Đăng ngày:
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 12/04/2021 cảnh báo đại dịch đang trong giai đoạn rất đáng lo ngại vì virus lây lan theo cấp số nhân trong bảy tuần lễ liên tiếp. Riêng tại châu Âu đến hôm qua đã vượt ngưỡng 1 triệu người chết vì Covid.
Tổng thư ký WHO nhắc nhở tuy vaccin là công cụ mạnh mẽ để chống lại virus, nhưng đừng quên các biện pháp căn bản như giãn cách xã hội, mang khẩu trang, rửa tay, thông khí, xét nghiệm, truy vết các ca tiếp xúc và cách ly. Từ Genève, thông tín viên Jérémie Lanche tường trình :
Ra khỏi đợt dịch thứ ba, thậm chí thứ tư ? Chúng ta đang trong giai đoạn khủng hoảng, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhìn nhận như vậy. Một viên chức nói, với số ca dương tính tăng 9% và các trường hợp tử vong tăng 5 % trong vòng một tuần, đó không phải là tình hình mà chúng ta muốn thấy, hơn một năm khai khi đại dịch khởi phát. Nhất là khi đã có được vaccin.
Đối với tổng giám đốc WHO, Tedros Ghebreyesus, con số tệ hại trên là do một số nước có những biện pháp y tế không nhất quán, và một bộ phận dân chúng không chịu tuân thủ.
Ông tuyên bố : « Tổ chức Y tế Thế giới không muốn rằng các cuộc phong tỏa cứ tiếp tục vô hạn định. Chúng tôi cũng mong xã hội và các nền kinh tế mở cửa trở lại, nhưng trong lúc này, các khoa hồi sức tại nhiều nơi đã bị quá tải và bệnh nhân tiếp tục tử vong. Trong khi lây nhiễm tiếp diễn, tại một số nước, các nhà hàng, hộp đêm, các chợ đầy nghẹt người, và rất ít người tôn trọng các nguyên tắc vệ sinh căn bản ».
Tổ chức Y tế Thế giới không có thói quen chỉ trích các nước thành viên, nhưng Brazil có thể có cảm giác bị nhắm đến. Quốc gia này đã đạt kỷ lục mới về số ca dương tính và tử vong do Covid, tuy nhiên tổng thống Jair Bolsonaro vẫn từ chối tuyên bố phong tỏa cấp toàn quốc.
Liên Hiệp Quốc : Đa phương đã thất bại trong việc chống đại dịch
Về phía tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, Antonio Guterres tỏ ý tiếc cho sự thất bại của chủ nghĩa đa phương trong cuộc chiến chống đại dịch, từ vấn đề vac-xin cho đến viện trợ kinh tế. Phát biểu tại một diễn đàn tài trợ phát triển của Liên Hiệp Quốc, ông nêu ví dụ việc 10 nước trên thế giới sở hữu đến 75% số vac-xin toàn cầu, đồng thời đề nghị gia hạn trả nợ cho các nước nghèo đến năm 2022. Theo ông Guterres, đại dịch xuất phát từ Vũ Hán đã gây ra suy thoái tệ hại nhất từ 90 năm qua, làm trên 120 triệu người lại rơi vào cảnh cực nghèo.
Châu Âu 1 triệu người chết vì Covid, Anh mở cửa nhờ vac-xin
Trên toàn châu Âu tính đến tối qua đã có trên 1 triệu người chết vì Covid, theo con số của AFP. Cả 52 nước và vùng lãnh thổ châu Âu đã có 1.000.288 nạn nhân thiệt mạng vì con virus từ Vũ Hán, đứng trên châu Mỹ la-tinh và vịnh Caribê (832.577 người chết), Hoa Kỳ & Canada (585.428) và châu Á (285.824).
Trong khi đó Anh quốc đã cho mở cửa trở lại dịch vụ ăn uống và thương mại không thiết yếu, do tình hình đã sáng sủa nhờ chương trình tiêm chủng quy mô. Chính phủ đã sớm đạt mục tiêu chích ngừa Covid cho tất cả những người trên 50 tuổi và người dễ tổn thương. Tại Oxford Street, một trong những con đường thương mại chính ở Luân Đôn, các khách hàng mang khẩu trang xếp hàng trước các cửa hàng thời trang từ 5 giờ rưỡi sáng. Trên khắp nước Anh, các tiệm cắt tóc bị quá tải, một số phải mở cửa từ nửa đêm để đáp ứng nhu cầu.
Ramadan trong phong tỏa
Tại các nước Hồi giáo, hàng triệu tín đồ bắt đầu vào mùa chay Ramadan. Hầu như tất cả các nước đạo Hồi đều áp dụng các biện pháp hạn chế, đôi khi cả giới nghiêm, yêu cầu phải cầu nguyện tại nhà. Chính quyền Ả Rập Xê Út thông báo chỉ những ai đã được chủng ngừa Covid mới được đến thánh địa La Mecque hành hương.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét