10 thg 11, 2021

Những Thuyết Khác Nhau Về Việt Thường và Giao Chỉ


Bùi Quý Chiến

Sử gia đầu tiên của nước ta là Lê văn Hưu. Vâng mệnh vua Trần Thái tông (1225-1256), ông soạn bộ "Đại Việt sử ký" gồm 30 quyển, chép từ Triệu Vũ đế (207 TCN) tới Lý Chiêu hoàng (1224 SCN). Như vậy, đối với ông, đời Hồng bàng và Nhà Thục không phải chính sử. Có lẽ ông cho rằng những truyền thuyết thần tiên về họ Hồng bàng không đáng tin và xuất xứ của Thục Phán trong đời Nhà Thục không xác thật.

Tới đời Lê, vâng mệnh vua Lê Nhân tông (1442-1451), Phan phu Tiên soạn bộ "Đại Việt sử ký tục biên" chép từ vua Trần Thái tông tới khi Lê Lợi đánh đuổi giặc Minh giành độc lập (1428). Gọi là "tục biên" vì là phần viết tiếp bộ sử của Lê văn Hưu.

Cũng đời Lê  vâng mệnh vua Lê Thánh tông (1460-1479), Ngô sĩ Liên soạn bộ "Đại Việt sử ký toàn thư" gồm 15 quyển, chia làm ngoại kỷ và bản kỷ. Phần ngoại kỷ gồm 5 quyển chép từ đời Hồng bàng tới thời Thập nhị sứ quân (976). Phần bản kỷ gồm 15 quyển chép từ đời Đinh Tiên hoàng (968-979) tới Lê Thái tổ (1428). Gọi là "toàn biên" vì bộ sử này bổ túc những thiếu sót và bổ chính những sai lầm trong bộ sử của Lê văn Hưu và Phan phu Tiên. Hai bộ sử của Văn Hưu và Phu Tiên ngày nay đã thất truyền.

Phần sử chép từ đời Hồng bàng tới Thập nhị sứ quân, Ngô sĩ Liên cho là ngoại kỷ có lẽ vì sử liệu về đời Hồng bàng hoang đường, về đời Nhà Thục không xác thật, về đời Nhà Triệu nửa Tàu nửa Việt, về thời Bắc thuộc thì nước ta mất chủ quyền.

Nhưng trước thời Thập nhị sứ quân, Ngô Quyền đánh bại quân Nam Hán lập nên nền tự chủ sau hơn một ngàn năm Bắc thuộc, tại sao Ngô sĩ Liên không cho vào phần bản kỷ?

Có lẽ vì Ngô Quyền chỉ xưng vương.

Kể từ Đinh Tiên hoàng các vua nước ta đều xưng "đế" mặc dù chỉ được Tàu phong "vương", và lịch sử từ đó được gọi là bản kỷ.

Theo Ngô sĩ Liên, những sử liệu được dùng để soạn phần ngoại kỷ gồm sử Tàu, dã sử, tiểu sử các danh nhân, ký sự... phần lớn chép tay.
  
Vì những sử liệu đa dạng nên cùng một sự kiện có thể được chép khác nhau.

Dưới đây là những thuyết khác nhau về Việt thường và Giao chỉ .

Việt Thường

Quốc hiệu đầu tiên của nước ta là Văn lang. Vua Hùng vương chia Văn lang ra 15 bộ, bộ Việt thường ở cực nam tức Quảng bình và Quảng trị ngày nay.

Tuy nhiên có 2 sử liệu nói Việt thường là quốc hiệu đầu tiên của nước ta.
  • Trong Việt nam văn học sử yếu, tác giả Dương quảng Hàm liệt kê những sách giáo khoa ngày xưa do người Việt soạn để dạy chữ nho gồm có:
    Nhất thiên tự, Tam thiên tự, Ngũ thiên tự, Sơ học vấn tân và Ấu học ngôn thi.
    Tác giả trích dẫn mấy câu trong Sơ học vấn tân như sau:
    "Kỳ tại quốc bản, cổ hiệu Việt thường; Đường cải An nam; Hán xưng Nam Việt". (Ở nước ta, xưa gọi là Việt thường; nhà Đường đổi là An nam, nhà Hán gọi là Nam Việt).
    Sách giáo khoa tất nhiên xuất xứ từ chính sử , vậy quốc hiệu Việt thường phải là chính thức.
  • Theo Trần trọng Kim, tác giả Việt nam sử lược, khi vua Gia long lên ngôi có sai Binh bộ thượng thư Lê quang Định làm chánh sứ sang Tàu cầu phong và xin đổi quốc hiệu là Nam Việt; viện lẽ "Nam" là An nam (do nhà Đường đổi Giao châu ra An nam đô hộ phủ) và "Việt" là Việt thường (tên cũ của An nam).
    Nhưng vì Nam Việt xưa là quốc hiệu của Triệu Đà bao gồm cả Quảng đông và Quảng tây nên nhà Thanh đảo chữ Việt lên trên thành Việt nam.
    Như vậy cho tới đời nhà Nguyễn, các vua chúa vẫn tin rằng Việt thường là quốc hiệu xưa nhất của nước ta.
Có 2 sự kiện khiến ta khó tin bộ Việt thường của Văn lang ở vào địa phận Quảng bình và Quảng trị ngày nay.
  1. Theo Nguyễn quang Lục, tác giả "Lịch sử những kinh thành có trước Hà nội", sử Tàu chép rằng: đời Đường Nghiêu (2353 TCN) có Hoàng tử Việt thường đến cống vua Nghiêu con thần quy 3 chân, trên lưng rùa có khắc lịch sử các nước bằng chữ khoa đẩu. Vua Nghiêu sai chép lại để làm lịch gọi là quy lịch.
  2. Cũng theo Nguyễn quang Lục, đời vua Thành vương nhà Chu (1109 TCN), nước Việt thường ở phía nam Giao chỉ sai sứ đem chim bạch trĩ sang cống, nhà Chu phải tìm người thông ngôn mới hiểu được. Sau đó Chu công Đán chế ra xe chỉ nam để đưa sứ Việt thường về nước.
Kinh đô của vua Nghiêu ở thành Bình Dương thuộc tỉnh Sơn tây, phía bắc sông Hoàng hà; kinh đô của nhà Chu ở thành Tây an, phía nam sông Vị thuộc tỉnh Thiểm tây ngày nay. Vậy ngày xưa, bằng cách nào sứ giả của Việt thường vượt qua bao nhiêu sông núi từ Quảng bình và Quảng trị để tới được kinh đô của vua Nghiêu và nhà Chu?

Theo suy đoán của Đào duy Anh, tác giả "Nguồn gốc dân tộc Việt nam", Việt thường ở vào địa bàn cũ của người Tam miêu, giữa hồ Động đình và hồ Phiên dương thuộc tỉnh Hồ nam.
 
Trung tâm địa bàn ấy là xứ Việt chương (người Tàu phát âm Việt thường và Việt chương như nhau, đồng âm). 

Có lẽ Việt thường bắt đầu suy vong từ  kỷ thứ 12 TCN khi nước Sở được thành lập ở miền Hồ bắc và Hồ nam. Việt thường bị Sở lấn đất dần cho tới khi phần còn lại là Việt chương thì mất hết. Sau đó vua Sở Hùng Cừ lấy đất Việt chương phong cho con út.

Việt thường và Giao chỉ là hai xứ riêng biệt dù cùng có tục xăm mình. Giao chỉ ở lưu vực sông Dương tử.

Đào duy Anh không biết quan hệ giữa hai xứ này ra sao nhưng khi tên Giao chỉ được thấy trên thư tịch của Tàu thì tên Việt thường không còn nữa.

Giao Chỉ 

Bộ Giao chỉ của Văn lang gồm Hà nội, Hưng yên, Nam định, Ninh bình ngày nay.

Theo Trần trọng Kim, người Việt thời thượng cổ có hai ngón chân cái hướng vào nhau nên Tàu gọi là Giao chỉ.

Tuy nhiên Phạm văn Sơn, tác giả Việt sử tân biên, trưng ra một sử liệu khác. Đó là bài báo của bác sĩ P. Huard và A. Bigot đăng trên "Bulletin de la Société Médico-chirurgicale de l' Indochine" số 5 năm 1937; bài báo nói rằng không chỉ riêng người Giao chỉ mới có hai ngón chân cái giao nhau, nhiều dân tộc khác ở châu Á cũng có hai ngón chân cái như vậy.

Một cách giải thích khác của Đào duy Anh trong sách Nguồn gốc dân tộc Việt nam như sau.

Vào đời thái cổ, giống người Hán tộc sống quanh lưu vực sông Hoàng hà và Vị thủy.
 
Vùng lưu vực sông Dương tử, sông Hán và sông Hoài là địa bàn của những giống người có văn hóa khác với Hán tộc nên người Hán gọi họ là Man di.
 
Người Man di có tục "tiễn phát, văn thân" (cắt tóc, xăm mình). Thời đó người Man di chưa biết nghề nông, chỉ sống bằng nghề đánh cá.
 
Bơi lặn dưới nước, họ thường bị loài giao long làm hại. Giao long cũng gọi là thuồng luồng, một loại cá sấu lớn và dữ.
 
Để khỏi bị giao long làm hại, họ xăm mình hình giao long để giống này lầm họ là đồng chủng. Lâu dần người ta tin mình đồng chủng với giao long. Từ đó phát sinh quan niệm "tô tem", thờ giao long là vật tổ (các bộ lạc ngày xưa thờ kính một vật tổ, vật đó tiếng Anh và Pháp gọi là totem).

Vào đời Nghiêu Thuấn (2359-2208 TCN) có một nhóm người giao tiếp với người Hán. Thấy họ xăm mình hình giao long nên người Hán gọi họ là người "Giao" và gọi nơi họ ở là "Giao chỉ" . 

Những điều trên đây do Đào duy Anh suy đoán từ tục xăm mình hình giao long chứ không có bằng chứng.

Cũng theo Đào duy Anh, giống người Man di là một chủng tộc gồm nhiều sắc tộc. Chủng tộc này ông gọi là Việt tộc.
 
Do sự bành trướng về phía nam của Hán tộc, một số sắc tộc của Việt tộc bị đồng hóa thành người Hán, số còn lại di cư xuống vùng Bắc Việt và bắc Trung Việt ngày nay; sử Tàu gọi họ là Lạc Việt.

Địa danh Việt thường và Giao chỉ trong đời Hùng vương chỉ là hoài niệm về tổ tiên của người Lạc Việt thủa xưa ở lưu vực sông Dương tử.

Bùi Quý Chiến


 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét