Bài viết là sự thật và rất cảm động cho những ai đã từng tỵ nạn những năm tháng đầu tiên nơi xứ người mà người Việt trong nước khó lòng hình dung được !!!
Cám ơn YOU !
Được định cư ở Canada là mơ ước lớn nhất của gia đình tôi. Nhớ ngày đầu tiên đặt chân đến Montreal, ba mẹ và mấy chị em tôi cứ như người đi trong mơ. Lúc đó tuy cả nhà 9 mạng người mà trong tay chưa có được 100 đô, nhưng ai ai cũng mừng vui không kể xiết. Sau vài tuần ở ké nhà bác Tư - người bảo lãnh ba tôi, thì cả nhà quyết định ra mướn appartment riêng để không làm phiền lòng bác gái. Thế là mấy chị em phải đổ xô đi kiếm việc làm.
Công việc đầu tiên của tôi nơi xứ người là nhân công trong một hãng vớ. Để được tuyển chọn thì chúng tôi phải thi tay nghề, nghĩa là người ta đưa mình chừng 10 đôi vớ, người xin việc phải lần lượt đút từng đôi vớ vào hệ thống máy đang quay tròn rất nhanh trong một thời gian nhất định. Việc này cũng không khó lắm. Sau đó tôi mới được cho vào gặp " bà cai " để được phỏng vấn. Bà cai nhìn có nét như người Ấn độ, chứ không phải người da trắng như tôi cứ đinh ninh trong đầu - sau này tôi được biết tên bà là Hayam. Nhìn tôi bà hỏi " Cô mới qua đây phải không ? ". Tôi đáp phải. Bà hỏi tiếp " Bên nước cô, cô làm nghề gì ? ". Tôi trả lời " Dạ đang học năm cuối ngành dược ". Bà nhìn tôi đăm chiêu rồi tiếp " Tôi biết cô sẽ không làm ở đây lâu đâu. Công ty giao cho tôi nhiệm vụ tuyển dụng nhân viên, lẽ dĩ nhiên tôi có trách nhiệm mướn những ai có ý định làm lâu dài với chúng tôi. Nhưng tôi biết thành phần trí thức như cô thì đây chỉ là một công việc tạm thời giúp cô có thu nhập ban đầu nhằm tiếp tục đi học lại, có phải không ?". Tôi không ngờ bà này nói trúng tim đen mình quá nên ấp úng không biết trả lời sao, lòng thấp thỏm lo sẽ bị từ chối. Bà tiếp " Thôi được tôi nhận cô. Hai mươi lăm năm trước nước Canada đã cho tôi cơ hội thì hôm nay tôi cũng cho cô một cơ hội bởi vì đất nước này cần những người có trình độ như cô". Tôi mừng quá lật đật bước ra ngoài lấy hẹn khám sức khỏe mà quên cả cám ơn bà.
Thời đó là giai đoạn gia đình chúng tôi cực khổ nhất. Đi làm ca tối, tan ca về nhà gần 1 giờ khuya, đánh răng rửa mặt vội vội vàng vàng rồi đi ngủ vì sáng hôm sau phải dậy sớm đến trường học lúc 7 giờ . Tan lớp học là 3 giờ , đón 2 chặng xe bus về tới nhà đã gần 5 giờ, ăn miếng cơm chiều, nghỉ chút lấy hơi là đã đến giờ đi làm ca đêm ở hãng vớ từ 6 giờ đến 12 giờ đêm.
Có một lần tôi ngủ gục khi đang làm việc và bị " bắt quả tang " ngay. Dễ lắm, người kiểm soát (quality controler) dù không ngồi ngay đó nhưng khi hằng loạt vớ di chuyển qua máy thì ông ta nhận ra ngay là máy của tôi khi thì chiếc có chiếc không. Ông Irving đi thẳng đến nơi tôi ngồi và hỏi tại sao tôi không đút đủ số vớ như yêu cầu. Tôi bất ngờ chưa biết nói sao thì ông John ở máy kế bên bước qua nói " Máy này nó củ quá rồi. Khi nãy tao nghe tiếng cọt kẹt to lắm. Ông kêu thợ máy đến xem thử có vấn đề gì không ". Thế là tôi ngồi chờ thợ máy tới.
Tranh thủ khi không có ai, ông John ghé tai tôi nói nhỏ " Cô mệt lắm hả ? Tôi thấy cô ngủ gật. Irving nó khó lắm. Cô cẩn thận kẻo mất việc à ". Tôi cám ơn rồi ráng căng hai mắt ra mà làm tiếp. Hôm sau ông John mang cho tôi hộp kẹo cà phê. Ông bảo " Tôi biết cô đi học ban ngày. Ngậm kẹo này cho đỡ buồn ngủ. Ráng cố gắng làm khi nào ra trường có job ngon hơn thì nghĩ nơi này ". Tôi nhận, cảm ơn ông mà ứa nước mắt. Mãi đến bây giờ, cứ mỗi lần ngậm kẹo cà phê thì tôi lại nhớ đến ông John. Ông qua đời 1 năm sau khi tôi không còn làm ở hãng vớ nữa.
Sau đó vì giờ giấc làm ca đêm không thuận tiện, tôi xin vào làm nghề giặt khăn ăn trong một nhà hàng ở phố Tàu. Đây là một nhà hàng sang trọng rộng lớn, nên bàn ăn nào cũng được trải tấm vải hồng nhạt. Mỗi khi khách ăn xong là nhân viên kéo hết tất cả khăn trải bàn cùng khăn lau miệng thảy vào một thùng thiệt to rồi mang xuống phòng giặt. Nhiệm vụ của tôi là phải giặt hết cái " khối núi " khăn khổng lồ này trong thời gian quy định vì nhà hàng ngày nào cũng rất đông khách. Tôi làm từ 1 giờ trưa đến 7 giờ chiều. Cho dù có nhiều máy giặt máy sấy vậy mà tôi cũng phải làm liền tay mới kịp. Này nhé, mở từng thùng khăn dơ ra, tôi phải giũ sạch đồ ăn vào một thùng rác,rồi phân loại khăn nào dính chất nước (xì dầu, nước sốt...) thì để qua một bên giặt riêng. Sau đó bỏ vào máy giặt, vừa mở máy này thì cũng là lúc máy sấy bên kia reng lên báo hiệu khăn khô cần lấy ra. Coi tưởng nhàn mà lu bu cả buổi cứ phải quần quật phân loại, bỏ vô máy, chế xà bông vào, rồi mang qua máy sấy, vừa khô thì lại phải bắt tay qua thùng khăn kế tiếp. Một ca của tôi làm 6 tiếng mà chỉ có thời gian rảnh lắt nhắt chừng 3 lần, mỗi lần khoảng 10 phút. Đó là những lúc tôi tranh thủ hoặc ăn cơm hoặc đem bài vở ra học.
Tôi còn nhớ ngày hôm đó khi đang cắm cúi đầu vào trang sách thì tôi linh tính có ai nhìn chồm qua vai mình. Quay đầu lại, tôi giật mình khi nhận ra đó là ông Michael - người quản lý nhà hàng. Ông nhíu mày " Cô học bài à ? Sao cô không lấy khăn từ máy sấy ra, khô từ lâu rồi, ngoài kia đang cần khăn sạch ". Tôi lật đật đứng dậy (đang ngồi dưới đất cạnh máy giặt) vụng về giấu cuốn sách vào khe giữa 2 cái máy, rồi vội mở cửa máy sấy lấy khăn khô ra, mắt không dám nhìn thẳng ông Michael. Chợt nghe tiếng ông hỏi " Cô ăn trưa vậy thôi sao ? ". Ngón tay ông chỉ vào bịch chip đang nằm trên hộp giấy mà tôi dùng làm bàn. Tôi ấp úng "Không sao, tôi ăn đỡ thôi, chiều về nhà tôi mới ăn thật".
Ngày hôm sau thì David - người hầu bàn cho biết là theo lệnh ông Michael, cứ 3 giờ trưa thì tôi được nghĩ và được lên nhà hàng kêu một món ăn miễn phí, dĩ nhiên là chỉ trong phạm vi vài món đã được chỉ định mà thôi. Tôi mừng quá vì sẽ không phải mang theo vài gói chip hay các món ăn vặt nữa mà ít nhất cũng được một chén súp nóng hay một món nào đó ăn cho chắc bụng.
Nhưng rồi tôi lại phải đổi job lần nữa khi phải làm thực tập tại nhà thuốc tây. Tôi làm trong pharmacy từ 9 giờ đến 5 giờ. Thế là để có tiền đóng học phí, tôi lại phải đi tìm việc làm buổi tối. May mắn thay tôi xin được vào làm ở một nhà máy kéo sợi từ 6 giờ đến 12 giờ khuya.
Và cái đêm kỹ niệm "suốt đời không quên" xảy ra vào lúc bất ngờ nhất. Tối đó khi tan ca, như thường lệ, tôi và các công nhân ùa ra khỏi cổng. Ai nấy đều vội vã ra lấy xe (tôi được anh Gerald cho quá giang về nhà). Ngoài trời mùa đông tối lờ mờ với từng cơn bão tuyết cùng gió rít lạnh buốt xương.
Đang cùng mọi người co ro cúm rúm thì bỗng dưng tôi có cảm giác hai chân mình hổng lên khỏi mặt đất và dường như tôi phi thân trên tuyết. Cứ ngỡ là ảo giác, nhưng rõ ràng là sự thật khi tôi nhận ra rằng mình vừa lướt qua mặt một người.
Rồi bỗng dưng tôi nghe nhiều tiếng la to " Ngồi xuống ! ". Tôi nhận ra mình đang ở trong tình trạng nguy hiểm vì bị bão cuốn đi nhưng không tài nào cưỡng lại được sức mạnh của cơn bão mà ngồi xuống được. Sợ hãi quá, tôi la lên "Help ! Help !". Dường như có ai đó chạy tới nắm áo tôi kéo ghì lại nhưng chiếc áo tuột ra khỏi tay người đó vì vận tốc gió quá mạnh. Tôi càng la to trong hoảng hốt khi thấy cả thân mình đang lướt nhanh trên mặt đất phủ đầy tuyết . Rồi tôi lại cảm thấy áo khoác mình bị ai trì xuống, rồi tay mình cũng bị kéo mạnh.
Rầm! Tôi tối sầm mặt mũi và cảm thấy toàn thân ê ẩm. Đau quá, tôi cứ nằm sóng soài trên mặt tuyết. Khi mở mắt ra thì tôi nhìn thấy xung quanh mình đông đủ các công nhân làm cùng ca. Họ xúm lại đỡ tôi lên. Người hỏi han, kẻ xoa bóp xem tôi có bị chấn thương không. Khi chắc chắn là tôi không bị gì thì moị người dìu tôi vô xe anh Gerald để anh chở tôi về nhà dùm. Hôm sau đi làm tôi mới rõ sự tình. Có lẽ do quá ốm yếu và nhỏ con mà tôi là người duy nhất "được" cơn bão chiếu cố. Khi thấy tôi bị cuốn đi thì nhiều người chạy đến tìm cách giữ tôi lại bằng cách nắm tay, kéo áo hay ôm đại tôi ghì xuống nhưng đều thất bại vì tuyết thì quá dầy lại thêm gió quất mạnh. Sau cùng thì anh Robert và bà Sophia cùng lao tới chụp đại lấy tôi rồi ôm và kéo ghị xuống. Nhưng xui thay cả hai đều bị cơn gió bão lôi đi xềnh xệch khi họ không chịu buông tôi ra. Khi nghe cái rầm là lúc cả ba chúng tôi đập mạnh vào một chiếc xe đang đậu ở lề đường. Tôi may mắn không sao, trong khi anh Robert bị trật cánh tay phải xức thuốc một tuần mới khỏi. Tội nghiệp nhất là bà Sophia. Bà bị thấp khớp từ lâu rồi, không may lại bị cơn bão quất mạnh vào thành chiếc xe nên chiếc mũi bà bị dập sưng vù lên. Bà phải nghĩ làm hơn 2 tuần mới bớt .
Kể từ đêm đó, mọi người cứ trêu chọc tôi là skeleton (bộ xương) nên mới bị gió cuốn đi. Cái tên nick name của tôi " Gone with the wind " (Cuốn theo chiều gió) ra đời từ đó. Nhưng trong cái rủi có cái may. Sau biến cố đó, tự dưng tôi được cưng thấy rõ. Cô chú anh chị hôm nào cũng mang đồ ăn cho tôi tẩm bổ cho mập lên. Bà Sophia còn bảo tôi khỏi đem cơm theo, mỗi ngày bà xúc hai phần ăn, cho bà và tôi.
Năm cuối cùng học pharmacy, tôi đành nghĩ làm hãng kéo sợi vì bài vở quá nhiều và phải tập trung ôn thi tốt nghiệp. Tối cuối cùng ai nấy đều đến chia tay và chúc tôi mau ra trường. Bà Sophia ôm tôi thật lâu. Bà nói đùa " Mỗi lần soi gương nhìn chiếc mũi này, I will miss you ".
Ngày tháng trôi nhanh. Thấm thoát mà tôi đã ở đất nước này hơn 25 năm. Tôi nhận ra một điều là một xã hội tốt với môi trường sống tốt luôn sản sinh ra những con người tốt. Tôi không phàn nàn về cuộc sống vất vả trong những năm đầu đặt chân đến Canada, mà tôi thầm cám ơn đất nước này đã tặng cho tôi những kỹ niệm đẹp về lòng tốt của con người.
Cám ơn You - những bà Hayam đã giúp đỡ khi nhận cô bé chân ướt chân ráo ngày đầu tiên bỡ ngỡ nơi xứ người, mặc dù biết trước rằng tôi sẽ chẳng làm được bao lâu.
Cám ơn You - những ông John đã lên tiếng bênh vực cộ học trò vừa làm vừa ngủ gục, nhằm giúp tôi không bị mất việc.
Cám ơn You - những ông Michael đã tặng cho cô bé hiếu học bữa ăn miễn phí để có sức mà vừa học vừa làm.
Cám ơn You - những anh Robert, những bà Sophia đã quên thân mình hết lòng cứu giúp cô bé gầy khiu trong cơn bão tuyết. Inline image
Và cám ơn YOU - cám ơn Canada, đất nước của tự do và công bằng đã sản sinh ra những con người tuyệt vời.
Hoàng Thanh
Mùa Thanksgiving
FB BichHaiTran
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét