Khen ai khéo xếp cái đèn cù – Ara Phat
Hai tháng nay, hàng ngày ngồi trên xe lửa đi về nhà cũ, đây là lúc
nghỉ ngơi, mở iphone chỉ xem vài tin tức thời sự , tin tức bạn bè gởi,
chứ Ara không quen viết lách trên màn ảnh bé bằng bàn tay này, vừa không
rõ vừa lâu,lan man nghĩ lại nhiều chuyện đã xảy ra trong cuộc đời,
chung quanh ai cũng có một nghề cố định, còn hắn cho đến khi về hưu vẫn
không có một nghề nào nhất định cả. Ừ thì ra hắn cũng đã chọn cho đời
hắn một nghề nghiệp hẳn hoi đấy chứ, chính là công việc giảng dạy được
người đời gọi là nghề giáo, cũng đã có học chuyên môn tại trường lớp hẳn
hoi, lại có thêm một thời gian cầm phấn trên bục bảng, vậy mà cái nghề
chẳng ăn đời ở kiếp với hắn, lại mang tiếng là chết non ! nghề chọn
chẳng nuôi sống hắn mà nuôi sống gia đình vợ con hắn lại là cái nghiệp
khác, nghiệp tay trái chẳng qua một trường lớp đào tạo hay chắc là khi
hắn khởi nghiệp lại nhằm giờ thiêng hay sao mà lại đeo đuổi hắn đến hơn
hai mươi năm, qua mặt cô Kiều đến những 5 năm ! Khởi nghiệp khi hắn đi
tù cải tạo tại Trảng Lớn. Trại thêm người nên khi thành lập bếp ăn tập
thể cho hơn 200 tù nhân, thấy Ara tốt tướng tay quản giáo chỉ mặt « anh
nà bếp trưởng; nà tổ trưởng tổ « anh luôi », lại thêm một danh từ mới,
nghe vừa lạ, vừa khôi hài trong cuộc đời hắn mới được nghe, lại với
giọng ngọng nghịu làm hắn phì cười. Tỉnh bơ hắn trả lời « Nàm thì nàm,
chưa nàm bao giờ, nàm không tốt cứ tha hồ kiểm điểm », hôm dó cũng gần
tết 1976, tối đến, anh em ngồi quây quần bên ấm gạo rang giả cà phê tán
gẫu, hắn lôi ra quyển Kiều hắn vớ được trong khu trại gia binh, bảo với
anh em là hắn mở cửa hàng bói KIều, anh em cũng đùa vui mỗi người một
quẻ,đến hắn cũng khấn như thật « lạy vua Từ Hải, lạy vãi Giác Duyên, lạy
tiên Thúy KIều cho xin một quẻ « . Định láu cá giở cuối trang sách để
trúng đoạn đoàn viên đùa với anh em, ai ngờ lại rơi vào đoạn
Đã mang lấy nghiệp vào thân
Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa
Thiện căn ở tại lòng ta
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.
Hắn bói thật tài, quẻ linh ứng đeo đuổi gần hết cuộc đời trong nghiệp nhà hàng, tha hồ va chạm khói lửa .
Trong cuộc sống hàng ngày, hay nghe nói đến chữ « nghiệp », người
ta thường diễn giảng « Nghiệp là một khái niệm phổ biến và vô cùng quan
trọng trong đạo Phật ».
Ara hay ăn tục nói phét nên không dám bàn
đến chữ »nghiệp » cao siêu này, mà chỉ » chạy vòng vòng, chạy vòng
quanh » hai chữ nghề nghiệp do hai tiếng “Nghề” và “Nghiệp” hợp nghĩa
tạo thành.
Nghề để chỉ đích danh việc làm, còn nghiệp hiểu theo chữ
Hán là một dạng của công việc, nói đúng ra nghiệp là do con người lựa
chọn như công nghiệp, nông lâm ngư nghiệp hay binh nghiệp, ừ hình như
cái binh nghiệp này hắn cũng tốt nghiệp hẳn hoi mà! Ngày đó hắn thường
đùa với bạn bè « cầm phấn là nghề chính còn đi lính là nghề phụ «
Có
những thứ công việc người ta không lựa chọn mà cứ đeo đuổi đén cuối
cuộc đời, bất đắc dĩ phải làm người ta hay gọi là nghiệp dĩ. Thúy Kiều
có chọn nghiệp bán phấn buôn hương đâu mà lại cúi lạy thần mày trắng
« nghề này phải lạy ông này tiên sư ». Ara còn không biết nấu cơm, luộc
trứng sao bắt hắn lạy một bà hai ông « mặc áo đi hia chẳng mặc quần »
làm thần độ mạng , chính là cái nghiệp mà thôi ! Và cái nghiêp xoay
quanh hắn như chiếc đèn cù.
Khen ai khéo xếp (ối a) cái đèn cù
Voi giấy,ngựa giấy (ối a) tít mù ( tít mù) nó lại vòng quanh
Bao giờ em (mới) bén duyên anh
Voi giấy ngựa giấy lại vòng quanh tít mù ….
Còn hắn, cuộc đời hắn cũng xoay tít như chiếc đèn cù !
Ra khỏi tù,
trình diện lại sở giáo dục, nhìn thấy hắn bà trưởng phòng tổ chức sở
giáo dục bảo công việc của hắn trước khi đi tù là ở nha sinh hoạt học
đường, nha này họ xếp có dính dáng đến chính trị, kềm kẹp sinh viên học
sinh trong chương trinh quân sự học đường nên thiếu « hồng », không có
đạo đức cách mạng dạy hư học sinh …theo chỉ thị trong giấy ra trại, nếu
bộ giáo dục không nhận lại sẽ không có hộ khẩu và phải đi kinh tế mới,
thứ này mới chua! Sau đó họ giới thiệu cho làm giáo vụ trường kế toán
thương nghiệp 2 vừa được thành lập, số 2 có nghĩa là bộ phận của 14 tỉnh
phía nam từ Quảng Nam Đà Nẵng đến Minh Hải, hiệu trưởng là chuyên viên
kinh tế kế toán bị « đì » vì dám không đồng ý chủ trương đánh tư sản của
vụ trưởng vụ kế hoạch khi ông chủ trương dùng 17 tỷ tiền tiếp quản tổng
nha nội thương đi mua hàng của tư sản, sau đó đổi tiền, hàng không thất
thoát, cũng là cướp của tư sản nhưng ít mang tiếng. Vụ không đồng ý và
đưa ông đi làm hiệu trưởng theo chuyên môn, đây là những mẩu chuyện ông
kể lại khi cùng tôi đi dạo ngắm những chiếc tàu sắt chuẩn bị vuọt biên
« bán chính thức » ở Tà Niên, Rạch Sỏi. Trường này lại đưa hắn đến làm
giáo vụ cho trường « Ăn Uống Khách Sạn » nôm na là trường ăn ngủ, cũng
không thoát được cái nghiệp. Bảo là công việc của hắn là tổ chức lớp
học, hợp đồng mời người giảng dạy và tổ chức thi mãn khóa cho những khóa
học ngắn hạn 1 hay 3 tháng hay tối đa là 6 tháng. Những khóa ngắn hạn
như nấu nướng, hắn có trách nhiệm đi mời các bếp trưởng đến giảng huấn
khi thì mời mấy ông chef cook Soái Kình Lâm, Đồng Khánh, có lúc lại mời
sư phụ Givral đến dạy làm bánh. Lý thuyết nhiều vì ít vật liệu để thực
tập, hắn vẫn phải có mặt tại lớp hay tại nơi thực tập để có chút kiến
thức tổ chức thi mãn khóa. Cũng xem tay nghề, cũng nếm món ăn cùng các
sư phụ nấu nướng, biết thêm về nghề .
Lúc theo lớp thống kê, kế
hoạch, tài vụ, kế toán, cũng biết lý thuyết về cách hạch toán, cân đối
kế toán,các tài khoản kế toán XHCN, đơn giản , có 99 tài khoản, xoay
quanh các biểu mẫu chứng từ, khi thì kiểu Tàu, lúc thì kiểu Nga chung
quy tiền thành hàng, hàng phân phối thành tiền trở lại hàng »… lỗ thì
xin cấp bù lỗ. Tài khoản cấp bù lỗ và quỹ tạm ứng được xử dụng nhiều
nhất.
Có dịp hắn kể lại chuyện đi làm giáo vụ lớp đào tạo kế toán
trưởng lưu động cấp huyện của 14 tỉnh phía nam, khi thì tổ chức tại
Rạch Giá và lúc khác ở Vĩnh Long, có khi ra Phú Khánh, hắn lang thang
khắp miền nam đến các ty thương nghiệp nhận học viên mà họ gọi là
« chiêu sinh » học viên là những người đang đi làm, được đưa đi học,
không phải là những học sinh chưa rời ghế nhà trường nên tối tối mấy ông
thần này lại mời thầy cụng ly, nơi hàng quán ven sông, bên trong nhà
lòng chợ. Cũng có khi thầy trò tự làm dã chiến tại phòng giáo vụ.
Biết
đâu có người nào đã theo học trong ba lớp kế toán trưởng khóa 1 ở
trường ăn uống khach sạn Saigon, khóa 2 ở trường thương nghiệp Rạch Giá
nơi cầu Quay, Rạch Sỏi và khóa 3 ở trường thương nghiệp VĨnh Long,
trường này tiếp thu một phần của tiểu chủng viện Vĩnh Long ; đọc được
bài viết này chắc biết đến thày giáo vụ bụi bặm này. Các cô cậu này Ara
xem như những người em một thời, cũng có vài ba người lớn tuổi hơn hắn,
đa số cũng biết hắn là sĩ quan học tập cải tạo về, vì cung cách ăn nói,
trang phục của hắn « ngụy » hơn với những giáo viên ở ngoài vào, hắn vẫn
bỏ áo trong quần, vẫn giày, vớ mỗi khi lên lớp cho dù áo có sờn vai
giày có vẹt gót. Nếu ai là người đã gọi Ara này một tiếng thầy, các anh
chị có thể liên lạc, ta lại hàn huyên tiếp . Tôi thân tình với khóa 1 và
khóa 2 hơn, nhớ tên từng người của từng đoàn được cử đi học nào là Ba
Đoàn ở Tiền Giang, Đặng Hiền, Trầm Bền ở Cần Thơ,Vĩnh Long có Bình và cô
Hằng, Bạch công tử ở Bạc Liêu ; Thanh Tao, Hùng, Bích Thủy ở Long
Xuyên; Bành ngọc Hương, Lan, chị Mai ở Rạch Giá, Tửng Gò Quao, Sĩ Long
Khánh, chị Hoàng Tâm, Tươi, Hợp Hảo ở Saigon…có thể nói còn nhớ đến hơn
50% . Khóa 3 là lúc đã có vợ và chuẩn bị có đứa con đầu lòng nên sểnh ra
là hắn vọt về Saigon ,ít có thì giờ gần gũi, biết không nhiều lắm; tìm
đủ cách để có giấy công tác, không tốn tiền xe cộ đi về lại được thêm
chút tiền đi đường, hầu như hắn về mỗi tuần, có khi vợ dạy học về đến
nhà đã thấy hắn lù lù trong giường, hạnh phúc nhất cũng là lúc ấy.
Cúi đầu lạy chúa ba ngôi
Tôi có hộ khẩu tôi thôi nhà trường .
Chưa bao giờ thấy một trường lạ lùng như trường kế toán thương nghiệp
2 này, nghe thì thật kêu, đào tạo kế toán trưởng cho 14 tỉnh phía nam
mà lại không có một cơ sở vật chất, nhân viên đếm trên đầu ngón tay,
hiệu trưởng làm việc ở nhà trong một căn phòng của hộ tập thể, thư ký
đánh máy đánh tài liệu bài vở cũng tại nhà, những lúc khác bài vở cần
thiết Ara cũng phải giữ chân đánh máy, khi cần gấp các học viên nhào vào
đánh giúp cho nhanh, xong hắn lên công ty công nghệ phẩm, nơi đây có
máy quay ronéo in bài trong những tờ stencil rồi phân phát cho học viên,
nơi đây gặp anh Quang, trước cũng là sĩ quan tiểu khu Phước Long, sau
khi đi học tập về xin được công việc tại đây, anh em tay bắt mặt mừng,
có ghé nhà anh ở cổng tam quan Rạch Giá được mẹ anh giữ lại ăn bữa cơm
trưa, canh chua cá lóc,nếu có duyên gặp lại chắc vui lắm.
Nhận đi làm
để khỏi phải đi kinh tế mới, có giấy chứng nhận làm việc không bị công
an hạch sách, cũng như khi hắn phải mổ bao tử cũng được miễn phí ở bịnh
viện Bình Dân vào thời bao cấp. Khi hắn có tờ hộ khẩu thường trú cũng dễ
dàng xin xuất cảnh, không còn lang thang khắp nơi nữa, nhất là lúc đứa
con đầu lòng ra đời, hắn nghỉ hẳn ở nhà ru con cho vợ đi dạy học. Cũng
nhờ vậy mà đứa con đầu lòng biết đọc theo hắn Chinh phụ ngâm và Kiều…
Cũng ê a theo bố « trống trường thành lung lay bóng « goẹt »/ Khói Cam
tuyền mờ mịt thức mây » nghe vui tai . Rồi cũng xin xuất cảnh, cũng toại
nguyện đến Bỉ vào năm 1984.
Đến Bỉ giữa tháng 3/1984 đến đầu tháng 5 hắn đã có mặt học nghề tại một nhà hàng ở Luxembourg, gắn bó nơi này đến giữa năm 1986, vì giấy tờ có chút lộn xộn, hắn tị nạn tại Bỉ, qua Luxembourg chơi bao lâu cũng được, trừ khi có quốc tịch Bỉ mới được cấp giấy thường trú, và cũng vì vậy các trường học Luxembourg không nhận cho con hắn vào học.
Quan trọng là tương lai của con cái, hắn nghỉ việc và theo chân một người bạn học tập chung ở Trảng Lớn về định cư ở Liege cho đứa con đầu lòng được vào lớp 1 tiểu học. Cũng phải tay làm hàm nhai, hắn vào một xưởng làm giây và những ổ cắm của truyền hình, một thời gian sau lại đi làm thêm buổi tối ở các nhà hàng ở Liege hay ở xa hơn nếu thu nhập khá hơn. Cũng có hơn 2 năm ở Bruxelles, có khi làm đến 12 tiếng một ngày. Cũng có nhà hàng anh em làm chung dễ thương, nhã nhặn, khi không còn làm vẫn nhớ về nhau. Có đến 20 năm trong lãnh vực này, cũng có lúc định đứng ra làm chủ, thử một thời gian thấy không được, vì muốn khá, vợ con phải chung sức chứ việc gì cũng thuê thì thà đi làm công, mà chuyện này hắn cũng không muốn con cái dấn thân vào, hắn đã mất những ngày cuối tuần, những ngày lễ, tết để xum vầy với gia đình, lúc mọi người vui vẻ mình đầu tắt mặt tối . Con cái phải có thì giờ để chuẩn bị cho tương lai tốt đẹp hơn và hắn cũng từ giã công việc nhà hàng khi đứa con đầu lòng học xong đại học, có công ăn việc làm như ý muốn. Nghỉ làm ban đêm hắn mới có thì giờ đi vào những lớp đêm để học thêm những gì cần biết thêm, có thì giờ đọc sách lại . Sách vở báo chí đã phủ một lớp bụi dầy trong kệ sách cũng như trong đầu hắn. Chiếc đèn cù vẫn quay nhưng cũng thay đổi hình ảnh êm đềm hơn, nhẹ nhàng hơn không còn tít mù nữa.
Cái số hắn lại vướng vào tai ách đất trời, chiếc đèn cù Ara vẫn quay trên đoạn đường Bruxelles- Angleur, cũng còn may là hắn vẫn còn chống cự được, vẫn còn tí sức múa búa phá vỡ những chiếc tủ chiếc giuòng, thành những uảnh gỗ nhỏ đem bỏ ra trước cửa để thành phố đem đổ. Khi họ không đổ nữa, muốn bỏ phải thuê container chứa và thuê người kéo đi cũng tốn nhiều, nhà cửa trống, dễ sửa chữa hơn.
Tối trở về vẫn vui là có thì giờ tung hứng với bạn bè, may nhất
trong cuối cuộc đời hắn là gặp lại nhóm bạn cũ để có chuyện ngắn chuyện
dài với nhau và cũng từ đó biết thêm nhiều người bạn mạng khác. Nếu
trong những cuộc trao đổi hắn có tít mù quá trớn bạn bè cũng bỏ qua cho.
Auderghem, ngày 03/11/2021
👄👄👄👄👄👃👃👃
Mời Xem : 1/ Viết cho những thày giáo khóa 7 sư phạm niên khóa 68-70 cùng lớp 10 -( Nguyễn Hửu Phát)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét