15 thg 1, 2022

MỐI LƯƠNG DUYÊN GIỮA THƠ ĐƯỜNG VÀ THƠ LỤC BÁT QUA NGÒI BÚT TÀI HOA CỦA TẢN ĐÀ

 


Khi nói về thể thơ tiêu biểu của Trung Hoa thì người ta nghĩ ngay tới thơ Đường với những nhà thơ như Lý Bạch, Đổ Phủ, Vương Duy, Vương Bột…Khi nói về thể thơ tiêu biểu của Việt Nam thì chắc chắn ai cũng nghĩ đến thể thơ lục bát.Vì vậy nếu nói thơ Đường là tinh hoa của người Trung Hoa thì thơ lục bát là quốc hồn, quốc túy của người Việt vậy.
Thơ Đường là một thể thơ mang tính hàn lâm với những quy định khắt khe về niêm, luật, vần, đối… cho dù là thơ ngũ ngôn hay thất ngôn, tứ tuyệt hay bát cú cũng đều như vậy. Với những nguyên tắc khắt khe như thế nên hầu như thơ Đường chỉ được sáng tác và lưu truyền trong văn chương, học thuật của giới trí thức. Cái khó của thơ Đường là tác giả muốn thể hiện ý tưởng bằng những câu thơ phải tuân thủ những nguyên tắc về niêm , luật, vần, điệu, đối cho chỉnh nên rất gò bó về cách sử dụng từ ngữ, nhiều khi tác giả phải gò ép chữ cho đúng với niêm, luật nên câu thơ có phần gượng gạo, thiếu cảm xúc, từ đó bài thơ mất hay. Có thể nói thơ Đường nặng về kỹ thuật mà nhẹ về cảm xúc.
Trái với thơ Đường, thơ lục bát của người Việt thì lại xuất xứ từ những câu hò, những câu ca dao, tục ngữ được lưu truyền trong giới bình dân. Trong khi các nhà thơ nho sỹ, trí thức, miệt mài với thơ Đường bằng chữ Hán hay chữ Nôm thì một bộ phận rất lớn người nông dân đang làm việc với đồng lúa, nương khoai vẫn truyền tụng nhau bằng những câu hò dân dã bằng những câu thơ lục bát rất phong phú về ý tưởng và đề tài. Thơ lục bát của người Việt dù không quy định khắt khe như thơ Đường, nhưng cũng phải có luật bằng trắc, gieo vần nghiêm chỉnh. Thơ lục bát hầu như chỉ gieo vần bằng và chữ thứ sáu của câu bát phải khớp vận với chữ cuối của câu lục, đây là nguyên tắc bắt buộc. Ngoài ra cũng đòi hỏi nhà thơ phải có nghệ thuật tu từ, đối đoạn, văn phong, ý tưởng, từ ngữ phải hàm nghĩa súc tích nếu không thì nó sẽ thành bài vè mà không phải là thơ lục bát. Đất nước ta có một kho tàng ca dao, tục ngữ và những câu hò theo thể thơ lục bát hết sức đồ sộ và phong phú được những “nhà thơ” dân gian sáng tác mà không biết ai là tác giả. Riêng những nhà thơ “thứ thiệt” tiêu biểu cho thể thơ lục bát thì đứng cao hơn hết và tuyệt vời hơn hết là cụ Nguyễn Du với tác phẩm Truyện Kiều, tiếp theo có thể kể đến các nhà thơ Tản Đà, Nguyễn Bính, Huy Cận…, sau naỳ thì có Phạm Thiên Thư với ý tưởng viết Hậu Truyện Kiều với thi phẩm Đoạn Trường Vô Thanh cũng rất thành công.
Chúng ta có thể nghe những câu hò nặng chất dân dã nhưng lại là những câu thơ lục bát rất hay được khẩu tuyền trong dân gian như
Thò tay em ngắt ngọn ngò
Thương anh đứt ruột giả đò ngó lơ
Hay là:
Tay bưng dĩa muối chắm gừng
Gừng cay muối mặn xin đừng bỏ nhau
V.v và v.v vô số kể những câu thơ lục bát một cách hồn nhiên như thế. Người nông dân vô tình sáng tác thơ lục bát mà không hề biết đến cách gieo vần, không cần biết đến luật bằng trắc vì họ không phải là nhà thơ nhưng đúng là “chuẩn không cần chỉnh”!
Như đã nói từ đầu, thơ Đường và thơ lục bát là hai thể thơ tinh túy của hai dân tộc, một bên là hàn lâm một bên là dân dã tưởng chừng như nó không có một sự tương tác nào. Thế nhưng qua ngòi bút tài hoa của Tản Đà thì từ một những câu thơ mang tính bác học của người Trung Hoa lại được cụ biến hóa nó biến thành câu thơ lục bát rất hay và rất gần gũi với người Việt, thế nên nó được người Việt đón nhận và nhiều cảm xúc như chính câu thơ của đất nước mình vậy.
Xưa nay chúng ta có khá nhiều dịch giả dịch những bài thơ Đường bằng chữ Hán qua chữ quốc ngữ, nhưng hầu như đa phần luôn tuân thủ theo một mô-tip thơ Đường bằng chữ Hán qua thơ Đường bằng chữ Việt. Chỉ có cụ Tản Đà là người chuyên dịch thơ Đường chữ Hán qua chữ quốc ngữ bằng thơ lục bát của người Việt. Lối dịch thơ của Tản Đà rất thanh thoát và phóng khoáng, cụ chỉ mượn ý mà không lệ thuộc quá nhiều vào văn tự, không dịch theo kiểu “chữ nào nghĩa đó”, nhưng vẫn vẫn giữ được ý thơ và hồn thơ của nguyên tác.

 Cụ Tản Đà đã Việt hóa những bài thơ Đường chữ Hán một cách tài tình, dưới mắt bạn đọc người Việt đôi lúc thấy bản dịch hay hơn nguyên tác nữa!.
Trong những năm 1937, 1938 Tản Đà chuyên dịch thơ chữ Hán đăng trên báo Ngày Nay, Tiểu Thuyết Thứ Bảy, gần một trăm bài thơ Đường đa phần là thất ngôn, ngũ ngôn bát cú hay tứ tuyệt một số ít khác là trường thiên, được Tản Đà dịch qua Việt ngữ bằng thể thơ lục bát. Trong tập “Thơ Đường Tản Đà dịch” do Nguyễn Quảng Tuân biên soạn đã gom gần hết các bản dịch thơ Đường của cụ đã dịch trên báo Ngày Nay. Có những câu thơ dịch của cụ còn hay hơn nguyên tác, xin trích dẫn vài câu
Minh nguyệt xuất Thiên San
Thương mang vân hải quan
( Quan San Nguyệt của Lý Bạch)
 

Tản Đà dịch:
Vừng trăng ra núi Thiên San
Mênh mang nước bể mây ngàn sáng soi
Hai câu kết trong bài Ký Vi Chi của Bạch Cư Dị
Sinh đương phục tương phùng
Tử dương tòng thử biệt !
Tản Đà dịch:
 

Sống còn gặp gỡ đôi ta
Ví chăng chết mất thôi là biệt nhau !
Hà xứ dao vọng quân
Giang biên minh nguyệt lâu
(Tống Hồ Đại của Vương Xương Linh)
 

Tản Đà dịch:
Nhớ anh xa ngái dặm trường
Bên sông dưới bóng trăng suông tựa lầu
Còn rất nhiều những câu dịch thanh thoát và tài hoa như thế. Ở đây tôi chỉ xin trích dẫn hai bài thơ Đường chữ Hán nổi tiếng với bản dịch của Tàn Đà để bạn đọc thưởng lãm. Bài thứ nhất là bài “ Hoàng Hạc Lâu” của Thôi Hiệu
Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ
Thử địa không dư Hoàng Hạc lâu
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản
Bạch vân thiên tải không du du
Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu
Nhật mộ hương quan hà xứ thị?
Yên ba giang thượng sử nhân sầu
Bản dịch của Tản Đà:
 

Hạc vàng ai cỡi đi đâu
Mà nay hoàng hạc bên lầu còn trơ!
Hạc vàng đi mất từ xưa
Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay
Hán Dương sông lạnh cây bày
Bãi xa Anh Vũ xanh dày cỏ non
Quê hương khuất bóng hoàng hôn
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai ?
(Ngày nay số 80 10.10. 1937)
 

Bài Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu la một bài thơ chữ Hán được nhiều người dịch sang Việt ngữ nhất như Ngô Tất Tố, Nguyễn Quảng Tuân, Vũ Hoàng Chương, Khương Hữu Dụng…hầu hết đều dịch qua thể thất ngôn bát cú chỉ riêng Tản Đà là dịch sang thơ lục bát.
Ta thấy hai câu kết trong bài thơ của Thôi Hiệu “Nhật mô hương quan hà xứ thị. Yên ba giang thượng sử nhân sầu” đã quá hay, bản dịch bằng thơ lục bát cùa Tản Đà là:
 

Quê hương khuất bóng hoàng hôn
Trên sóng khói sóng cho vừa lòng ai ?
Tôi thấy có lẽ còn hay hơn nguyên tác!.
 

Bài thứ hai là “Phong kiều dạ bạc” của Trương Kế
Nguyệt lạc, ô đề, sương mãn thiên
Giang phong ngư hỏa đối sầu miên
Cô Tô thành ngoại Hàn San tự
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền
Tản Đà dịch:
 

Trăng tà, tiếng quạ kêu sương
Lửa chài cây bến sầu vương giấc hồ
Thuyền ai đậu bến Cô Tô
Nữa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San
 

Ở bài này thì có lẽ hai câu đầu không hay bằng nguyên tác, nhưng hai câu kết thì Tản Đà đã chuyển ngữ quá xuất sắc.
Càng tìm đọc các bài thơ lục bát của Tản Đà dịch từ thơ Đường ta thấy ngòi bút của cụ thật là tài hoa và phóng khoáng. Chính Tản Đà đã đưa những bài thơ Đường, mặc dù rất hay, rất tiêu biểu cho nền văn học cổ điển Trung Hoa nhưng nó quá hàn lâm và được viết bằng thứ văn tự rất xa lạ với người Việt bằng những vần thơ lục bát là thể thơ gần gũi của người nước ta để cho mọi người có thể cảm nhận cái hay, cái đẹp của thơ Đường mà đôi lúc quên đi nguyên tác, nó sống trong trái tim người bằng một thể thơ quốc hồn quốc túy của người Việt chúng ta vậy.
 

Nguyễn Ngọc Luật
(Tàn Đông Tân Sửu
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét