Vanvn- Ta gặp một ông Tây, nghe nói là biết tiếng Việt, ta chuẩn bị để nghe ông ta nói những câu tiếng Việt mất dấu hoặc loạn dấu theo kiểu “Toi muốn làm con dê cụ”. Nhưng thật bất ngờ, ông Tây ấy nói năng lưu loát tiếng Việt, lại còn biết những từ vỉa hè như “chém gió”, biết giễu cợt những người trưởng giả học làm sang là “thượng liu”. Bất ngờ hơn nữa, ông Tây ấy còn viết văn tiếng Việt, văn sinh động và hài hước hơn nhiều người Việt Nam.
Ông Tây mà ta đang nói là Jesse Peterson và quyển sách nhắc tới là Jesse cười và cuộc phiêu lưu hài hước. Jesse cười cũng là chuyên mục ông giữ trên báo Tuổi Trẻ cười. Bài in rải rác trên báo, có bài nhàn nhạt có bài vui, nhưng khi tập hợp vào một cuốn sách thì gây ấn tượng đậm đặc, có khi còn thú vị hơn đọc trên báo. Đấy là những tiểu phẩm có văn – có văn là phẩm chất mà không phải nhà văn nào cũng đạt tới.
Trước hết, người ta thú vị với những chuyện cười của Jesse. Cũng chỉ là những vui đùa đời thường, nhưng qua cái nhìn hóm hỉnh và tinh quái của anh, nó gây ấn tượng. Những cái mẹo anh mách cho học viên để học tiếng Anh cho dễ nhớ. Có khi là mách nước để lảng tránh những câu hỏi gây bối rối như tại sao nhiều tuổi mà chưa lấy vợ, cách thức nào để “dìm hàng” trong khi tán tỉnh một đối tượng. Sống ở một nơi tập tục khác nhiều so với đất nước Canada của anh, Jesse cũng kể thật những điều khó nói. Chẳng hạn, hàng xóm ở Việt Nam nhiệt tình mời uống rượu thuốc, khuyến khích rằng rượu tốt cho cái lưng thì anh không dám nói lại là rượu có hại. “Người yêu trang điểm quá nhiều nhìn như ma” nhưng “tôi mà có gan nói ra, buổi hẹn hò sẽ trở thành địa ngục ngay lập tức”. Ông sếp người Việt mua chiếc điện thoại Vertu những 80.000 USD mà chỉ để nghe, gọi và nhắn tin. Chiếc điện thoại bằng tiền mua được xe hơi hoặc căn nhà hoặc bằng trăm thứ khác, Jesse cho rằng nó không còn là điện thoại thông minh mà là stupid phone (điện thoại ngu ngốc). Tất nhiên anh không dám nói với sếp như vậy.
Tiếp nữa, đọc những tác phẩm nho nhỏ của Jesse, người ta thán phục trình độ tiếng Việt của anh. Thông thường, học một ngoại ngữ sau tuổi ba mươi là rất khó. Đây lại là thứ tiếng nhiều dấu má nhiều thanh điệu như tiếng Việt. Lại không chỉ đúng về văn phạm mà còn vượt qua ngữ pháp để sử dụng ngôn ngữ một cách nghệ thuật. Nhìn vào tiểu sử thì thấy anh đã học đại học ở Canada, từng đi lính ở chiến trường Afghanistan, đi nhiều nơi trước khi đến Việt Nam. Tức là tuổi đã cứng thì mới bập vào cái thứ tiếng Việt con rể cụ thành con dê cụ này.
Để làm chủ được ngôn ngữ, sử dụng được nó điêu luyện, ta thấy Jesse đã hòa nhập hết mình vào đời sống Việt. Anh dạy học trò trên lớp và học tiếng Việt từ họ. Anh hào hứng bia bọt với hàng xóm. “Tôi không cần phải đi đến trường để học tiếng Việt vì chỉ cần ra đầu ngõ và nghe những người hàng xóm đã về hưu nói chuyện khoảng từ ba đến sáu tiếng liên tục, tiếng Việt của tôi trở nên “chuyên nghiệp” hơn. Chém gió cũng tốt nhỉ” (trang 50-51). Những chuyến phượt đi dọc Việt Nam cũng giúp anh tích lũy nhiều kiến thức và làm giàu thêm vốn tiếng Việt.
Đọc tiểu phẩm của Jesse, mong một ngày sẽ được đọc tiểu thuyết anh viết bằng tiếng Việt. Văn vừa nghiêm túc vừa hài hước như thế, viết tiểu thuyết là hay lắm.
Trước Jesse đã có một người viết tiếng Việt cũng hay là Dâu Tây (Joe Ruelle) với quyển Tớ là Dâu được yêu thích. Trùng hợp, Dâu cũng là người Canada. Lại nhớ người Hungary ở Đông Âu ngày nay có chút dòng máu Mông Cổ tận bên Đông Bắc Á. Vậy nói theo giọng đùa của Jesse, biết đâu người Việt và người Canada có liên quan về nhân chủng, cho nên mới có hai ông Canada học tiếng Việt “dễ dàng” như thế.
HỒ ANH THÁI
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét