26 thg 11, 2021

TRUNG QUỐC NHỮNG NĂM 2020 RẤT GIỐNG NHẬT BẢN NHỮNG NĂM 1990 (Diển Đàn Khai Phóng )

 

Tác giả: Harry Robertson và Andy Kiersz, Business Insider, 16-10-2021
Người dịch: Lê Nguyễn

Lĩnh vực bất động sản sôi động của Trung Quốc đang gặp khó khăn.
Hình ảnh Jade Gao / Getty

  • Nhật Bản là mối đe dọa hàng đầu đối với ưu thế kinh tế của Hoa Kỳ trong những năm 1980, nhưng rồi sau đó mọi thứ đã diễn ra sai lầm.
  • Giờ đây, các nhà kinh tế nhận thấy những điểm tương đồng đáng lo ngại giữa Trung Quốc trong những năm 2020 và Nhật Bản trong những năm 1990.
  • Trung Quốc phải đối mặt với mức nợ cao, dân số già đi, nước Mỹ thù địch và thậm chí có thể xảy ra khủng hoảng tài chính.

Quốc gia nằm ở Châu Á. Nó có một nền kinh tế mở rộng nhanh chóng và đã trở nên giàu có nhờ xuất khẩu. Nó có mức đầu tư cao và nợ cũng cao, và một thị trường bất động sản phát triển mạnh. Sức mạnh kinh tế ngày càng tăng của nước này có tiềm lực vượt qua Mỹ.

Đó có thể là Trung Quốc vào những năm 2020, nhưng đó cũng chính là Nhật Bản đã được trông thấy vào những năm 1980, khi đất nước này được ca ngợi như một phép màu kinh tế [1] và là mối đe dọa chính đối với vị thế đứng đầu của Mỹ. Tốc độ tăng trưởng trung bình 10% mỗi năm [2] của nó từ những năm 1960 trở đi đã giúp nó trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vào những năm 1980, khi biểu tượng của các tập đoàn như Toyota và Sony đe dọa thay thế các đối tác Mỹ như Ford và General Electric.

Tổng Sản Lượng Quốc Gia-Mỹ – Nhật – Trung Quốc, Nguồn: Ngân Hàng Thế Giới

Sau đó, tất cả đã trở bước sai lầm khi bong bóng tài sản khổng lồ của nó xuất hiện. Những gì tiếp theo là dấu chấm hết cho phép màu và một cuộc khủng hoảng tài chính toàn diện đã làm rung chuyển Nhật Bản vào đầu những năm 1990, dẫn đến một “thập kỷ mất mát” và nền kinh tế đi ngang. Từ đó, ” Nhật Bản hóa ” [3] đã trở thành một cách viết tắt cho sự pha trộn tàn bạo giữa trì trệ và giảm phát [4] kéo dài cho đến ngày nay.

Những ngày này, các điểm tương đồng giữa Trung Quốc và Nhật Bản đang bắt đầu hiện ra khiến các nhà kinh tế lo ngại. Giống như Nhật Bản trong những năm 90, Trung Quốc đang phải đối mặt với mức nợ cao, dân số già đi, nước Mỹ thù địch, và thậm chí có khả năng xảy ra khủng hoảng tài chính. Gần đây, bong bóng bất động sản khổng lồ của chính nó đang có dấu hiệu vỡ.

Mike Riddell, nhà quản lý danh mục cổ phiếu đầu tư theo tiêu chuẩn thu nhập cố định toàn cầu tại Allianz, nói với Insider: “Có giả định cho rằng Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới, tôi không nghĩ điều đó sẽ xảy ra.”

Nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc là điều cuối cùng mà thế giới cần trong những năm 2020, do quốc gia này đã chiếm khoảng 30% tăng trưởng toàn cầu trong những năm gần đây, và thậm chí có thể dẫn đến “Nhật Bản hóa” cả nền kinh tế thế giới [5]. Các nhà kinh tế đang lo lắng về thập kỷ mất mát của chính Trung Quốc vì bốn lý do.

Các vấn đề nợ lớn và lo sợ bong bóng vỡ

Bong bóng bất động sản của Nhật Bản bùng phát lớn vào những năm 1980 đến nỗi giá bất động sản ở nước này vẫn chưa phục hồi [6] sau khi tăng vọt . Biểu đồ dưới đây cho thấy số nợ doanh nghiệp ở Nhật Bản đã tăng vọt trong những năm 1980 và đầu những năm 1990:

Nợ nước ngoài của các công ty Nhật,
nguồn: Ngân Hàng Thanh Toán Quốc Tế-qua số liệu Ngân Hàng Trung Ương Mỹ

Lật nhanh những trang sử cho đến hôm nay, người ta thấy Trung Quốc đã gánh nợ trong nhiều năm dài, đã thúc đẩy tăng trưởng nhanh chóng, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản, khu vực chiếm khoảng 30% GDP của đất nước.

Vấn đề là một trong những nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc, Evergrande, đã sắp sửa vỡ nợ với khoản nợ 300 tỷ USD[7] . Đó là khoản nợ cao nhất của bất kỳ công ty nào trên thế giới, trị giá khoảng 2% GDP của Trung Quốc. Và trong khi Evergrande có thể là công ty bất động sản Trung Quốc mắc nợ nhiều nhất, nó không phải là công ty duy nhất.

Sự sụp đổ của Evergrande diễn ra trong bối cảnh chính phủ Trung Quốc đang siết nợ và cố gắng “tái cân bằng” nền kinh tế theo hướng tăng trưởng dựa trên tiêu dùng.

Các nhà kinh tế cho rằng Trung Quốc sẽ bị chậm lại khi nước này thay đổi mô hình kinh tế. IMF dự kiến ​​nền kinh tế sẽ mở rộng ở mức khoảng 5% một năm [8] đến năm 2025, so với 10% một năm từ 2010. Think tank  Hội đồng Đại Tây Dương (Atlantic Council) cho rằng tăng trưởng có thể ở vào mức thấp hơn, khoảng 3% một năm [9] cho đến giữa thập kỷ này. Điều đó trông giống như sự khởi đầu của một Nhật Bản trong thời kỳ suy thoái theo kiểu thập niên 90, nhưng đó không phải là tất cả.

Kevin Lai, kinh tế trưởng khu vực châu Á tại Daiwa Capital Markets, nói với Insider rằng đã có “mức độ hoảng hốt và căng thẳng khủng khiếp” trong một số lĩnh vực nhất định của hệ thống tài chính Trung Quốc. Trái phiếu trong lĩnh vực bất động sản đã sụp đổ [10] , khiến việc vay vốn của một số công ty lớn nhất Trung Quốc trở nên khó khăn hơn.

Các nhà phân tích Phố Wall hy vọng Bắc Kinh có thể ngăn chặn sự lây lan, nhưng Kevin Lai cho biết tình hình còn lâu mới có thể dự đoán được: “Tôi nghĩ thị trường đi sau thực tế … sẽ có nhiều điều bất ngờ.”

Nhân khẩu lão hóa

Một trong những vấn đề lớn mà nền kinh tế Nhật Bản gặp phải trong những năm 1990 là dân số già đi nhanh chóng. Đơn giản, dân số già đi có nghĩa là có ít lao động hơn, khiến tăng trưởng kinh tế khó khăn hơn. Chi phí lương hưu và chi tiêu phúc lợi tăng cao cũng gây áp lực lên chi tiêu công.

Dân số trong độ tuổi lao động của Trung Quốc đạt mức cao nhất vào năm 2015 [11] , sau khi chính sách một con của nước này làm giảm tỷ lệ sinh trên toàn quốc. Dân số khổng lồ của nó đã cho phép nền kinh tế thu hút người lao động đến các thành phố, thúc đẩy sự bùng nổ công nghiệp của nó. Tuy nhiên, Trung Quốc ngày càng đô thị hóa vào đầu những năm 2020 và nguồn cung cấp lao động của nước này đã giảm mạnh.

Con đường nhân khẩu học của Trung Quốc có thể sẽ giống với Nhật Bản trong những thập kỷ tới:

Phần trăm dân số trong tuổi lao động –Mỹ -Nhật-Trung Quốc,
nguồn: Ngân Hàng Thế Giới

Theo Riddell từ Allianz, “quả bom” nhân khẩu học của Trung Quốc đã nổ. Riddell nói rằng các vấn đề nhân khẩu học cũng gây ra nỗi lo về các khoản nợ, với mức đầu tư cao dường như không phù hợp với một nền kinh tế đang chậm lại và già đi.

Căng thẳng với Mỹ

Sự tăng vọt của Nhật Bản trong các biểu đồ kinh tế đã làm giật mình các định chế Hoa Kỳ vào những năm 1980. Các nhà hàn lâm đã xuất bản những cuốn sách mang các tiêu đề như là “Nhật Bản là số một” hay “Siêu sao Nhật Bản mới nổi”. Các nhà nghiên cứu ở think tank Đại Tây Dương đã phải viết [12] “chặn Nhật Bản lại.”

Mỹ đã làm khó với Nhật Bản thời đó và bây giờ họ còn chơi căng hơn với Trung Quốc. Tổng thống Donald Trump đã phát động một cuộc chiến thương mại toàn diện chống lại nước này vào năm 2018, áp thuế lên hàng trăm tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang bám sát con đường đó của Trump.

Các nhà kinh tế lo lắng về sự “tách rời” [13] giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, chấm dứt mối quan hệ vốn là trung tâm của tăng trưởng toàn cầu trong một thập kỷ.

Đó cũng là lời cảnh báo cho phần còn lại của thế giới, Nhật Bản có thể đã vượt lên cao quá. Một nền kinh tế đang phát triển như Nhật Bản trước những năm 1980 và Trung Quốc trước những năm 2020 chỉ có thể công nghiệp hóa một lần, sau đó là nợ nần chồng chất, lực lượng lao động già đi và tăng trưởng chậm lại.

Một khi điều đó xảy ra, chúng ta có lẽ sẽ phải cần một thuật ngữ hay hơn là “Nhật Bản hóa” để mô tả cho điều đó.

Nguồn:


Tham Khảo:

[1]https://hbr.org/1998/01/reinterpreting-the-japanese-economic-miracle

[2]https://data.worldbank.org/indicator/NY.GDP.MKTP.KD.ZG?locations=JP

[3]https://www.businessinsider.com/japanification-of-markets-taught-us-3-things-2016-3

[4]https://www.businessinsider.com/european-japanification-seen-in-data-2013-10

[5]https://www.businessinsider.com/the-japanification-of-the-entire-world-2012-4

[6]https://fred.stlouisfed.org/series/QJPN628BIS

[7]https://www.businessinsider.com/what-is-evergrande-china-real-estate-giant-scale-perspective-2021-9#5-evergrande-is-indirectly-responsible-for-38-million-jobs-which-is-enough-to-employ-all-of-los-angeles-6

[8]https://www.imf.org/en/Countries/CHN

[9]https://www.reuters.com/world/china/china-risks-slower-growth-without-more-market-competition-us-study-2021-10-05/

[10]https://markets.businessinsider.com/news/bonds/china-bond-market-evergrande-third-missed-payment-sinic-modern-land-2021-10

[11]https://data.worldbank.org/indicator/SP.POP.1564.TO?locations=CN

[12]https://www.theatlantic.com/magazine/archive/1989/05/containing-japan/376337/

[13]https://www.businessinsider.com/us-china-economy-tech-military-breaking-up-how-bad-2020-10


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét