Mời đoc bài viết sau đây của 1 bạn khóa 2 trường Sư Phạm Qui Nhơn (1963-1965 ) mà HP đã đọc được trên mạng
Tháng 8 năm 1963, tôi xách chiếc va-li nhỏ vào trường Sư phạm Quy Nhơn trước sự ngạc nhiên của bạn bè cùng lứa: “Con Hồng mà học Sư phạm Quy Nhơn ni à?…”.
Vâng, các bạn
tôi không ngạc nhiên sao được, khi con bé Hồng tuy nhà quê, nhưng khi vào trường
nữ trung học Đồng Khánh, từ Đệ thất đến Đệ nhị luôn giành ngôi vị đứng nhất lớp;
chỉ khi qua Đệ nhất Quốc học mới chịu đứng thứ hai, (nên dỗi không đi lãnh phần
thưởng — thật là trẻ con!). Thành tích học ấy là niềm mơ ước của các phụ huynh
khá giả hồi đó để mong đưa con vào trường Dược, trường Y. Và chính tôi cũng từng
ôm mộng như thế, nên khi vào lớp Đệ tam tôi đã không chọn ban Văn chương (ban
C) dù tôi rất thích và khá giỏi hai môn Anh và Pháp ngữ, mà ghi vào ban Vạn vật
(ban A), vì ông anh Cả ở Sài Gòn ra thăm bố mẹ tôi, biết thành tích học của
tôi, nên hứa sẽ “nuôi” cho tôi học Dược ở Sài Gòn. Thế là tôi chúi đầu vào “gạo”
Vạn vật và Lý Hóa để chuẩn bị được cầm cái bằng Tú tài II, hầu bước vào Đại học.
Tôi vui mừng bay ngay vào Sài Gòn (với tấm vé mà cha tôi phải mượn tiền để
mua). Nhưng oái ăm thay, ông anh Cả tôi đã quên lời hứa, kèm lời phán của bà chị
Dâu: “O Hồng con gái học chi cho lắm, chỉ ích lợi mai sau chồng nhờ, thôi để tiền
nuôi chú T (em trai tôi) …” Và khi tôi trở lại Huế thì đã quá muộn để ghi tên
vào phân khoa Đại học, chỉ còn Sư phạm Quy Nhơn nhận đơn, tôi ghi danh thi và đậu
ngay.
Các bạn ơi! Giờ đây tôi kể dông dài như trên không phải là nhằm mục đích khoe mẻ thành tích của người về già còn tiếc nuối cái quá khứ học giỏi của mình (để làm gì cơ chứ?!), mà chỉ để các bạn biết cho lòng tôi miễn cưỡng thế nào khi vào Sư phạm Quy Nhơn — buồn tủi vì cha mẹ nghèo không đủ tiền cho con học cao, lại tự ái và sỉ diện hão với bạn bè cùng lớp — tôi đã từng ray rứt với ý muốn bỏ trường bỏ bạn, rời xứ dừa sau mỗi biến cố của đời tôi. Nhưng ân tình sâu đậm của Thầy, của bạn mà tôi sắp kể dưới đây đã gắn số phận tôi với trường Sư phạm, với nghề giáo thân thương mà đến nay tôi rất đỗi tự hào.
Hai năm học ở trường Sư phạm Quy
Nhơn tôi đã phải gánh chịu hai cái đại tang — hai cái tang quá lớn trên đôi vai
gầy của một cô gái ngây thơ bé bỏng. Có lẽ linh cảm điều đó không vui cho tương
lai của tôi, nên chuyến tàu lửa mang tôi vào xứ dừa thật ảm đạm, tiếng bánh xe
sắt của con tàu đều đặn lăn trên đường rầy hòa với tiếng chong chóng quay ầm ào
của hai chiếc trực thăng hộ tống vần vũ trên đầu toa xe (đề phòng VC tấn công).
Nhập học tháng 9
thì một chiều tháng 12, tôi được điện tín báo tin cha tôi qua đời vì đột biến.
Sóng biển, hàng dương bên trường than khóc cùng tôi suốt đêm. Các bạn nội trú
xúm xít an ủi vỗ về tôi. Trong đầu tôi lởn vởn ý tưởng về Huế rồi sẽ không quay
trở lại vì mục đích học Sư phạm của tôi là vừa có học bổng, vừa chóng ra trường
có tiền để giúp cha già không còn nữa. Nay cha mất rồi thì tôi học tiếp ở đây
làm gì? Về Huế sang năm thi vào Đại học Sư phạm hoặc học SPCN để chuẩn bị vào
trường Y khoa.
Sáng hôm sau, bạn bè cùng phòng nội trú, cùng lớp và cảm động nhất là thầy Lương, Hiệu trưởng, cùng tiễn tôi tận chân cầu thang lên máy bay. Thầy xoa đầu tôi an ủi thật trìu mến như cha tôi thường làm với tôi. Thầy còn cử anh Võ trị Hà, người trưởng tràng, lại là hàng xóm của tôi tháp tùng theo tôi để đại diện trường phúng điếu cha tôi và giúp đỡ tôi trở về trường. Anh Hà cũng thích vì được dịp về thăm Mạ. Nhìn xuống sân bay tôi thấy mái tóc thầy như bạc thêm, cùng những cánh tay vẩy vẩy của bạn bè mờ đi sau làn nước mắt. Trước ân tình ấy, ý nghĩ sẽ bỏ trường bỏ lớp bỗng tan biến trong đầu. Tôi trở lại trường tìm vui trong tình thương của thầy, của bạn. Tôi lại vô tư gây cười cho các bạn, thường tự xưng mình là Hồng Thất Công (trong Thần Điêu Đại Hiệp) khi ngồi trên lầu hai, lầu ba mà dùng tài đánh hơi của lão “Cái Bang” đoán trúng phóc trưa nay Mệ Huế cho ăn món gì, khiến các bạn phục lăn và cười như “nắc nẻ” khi xuống tới phòng ăn. Tại đây, cả nhóm ăn lại nhỏng nhẻo với Mệ Huế là không ăn được cá ngừ, cà nướng … v…v.. Tội nghiệp Mệ Huế lại trìu mến sai đổi cho thành món chả trứng, cá thu chiên … Thế là các nàng dù là Hoàng Dung xinh đẹp, dù là “Phật tổ” Như Lai, dù là nàng Tôn Nữ Âu Dương Phong e lệ … (biệt hiệu của các bạn cùng phòng nằm cạnh giường tôi) đều ăn ào ào như tằm ăn rỗi, đem soong vào xin thêm cơm. Các chị bếp vui vẻ xới thêm rất tự nhiên để các cô khỏi thẹn, chỉ một nhát xúc của chiếc đũa bếp to như cái “xẻng xúc đất” là đủ đầy soong cơm. “Kílô” của các nàng tăng vùn vụt, vì sáng nào cũng “nhón” sạch hai thúng khoai lang luộc, bánh ú của hai nhóc con bác cai đội lên bán. Khỏi rao, khỏi mời, hai chú đã được các nàng ngóng từ thật xa, rồi đón ở cầu thang và thoáng một chốc chỉ còn hai cái thúng không. Các chú chỉ việc ngồi chờ, một lát sau các nàng đem tiền ra trả đủ. “Này chị hai xâu (khoai)…, này chị hai cặp (bánh ú) …”. Các nhóc chỉ việc đếm tiền, xong đội thúng ra về. Hỉ hả!!! Giành nhau mua vậy, nhưng ai chậm chân không mua được đều có phần chia cho. Vui như hội! Ăn, ngủ, cười và … chờ thư. Chỉ khi nào đọc thư người yêu thì mỗi nàng lui về một thế giới xa xôi với khóc, cười, trăn trở…
Nhưng số phận lại không mỉm cười với tôi vào năm sau, tôi lại chịu cái đại tang thứ hai. Lần này không phải là vành khăn trắng lên mái tóc, mà là mảnh khăn đen vắt qua “con tim vừa vui trở lại” của tôi: Người yêu của tôi, mối tình đầu trong sáng của tôi, vị hôn phu của tôi đã phụ tình tôi. Đời phi công hào hoa, đời lính cận kề bên cái chết, cùng với thái độ tránh né giữ gìn thái quá của người con gái Huế như tôi, cộng thêm không gian xa cách, khiến chàng sa ngã vào ánh sáng phù hoa, vào niềm đam mê vội vã mà nói lời bội ước với tình xưa. Trước lời thú nhận đã lỡ lầm của vị hôn phu, dưới sự chứng kiến của gia đình hai bên, dù mẹ chàng cố nói ra lời hàn gắn, nhưng tôi đã bình tĩnh chúc chàng hạnh phúc (không một giọt nước mắt van vỉ, không một lời oán trách hờn ghen), vì tôi nghĩ rằng bất cứ thái độ nào khác cũng sẽ đánh đổ thần tượng của chàng trong tôi. Và tôi cũng không cần một chút nào lòng thương hại của kẻ khác. “Người ta phụ mình, nhưng làm sao cho người ta vẫn tôn trọng mình”, tôi nghĩ thế.
Từ Sài Gòn trở lại Quy nhơn với con tim băng giá, với đôi mắt ráo hoảnh, tôi lại có ý nghĩ bỏ Sư phạm, rồi về Huế ghi danh học Đại Học để trở thành một bác sĩ, hơn hẳn “người ta” cho bõ tức. Nhưng anh lớp trưởng nhận ra nỗi buồn vời vợi trong tôi. Chờ lớp về hết, anh ở lại hỏi tôi “Sao em có vẻ buồn thế?”. Anh lớp trưởng đã có vị hôn thê ở Quảng trị và xem tôi như người em gái nhỏ. Tôi cũng xem anh như anh mình, nên khi anh hỏi chạm đến vết thương lòng, tôi đã òa lên khóc nức nở và kể cho anh nghe về mối tình tan vỡ của mình. Anh để yên cho tôi khóc, rồi dùng lời an ủi động viên tôi. Sau đó anh cùng các bạn trong lớp tổ chức nhiều chuyến du ngoạn ngoại thành: thăm Tháp Chàm ở Quy nhơn, trại cùi Quy hòa, viếng mộ Hàn Mặc Tử… , để tôi thấy nhiều cảnh khổ gấp bội mình. Rồi chuyến đi về Tuy Phước, thăm sâu vào làng quê Bình Định với những phong cảnh thật nên thơ, nhưng thấp thoáng những bộ quần áo đen lầm lũi (VC đó). Thấy thật rùng mình, may mà có anh trong đoàn, sinh trưởng ở vùng đó nên không việc gì. Rồi những phút cùng các bạn nội trú lầu ba ôm nhau lăn xuống gầm giường khi VC tấn công nổ bom tự sát làm sập lầu Việt Cường dưới phố (nơi có binh lính Mỹ đến đó ăn uống sau mỗi cuộc hành quân). Khi lầu hết rung chuyển, chúng tôi cùng chui ra một cách khó khăn gấp bội so với khi chui vào. Thầy Giám học lên bảo: “sao lại chui xuống gầm giường, sao không chạy xuống núp trong các hố cát ngoài sân, nhỡ lầu sập thì sao?” Thì ra khi hoảng hốt, chúng tôi đã hành động giống như những con đà điểu rúc đầu vào cát lúc gặp hiểm nguy. Nhưng nằm trong hố cát ở sân nhìn lên trời càng đáng sợ hơn: những lằn đạn xanh đỏ bay vèo vèo trên bầu trời do VC tấn công vào thành phố, bên ta chiến đấu đẩy lui. Thế là cái khổ, cái chết lại giúp tôi gắn bó với trường với bạn, chúi mũi tìm quên trong việc học, uống từng lời dạy dỗ của thầy cô để ra trường với hạng thủ khoa (mà các bạn cứ trêu là “thủ khôi” khiến tôi hờn giận mãi — thật là trẻ con!). Tôi được chọn giữ ở lại trường làm giáo sư hướng dẫn các khóa sau, nhưng tôi chỉ muốn về Huế để được sống bên mẹ già.
Rồi chính nhờ được làm một cô giáo hiền hòa, mẫu mực mà tôi đã vượt qua những nghiệt ngã của số phận do sự đối xử hà khắc của gia đình chồng và những tai ương của đất nước tạo nên. Môn tâm lý giáo dục của thầy Mẫn dạy tôi biết nói những lời ái ngữ với học trò trước khi phê bình cái sai của chúng. Nhớ lời thầy, tôi không bao giờ phê “chữ cẩu thả” mà “em cần viết cẩn thận hơn”, hoặc không phê “vở nhớp quá” mà là “vở sạch mới đẹp”…
Những năm dạy tiểu học, trong cặp tôi lúc nào cũng có hộp kim chỉ để khâu áo cho những em nào nhỡ rách, có cả lượt dày để chải chí cho mấy em gái nghèo thiếu bàn tay mẹ chăm sóc, có cả kéo để cắt tóc cho các em khỏi bị tóc che mắt…
Khi được chuyển
về trường cấp II Thuận An thì nơi đây là quê hương thứ hai che chở giúp tôi vượt
qua những khổ ải do gia đình chồng đọa đày. Lúc phải rời bỏ gia đình chồng do bị
đàn áp quá đáng, các phụ huynh ở Thuận An đã đùm bọc, an ủi xoa dịu cho tôi những
vết thương từ thể xác đến tâm hồn. Thậm chí có người mở lời cho tôi và hai con
vượt biên cùng con của họ mà không phải đóng một cắc bạc, nhưng tôi không thể bỏ
mẹ già và cậu em bị tâm bệnh để ra đi. Các học sinh của tôi đều mê môn Văn tôi
dạy, phải chăng do tôi đã trao truyền cho các em tất cả tình cảm thương yêu và
trải nghiệm của bản thân vào trong mỗi bài giảng? Thời bao cấp, nhà giáo đều
thiếu thốn, nhưng tôi biết tranh thủ thời gian để chạy chợ nuôi mẹ, em và các
con no đủ. Thấy các cô giáo mà phải vất vả ngược xuôi, các cô dì chủ hàng cũng
thương, dành cho sự nhẹ nhàng, ưu ái. Một số bạn tôi bỏ nghề, vì nghề giáo cơ cực
quá, nhưng tôi thì không. Tôi nghĩ rằng nhờ giữ nghề dạy học mà một người mẹ
đơn thân như tôi mới có thể giáo dục các con chăm ngoan, thành đạt và có cuộc sống
gia đình hạnh phúc hơn bố mẹ chúng. Tôi cảm thấy lời Phật dạy “sống từ bi, hỉ xả”
như thấm từ lúc nào vào cuộc đời làm cô giáo của tôi, tự nhiên như cây cỏ hấp
thụ khí trời. Tôi không hề oán hận ai, thậm chí cả với người đã hành hạ mình.
Có lẽ cuộc đời
nhà giáo của tôi chỉ biết gieo nhân lành nên cuối đời gặp quả ngọt: người yêu đầu
đời của tôi đã trở về quỳ xuống xin tạ tội vì đã để đời tôi bấy lâu chịu khổ
đau. Anh đã đón tôi sang đất nước Hoa Kỳ để tôi được sống sung sướng quãng đời
còn lại. Tôi được học sinh cũ của trường Trung học Thuận An từ nhiều tiểu bang
về chào mừng hoặc gọi điện thăm hỏi, dẫn cô đi thăm thú cảnh đẹp nhiều nơi .
Ôi, còn gì sung sướng hơn khi thấy những học sinh bé bỏng ngày xưa của mình, giờ
đây đã trở thành những trung niên khôi ngô, thành đạt, những thiếu phụ xinh đẹp,
lịch lãm nơi xứ người. Vậy mà đối với cô giáo cũ, các em vẫn một tiếng “thưa”
hai tiếng “dạ” rất đỗi lễ phép, khiến lòng tôi cảm thấy xúc động nao nao, tự
hào về mình và về các học sinh thân yêu. Tôi còn được gặp lại các bạn nội trú
trường Sư phạm Qui nhơn ngày xưa, nay các nàng đều xấp xỉ ở ngưỡng “thất thập cổ
lai hi”, nhưng vẫn xinh đẹp, vẫn yêu đời và nhất là tình bạn vẫn nồng nàn, thắm
thiết như xưa. Phải chăng, nhờ ngành Sư phạm mà vẻ đẹp truyền thống của nền văn
hóa Việt nam vẫn nở hoa trên xứ người!
Chính vì thế,
như đầu bài viết, tôi có kể lể là tôi miễn cưỡng thi vào trường Sư phạm, thì
nay tôi xin sửa sai để khẳng định: Nếu có kiếp sau, tôi lại cố gắng học để được
thi vào ngành Sư phạm, được làm một cô giáo mẫu mực, dịu hiền, để trao hết tri
thức và tình cảm yêu thương của mình cho thế hệ mai sau: gieo những nhân lành
nhằm tạo quả ngọt cho đời.
Nguyễn thị Hồng, Khóa 2 SPQN
Vài ảnh của SP.Qui Nhơn trước 1975
Trước sân Trường Sư Phạm QN (nk.1967- 1968)
:Lớp 6, khóa 3, năm thứ nhất (nk.1964- 1965)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét