Chữ nghĩa làng văn
***
Vải
Vải ; ông nội, ông tổ
(ông bà ông vải)
(Tự điển tiếng Việt cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)
Chửi đổng miền Nam
" Văn minh miệt vườn " miền Nam cũng tỏ ra không thua kém miền Bắc.
- Con hai mầy ăn ở phi thường, thiệt mầy đồ đĩ thõa, mèo đàng chó điếm, mầy ăn đàng sóng mầy nói đàng gió, mầy hại cha con tao bận này nghèo to.
Đến lúc diễn ra cái bộ dạng mắng chửi, tiếng như mõ rao, chân như múa hát, lên tay, xuống ngón, mặt như sơn đổ, tóc như tơ vò, nước miếng như bọt giải, tay cầm đất lia, chân đi cà xiểng không khác gì người điên...
(Nguyễn Dư)
Chữ Việt cổ
Do điều kiện về thời gian những từ cổ đã bị đẩy khỏi vị trí vốn có của chúng nhưng vẫn còn để lại dấu vết của mình, trở thành thành tố cấu tạo trong một vài từ nào đó..
Ngàn: bờ bãi, rừng núi - bạt ngàn.
(Đại Nam quốc âm tự vị - Huỳnh Tịnh Paulus Của)
Chửi mất gà ở Huế
Cao tằng tổ đĩ, cao tằng tổ khảo, cố tổ gia tông cả ông, cả bà, cả cha, cả mẹ, chú bác, anh em, họ nội, họ ngoại, xa gần ân ái, họ gái họ trai, dưới âm phủ đội mũ mà lên, trên thiên đàng xếp hàng mà đi xuống, bay hãy vén mái tai, gài mái tóc đặng chống tai lên cho rõ, chống cửa ngõ cho cao, chặt hàng rào cho thấp để mà nghe tao chửi đây nè:
Tau chửi cho tan nát tông môn họ hàng cái quân khốn kiếp, cái quân vô hậu kế đợi đã ăn hết của tau bảy con gà xám, tám con gà vàng. Bay ăn chi mà ăn ác nhơn ác nghiệp, ăn một lần một chục rưỡi con gà. Bay ăn cho chồng bay sợ, cho con bay kinh, bay ăn cho ngả miếu sập đình, cho mồ cha bay chết hết để một mình bay ngồi đó mà ăn. Đồ cái quân ăn chó cả lông, ăn hồng cả hột. Cái quân không sợ trời đánh thánh đâm… bay ăn mần răng mà hết chục rưỡi con gà?
Chữ là nghĩa
Hôm
qua đọc được câu thơ thấy tiếng Việt mình phong phú quá.
Ai về để áo cho ai
Ai về ai nhớ áo ai ai chờ
Chỉ có 2 câu thơ mà có 6 chữ "ai" mà chữ ai lại có ý nghĩa khác nhau. Ai mà học tiếng Việt
thì chắc phải điên đầu vì…“ai”.
Tuần báo Ngày nay bị đình bản
Tờ Ngày Nay bị chính quyền Pháp cảnh cáo vì bức tranh hí họa của Nguyễn Gia Trí trên bìa số 144 ra ngày 07 tháng 01, 1939.
Đến số 206 ra ngày 06 tháng 04, 1940, báo bị đình bản 1 tháng vì bức biếm họa cũng của Nguyễn Gia Trí.
Ba tháng sau, Pháp rút giấp phép, Ngày Nay đình bản vĩnh viễn sau số 224 ra ngày 07 tháng 09, 1940.
Hồ sơ mật vụ Pháp ở Aix en Provence không thấy nêu rõ lý do.
(Tự Lực Văn Đoàn chữ văn quốc ngữ - Trần Bích San)
Câu đố dân gian
Khi nhỏ, em mặc áo xanh,
Khi lớn bằng anh, em thay áo đỏ
(quả ớt)
Những kỷ niệm của tôi về văn học miền Nam
Văn học miền Nam thời khởi đầu có hai dấu ấn lớn, một là tác động của các nhà văn từ miền Bắc di cư vào và hai là phong cách của các nhà văn Nam Bộ. Tôi nhớ đã từng say mê đọc giọng kể chuyện mộc mạc mà thi vị của “Thằng Thuộc con nhà nông” của Hồ Hữu Tường, và những truyện khác của ông. Hàng tháng tôi hồi hộp theo dõi tạp chí Hương Quê, đăng đều đặn mỗi kỳ một truyện ngắn, mới đầu của Bình Nguyên Lộc, sau đó của Sơn Nam. Tiếp nối truyền thống tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh, các nhà văn này tiếp tục nâng nghệ thuật của mình lên trong lối kể chuyện tài tình riêng biệt của họ.
Tôi nhận thấy có sự dịch chuyển từ khuynh hướng tiểu thuyết bình dân có tính giải trí đến khuynh hướng tiểu thuyết văn học. Miền Nam khác miền Bắc ở chỗ trong cùng một thời kỳ đã cho phép phổ biến nhiều loại sách giải trí bình dân, kiểu sách thám tử, kiếm hiệp, đường rừng, xã hội tình cảm bi lụy kiểu người lớn, có người cho là rẻ tiền. Như thế nào là tiểu thuyết giải trí và tiểu thuyết văn học? Người đọc truyện ngắn, tiểu thuyết và các hình thức văn học khác thường đi tìm ba điều: sự vui thú, sự hiểu biết và sự thay đổi. (…) Truyện kiếm hiệp Kim Dung chẳng hạn.
Mặc dù có một xu hướng di chuyển từ Hồ Biểu Chánh đến Hồ Hữu Tường, đến Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam, Nguyễn Thị Thụy Vũ, ranh giới giữa truyện giải trí và truyện văn học không rõ ràng. Theo tôi có thể giải thích rằng người Việt ở miền Nam không có tính nghiêm nghị, dao to búa lớn, khó đăm đăm. Trên con đường di dân từ Bắc vào Nam, tổ tiên chúng ta có lẽ do phải đối phó với quá nhiều gian khổ trong quá trình khai hoang mở nước, rừng thiêng nước độc, riết rồi người ta lột bỏ gần hết những lớp vỏ ngoài, ném đi những áo mão cần thiết trong một xã hội đã định hình và chuẩn hóa cao độ như ở miền Bắc, và con người sống gần với thiên nhiên hơn, hồn hậu, không tin vào ba cái chuyện nghiêm trang vặt vãnh trên đời. Văn chương Bình Nguyên Lộc, Vương Hồng Sển, Lê Xuyên thể hiện rõ nhất tính chất vừa văn học vừa giải trí khơi khơi, nhưng đọc rồi thì không quên được. Tôi nhớ những đoạn văn rất hay của Bình Nguyên Lộc trong “Mưa Thu Nhớ Tằm”, hay hồi hộp đọc chú Tư Cầu” của Lê Xuyên.
(Nguyễn Đức Tùng)
Hồ Hữu Tường - 1
"Dạ, thưa... nhà tôi còn sống được từ trại tù, tới đầu con ngõ. Dạ thưa, tắt thở ngay đầu ngõ. Có kịp nhìn thấy nhà cửa không à? Dạ thưa, chẳng cần đâu, nhìn làm gì mọi thứ đã không còn như cũ... Vâng, thưa, lúc nhà tôi về tới nhà, chỉ có khoảng nơi trái tim còn hơi ấm...
Bà đưa tay lên.
"Dạ, tôi lấy kịp chút hơi ấm ấy. Dạ, nó vào hết đây."
Miệng có méo xệch đi. Nước mắt có rơi?
Không. Vẫn khuôn mặt bình tĩnh, tuyệt đẹp.
Buổi sáng hôm sau, con ngõ mở ra đường Trần Quang Khải chật ních người. Tôi đứng chờ trước ngõ. Khi quan tài đi qua, dẫn đầu là anh Tuấn, hai tay bưng di ảnh ông bố. Bức di ảnh xung quanh như bị xóa sạch hết. Chỉ có khuôn mặt ông Hồ Hữu Tường ngước lên, với cái micro trước mặt. Ông ta nói gì với hư vô và hư vô đang nói gì với ông ta? Ô hay, đã tưởng là không khóc được nữa.
(Tưởng nhớ người đã mất – Nhã Ca)
Tục ngữ hiện đại, hiện thực
Ăn trông nồi, ngồi trông đứa bên cạnh.
Ăn trông nồi , ngồi… chờ dọn sẵn
Hồ Hữu Tường - 2
Chẳng nhớ bao lâu sau, có dịp ghé lại. Vẫn ngôi nhà xưa, cũ kỹ, điêu tàn, bề bộn hơn. Bưóc vào nhà, vắng ngắt. Nhà cửa ngổn ngang những bao gạo, thúng, gánh bỏ không.
Gặp lại người con tên Tuấn.
"Xin lỗi. Tôi muốn thăm cụ bà."
"Mời chị vào. Mẹ tôi có ở nhà."
Bước vào, ngơ ngác.
"Bác đâu?"
"Mẹ tôi kia kìa, chị."
Theo tay, nhìn lên. Bàn thờ giản dị. Trên cái tủ nhỏ, bên trong đồ đạc đã trống hốc, là hai bức ảnh, chung một bát hương. Bức ảnh bà cụ đã đứng tuổi, mắt sáng, đẹp, bên cạnh ảnh ông chồng nhà văn nghiêm trang. Mắt cả hai như đang nhìn tôi, mỉm cười.
(Tưởng nhớ người đã mất – Nhã Ca)
(Jap Tiên sinh)
Đã có một thời…
Con gà mất tích
Cho đến khi tôi được coi tủ sách – gọi là thư viện – của trại, tôi ở trong một
căn nhà tranh nhỏ nằm ngay lối cổng trại ra vào. Bữa đó là chủ nhật, Trần Dạ Từ
nhờ tôi mua một con gà của một anh cũng là tù nhưng được gọi là “Trại viên tự
giác” ở ngoài trại. Anh ta làm thợ mộc và có nuôi thêm mấy con gà con vịt để ăn
và thỉnh thoảng bán lấy tiền mua thuốc hút. Tôi đích thân mang con gà vào trại
đưa cho Trần Dạ Từ. Nhưng buổi chiều ông Từ chạy lên tôi kêu toáng lên: Con gà
của tôi mất rồi ông ơi, nó giẫy dụa làm tuột dây cột chân rồi chạy mất. Tôi đi
tìm hoài không có.
Tôi cũng chẳng biết làm thế nào hơn, nhưng bỗng nảy ra một “sáng kiến” là đợi hoàng hôn khi gà lên chuồng, có thể con gà sẽ tìm về chuồng cũ, tôi sẽ ra hỏi chủ của nó xem. Từ đành phải về ngồi chờ. Tối đó, chờ giờ điểm danh xong, tôi bò ra ngoài gặp anh chủ gà, anh ta cũng là người ngay thẳng nên đưa tôi ra chuồng gà, chỉ có chừng chục con. Không thấy con gà mái buổi trưa đã bán đâu. Chắc nó lưu lạc trong cái trại tù mênh mông đó, không tìm được đường về chuồng cũ hoặc có anh nào tóm được nó rồi. Hôm sau cũng không tìm thấy con gà.
Thế là ông Trần Dạ Từ đành nhịn ăn thịt gà.
Còn ông Nguyễn Viết Khánh có tuổi nên được giao cho chức “trực buồng”, không phải xếp hàng đi lao động, chỉ ở buồng dọn dẹp vệ sinh cho đội. Các ông Mặc Thu, Nguyễn Sĩ Tế, Thảo Trường vẫn phải đi làm như tất cả mọi người khác.
(Tết trong trại tù cùng bạn bè – Văn Quang)
Giai thọai làng văn xóm chữ
Chữ
nghĩa làng văn
Tản Đà - Làm báo tùy hứng
Tản Đà say sưa ngật ngưỡng tối ngày. Trong Tản Đà ở Nam
Kỳ, nguyên thư ký tòa soạn Ngô Tất
Tố đã xác nhận:
Đành rằng nếu không có rượu
thì ông Tản Đà sẽ không phải là ông Tản Đà, nhưng trong khi nó làm
cho ông Tản Đà thành ông Tản Đà, chính nó cũng là thủ phạm làm cho
"An Nam tạp chí" không có bài đưa nhà in. Bấy giờ "An
Nam tạp chí" xuất bản mỗi tháng hai kỳ, nhưng mấy tháng sau nó
đã đảo lại: mỗi kỳ
2 tháng”.
Lưu Trọng Lư kể lại những “gian truân” để được tiếp kiến ông chủ báo
"An Nam tạp chi":
“Tôi đến lần thứ nhất vào khoảng tám giờ sáng”. Tên tiểu đồng cho tôi biết rằng ông chủ nhiệm đang ngủ. Mười giờ tôi trở lại, tôi cũng không thấy may mắn gì hơn, nhà thi sĩ vẫn chưa dậy. Mười một giờ tôi lại đến, nhà nho vẫn còn giấc. Tôi đành tự hẹn mình đến chiều. Hai giờ rưỡi tôi đến, Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu đã dậy và mới bắt đầu ngồi vào chiếu rượu. Bốn giờ tôi bước vào, thì hình như thi sĩ vừa... hạ đũa”.
Trong “Tôi với Tản Đà thi sĩ”, Phan Khôi, người được xem là khắc tinh với Tản Đà trên văn đàn, viết: “Cái lối đánh chén của ông Hiếu kề cà mất thì giờ lắm, tôi không chịu được, nên ít khi tôi ngồi trọn bữa rượu với ông. Ông đem hỏa lò để ở bàn mà tự làm lấy món ăn, khi mãn một tiệc ăn người nhà phải thay than trong hỏa lò đến năm sáu bận. Thường thường một mình ông vừa ăn uống lại vừa viết nữa. Ông cho có thế mới là thú”.
Ăn nhậu như thế thì thời gian đâu để Tản Đà làm bài? Theo Lâm Tuyền Khách trong “Một tháng với Tản Đà” thì ban ngày Tản Đà không làm việc, chỉ uống rượu, nói chuyện hay đọc sách, đến nửa đêm ông mới trở dậy thắp đèn viết cho đến sáng. Trong tờ báo nhiều khi độc giả thấy những bài Tản Đà viết đang liền mạch, tự nhiên bị bỏ dở trong một thời gian dài mới thấy viết tiếp.
Bởi làm báo tùy tiện và thiếu chuyên nghiệp nên cuối cùng, như Xuân Diệu nói:
“Nhưng một lần kia An Nam tạp chí
ra chậm quá chừng, chậm vô cùng, chậm không thể tưởng tượng được:
Tạp chí không ra nữa”.
Chữ là nghĩa
Tình yêu...giúp ta vượt lên những suy nghĩ…tầm thường
và đưa chúng ta tới những suy nghĩ...tầm bậy
Giai thọai làng văn xóm chữ
Tản Đà - Cứng đầu
Chúng tôi thử đi tìm nhưng không thể nào nhận diện được cái nơi ở Sài
Gòn mà 80 năm trước Tản Đà cùng Ngô Tất Tố đã thuê ở để viết cho tờ Đông Pháp
thời báo của ông Diệp Văn Kỳ sau khi An Nam tạp chí bị đình bản
ngoài Bắc. “Cái
nhà của chúng tôi ở kế tiếp với Xóm Gà, nó là
một nơi nhà quê thuộc làng Bình Hòa, cách Bà Chiểu độ 4 cây số và
cách Sài Gòn độ 10 cây số”.
Ngô Tất Tố kể rằng khi phụ trách phần văn chương cho Đông Pháp thời
báo, Tản Đà thường tối ngày uống rượu, mọi công việc giáo phó cho
ông cử Tùng Lâm. Một hôm vì thiếu bài, ông cử Tùng Lâm mới phải thêm
vào một bài thơ lá cải. Báo ra, bị Tản Đà hạch hỏi, ông cử
Tùng Lâm giải thích rằng vì thiếu bài, báo cần lên khuôn mà không thể xuống tận Xóm Gà để hỏi
bài.
Tản Đà tức giận mắng: “Nếu
thiếu bài thì bỏ trắng đấy cho tôi. Không xin phép tôi mà cho bài thơ
kia vào, như thế là ông hỗn!”.
Có lần cự nhau, “phóng viên” Tản Đà nói với “tổng biên tập” Diệp Văn Kỳ rằng: “Ông muốn tôi vào đây viết văn hay bửa củi, nếu bửa củi thì lúc nào bửa cũng được. Bằng viết văn thì phải đợi hứng, không hứng không thể viết”.
Vài ngày sau ông trả nhà về
Bắc, không một lời từ giã.
Trong “Người ghét Tản Đà” - tạp chí Văn, số đặc biệt về Tản Đà,
1971, Vũ Bằng thuật lại lời của Ngô Tất Tố than thở về Tản Đà:
“Không có tiền thì rầu rĩ, oán trách, rũ người ra như con cú, thế
mà một khi có tiền thì lại không muốn làm việc gì hết, chỉ uống
và ăn, hết ăn lại uống. Chưa uống thì bảo không có rượu như cái
máy không xăng nhớt không chạy được, uống vào sau rồi thì nằm khoèo
ra ngủ và lý luận một mình rằng say mà làm việc thì hỏi đời còn có
cái gì thú nữa?”.
Tản Đà còn có tính tự phụ, Ngô Tất Tố kể: “Không biết nghe lời anh em khuyên bảo. Cái số anh em thành thực khuyên ông rất hiếm, còn cái số nâng ông lên, sợ cái tài ông mà không dám làm mích lòng ông thì cả đống. Vì có nhiều kẻ nịnh ông như thế, ông bị hại mà không biết, mỗi ngày mỗi tự phụ thêm lên...”
Đồ nhà khó
Miệng nhà quan có gang có thép
Đồ nhà khó vừa nhọ vừa thâm
(Trạng Quỳnh)
Giai thoại làng văn xóm chữ
Tản Đà
Nhà văn Nguyễn Công Hoan kể: Trong các nhà thơ tiền bối, Tản Đà phục nhất Tú Xương. Ông đã viết một bài khen Tú Xương đăng trên báo An Nam tạp chí vào khoảng năm 1926.
Sau vụ lụt lớn năm ấy, tôi ra Hà Nội. Một buổi tối Tản Đà rủ tôi đi chơi mát bằng xe (kéo) trả tiền theo giờ. Người phu xe đêm ấy là một người già và gầy, nhưng vì chúng tôi đi hóng gió, không cần chạy nhanh mà người phu xe nói là kéo nổi hai người với giá rất rẻ sáu xu một giờ nên chúng tôi lên xe. Chạy được một quãng ngắn, Tản Đà bắt đầu nói chuyện thơ Tú Xương và khen bài thơ “Sông lấp Nam Định” :
Sông kia rày đã nên đồng,
Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai.
Vẳng nghe tiếng ếch bên tai
Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò.
Tản Đà nức nở khen chữ “vẳng” và chữ “giật mình”, nó ẩn chứa kín đáo nỗi ngậm ngùi của một tấm lòng hoài cổ. Anh phu xe lúc đầu còn chạy hơi nhanh, đến lúc ấy anh đi thong thả để lắng nghe…(còn tiếp kỳ tới)
(Huyền Viêm)
Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Trăm năm trong cõi người ta
Chồng hay so sánh... vợ ta, vợ người.
Chữ nghĩa làng văn xóm chữ
Hồi bé nghe ba kể về Phùng Quán, ngồi há mồm nghe như nghe chuyện ông tiên trên trời, chẳng ngờ có ngày gặp anh. Gặp rồi vẫn thấy anh giống ông tiên, quần bà ba, áo cánh kiểu H’mông, chòm râu trắng phơ phất, đi guốc mộc chậm rãi khoan thai, đôi mắt sáng trưng, nhìn vào ai cũng thấy ấm áp lạ thường.
Nghe anh kể cuộc trần ai 30 năm rượu chịu cá trộm văn chui… thật hãi quá. Nghĩ bụng mình rơi vào trường hợp của anh liệu có chịu nỗi 3 năm không. Anh chỉ cho mình cái cột nhà bà bán rượu phủ kín những vạch phấn cao gần 2 mét. Cứ mỗi chai rượu chịu là một vạch phấn, có đến mấy trăm vạch phấn như vậy. Xong cột này lại xóa đi vạch cột khác, mười năm ở Nghi Tàm anh ghi nợ cả chục cột , tính ra cả chục thùng phuy rượu, kinh. Phục anh uống nhiều rượu thì ít, phục bà chủ quán cho nợ rượu thì nhiều. Nợ vài ba chai đã không muốn, nợ năm bảy chai đã khó chịu, nợ đến mươi lăm chai thì đừng hòng, đằng này bà cho nợ cả thùng phuy.
Bà chủ quán rượu nói mấy ai được Phùng Quán nợ rượu. Tôi mà giàu có tôi thay mặt đất nước đãi rượu nhà thơ Phùng Quán, khỏi phải nợ nần. Ai đời thủa làm được bài thơ hộc máu mà một chai rượu không có uống. Phùng Quán rời Nghi Tàm cả chục năm, hôm lên thăm lại bà vẫn thấy cái cột nợ rượu của anh đầy phấn trắng, hỏi sao không chùi đi, bà cười, nói tôi giữ làm kỉ niệm.
(Nhớ Phùng Quán – Nguyễn Quang Lập)
Tục ngữ hiện đại, hiện thực
Cá không ăn muối cá ươn,
Chồng cãi lại vợ trăm đường thiệt thua.
Đuờng văn ngõ chữ
Người của giai thoại
Cũng như Tô Hoài, Nguyễn Tuân... Xuân Diệu được người cùng thời kể vô số chuyện nghề và chuyện đời, không biết thật đến đâu và hư đến đâu. Xuân Diệu từng tự nói về mình: “Tôi làm thơ đấu tranh thống nhất và xây dựng chủ nghĩa xã hội cũng dở như anh Huy Cận, anh Chế Lan Viên nhưng tôi còn có thơ tình”. Và Xuân Diệu gọi loại thơ phục vụ xã hội của mình là một thứ “thuế thân”.
Cũng theo ông Phương: “Khi chúng tôi làm tuyển tập Xuân Diệu thời chưa đổi mới, Giám đốc NXB Văn học dặn Xuân Diệu chọn 20 bài thơ trước cách mạng. Xuân Diệu đòi in hơn, không được bèn dỗi nói thôi không in nữa. Nhưng hôm sau ông bảo tôi, Phương ạ anh nghĩ rồi. Mình dỗi bảo không in, nó lại không in thật. Thôi các cậu in được bài nào cứ in, như cứu những đồ vật trong cái nhà bị cháy. Cứu được bài nào vứt ra ngoài sân, được cái chổi cái cối đá cứ mang ra. Còn việc sắp xếp cái nào hơn cái nào thì thời các cậu chưa phải lúc”.
Trần Đăng Khoa điểm sơ hai chặng thơ rõ rệt của Xuân Diệu mà ai cũng biết - trước cách mạng thì rạo rực yêu đương và sống cuống quít, bay bổng, sau cách mạng thì kéo thơ về mặt đất và cố gắng đưa thật nhiều thực tế đời sống vào thơ. Nhiều lần Xuân Diệu phàn nàn với Khoa: “Cái mồm của thơ ta bé quá. Phải rạch nó ra để nhét đất đá của đời sống vào”.
Xuân Diệu kể vào năm 1960 về Nam Định tức cảnh làm bài thơ Trước cổng nhà máy xay có bốn câu cuối thế này:
Cổng đóng, tôi tựa cổng - đứng chơi
Nhìn vào nhà máy với nhìn trời
Thấy mình chắc dạ, nghe no đủ
Như cả nhà xay: gạo của tôi.
Đã nộp “thuế thân” đến mức ấy mà còn bị một nhà thơ trách cứ: “Mọi người đang lao động vất vả, tất bật xây dựng chủ nghĩa xã hội, góp phần đấu tranh thống nhất đất nước mà nhà thơ còn đứng chơi!”. Ông Hồng Diệu còn kể: Xuân Diệu có một quyển sổ ghi những thứ phải chi tiêu hàng ngày: Mấy mớ rau muống, vài lạng thịt chó, dăm ba quả trứng gà... do người giúp việc hoặc chính ông mua. Thấy Hồng Diệu cứ lật đi lật lại từng trang có vẻ soi mói, nhà thơ bảo: “Chắc từ bé anh đã chịu khó chịu khổ quá nhiều nên bây giờ mới tỉ mẩn như một bà già lắm điều thế”.
Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Lòng em muốn lấy thợ bào
Ảnh khom lưng ảnh đẩy cái nào cũng sâu
Những hình dạng mới của chữ nghĩa
Một giáo sư ngữ học dậy khoa Văn tại Đại học tổng hợp ở Hà Nội cho biết nhiều nhà văn, nhà thơ thành danh đã phạm những lỗi ngữ pháp về tư duy lôgích. Ngoài lỗi trùng ngôn, trùng ngữ ra còn có một lỗi khác nữa do không hiểu cái thái độ khiêm tốn cố hữu của người Á Đông tôn vinh người đối thoại với mình. Trong khi bản thân mình thì tự hạ thấp bằng những từ xấu nghĩa, cho nên dần dần chuyển thành một nghĩa khác.
Chẳng hạn chữ "quý" trong quý
phương, quý nữ hay chữ "nhã" trong nhã ý, chữ "cao" trong
cao kiến đã trở thành một đại từ sở hữu chỉ ngôi thứ hai (có nghĩa là "của
ngài") chữ "tệ" trong tệ xá hay chữ "hàn" trong hàn
gia, chữ "ngu" trong ngu ý đã trở thành một đại từ sở hữu dùng cho
ngôi thứ nhất ("của tôi").
Vì không hiểu những ý nghĩa phái sinh này, có khá nhiều người nói những câu như
“Tôi có nhã ý
mời anh chị đến dùng cơm” hay “Theo thiển ý của bố tôi thì họ rất tốt” đều không
ổn, vì "nhã ý" chỉ có thể dùng cho ngôi
thứ hai ("cái ý nhã nhặn của ngài"), còn "thiển ý" chỉ có thể dùng cho ngôi thứ nhất
(vì tôi không có quyền "khiêm tốn giùm" cho bất kỳ ai khác).
Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Sau một loạt ấn bản “từ điển Vũ Chất” bị “tuýt còi” với lỗi ngô nghê, mới đây, lại có thêm một cuốn từ điển với cách giải nghĩa từ ngữ… giật mình, đó là cuốn “Từ điển tiếng Việt” do NXB Bách khoa Hà Nội biên soạn có những định nghĩa gây choáng váng:
”nhà xác” là… “nhà vĩnh biệt”
Tình dục trong làng văn xóm chữ
Nhà Lê
Từ triều (hậu) Lê, nhất là từ Lê Thánh Tông (1460-1497), ý thức hệ Nho giáo đã được chấp nhận là chính thống từ tổ chức chính trị và cách hành xử cá nhân. Công cuộc cải cách diễn tiến trong sự giằng co giữa bảo thủ và đổi thay của hai phe đối nghịch với đại diện là Lương Đăng và Nguyễn Trãi nhưng căn bản vẫn là "phỏng theo quy chế của nhà Minh" đương thời. Tổ chức học hành thi cử nhặt nhiệm, thường xuyên hơn thời trước đã đem những nguyên tắc Nho đi vào tầng lớp dân chúng rộng rãi hơn.
Vợ goá của Nguyễn Văn Điều là tiết phụ được cấp bảng vàng (1456). Người ta truy tặng cả những nhân vật trong quá khứ: Lê Thị Liễn, vợ Túc vệ Lương Thiên Tích đời Hồ, có nhan sắc, goá chồng sớm, không con, ở vậy, được biểu dương (1437). Trong lúc đó thì Quốc tử giám sinh Lê Tử Dục dụ dỗ vợ cả, vợ lẽ của người khác liền bị xử chém. Hàn lâm viện đãi chế Vũ Văn Phỉ thông dâm với mẹ vợ, tuy bỏ tiền chuộc tội nhưng vẫn phải đi đày. Ngay đến công thần (1429) như Lê Thụ vẫn bị hặc tội (đầu 1435) "đang có quốc tang lại lấy vợ lẽ... không theo lễ, phép".
(Giống đực và giống cái trong triều đình – Tạ Chí Đại Trường)
Tranh dân gian
Bản khắc gỗ in kinh
Đồng thời sách vở để lại ghi: Thế kỷ thứ III, làng Yên Hòa có một thứ giấy gọi là “Mật hương chỉ”. Năm 1295, Trần Anh Tông sai Trần Khắc Dụng và Phạm Thảo sang nhà Nguyên xin kinh Đại Tạng. Thiền sư Pháp Loa, trụ trì chùa Qùynh Lâm bắt tay vào việc khắc bản in. Mỗi trang sách là một bản gỗ, phải khắc lên chữ trái để khi in ra giấy bản là chữ phải. Vì có những bộ kinh lớn, bản gỗ lên tới 600.000 tấm, thời gian hòan tất trên 20 năm. Với hàng trăm người khắc, hàng trăm người in, cho khỏang 1.400 chùa chiền.
Tình dục trong làng văn xóm chữ
Cái thúng
Quy chế lễ của Nho giáo rất gắt gao trong việc phân biệt giao tiếp trai, gái. Nam nữ không được ngồi lẫn lộn với nhau, không treo quần áo cùng chỗ, không dùng chung khăn lược, không trao vật gì tận tay... Nếu có trao, người nữ phải cầm một cái thúng, không có thúng thì hai bên ngồi xuống đặt vật xuống đất rồi mới nhận của nhau. (Kinh Lễ, Nguyễn Tôn Nhan trích dịch, Nxb. Văn học 1999, tr. 41, 135). Nguyên tắc "trai gái không được tắm chung" đã được đề ra trong "24 điều giáo huấn" của thời Hồng Đức. Chắc là bắt chước của Đại Việt nên vài thế kỉ sau đó.
(Giống đực và giống cái trong triều đình – Tạ Chí Đại Trường)
Tranh dân gian
Bản khắc gỗ
Những bản khắc gỗ
hiện lưu trữ tại Nhật
Các cụ trong làng kể lại: Hồi Pháp thuộc, người ở viện Bác Cổ thỉnh thoảng lại đánh xe ô tô về mua tranh, mua cả bản khắc tranh nữa. Nhà cụ Lữ có bản khắc tranh gà rất quý đưa đi đóng cửa chuồng gà, người Pháp phát hiện ra hỏi mua cụ bán liền. Nghĩ mà tiếc đứt ruột!
Tình dục trong làng văn xóm chữ
Vợ cả, vợ lẽ
Thánh Tông lại muốn vươn lễ giáo đến cả các dân tộc thiểu số nên sắc chỉ 1470 cũng nhắc đến việc trị tội những người Man lấy vợ cả, vợ lẽ của anh em đã chết rồi, cho là phạm đến luân thường đạo lí (như khi mắng chửi vua Chiêm) mà không biết rằng đó là tục lệ thường của họ. Và chắc Thánh Tông cũng không biết rằng ngay trên vùng quyền lực trực tiếp của ông, người dân cũng chỉ quan tâm đến một nửa của một trong 24 điều giáo huấn kia.
Nhà văn Chu Tử còn thấy ở gần quê ông, phụ nữ vẫn tắm truồng và có lần cậu bé Chu Văn Bình (lén đi coi) đã bắt quả tang ông thầy khả kính của mình cũng lảng vảng gần đó!
(Giống đực và giống cái trong triều đình – Tạ Chí Đại Trường)
Tranh dân gian
Kẻ Bưởi
Ở Tây Hồ có phường Yên Thái làm giấy, phường Nghĩa Đô dệt lĩnh và phường Thụy Khê cất rượu.. Ba phường Yên Thái, phường Nghĩa Đô, phường Thụy Khê gọi gồm là Kẻ Bưởi.
Tuy nhiên nhắc đến Kẻ Bưởi hàm nghĩa phường làm giấy dính liền với chiều dầy của dòng lịch sử kéo dài cả mấy trăm năm. Mỗi mảnh đất hình như có dòng sinh mệnh riêng nó. Làng Yên Thái bây giờ, giấy bồi, giấy hội đang đi vào buổi hòang hôn. Chuyển qua làm nồi, làm đồng, vì vậy gần đây có câu “lệnh cồng chiêng Bưởi” là thế.
Tình dục trong làng văn xóm chữ
Lọan dâm
Lê Thánh Tông mắng chửi bọn man di mọi rợ nhưng cũng không ngờ con cháu mình lúc thất thế cũng lâm vào vòng loạn dâm như ai. Lê Thần Tông Duy Kì (1607-1662) là cháu ngoại Trịnh Tùng, cháu gọi Trịnh Tráng bằng cậu, thế mà phải chịu làm rể ông này, lại lấy bà vợ có 4 con của ông bác họ Lê Trừ bị Tráng giam trong ngục, hành động bị triều thần can ngăn, nhưng trước sự thể bị áp bức đành chỉ có thể ngậm ngùi than van! Chỉ vì họ Trịnh trong thế không thể cướp ngôi Lê thì để con cháu làm hoàng hậu, làm vua thay mình. Tính chất tương tranh của các dòng họ lớn đương thời khiến họ dùng nhân vật nữ làm thế kết giao, hoà hợp tạm thời, không kể gì đến lời thánh dạy. Nguyễn Hoàng khi về Nam (1600), đã để con cháu làm tin ở đất Bắc, thấy chưa đủ, bèn gả con gái cho Trịnh Tráng, nghĩa là người ông-cậu trở thành cha vợ! Loại incest vì nhu cầu chính trị như thế là chuyện thông thường của khắp nơi, không riêng gì Đại Việt.
Đầu năm mới (1501), Hiến Tông về Tây Kinh thăm quê cha đất tổ, ra lệnh cấm các quan không được mang theo vợ con, hay đĩ, để "bừa bãi tình dục".
(Giống đực và giống cái trong triều đình – Tạ Chí Đại Trường)
Thợ nhuộm
Lê Thánh Tông là một bậc anh quân (1460 - 1497), chẳng những sửa sang được nhiều việc chính trị quan trọng, đánh Lão Qua, dẹp Chiêm Thành, mà còn là người rất có tài về văn học, và làm cực thịnh nền văn học nước nhà. Chính ông đã thành lập và làm Nguyên súy hội văn học “Tao đàn nhị thập bát tú”.
Ông là tác giả của nhiều tập thơ chữ Hán, chữ nôm và nhiều bài đề vịnh phong cảnh. Do rất quan tâm đời sống dân nghèo nên thơ văn ông thường gởi gắm tâm tư, tình cảm mình vào những đề tài rất mực tầm thường như thằng mõ, thằng ăn mày, thằng bù nhìn, cái chổi, con cóc, cái nón v.v.
Tương truyền tối ba mươi Tết, ông giả làm người học trò, kín đáo vi hành các nẻo đường phố ở kinh đô để dạo chơi và để rõ dân tình. Đến nhà một người thợ nhuộm, thấy không có dán câu đối, “người học trò” ấy bèn vào thăm hỏi, và viết cho một câu đối:
Thiên hạ thanh hoàng giai ngã thủ,
Triều trung ngô tử tống ngô gia.
(Xanh, vàng thiên hạ đều tay tớ,
Đỏ, tía triều đình bởi cửa ta).
Sách sử thế này, học sinh hãi lịch sử là đúng
Sang lớp 5, tính hàn lâm của các bài học vẫn vậy. Chỉ có khoảng một nửa số bài
là nói về các sự kiện lớn cần phải biết như “Mùa thu cách mạng”, “Điện Biên
Phủ, pháo đài thực dân sụp đổ”, “Tiến vào Dinh Độc lập”,…
Còn lại là những bài học khô khan, học khó vào với trẻ 10 tuổi. Chẳng hạn như “Nguyễn Trường Tộ mong muốn canh tân đất nước”, “Xã hội Việt Nam cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX”,…
Những bài học này, với học sinh lớp 4, lớp 5, quả là “nghe đã thấy oải”..Có những bài mà độ hàn lâm đáng kinh ngạc của sách sử. Đó là các bài “Văn học và khoa học thời Hậu Lê” ở Lịch sử 4 quá nặng kiến thức hàn lâm. Vì đứa bé 9 tuổi mà lại phải học để biết các tác phẩm, tác giả về văn học và khoa học thời Hậu Lê như:
“Quốc âm thi tập” của Nguyễn Trãi, “Ức Trai thi tập” của Nguyễn Trãi, thơ Nguyễn Mộng Tuân, thơ của Lý Tử Tấn, Nguyễn Húc, “Việt sử kí toàn thư” của Ngô Sĩ Liên…
Khi dạy đến bài 18 này, giáo viên vừa ngạc nhiên vừa buồn cười. Nhiều thầy cô bảo: “Đến giáo viên còn chẳng hiểu huống chi học sinh dưới 10 tuổi”.
(Tùng Sơn)
Chữ nghĩa lỗ mỗ lơ mơ
Chúng tôi có trong tay cuốn sách “Giải nghĩa tục ngữ Việt Nam” của Nguyễn Cừ viết loạt bài “Dĩ hư truyền hư – Những sai lầm mang tính hệ thống trong từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam của GS Nguyễn Lân” thấy một cuốn sách có quá nhiều “vấn đề”. Tác giả không phân biệt được thế nào là thành ngữ, thế nào là tục ngữ; thế nào là ngữ danh từ, quán ngữ; giảng sai, hiểu sai thành ngữ, tục ngữ; chép sai văn bản, viết sai chính tả, v…v.,,
Xin dẫn chứng: Ngay phần “Lời giới thiệu”, tác giả viết:
-“…nhìn hình thức bề ngoài thì tục ngữ chỉ là những tập hợp từ có cấu trúc ngôn ngữ bền vững, chặt chẽ, được dùng như lời ăn tiếng nói giao tiếp hàng ngày, rất ngắn gọn, có vần điệu và nhịp điệu…” (đoạn 1).
- “Tục ngữ là biểu hiện của lời ăn tiếng nói, biểu hiện sự sử dụng ngôn từ, vốn từ vựng phong phú của tiếng Việt. Thông qua tục ngữ, tiếng Việt đã phát triển ở một trình độ cao, xứng đáng là ngôn ngữ của dân tộc Việt Nam” (đoạn 2).
Ở đây Nguyễn Cừ đã nhận lầm thành ngữ ra tục ngữ. Bởi “những tập hợp từ có cấu trúc ngôn ngữ bền vững, chặt chẽ…” là đặc điểm hình thức của thành ngữ chứ không phải tục ngữ.
(Hoàng Tuấn Công)
Thành ngữ xuất xứ từ thơ cổ và điển cố 12
Vẽ rồng thêm mắt
Thành ngữ 画龙点睛 [Họa long điểm tinh] (Vẽ rồng điểm mắt) là câu thành ngữ bắt nguồn từ câu chuyện ly kỳ được truyền đời này qua đời khác của một danh họa thời nhà Lương mà trình độ vẽ đạt tới mức truyền thần…“Vẽ rồng điểm mắt” có xuất xứ từ cuốn “Lịch đại danh hoạ ký” (Ghi chép về những danh hoạ nổi tiếng trong các triều đại) do Trương Ngạn Viễn thời Đường soạn.
Trong tác phẩm ghi lại Trương Tăng Dao vẽ bốn con rồng trên bức tường của Kim Lăng An Lạc Tự, nhưng ông không vẽ mắt. Ông thường nói: “Vẽ mắt rồng sẽ bay mất”. Mọi người cho rằng lời nói của ông là hoang đường, vô căn cứ, nên thỉnh mời ông vẽ thêm mắt. Một lúc sau, sét đánh đổ tường, hai con rồng được vẽ thêm mắt cưỡi mây bay lên trời. Chỉ còn lại hai con rồng không vẽ mắt vẫn ở trên tường.
Hiện nay, người ta vẫn thường dùng "Họa long điểm tinh" để ví với việc khi viết văn chương, phải đi sâu và làm sáng tỏ những điều then chốt nhất, khiến nội dung càng thêm phần sống động.
(Nguyễn Ngọc Kiên)
Vòng quanh các rạp ciné Sài Gòn xưa
- Rẽ ra đường Trần Hưng Đạo có rạp Đại Nam của ông Ưng Thi nổi tiếng sang trọng. Vào coi rạp này thì nên ăn mặc cho đàng hoàng một chút. Chứ áo thun quần cụt, còn chơi thêm đôi dép Nhật lủng la lủng lẳng như "Phánh ký Hủ tiếu" thì người ta cười…cha mẹ mình.
(Nguyên Trần)
Vòng quanh các rạp ciné Sài Gòn xưa
Đầu đường Nguyễn Thái Học (ngã ba Phạm ngũ Lão) đỗ xuống tận Cầu Ông Lảnh là nơi tọa lạc 2 rạp: Đình Tân Kiểng và Nam Tiến, dành cho những khán giả dể tính, sau này chỉ để cho các đoàn cải lương, hát bộ, hồ quảng. Xuống ngay downtown Saigon có rạp Vĩnh Lợi ở đường Lê Lợi gần Bệnh viện đô thành.
Vào xem phim ở đây có cái tiện lợi là nếu "thả dê" bậy bạ lỡ bị ăn guốc "phun máu đầu" thì chỉ cần mấy bước là tới nhà thương ngay. Rạp thuộc loại trung bình. Coi phim xong rồi tạt vô quán Thanh Bạch đá một dĩa cơm rang "bổn tiệm" hay một ổ bánh mì gà thì thiệt là mát trời ông địa.
(Nguyên Trần)
Mời Xem :
Vòng quanh các rạp ciné Sài Gòn xưa
CHỮ NGHĨA LÀNG VĂN ( Kỳ 1/11/2021 ) - Ngộ Không Phi Ngoc Hùng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét