4 thg 4, 2021

TẠI SAO TƯ TƯỞNG ĐIỀU HÒA LẠI CẦN THIẾT?

TẠI SAO TƯ TƯỞNG ĐIỀU HÒA LẠI CẦN THIẾT?

Matsushita Kônosuke (*)

Dịch : Nguyễn Sơn Hùng

 


Lời giới thiệu của dịch giả

   Tư tưởng điều hòa là một trong những tư tưởng triết học quan trọng của Matsushita Kônosuke. Mặc dù nội dung bài này không sâu sắc bằng bài sau đó, “Bản chất của điều hòa là gì?”. Có thể vì tác giả thấy chưa diễn tả hết ý nên đã bổ sung. Mặc dù chỉ đọc bài sau độc giả cũng có thể nắm được tầm quan trọng của điều hòa nhưng để độc giả có thể theo dõi diễn biến suy nghĩ của tác giả nên dịch giả giới thiệu cả hai bài ở đây.

🌿🌿🌿🌿

- Nguyên nhân làm xáo trộn hòa bình hoặc tạo ra nghèo khốn là do con người cố chấp vào mỗi một tư tưởng hoặc chủ nghĩa cá biệt. Mỗi tư tưởng hoặc chủ nghĩa chỉ nói lên một khía cạnh của chân lý, thật sai lầm nếu cho đó là toàn thể của chân lý.

 - Tư tưởng của điều hòa là tuân theo loại trật tự bậc cao hơn để phát huy và sử dụng hữu hiệu sức mạnh của tất cả mỗi cá thể, và nhờ đó mà chân lý có tác dụng toàn diện.

 - Mọi người cùng nhau tự giác và nỗ lực điều nói trên sẽ kiến tạo được một xã hội mà tất cả sự việc có điều hòa. Hạnh phúc, hòa bình và phồn vinh tự nhiên dần dần phát triển lên trong xã hội đó.

***

Nên nhìn toàn cảnh của vấn đề từ trên cao

   Trong các vấn đề đang xảy ra gần đây trong xã hội con người chúng ta, tôi nghĩ vấn đề nổi bật nhất là tranh chấp của con người lẫn nhau, và vì vậy mà chúng ta mất nhiều thứ. Nếu thử xem xét lý do thì có thể nghĩ là do con người cho rằng tư tưởng hoặc chủ trương của bản thân là tuyệt đối đúng và chỉ có đó là chân lý.

   Dù cho mỗi chủ nghĩa hoặc mỗi chủ trương đúng đi chăng nữa, thông thường phần lớn đó chỉ là một khía cạnh hoặc một phần của chân lý. Khi nhìn ngọn núi Phú Sĩ, tùy theo góc độ nhìn, thời tiết, khí hậu mà màu sắc, hình dạng sẽ có nhiều thay đổi khác đi. Nếu lấy một thứ trong nhiều hình dung mà dứt khoát nói đó là hình thể duy nhất của núi Phú Sĩ phải chăng hơi quá cẩu thả (1). Chính việc tổng hợp nhiều hình dạng thấy được mới có thể hiểu biết được vẽ đẹp của núi Phú Sĩ.

   Đối với chân lý cũng vậy. Ngoài một chủ trương còn có nhiều khía cạnh khác đáng lắng nghe.Tuy nhiên, trong phong trào ngày nay chúng ta thường thấy có khuynh hướng áp đặt thông qua chủ trương của mình, và hoàn toàn phủ nhận ý kiến của người khác. Trong khi mọi người chúng ta đang mong mỏi xây dựng lại đất nước, tôi e rằng hành động nói trên ngược lại sẽ cản trở công cuộc tái xây dựng này. Tôi mong muốn một lần nữa mọi người nên xem xét lại sự việc này.

   Quan trọng nhất trước tiên cần phải nhận thức đầy đủ mức độ đúng chính xác chủ trương của mình. Đồng thời hiểu và thừa nhận khía cạnh khác của chân lý trong chủ trương của người khác và nếu phát huy ưu điểm của cả hai như vậy chúng ta có thể phát hiện chân lý ở tầm mức cao và rộng lớn hơn, và tầm nhìn thường ngày của chúng ta sẽ bao quát hơn (1). Thái độ này tương tự như thay vì chỉ từ phía trước và phía sau, chúng ta nhìn từ trên cao để nhìn toàn cảnh của núi Phú Sĩ. Bằng cách sống như nói trên chúng ta sẽ triển khai được các hoạt động đem tới hòa bình, hạnh phúc và phồn vinh.

   Quy y vào một tôn giáo để an tâm lập mệnh (2) và xác lập đời sống hòa bình là hành vi tốt đẹp. Tuy nhiên, vì vậy mà phỉ báng các tôn giáo khác hoặc bắt ép người khác theo ý mình, mê hoặc nhân tâm, làm rối loạn thế gian thì tôn giáo, vốn có mục đích là đem lại hòa bình, ngược lại trở thành nguyên nhân tranh chấp. Chân lý của vũ trụ nhất định không phải là thứ nhỏ bé như vậy (1). Câu nói “Càng học càng hiểu ra cái ngu dốt, vô tri của mình” là tình cảm trung thực phát sinh khi có lòng kính ngưỡng chân lý của vũ trụ to lớn.

   Mỗi chân lý có tác dụng từng phần một nhưng tất cả được bao gồm trong chân lý của vũ trụ to lớn, và tất cả các tác dụng được điều hành vận chuyển có quy củ theo một trật tự. Có nghĩa là, mỗi chân lý vừa điều hòa lẫn nhau theo trật tự của vũ trụ vừa có tác dụng riêng biệt để hiển hiện cụ thể hóa chân lý của vũ trụ to lớn.

 Hương vị tuyệt vời của cocktail

   Dù là chủ nghĩa xã hội hoặc chủ nghĩa tư bản đều có mặt tốt nên phát huy của nó, nghĩa là mỗi cái có một chân lý riêng. Chính việc phát huy, dung hợp và điều hòa chúng trong đời sống sẽ đem lại tiến bộ và phát triển không ngừng. Cần phải nên nghĩ rằng một phần của chân lý vũ trụ to lớn thể hiện trong chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản (1).

   Tuy nhiên, nếu 2 chủ nghĩa bài xích lẫn nhau thì khi tổng hợp lại có thể giết chết mất chân lý được vận hành theo trật tự của vũ trụ. Chính việc tự giác rằng mỗi khía cạnh của chân lý mà mỗi chủ nghĩa có được nếu được phát huy và điều hòa lẫn nhau theo trật tự vũ trụ mới hứa hẹn một xã hội có trật tự quy củ (1). Điều này tương tự trường hợp uống nhiều loại rượu của tây phương riêng biệt thì không hưởng được hương vị đậm đà tuyệt vời như hòa hợp thành cocktail (cốc tai) (3).

   Hiện nay, cách suy nghĩ lấy một chủ nghĩa, chủ trương và bắt ép cưỡng chế người khác tuân theo rất mạnh. Tuy nhiên, nếu hỏi kết quả gì sinh ra từ thái độ này thì phải nói ngoài việc tranh chấp lẫn nhau không có gì khác.

   Tôi đã lấy chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản làm thí dụ nhưng nếu bây giờ lấy kinh tế trọng sản xuất (4) và kinh tế trọng tiêu thụ (5) để suy nghĩ thì như thế nào? Hoặc để dễ hiểu hơn, thí dụ lấy phái nam là chủ nghĩa tư bản và phái nữ là chủ nghĩa xã hội và thử xem xét việc vợ chồng của một gia đình. Người chồng lao động và tích trữ lợi nhuận do lao động này, người vợ tiêu thụ lợi nhuận, phân phối phúc lợi thích nghi cho gia đình. Để gia đình sống hạnh phúc viên mãn, lập trường và chủ nghĩa, chủ trương của vợ chồng cần phải điều hòa với nhau. Nếu như cả hai đều cố chấp mạnh mẽ lập trường hoặc câu nệ vào quan niệm chỉ nghĩ lợi cho mình, thiếu sự thân mật với nhau thì sẽ không còn điều hòa và rơi vào bất hạnh.

   Như thí dụ nói trên, hai cái xung khắc nhất định có thể điều hòa với nhau, từ chỗ làm cho chúng điều hòa, hai lập trường sẽ dung hợp và tiến bộ phát sinh ra từ đó, và hòa bình và hạnh phúc cũng phát sinh (1).

   Như đã trình bày ở trên, việc gầy dựng lên sự điều hòa thật sự không phải dễ nhưng bởi vì gần đây có khuynh hướng bắt ép người khác nghe theo chủ nghĩa, chủ trương của mình nên việc giáo dục tư tưởng điều hòa là cần thiết (1).

Nguyễn Sơn Hùng

15/2/2021

 

(*) Nguồn: “Tư tưởng của điều hòa” trong sách “Triết học của Matsushita Kônosuke” (tiếng Nhật), cơ quan phát hành: Viện nghiên cứu PHP, năm 2002, trang 219~223. Bài thứ 6 được đăng vào tháng 6 năm 1948 trong nguyệt san của Viện nghiên cứu PHP trong 40 bài “Lời ngỏ của PHP”, sau được tổng hợp thành sách với tựa “Lời ngỏ của PHP” xuất bản năm 1953, cải biên năm 1975, vào năm 2002 được biên soạn lại và xuất bản với tựa mới là “Triết học của Matsushita Kônosuke”. Sau đó sách này được tái bản vào năm 2009. Phiên bản dùng để dịch là phiên bản năm 2002.

 

Ghi chú

(1) Trong nguyên bản tác giả dùng rất nhiều câu “tôi nghĩ”, có thể với mục đích tỏ bày lòng khiêm tốn của tác giả và thích hợp với thính giả hoặc độc giả vào thời điểm đó nhưng gây ấn tượng tác giả thiếu tự tin đối với độc giả ngày nay và chiếm giấy nên ở đây dịch giả tích cực bỏ bớt và ghi chú với ký hiệu (1).

(2) An tâm lập mệnh là một tư tưởng quan trọng của Nho học, nghĩa là yên tâm phó thác thân mình theo mệnh trời, không lay động dù gặp hoàn cảnh nào.

(3) Theo dịch giả, thí dụ cocktail không được đúng lắm vì hương vị riêng biệt của các loại rượu không còn nữa hoặc giảm đi.

(4) Kinh tế trọng sản xuất: kinh tế đặt trọng điểm ở sản xuất.

(5) Kinh tế trọng tiêu thụ: kinh tế đặt trọng điểm ở tiêu thụ.

 

Mời Xem :

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét