Dụ Lăng thờ vua Lê Hiến Tông ở Thanh Hóa,Ảnh Vietnam Land,marks
Chuyện vua Lê Hiến Tông thăm
thầy cũ, dù lên ngai vàng vẫn giữ đạo nghĩa, cùng thầy ăn bữa cơm quê
giản dị trở thành bài học về phép tôn sư trọng đạo mà người thời nay cần
học tập,
Vua Lê Hiến Tông (1461 - 1504) là vị vua thứ sáu nhà
Hậu Lê, tại ngôi từ năm 1497-1504. Vua có tên húy Lê Tranh, còn có tên
khác là Huy, con trưởng của vua Thánh Tông. Người đời truyền tụng Hiến
Tông là vị vua thông minh, nhân từ và ôn hoà.
Dưới thời của ông, đất nước vẫn duy trì được sự thái
bình, thịnh trị có từ thời vua cha Lê Thánh Tông. Sách Đại Nam Nhất
Thống Chí ghi lại câu chuyện cảm động về đạo thầy trò trong một lần vua
Lê Hiến Tông về thăm thầy cũ.
Đến cổng làng Châu Khê, nhà vua ra lệnh dừng kiệu và
bước xuống đầu đường rẽ vào nhà thầy. Vua chỉ chọn 2 đến 3 cận thần
cùng một vị quan sở tại tháp tùng vào nhà thầy giáo rồi ôn tồn nói với
mọi người đi theo: “Hôm nay trẫm về đây để thăm thầy chứ không phải vi
hành, công cán, vì vậy cho phép các khanh về nghỉ ở công quán”.
Mọi người bái tạ nhà vua rồi đi vào các quán dịch. Ở
đó, quan địa phương đã chuẩn bị mọi thứ chu đáo, có chăng đèn, kết hoa,
bàn trà nước. Nhà vua đi bộ cùng viên quan trấn và mấy quan hầu cận
tiến vào nhà thầy. Không trống phách, không nhạc nhã, không có tiếng hô
dẹp đường.
Cụ Thượng thư già cùng các con cháu và giai nhân mũ
áo chỉnh tề ra tận đầu thôn bày hương án nghênh tiếp nhà vua. Thấy thầy
giáo, vua vội vàng đến gần cụ. Theo nghĩa vua tôi, cụ sụp lạy nhưng vua
Lê Hiến Tông nhanh tay nâng vai thầy lên, lễ phép nói: “Xin lão tiên
sinh bình thân để cho đệ tử không bị thất lễ”.
Sau đó, quay lại với những người đang quỳ rạp hai
bên đường, vua nhẹ nhàng bảo: “Cho tất cả các người đứng dậy cùng trẫm
về nhà tôn sư”, đồng thời nhắc lại rằng, ông đến đây để thăm thầy chứ
không phải đi việc công cán, mọi nghi lễ chốn triều đình nên dùng vào
lúc khác.
Ngôi nhà thầy Nguyễn Bảo giản dị, cổ kính và gọn
gàng, đúng với phong thái của một bần nho trong sáng. Vua mời cụ ngồi
lên sập giữa để mình đứng vấn an thầy.
Cụ Nguyễn Bảo giật mình: “Tâu bệ hạ, đâu lại có thể
như thế được. Đạo thầy là nặng, song phép nước cao hơn, xin hoàng thượng
cho lão phu này được đứng hầu. Người ngoài trông vào sao tiện ạ”.
Đáp lại, nhà vua nhẹ nhàng nói: “Thưa tôn sư, họ đã
biết mục đích của trẫm hôm nay rồi. Tôn sư cho phép đệ tử ngồi chung là
đã quá lắm rồi”
Nói xong, nhà vua đỡ cụ xuống cùng ngồi đàm đạo. Vua
hỏi thăm sức khoẻ và đời sống của thầy cùng gia đình, xin xem những bài
thơ của thầy làm khi nhàn rỗi ở chốn thôn dã.
Người nhà của cụ giáo dâng trầu nước chỉ đứng ở sân
dưới thềm, chuyển qua các thị vệ dâng lên cụ giáo và nhà vua. Vua Hiến
Tông lại khoát tay: “Thôi để họ mang thẳng lên đây, chắc họ cũng muốn
gần vua một chút. Âu cũng là cái lộc của lão tiên sinh đây”.
Thưởng thức chén trà ngát hương sen đồng nội, nhà
vua nói với các quan theo hầu: “Trẫm cho các ngươi lui. Chiều nay trẫm
không dùng ‘ngự thiện’, trẫm xin với lão tiên sinh cùng gia đình ăn bữa
cơm quê. Trẫm muốn được ngồi chung mâm với thầy cũ cho thoả tình thầy
trò, chắc lão tiên sinh cho phép”.
Cụ giáo nghẹn ngào: “Xin bái tạ đức vua. Thánh chỉ đã truyền, thần xin vâng mệnh”.
Bữa cơm thầy trò chiều hôm đó diễn ra thân mật. Các
con cụ đứng hầu từ xa ngắm thầy trò nhà vua đối ẩm với thứ rượu nếp quý
quê nhà hương thơm sực nức, nghe thầy trò nhà vua vừa ăn vừa ngâm nga
thơ phú.
Cụ giáo có lẽ còn vui hơn cả nhà vua, bởi lẽ ông có
học trò ở ngôi tôn quý nhất nước vẫn mực thước thuỷ chung giữ đạo nghĩa
thầy trò. Ông càng hài lòng vì học trò cũ của mình dẫu ngồi trên ngai
vàng vẫn không quên gốc.
Nhà vua đặc biệt thưởng thức món canh cua quê kiểng,
bất giác nói: “Thầy cho con ăn một bát canh này thật là niềm hạnh phúc.
Hương vị cua đồng quê nhà ít có thức ăn nào sánh tày, quả là ngon”.
Theo dân gian lưu truyền lại, về sau, vua nhớ món
canh cua đồng đến nỗi dân phải tiến cua đồng về kinh để vua ngự thiện.
Cũng vì thế dân gian ở đây mới có câu ca: “Canh cua nấu cải thêm gừng/
Xưa nay vua chúa đã từng khen ngon“.
Khánh Ninh
DamHo chuyển
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét