24 thg 11, 2021

Thu Đi, Cá Trở Về Nguồn - Cung Tích Biền (Văn Việt )


Buổi sơ nguyên của lý luận mang hơi hướng triết học, có câu chuyện giữa hai triết gia Trang Tử và Huệ Tử. Đứng trên cầu, nhìn dòng nước sông Hào trong vắt, bầy cá lội tung tăng. Một này nói, Bầy cá bơi đùa, cá vui nhỉ. Kẻ kia bảo, Ông có là cá đâu mà biết cá vui buồn. Ông này trả lời, Ông có là tôi đâu mà biết tôi hiểu hay không hiểu, cá buồn hay vui.
Là, do liên tưởng, cái đầu tôi mông lung bá láp vầy thôi, khi chiều nay tôi cùng nhìn thấy cá. Tôi và Kim đến Seattle những ngày mùa thu, thăm bạn. Cùng là mơ màng với nắng gió nồng nàn, khi sắc thu đổi màu. Cây. Lá. Và rừng. Cả núi đồi. Nghìn màu. Nồng và lạnh. Ấy là trên mặt đất. Rất ngậm ngùi khi Nguyễn Đức Quang đưa tôi đi xem cá trong dòng sông Cedar. Một sông nước cá hồi. Sông thì có cá, đương nhiên. Nhưng cá này, đặc biệt, cùng nhau bơi ngược dòng. Chúng đang trở về nguồn. Sao mà cá biết nhớ nguồn?
Sông Cedar, tiểu bang Washington, tây bắc nước Mỹ, phát khởi từ vùng núi Cascade, không dài lắm, chừng 45 dặm [72 cây số] rồi hòa vào hồ Washington to lớn, vùng Seattle. Một con sông nhỏ nhưng rất đẹp. So với núi non hung vĩ, biển cả ngoài kia, và hồ Washington tưởng như mênh mông, Cedar là một thiếu nữ, với bí ẩn lẫn hoang đường. Tôi đến với Renton Memorial Stadium. Đi qua Cedar River Trail, một lối đi bộ từ Maple Valley, qua Renton ra tới bờ hồ Washington. Sông hai bờ, nhiều nơi thẳng tắp, song song nhau như một kênh đào. Vừa đi, thơ thẩn nhìn, lòng thương nhớ những con kênh Nam Kỳ. Nhớ Châu Đốc, Hà Tiên, Vĩnh Long, Bạc Liêu, những con kinh đục màu phù sa. Nguồn nước Phương Nam quê nhà, không trong vắt như Cedar, nhưng phù sa nhiệm mầu đã bao đời nuôi dưỡng con người.
Renton, Tây Bắc Mỹ. Một sáng lạnh. Trời lúc nắng hoang, lúc sương mù. Mù sương biến những cây lá thu, bức tranh lắm màu kia trở nên một cảnh trí kỳ ảo. Là thoát thai từ một thiên nhiên lẽ ra được bày biện trung thực trong nắng hiện.
Lại nhìn cảnh giới mơ màng. Hai bờ lá phong mùa thu đỏ. Trong dòng nước phiêu phiêu từng cặp cá màu hồng, rồi nhiều cặp, lãng đãng trong tìm đường về nguồn.
Thuở kia, loài cá hồi này được mấy bà mẹ đẻ ra ở đầu nguồn. Chúng theo sông, trôi ra hồ. Ra tận biển. Khi trưởng thành, giựt mình, thấy đã phiêu bạt, xa bờ hằng nghìn cây số, nay chúng tìm về “Nơi mẹ đã sinh ra tôi”.
Lũ chim di mùa lạnh, từ phương bắc bay về phương nam tìm ấm. Hết mùa lạnh lại từng đàn cùng bay nghìn dặm về phương trời cũ. Cá hồi không tìm ấm. Chúng, cũng như mẹ mình trước kia. Được đẻ con rồi chết, ngay nơi xưa kia mình được sinh ra. Như thế, tử sinh, sinh tử tiếp nối. Hoài hoài sự nối dòng là như thế. Những kiếp cá hồi từ bà cao bà cố đời đời truyền nhau lưu nối, về sau. Không có trường lớp dạy nhau cái truyền thống, cái bản sắc, rườm rà như con người. Đây chỉ là cái bản năng truyền lưu, được ký gởi, đóng dấu tự phút thiêng liêng trong Cõi đất trời, từ mỗi loài vật.
Trên hành trình biển cả về sông, sông theo nguồn của con cá vợ, luôn có một chàng cùng bơi kèm theo nó. Dai dẳng, tận tụy, rất chi là tình. Sống chết có nhau. Đó là anh cá chồng. Cùng với vợ, bơi cặp nhau, dìu dòng nước ngược.
Dù đã dự trữ nguồn mỡ, năng lượng cho cơ thể, trước một hành trình trót nghìn cây số nhưng con cá hồi vợ đang mang bầu, tới đây trữ lượng cơ thể kia đã cạn kiệt. Con bụng bầu, mình lở lói. Đang bơi chậm ngược dòng nước xiết, bỗng lừ đừ, khựng lại, lảo đảo, lăn tròn lông lốc theo dòng nước mạnh đẩy lui. Anh chồng tức khắc quay lại. Dùng cái đầu nghiêng qua đầu vợ, che chắn sức nước. Lấy thân mình to lớn, dìu vợ gắng bơi tiếp.
Sông Cedar nơi này, tuồng không có đáy. Chỉ một mặt bằng phẳng đáy sông từ bờ này sang bờ kia, như đáy của một hồ gương nuôi cá. Lòng sông không có bùn đất. Chừng người xưa có tay tiên rải sỏi, một thảm sỏi, đá nhỏ màu xám đậm nhạt chen nhau phủ kín đáy sông. Nước trong vắt. Nhìn từ chiếc cầu cao, thấy lũ cá lội nhỏ nhoi, một màu hồng đỏ quyến rũ, như nhìn cá cảnh trong một hồ nuôi trong phòng khách nhà ai. Thật tình, cá hồi con lớn, có chiều dài tới 84 cm, cân nặng từ 2,5 đến 7 kg.
Về tới nơi kín đáo đầu nguồn sông, tìm nơi ít sức nước, có thể, lúc đó vợ đẻ trứng. Anh chồng ngay đó phun ra một lớp nhựa, phủ lên trứng, như một lớp tinh trùng để thụ tinh. Xong công việc, cả hai cùng chết. Biển cả ngoài kia mất đi một cặp vợ chồng cá. Một thế hệ cá hồi thuở kia ra đi. Một đời di tản, lìa xa cội nguồn. Nay, có một nơi chốn để về, cùng nhau chết nơi chào đời.
Cớ sao tôi mơ màng, đêm nay, đêm mai, có những cặp vợ chồng trên đất Mỹ, đã già lắm rồi, nhất tâm dìu nhau bơi từ bờ tây nước Mỹ, đâu nơi bãi biển Huntington Beach, Long Beach, hay Newport Beach chẳng hạn, hoặc có thể. Người chồng đầu bạc, bơi phía trước che sóng cho người vợ bạc đầu bơi sau. Bơi vượt Thái Bình Dương, tìm đường về nơi cố quận. Đây là tâm nguyện, như bao người cầu mong được rải tro cốt mình ra biển. Mong một ngày, chút li ti máu xương đã cháy tan ra tro bụi kia, có thể, “cập” bãi Đà Nẵng hay Vũng Tàu, hay kia nọ, nơi có bãi nắng, thuyền chài, của mây trời cố quận.
Có người sẽ quở trách tôi. Hài hước, ví von làm chi, hóa là mỉa mai tuổi già! Đâu tệ lòng đến vậy, khi tôi nay, người cầm bút vào tuổi U 90. Chính tôi cũng muốn nạp điện vào gân cốt. Mong “Bơi về”. Không thể bơi đôi tay, Tôi bơi trong mơ.
                               **
Trong dòng nước mùa thu, cây lá hai bờ sắc màu như tranh vẽ, cá dưới kia vui hay buồn? Hỏi Trang Tử xem sao.
Bao loài vật, sống với bản năng, nhưng có những giây phút sống với trời linh thiêng. Con rùa biển, khi sinh nở tìm về bãi biển hẻo lánh. Đào một cái ổ cát, đẻ trứng, rồi lấp lại. Bọn trứng không được ấp nồng từ bụng mẹ rùa như lũ gà con. Cát vàng ấm, ấp trứng rùa. Rồi trứng nở từng loạt rùa con. Bọn con vừa chào đời tự bới cát chui ra. Với trời hoang bãi trống, với nắng tinh khôi buổi sáng, hay tà dương chiều xám, một đàn rùa con không có mẹ bên cạnh, chúng lít nhít nhìn hướng biển, theo tiếng sóng đầy, mà tự lo liệu cái đời biển cả từ nay.
Con chim quốc, một trong hai tình yêu chết đi; lẻ bạn, con kia kêu than đêm ngày rồi đứt ruột mà chết. Hai tiếng “đoạn trường” là “hiện tình đứt ruột” có từ con quốc mà ra, không từ con người. Con người tệ lắm. Khi chồng héo hon vợ héo quèo, thì tầm người khác, như ta đổi cái điện thoại đời mới, nhiều cái app hơn. Thất tình, tuyệt vọng chưa thấy ai, vì anh, vì em, con người đứt ruột mà ngỏm.
Thuở bé, nhìn bầu trời quê tôi cuối thu sắp vào đông, từng bầy chim bay từ phương bắc, vượt đèo Hải Vân vào phương nam tìm ấm. Những ngày đầu xuân tới, trời đất ấm, từng đàn chim lại cùng nhau bay về phương bắc. Chúng hợp đoàn cùng bay, một loài đồng điệu.
Rồi chúng tôi, với Thanh, Quang, với Kim, cùng đi dọc theo sông. Cedar hồn nhiên.
Lại thấy cá hồi. Một ngậm ngùi đeo đẳng.
Một sông nước cá bầy.
Bầy đàn! Một cụm từ không tốt với con người. Nhưng là thiết thân của loài vật. Một đàn bò / trâu gặp con cọp hung dữ, tức tốc những con lớn mạnh vây quanh, tạo một vòng tròn cho con cái chúng nó ẩn vào giữa, khu an toàn.
Đàn cá lội kia ám ảnh tôi. Tôi hoang mị, nghĩ lung. Rồi trí nhớ ghi hình. Trong khói sương của hôm nay, sự nhận biết luôn sẽ hóa thân là quá khứ, là những tiềm thức kín ẩn.
Nhiều năm trước, trước hôm lên đường đi Mỹ tôi vẫn còn một đêm trăng. Tôi ở Ngã Tư xóm Gà, Gia Định. Nơi có rất nhiều thiền tự, danh tiếng như Già Lam, Dược Sư, Liên Ứng, Pháp Quang, Sư Nữ Ngọc Phương… Hẻm 82 đường Lê Quang Định tôi ở, cùng là nơi Bùi Giáng đi về cuối đời, cạnh chùa Liên Ứng.
Cái quán nước đầu hẻm, nơi Bùi Giáng mỗi sớm mai, mỗi chiều đi “ngao du phố thị, nhìn xe cộ hóa hươu nai” trở về ngồi ăn hai cái hột vịt lộn, một vài ly rượu trắng hãy còn. Bùi thi sĩ luôn ghi nợ quán bằng những câu thơ. Nét bút lung tung nhưng rất đẹp. Hôm Bùi Giáng qua đời, cô hàng nước khóc nức nở. Một nhà báo may mắn được cô trao cho cuốn sổ nợ, ông ta đăng lên báo, một tư liệu hiếm hoi, một đời tài hoa xuất chúng.
Trong khuya, khi trăng đã tàn. Lòng ngậm ngùi tiếng chuông đêm. Tôi nghĩ đến một quê hương. Tôi đi, quê nhà ở lại. Tôi sẽ sống trên đất Mỹ, là một công dân Mỹ! Nguồn của tôi nơi đâu?
Tôi sẽ hỏi cá hồi.
Mẹ đẻ tôi ra, Mẹ còn sống để đẻ tiếp những người em của tôi. Thương quá, lũ cá hồi về nguồn một lần, đẻ một lần duy nhất trong đời thôi, rồi… thôi rồi.
Trời Thu Seattle đẹp vô cùng. Đi trong đường phố, hai bên đường bóng đổ, những rừng, những ven hồ nước long lanh, qua vùng Tacoma, đến thăm Olympia, hai bên vực núi thác Snoqualmie đổ nhòa hai dòng trắng phau, tất cả là thiên nhiên hình dựng bao màu sắc. Những màu lá, nhìn xa cứ tưởng là hoa.
Cây lá này cũng như bọn người tài hoa. Trổ hết cái anh hoa, cái rực màu, cái tinh thông, cho một mùa văn chương, thi phú, họa, nhạc nồng nàn. Tinh anh phát tiết xong, còn trơ cái xác phàm. Như cây đàn bỏ không. Người nghệ sĩ đã đi khuất đêm qua. Thu qua, tuyết giá Bắc Mỹ sẽ buông đầy. Bọn cây lá tài tình quyến rũ kia rồi cũng trụi lá trơ cành. Trừ những cành thông luôn xanh biếc. Lũ rực rỡ kia cũng trút hết lá/hoa. Lề đường sẽ đầy những xác lá vàng. Một trời tưởng niệm. Đã tàn phai nỗi cảm hoài của Nguyễn Du “Rừng phong thu đã nhuộm màu quan san.”
Một sáng, Diệu Thanh và Quang tiễn chúng tôi ra phi trường. Những ngày hạnh phúc bạn bè. Chúng tôi gặp anh chị Lê Hữu, những câu chuyện đời, chuyện văn chương, thăm khu vườn hoa nhỏ sau nhà. Lê Hữu đa tài, khiêm tốn, chân tình. Cách đây hai năm, tôi và Kim thăm Seattle hãy còn gặp Nhà thơ Phạm Hậu, nay ông đã cỡi Hạc bay rồi. Hôm ấy cùng nhau cụng ly rượu vang tại nhà Nhà thơ Trần Mộng Tú. Một khu nhà đẹp đẽ trên sườn đồi nhìn xuống mặt hồ nước trong mênh mang sương mù, tuồng là một bức tranh thủy mặc. Sương lạnh ngoài kia, ly rượu ấm trong này, tình văn hữu trong tao phùng hiếm hoi.

Nắm bàn tay Quang. Chia tay Thanh nhé. Những cái nhìn nhau quyến luyến rực sắc lá màu thu. Xác lá Seattle ướt màu sương và mưa, nằm ép nhau trên mặt đường. Một mặt đường vàng son. Lại nhớ Nhà thơ Lưu Trọng Lư, ông đi, ông cảm hoài trong lá thu Việt Nam. Nó nhẹ bay đến xao xác tâm hồn:
Em có nghe mùa thu
Lá thu rơi xào xạc
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô.
Lòng bỗng dưng nhớ cá. Và yêu mùa thu.
 

Midway City, Thu Tân Sửu, 10-2021.

 

Ảnh từ Google

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét