29 thg 1, 2022

Pháp-Việt: Những người « Chân Đăng » và việc giữ gìn phong tục tập quán

 Cách nay hơn 130 năm, những người Đông Dương đầu tiên đã đặt chân đến Nouvelle-Calédonie để làm phu mỏ theo hợp đồng ký kết. Xa quê hương, xa người thân, dù sống và làm việc trong những điều kiện khắc nghiệt, những người « Chân Đăng » - những người « phu mỏ » Bắc Kỳ năm xưa - vẫn gìn giữ và lưu truyền các tập tục cổ truyền cho các thế hệ con cháu.

Vào cuối những năm 1890, để đáp ứng nhu cầu nhân công hầm mỏ, chính quyền toàn quyền Đông Dương tổ chức tuyển dụng đưa người sang làm việc tại Nouvelle-Calédonie. Và thế là những lao động xứ Bắc Kỳ đầu tiên đã đến hòn đảo thuộc Pháp ở Thái Bình Dương ngay từ năm 1891. Phần đông trong số này là tù nhân Côn Đảo. Họ được hứa hẹn có được tự do nếu làm việc tốt một khi đến Nouvelle-Calédonie. Trốn một đất nước nghèo nàn và cuộc sống khốn khổ, họ nuôi ảo tưởng hy vọng sẽ được đổi đời với một hợp đồng lao động đầy hứa hẹn, nhưng đâu có ngờ rằng đó là một kiểu « địa ngục trần gian », thấm đẫm mồ hôi, nước mắt và đôi khi nhuốm cả máu.

 
Con tầu Eastern Queen đưa người lao động Việt Nam từ Nouvelle-Calédonie và Vanuatu về nước năm 1960. © Ảnh do GS. Lê Thị Xuyến cung cấp.

Phu mỏ Bắc Kỳ : Lao động cưỡng bức hay nô lệ da vàng ?

Họ, khoảng 4.000 - 5.000 di dân Việt Nam đầu tiên ở vùng Thái Bình Dương, đã tự gọi mình là những người « Chân Đăng ». Giáo sư Lê Thị Xuyến, nguyên trưởng ban Việt học, khoa Ngôn ngữ và Văn minh Đông Á, đại học Paris-Diderot, có thân phụ, thân mẫu là những người « Chân Đăng » trong một cuộc trò chuyện với RFI Tiếng Việt trước hết lưu ý, việc tìm hiểu và giải thích ý nghĩa thật sự của từ này vẫn còn là một vấn đề gây nhiều tranh cãi.

GS. Lê Thị Xuyến : « Chỉ xin hiểu nôm na, "Chân Đăng" là những người ký hợp đồng để đi làm phu mỏ. Có những định nghĩa cho rằng một hợp đồng 5 năm nhưng vì không được tự do đi lại, dưới chế độ giấy thông hành rồi kiểm soát rất chặt chẽ, người ta gọi nhau và cho đấy như là một dạng bị trói chân. Tôi cho rằng, theo nhà văn Jean Van Mai, cũng là thế hệ con cháu "Chân Đăng" như chúng tôi và cuốn sách của anh viết về những người "Chân Đăng" được giải thưởng từ năm 1981, anh định nghĩa rất đơn giản : Đó là những người ghi tên và đi làm theo hợp đồng. Bản thân anh cũng là người rất tâm huyết và cũng đã đi làm điều tra, đi hỏi rất nhiều người mà tôi tin nguồn đó là tương đối chính xác. »

Trái với những gì được ghi trong hợp đồng, điều kiện làm việc và sinh sống của phu mỏ Bắc Kỳ cực kỳ khắc khổ : Thiếu ăn, thiếu mặc, đôi khi phải làm việc 15 giờ mỗi ngày và tuyệt đối phải đạt sản lượng 20 tấn đất quặng đào được cho một người trong một tháng dưới sự cai quản bất nhẫn của các đốc công da trắng. Đáng chú ý, trong quá trình làm việc, người ta không gọi họ bằng tên mà bằng con số. Giáo sư Xuyến cho rằng đây thật sự là một nỗi mất mát lớn.

« Ngay cả vấn đề này tôi cũng có nhiều thắc mắc. Trong tất cả các sách báo đều nói là để cho dễ gọi, tức là người ta nói là người Pháp để dễ đọc, dễ gọi tên cho đúng người ta gọi bằng con số. Bởi vì phát âm tiếng Việt khó, tất cả các báo đều nói như thế. Nhưng tôi không tin. Cho đến bây giờ khi đọc các tài liệu tôi không tin, vì họ coi những người đi làm phu cho họ như là nô lệ thì đúng hơn. Một số người cũng đã gọi đó là những nô lệ da vàng. »

Ngoài ra, trong chính sách tuyển dụng, thực dân Pháp tuyển nam nhiều hơn nữ do sợ vấn đề sinh đẻ có thể ảnh hưởng đến nguồn lợi kinh tế.

« Bởi vì trong hợp đồng, ngoài chế độ ăn uống, còn có cả chế độ thuốc men. Do vậy, một gia đình có cả vợ và con thì sẽ tổn phí cho họ. Vì chính sách của chế độ thực dân tuyển người dạo đó là cứ 9 người đàn ông và một người đàn bà, nên khi những người sang trước, người ta luôn để ý những chuyến sang sau để tìm đồng hương một phần và một phần khác là xem có người phụ nữ nào không, thì như vậy người ta đã nhắm trước rồi. »

GS. Lê Thị Xuyến và cành đào ngày Tết tại văn phòng làm việc đại học Paris-Diderot. © Ảnh do GS. Lê Thị Xuyến cung cấp.

Giữ gìn tập tục : Sự phản kháng thầm lặng chống người da trắng ?

Đôi dòng nhắc lại bối cảnh lịch sử. Nhân dịp Tết Nhâm Dần, giáo sư Lê Thị Xuyến hồi tưởng lại không khí những ngày Tết đầm ấm cùng gia đình khi bà còn nhỏ ở Nouméa, thủ phủ Nouvelle-Calédonie. Điều làm bà cảm động và trân trọng nhất mỗi lần được nghe Ba, Má kể lại vào những năm đầu mới sang là dù phải sống trong những điều kiện khắc nghiệt, những người phu mỏ năm xưa vẫn luôn tìm cách lưu giữ kỹ lưỡng những phong tục cổ truyền Việt Nam để rồi truyền đạt lại cho con cháu. Đó cũng là một hình thức phản kháng thụ động chống lại cách đối xử bất nhân của người da trắng theo như nhận định của một số sử gia.

« Người Việt Nam khi sang đến Nouvelle-Calédonie, trong giai đoạn đầu bắt buộc phải ở theo khu vực, từng khu mỏ. Các tỉnh xa nhau hàng 200, 300 thậm chí 400 cây số, thì ngoài tình bà con, là người Việt Nam, những người cùng quê họ quý trọng nhau lắm, như là ruột thịt. Không những tổ chức Tết của từng gia đình một, mà còn tổ chức theo nhóm, theo đoàn.

Bởi vì, còn có một chi tiết là từ năm 1946, khi được làm ăn tự do, gia đình tôi ở cùng một khu với trên một chục gia đình khác, dù không cùng quê nhưng rất gắn bó với nhau và vẫn sum họp nhau lại để mà cùng tham gia vào các hoạt động. Chẳng hạn như văn nghệ, các chị thì múa nón, cũng có đoàn múa lân, các bậc trên như cha ruột tôi có tham gia một đội tuồng.

Rất tiếc là khi đi tìm tài liệu, thì không có, vẫn chưa tìm được. Ngoài phòng lưu trữ (ở Nouméa) còn có phòng phim ảnh thì tôi lại không xem được do chỉ tập trung vào tư liệu. Nhưng các vở truyền thống mà các cụ hay nhắc đến như Phạm Công Cúc Hoa, Tình Nghĩa Bạn Bè của Lưu Bình – Dương Lễ, hay Thị Mầu Lên Chùa… »


Một buổi biểu diễn tuồng của những người Chân Đăng. © Ảnh do GS. Lê Thị Xuyến cung cấp.

Sau này, khi được tự do đi lại, chợ búa cũng đông đúc hơn. Dù sống xứ người, nhưng những nghi thức ngày Tết vẫn giữ nguyên không khí thiêng liêng. Mâm cỗ Tết của những người « Chân Đăng » ở  Nouméa trong những năm 1950 cũng thịnh soạn không kém như ở quê nhà.

« Cho đến bây giờ mấy anh em ngồi nói chuyện với nhau chúng tôi phục các cụ lắm. Không hiểu sao mà tất cả các món ăn cổ truyền dân tộc ngày Tết không thiếu món gì. Cho đến bây giờ, dù đã hơn 70 tuổi, tôi vẫn nhớ từng món ăn ba má tôi hay là sau này dượng tôi làm như bánh chưng, các món miến gà, chân giò nấu măng, bánh cuốn, rau xào với bóng, hay như má tôi còn làm món chè kho, bánh mật nữa, rất là ngon. Sau này, ở trong nước, có thể tôi chưa đi hết, chưa biết hết mọi miền, nhưng bánh mật của má vẫn có một mùi thơm dịu ngọt không thể nào quên được. Về việc tổ chức Tết thì thiêng liêng lắm. Bàn thờ gia tiên là phải sạch sẽ, chuẩn bị Tết hàng tháng trước. Bàn thờ gia tiên bao giờ cũng đủ mâm ngũ quả, các câu đối, hoa, rồi dâng các món ăn mời tổ tiên ông bà về ăn cỗ. »

Tết cổ truyền : Từ Nouméa đến Paris

Giờ sống tại Paris, nhưng giáo sư Xuyến vẫn không quên được không khí háo hức chuẩn bị đón Tết như thế nào của những người « Chân Đăng » thuở xưa. 

« Khi chuẩn bị Tết, là vì các anh phải giã giò, mỗi người một tay một chân, tức là, mấy chị em thì rửa lá, má thì đãi đỗ. Khi gói bánh, thì các cụ gói. Sau này thì các cụ truyền lại cho các con, bắt các con là phải học, tập gói bánh. Không khí ngày Tết nó lạ lắm. Ngày Mồng Một, biết chắc chắn là thế nào cũng được mừng tuổi. Không những bố mẹ mừng tuổi mà hàng xóm cũng sẽ mừng tuổi, rồi được mặc quần áo mới. »

Rồi tục nhuộm răng đen, mời trầu, 30 năm ở xứ người nhưng vẫn không mai một…

« Nói về truyền thống dân tộc, cả cụ ông lẫn cụ bà và nhất là cụ bà đều nhuộm răng đen. Suốt hơn 30 năm ở Nouvelle-Calédonie, và cho đến khi về nước, các cụ vẫn để răng đen. Khi có khách đến nhà, bao giờ cũng vậy, các cụ bà mời ăn trầu và những miếng trầu mà các cụ têm, các cụ làm cẩn thận và têm rất đẹp. Cách các cụ bổ quả cau cũng thế, rất trân trọng, rồi các bình vôi ở góc nhà ra sao. Các cụ ông thì không hút thuốc lào bằng điếu cày mà bằng chiếc bát, điếu bát. Khi khách đến nhà, các cụ mời uống nước trà ướp sen hoặc là ướp hoa nhài và cũng có khi có một cái ấm mà nếu đúng như từ các cụ ngày xưa gọi là vò trà, thì là bằng nụ vối ».

 
Múa lân ngày Tết (năm 2017) tại đại học Paris-Diderot. © Ảnh do GS. Lê Thị Xuyến cung cấp.

Câu chuyện về những người « Chân Đăng » là một câu chuyện dài nhiều đau thương, để lại nhiều hệ quả, cả về chấn thương tâm thần lẫn những chia rẽ sâu sắc trong cộng đồng người Việt Nam ở Nouvelle-Calédonie. Trong không khí ngày Tết, điều mà giáo sư Lê Thị Xuyến muốn gởi gắm là làm thế nào duy trì những nét đẹp văn hóa dân tộc cho thế hệ mai sau, nhất là cho những người Việt Nam sống nơi đất khách quê người.

Cái không khí Tết ở Nouméa khó quên đó nay đã được giáo sư Xuyến, khi còn giảng dạy truyền đạt lại cho nhiều lớp thế hệ sinh viên. Hàng năm, cũng vào dịp Tết, sinh viên Việt Học tại trường đại học Paris 7 vẫn háo hức chuẩn bị đón Tết Nguyên đán. Cũng bàn thờ tổ gia tiên, bánh chưng xanh, dưa hành tím, câu đối đỏ. Cũng những cảnh múa lân và trình diễn văn nghệ như ngâm Kiều… chỉ thiếu mỗi tiếng pháo vang rộn rã mà thôi

Xem Trên Youtube


 H.Phi chuyển

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét