Mấy hôm đầu tháng 7 đi dạo gặp một ông già (mà có khi hắn còn già hơn
người ta) đang hái hoa, vui chuyện với ông một lúc, định kể lại chuyện
« hái hoa » với bá tánh cho vui tháng hè, chỉ còn đoạn kết thì Angleur
gặp nạn, cơn lụt ập đến, nên ngưng để kể chuyện thời sự.
Viết thêm đoạn kết cho chấm dứt câu chuyện
Chuyện cây Tilleul
Nghe mấy thầy tử vi nói là ai mà cự môn chiếu mệnh thì mồm năm miệng
mười, Ara ngày giờ sinh không rõ ràng mà như có sao « cự môn » hay « cự
nự » gì đó nơi cung mệnh nên miệng hắn lúc nào cũng bô lô bô la không
yên, « anh hoa phát tiết ra ngoài » mà, dù bị búa rìu, tàn đời trai thì
cũng chỉ nhăn răng cười trừ ..
Đầu tháng Bảy vừa qua, thời tiết đã
hừng hực lại còn cùng vợ miệt mài hò hét những trận túc cầu của giải vô
địch Châu Âu, đá miệng theo các đội banh, thêm vào ủng hộ đội banh Quỷ
Đỏ của Bỉ, la hét khi anh Ku (Romelu Lukaku) tiễn anh Rô ( Cristiano
Ronaldo) Bồ đào Nha về nước .
Xong trận banh, cổ khô, rát nói nghe khò khè. Để bình thường hóa cổ
họng chiêu đỡ vài ngụm bia lạnh đã chẳng ăn thua lại còn ngứa cổ thêm,
người đàn bà bên cạnh mách bảo tìm những loại tisane uống cho mát.
Thế
đấy, vào siêu thị đến quầy trà, cà phê thấy cơ man nào là loại trà,
loại cây cỏ, hoa lá. Đảo một vòng có mấy hộp tisane đập vào mắt, cái tên
nghe quen quen, hình ảnh cũng đã gặp ngoài đời, không phải một lần mà
có đến hàng trăm lần vì mỗi ngày có thói quen đi bộ vài ba cây số nơi
con sông đào L’Ourth có ngang qua hàng cây này, nhìn nhiều còn biết dáng
dấp của cây thay đổi theo đủ bốn mùa trong năm ; hàng cây Tilleul trồng
dọc theo bờ sông. Thì ra cái hộp Tisane này có tên là Tilleul, hộp có
20 gói khi dùng bỏ vào nước sôi như những loại khác của Lipton làm.
Cây Tilleul này mọc ở vùng ôn đới, nên tiếng Việt không có tên
gọi rõ ràng, chỗ thì dịch là là cây chanh, chỗ khác gọi là cây Vôi hay
cây Chìa Vôi, vài nơi còn gọi là cây Bồ Đề, nghe « ngồ ngộ » lỗ nhĩ,
thôi thì tôi gọi nguyên gốc của nó là Tilleul, có phiên âm tiếng Việt
thành « Ti dơn » nghe cũng đúng với tên .
Mấy lần ngang đây hay gặp nhiều bà cũng lớn tuổi đứng dưới tàn cây ngắt những lá non, hoa. Họ bảo là đem về nấu nước uống.
Sáng
nay, thấy một cụ đang hái những hoa lá cành « ti dơn » bỏ vào túi, bắt
chuyện hỏi thăm, ông bảo hái về nấu nước uống, tốt lắm, dễ ngủ, an thần,
ngày nào ông cũng hái về uống như uống trà lại thơm và ngon .
Trên đường phố của Âu châu, hai bên đường thường được trồng cây để
lấy bóng mát, đặc biệt thường gặp là những cây với những chiếc lá đơm
hình quả tim có răng cưa được gọi là cây Tilleul(ti dơn), đây là cách
gọi theo tiếng Pháp, lấy từ gốc tiếng La Tinh là tilia. Tiếng Anh là
linden, còn linde là do người Đức gọi,lấy tên của nhà thảo mộc học Thụy
Điển Linnaeus.
Nước Pháp trồng nhiều Tilleul nhất Âu châu, Bỉ trồng
cũng nhiều dọc theo bờ sông, một số các vỉa hè trồng xen kẽ với các loại
khác .
Cũng vì vậy khi vào thu, lá tilleul có màu vàng rực rỡ xen giữa là những lá đỏ, lá nâu tạo một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp. Những chiếc lá tilleul vàng rụng xuống đất tạo một tấm thảm nhìn mát mắt, lá trở vàng trước những loại cây khác nên vào xuân cũng đâm chồi nảy lộc sớm hơn, xanh ngát cả con đường sau những ngày đông giá.
Biểu tượng của cây Tilleul từ ngàn năm nay là những hương thơm
ngọt dịu từ hoa lá. Nhiều thi nhân ca tụng hương thơm của tilleul theo
những làn gió nhẹ, mang mùi hương dịu dàng, đánh thức những con tim nhạy
cảm, cô đơn, tìm lại được an nhiên tự tại theo những hương vị ngọt ngào
để có một giấc ngủ an lành.
Lá mang hình trái tim và nhiều biểu
tượng chung quanh như là sự ràng buộc giữa tình yêu, lòng chung thủy và
công lý, do đó Tilleul còn được gọi là « cây tình yêu », « cây nữ tính »
vì mang nhiều huyền thoại, « Ti dơn » gắn liền với nữ thần Scandinavia,
Freya, người châm ngòi cho tình yêu, và nữ thần y học, Frigga, người
bảo vệ hôn nhân và gắn kết những người yêu nhau bằng sự chung thủy.
Nhai thử những cánh hoa Tilleul, có vị ngọt, thảo nào ong, rầy, kiến đua nhau về mở hội.
Mon tilleul qui chante l’été
Avec les abeilles et les hannetons…
(Mon tilleul
M.Cosem &P.Daveine)
(Suốt mùa hè Tilleul ca hát
Cạnh nhũng chàng ong, những chị rầy…)
Hoa tilleul bỏ vào nước sôi dùng làm nước uống, được các thầy thuốc
ca ngợi nhiều vì có nhiều thành phần tốt cho cơ thể, giàu muối khoáng và
cung cấp các yếu tố cần thiết để làm sạch cơ thể.
Rất nhiều bài thuốc ca ngợi ngay cả một số thầy thuốc tây y cũng khuyên nên xử dụng loại nước uống này.
Vào
tháng bảy đi ngang những gốc tilleul bốc lên một mùi thơm dễ chịu; ngọt
ngào, thoang thoảng mùi thơm dịu ngọt, không những hoa, quả của
tilleul, ngay cả lá nấu nước uống cũng thơm, ngọt lại tốt cho giấc ngủ,
thấy ông cụ nói tôi cũng vít nhánh cây vặt một đọt có cả lá hoa và quả
đem về nấu uống thừ, người ta kỹ nghệ hóa những thứ này thành gói bán
tràn ngập trên thị trường nên hắn cũng thử uống .
Hương thơm mật ngọt thoang thoảng mùi hoa nhài làm quên lãng nhũng đóa hồng nhung và những đóa loe kèn.
Mùi thơm lan tỏa khắp con đường, còn len lỏi vào những nhà chung quanh khu vực một hương thơm dễ chiu.
En été les lis et les roses
Jalousaient ses tons et ses poses…
(L’été
Charles Cros)
(Hè về bóng dáng » ti dơn »
Hồng ghen với sắc, huệ hờn kém hương…)
Nhờ những hương vị của » ti dơn » đã cho ra những loại mật ong ngon và những loại nước hoa đắt tiền .
Nước hoa Tilleul có đặc tính làm săn chắc da cũng được lấy từ hoa « ti dơn », làm dịu làn da mỏng manh hoặc dễ bị mẩn đỏ, làn da bị ngứa, bảo vệ da ít bị dị ứng; điều này Ara cũng mới biết khi đọc tài liệu » Beauté : le tilleul dans la peau » được đăng trong Paris Match đăng ngày 20/04/2021
Ngoài nước hoa ra, hoa « ti dơn » còn có tác dụng làm mềm và sáng bóng làn da vì hoa có chứa chất nhầy có khả năng giữ nước để làm dịu chứng viêm da và chống lại sự lão hóa da .
Còn nhiều công dụng khác của cây « ti dơn » như thân « ti dơn » cho
một loại gỗ tốt, được định nghĩa là loại gỗ có màu vàng nhạt với ánh hơi
đỏ,sáng bóng, là loại mô liên kết, rất mềm và có thớ cực kỳ mịn và chặt
chẽ.
Gỗ tilleul dễ đánh bóng,lý tưởng để điêu khắc dễ tạo chất lượng
cao cho những sản phẩm. Những cây đàn guitare làm bằng gỗ tilleul cũng
là sản phẩm có giá trị
Công nhận uống ngon và dễ ngủ, tôi thì nằm xuống đếm chưa hết số 5 là đã « ngựa phi đường xa » ; nhưng nhà tôi vốn ngủ chậm lai hay có ác mộng, đã thử cả tuần và cũng thấy kết quả tốt. Người xưa khi chưa có thuốc bào chế bằng những hóa chất; con người sống đến ngày hôm nay cũng nhờ những thầy thuốc giỏi, những bài thuốc hay, rồi khoa học tiến bộ người ta sản xuất hàng loạt cũng dựa trên những phân chất hóa học trên thực vật,.một cách bảo vệ sức khỏe của các cụ ngày xưa,
Bán dạ tam bôi tửu
Bình minh trảm độ trà
Nhất nhật y như thử .
Lương y bất đáo gia
Chắc ly uống rượu của các cụ chỉ bằng cái hột mit mà là rượu minh Mạng mới đúng bài bản, còn bình minh trảm độ trà (tilleul) thì tốt nhiều hơn xấu và như vậy thầy thuốc làm sao ghé được nhà .
Tháng bảy sắp hết,hôm nay đã là ngày 23, ngày mà 72 năm trước Ara bước chân vào đời.
Ngày
Ara bước chân đến khu vực Angleur cũng là tháng 7 của ba mươi năm trước
với hai bàn tay trắng, cũng có nhiều kỷ niệm, ba người con gái đã an cư
lạc nghiệp ở thủ đô Bruxelles vì không muốn cha mẹ có tuổi ở một mình,
nhỡ khi tắt lửa, tối trời như vụ lụt vừa qua làm chúng lo lắng. Ba mươi
năm trôi qua như giấc mộng Nam Kha .
Biết là ở đâu quen đấy, tình
cảm gắn bó, nhưng từ cơn lũ vừa qua chắc phải di chuyển lần nữa chuẩn bị
cho cuộc sống « dưỡng già », lần này thì « từ quê nghèo lên phố lớn »
chọn một apart. vừa đủ cho hai vợ chồng già, có kể chuyện trên blog lần
sau chắc là câu chuyện ở thủ đô.
Viết ở Bruxelles vào ngày 23//7/ 2021
Ngày sinh nhật thứ 72 của Hải sư Ara Phát.
Ara
https://araphatblog.com/2021/07/23/ke-tiep-chuyen-thang-bay-o-angleur-ara-phat/
🌽🌽🌽🌽🌽🌽🌽🌽🌽
Mời Xem : Khen ai khéo xếp cái đèn cù – Ara Phat (K 7-SPSG 1968-70 )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét