khuya luống những bàng hoàng
Người đi đâu vắng mà đàn còn đây?
Nghe đàn nhớ lão Chung Kỳ
Vợ mi ở đó, mi đi mô chừ?
Sớm khuya xe tẩu phụng thờ
Goá chồng cũng thể như chưa có chồng.

Hát nói:
Nhân vong cầm tại
Nhớ chàng Hai mà gặp lại cô Hai
Tiện đây hỏi một đôi lời
Đàn bản ấy cùng ai so phím cũ?
Hồng phấn kỷ nhân vi quả phụ?
Bạch đầu nan lão Trác Văn Quân!
Thế thì khi gió gác, lúc trăng sân
Chừng "Bạch tuyết", "Dương xuân" còn tưởng nhớ?
Hãy ngồi lại hát chơi khúc nữa
Có trách chi tang trở xóm Bình Khang
Xưa nay nghề nghiệp thế thường

Chú Thích: 
Nhân vong cầm tại: Người chết đi, đàn còn lại.

Hồng phấn kỷ nhân vi quả phụ?
Bạch đầu nan lão Trác Văn Quân!
Khách má hồng đâu có mấy người người thành gái goá; 
Đầu bạc cũng khó khiến cho Trác Văn Quân già được.

Bình Khang: Chỉ xóm hát.


Tặng cô đào Ngọ (1)

Hốt ức lục, thất niên tiền sự (*)
Nợ phong lưu chưa trả hương nguyền. 
Đến bây giờ lại gặp người quen, 
Nỗi lưu lạc, sự ghét ghen là thế thế! 
Thiếp tự thân khinh, lang vị khí, 
Thần tuy tội trọng, đế do liên. 
Can chi mà tủi phận, hờn duyên, 
Để son phấn đàn em sau khúc khích. 
Ý trung nhân tự khả tình tương bạch, 
Thôi bút nghiên, sênh phách cũng đều sai. 
Trông nhau nói nói, cười cười.

(1) Tiêu đề có bản chép là "Gặp lại người quen". 
Có người nói, một lần Dương Khuê bị truất đi coi việc khẩn hoang, gặp cô đào Tuyên là người cũ, làm bài này để cô Tuyên hát. Trong dịp "lai kinh chúc hổ" hát chúc thọ Tự Đức 50 tuổi, cô vô tình hát bài này, Tự Đức nghe xong tha tội cho ông

( *)

 Hốt ức lục, thất niên tiền sự

Chữ Hán: 忽憶六七年前事. Nghĩa: Chợt nhớ chuyện sáu, bảy năm về trước

Nguồn: 
1. GS. Nguyễn Duy Diễn, Dương Khuê, NXB Nguồn Sống, 1969 
2. Dương Quảng Hàm, VN  thi văn hợp tuyển, Trung tâm Học liệu xuất bản, Sài Gòn, 1968


Ai ơi má đỏ

Ai ơi! má đỏ nên đầu bạc
Quá ngán! hơi vàng để dạ đen! 
Công đèo bòng nhận tính bấy nhiêu niên, 
Uổng thay! cử giăng đi, tuồng gió lại 
Phai, thắm mùi trần ghê khéo quái 
Hợp, tan cuộc thế uẩy là xinh! 
Giời trêu người sao khoảnh độc trăm vành, 
Cho có mắt trắng nhiều, xanh lại ít! 
Thôi từ đây nợ phong lưu giả hết! 
Giả tấm lòng cho nước chảy hoa trôi! 
Người mà đến thế thì thôi!

Nguồn: Dương Khuê, Nguyễn Duy Diễn, NXB Nguồn Sống, 1969

 

Chơi trăng

Cao sơn nhất phiến nguyệt
Đã chơi trăng phải cho biết tình trăng.
Sơn chi thọ, nguyệt chi hằng,
Sơn có nguyệt càng thêm cảnh sắc.
Nguyệt quải hàn sơn thi bán bức
Sơn hàm minh nguyệt tử thiên tôn. 
Trăng chưa già núi hãy còn non
Núi chưa khuyết trăng vẫn tròn với núi.
Rượu một bầu thơ ngâm một túi,
Góp gió trăng làm bạn với non sông.
Núi kia tạc để chữ đồng,
Trăng kia nhớ mặt anh hùng này chăng?
Xinh thay kìa núi nọ trăng.

Chú thích
Nguyệt quải hàn sơn thi bán bức
Sơn hàm minh nguyệt tử thiên tôn.
Trăng treo núi lạnh thơ nửa bức, non ngậm trăng sáng rượu nghìn chung.

 Động Hương Tích

Thú thiên nhiên đâu bằng Hương Tích
Đủ màu thanh, cảnh lịch trăm chiều
Người thời vui sô, lạp, ngư, tiều
Kẻ thời thích yên hà phong nguyệt
Kho vô tận những thế nào chưa biết
Thú hữu tình sơn thuỷ thực là vui
Khi đăng lâm có lối lên trời
Mây dưới gót đủ xanh, đen, vàng, đỏ, trắng.
Lúc vào động ngắm sơn quynh, thạch đắng
Bút thần ngoan khôn vẽ cho cùng
Riêng một bầu sắc sắc không không
Đủ mọi vẻ kỳ kỳ quái quái
Động chủ hữu linh thần bút tại
Hoá nhi vô ý tự nhiên công
Khách trào non ngoảnh lại mà trông
Lòng mến cảnh dời chân đi hoá cứng
Chén vân dịch nghiêng bầu uống gắng
Bút thơ tiên mở túi liền đề
Giải Oan ra tẩy tục lại thêm mê
Thiên Trù tới vong cơ càng thấy khoẻ
Làng thi tửu còn đâu hơn đấy nhỉ
Chẳng Bồng Lai, Nhược Thuỷ cũng thần tiên
Rõ ràng "Đệ nhất Nam thiên"
Mang đi lại sợ quần tiên mất lòng
Thôi thời để đó chơi chung.

sô, lạp, ngư, tiều : Người cắt cỏ, người đi săn, người đánh cá, người kiếm củi.
sơn quynh, thạch đắng : Cửa núi, bậc đá.
ngoan : Chạm khắc.

Động chủ hữu linh thần bút tại
Hoá nhi vô ý tự nhiên công
Chúa động thực có thiêng nên bút thần vẫn còn đó; Trẻ tạo không định mà tạo nên một cảnh đẹp tự nhiên.

Vân dịch : Rượu tiên, nhẹ như hơi mây.
Giải Oan : Tên suối, chảy vắt ngang trên lối vào động Hương Tích. Nguời xưa tin rằng nước suối ấy có thể giải oan trái được.
Thiên Trù : Tên ngôi chùa ở bên trong đò suối, thường gọi là chùa ngoài với Động là chùa trong; nghĩa đen là bếp trời.
Vong cơ : quên đói, vì trông thấy "Bếp trời". Tác giả chơi chữ.
Bồng Lai, Nhược Thuỷ : Non Bồng, suối Nhược, chỉ cảnh tiên.
Đệ nhất Nam thiên : Trong động Hương Tích còn có chữ của chúa Trịnh Sâm đề là "Nam thiên đệ nhất động" nghĩa là động đẹp nhất trời Nam.

ST

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét