Bùi Giáng(1926-1998 )
Bùi Giáng, là nhà thơ, dịch giả và là nhà nghiên cứu văn học của Việt Nam. Các bút danh khác của ông là: Trung niên thi sĩ, Thi sĩ, Bùi Bàn Dúi, Bùi Văn Bốn, Vân Mồng... Ông nổi tiếng từ năm 1962 với tập thơ Mưa nguồn. Wikipedia
L’homme révolté
Trích đoạn từ tác phẩm
Con người phản kháng
(L’homme révolté)
Dịch giả: Bùi Giáng
Sao gọi là một con người phản kháng? Một con
người nói ‘không’. Nhưng nó chối từ mà không khước bỏ. Nó khước bỏ mà không từ
nan. Đó cũng là một con người nói ‘vâng’, một con người nói ‘phải ‘, kể từ khi
khởi sự lên lời, kể từ lúc sơ đầu động đậy. Một kẻ nô lệ, suốt đời vốn cúi đầu
nhận lĩnh mệnh lệnh, bỗng một sớm một chiều đột ngột bất khả chấp thuận một
mệnh lệnh mới thêm vào, thêm nữa, thêm ra. Nội dung của tiếng ‘không’ nọ là gì
?
Nó có nghĩa, chả hạn, là ‘sự vụ ngổn ngang kể từ khi gặp tới giờ đã kéo dài quá
hạn’, ‘kể từ đó tới đây, vâng được, thêm vào ra nữa, không không’, hoặc chả hạn
là ‘có một cái giới hạn mà các ngài sẽ không được phép vượt qua’. Nói tắt là,
cái tiếng ‘không’ nọ xác định sự tồn tại của một biên thùy. Cũng cái ý niệm về
biên giới nọ là cái ta nhận thấy trở lại trong xúc cảm của kẻ phản kháng, nó
cảm thấy rằng kẻ kia đùa
dai, rỡn dẻo, kéo dài quá độ cuộc chịu chơi đau đớn, rằng kẻ kia đem cái quyền
của mình dàn trải ra quá rộng, vượt quá một biên thùy giới hạn, kể từ một mép
bờ nọ thì một cái quyền khác sừng sững hiện ra đối diện với, và hạn định giùm,
và hạn chế cho. Ấy vậy, cái cơn triều động của phản kháng nó tựa vào, cùng một
lúc, tại nơi cái sự chối từ tuyệt đối không chấp nhận một sự xâm nhập lăng phạm
được xét ra là vô khả dung thứ, bất khả khoan thuận, cùng một lúc tại niềm tin,
chắc chắn tuy mơ hồ là: có một cái quyền thật sự, đúng hơn, cái cảm tưởng, tại
nơi người phản kháng, là y ‘có quyền làm cái nọ, y rất mực được quyền làm cái
kia’. Tinh thần phản kháng đi song đôi dìu dặt hàng hai, bước chân chữ bát, với
cái cảm giác là chính mình, mình cũng, theo một lối nào đó, tại một góc nào đó,
chính mình mình cũng có lý như ai. Chính tại chỗ đó mà gã nô lệ phản kháng đồng
thời nói ‘phải ‘ nói ‘không’, vừa gật đầu bảo ‘có được như vậy’, vừa lắc đầu
bảo ‘chẳng nên thế đâu’. Đồng thời y quyết đoán rằng: cái giới hạn có thật, và
sự tồn tại của thảy thảy những gì y ngơ ngác đoán ra và muốn bảo tồn ở bên mép
rìa này của giới hạn. Y minh chứng, một cách nằng nặc hãnh kiêu, rằng trong
người y, có một cái gì đó ‘rất đáng kể, rất đáng nên nhọc lòng lưu tâm...’, cái
đó yêu thỉnh các ngài phải lưu ý. Bằng một phương cách nào đó, y chống đối lại
cái trật tự đè ép y, bằng một thứ quyền sống không bị đàn áp quá cái mức chịu
đựng của y .
Đồng thời với cái cơn cưỡng kháng lại kẻ xâm lăng tiếm vị đoạt phần, lại có một
sự đề huề hảo hợp tham dự triệt để và tức-thì-thẳng-tắp của con người vào cuộc
với cái phần nào đó của chính mình. Vậy là, một cách mặc nhiên, y đưa vào can
thiệp trong cuộc, một phán quyết về giá trị, một cách thiết tha, không phải hồ
đồ vô cố, cho đến nỗi y quyết bảo tồn nó suốt lộ trình duyệt lịch, và duy trì
nó một cách thật o bế o bồng qua mọi hiểm họa trở cơn. Kể từ trước tới lúc bấy
giờ, ít ra nữa, y cũng đã im lặng, phó mặc đời mình lây lất theo niềm tuyệt
vọng, và trong tuyệt vọng nọ, một trạng huống được chấp thuận, dẫu rằng y xét
thấy trạng huống nọ bất công. Im lặng là để cho thiên hạ nghĩ rằng mình chẳng
xét đoán, chẳng mơ mòng ước ao gì cả, và, quả thật, trong vài trường hợp, mình
chẳng ao ước hoài mong gì hết. Niềm tuyệt vọng dậy triều, cũng như cái phi lý
trở cơn, nó xét đoán hết thảy và ước mong hết thảy, một cách tổng quát, mà
chẳng đoán xét ước ao gì cả một cách riêng tây (1). Sự im lặng diễn giải được
thấu lẽ đó. Nhưng khởi từ cái lúc người nô lệ lên tiếng, dù lên tiếng nói
không, là y đã ao ước và xét đoán. Kẻ phản kháng theo nghĩa nguyên sơ, là kẻ
quay mặt trở lại. Trước đó y lầm lũi bước đi dưới lằn roi vi vút của chủ. Thì
bây giờ, y quay bật trở lại , mặt đối mặt, nhìn nhau. Cái gì nên, cái gì không
nên, y muốn cùng kẻ kia xét lại. Y đem cái phải chọi lại cái không phải. Mọi
giá trị không nhất thiết lôi cuốn tinh thần phản kháng theo, nhưng mọi hành
động phản kháng dậy triều đều bao hàm một giá trị, đều âm thầm viện dẫn một giá
trị trên mặt đất thị phi. Thật có phải rằng ít ra đây cũng là vấn đề về một giá
trị ?
Dù hỗn độn mơ hồ bao nhiêu chăng nữa, từ tinh thần phản kháng một tâm thức nảy
ra: cơn ý thức đột ngột choáng váng về một cái gì trong thân phận con người, và
con người có thể tự đồng hóa vào đó, dẫu chỉ một lúc thôi, một thời gian nào đó
thôi. Sự đồng hóa kia, kể từ trước tới nay, chưa từng được cảm thụ, thể nghiệm
thật sự. Tất cả những cưỡng thủ, những giật giàm lặc tác, bóc lột xảy ra từ
trước phong trào bạo động nổi loạn, người nô lệ đã cúi đầu chịu đựng, y ngoan
ngoãn chấp thuận hết mọi yêu sách. Lắm lúc y lại đã từng tòng phục êm đềm những
mệnh lệnh quỉ dị tức chết người đi được, còn mãnh liệt hơn cả cái mệnh lệnh xui
y phản đối ngày nay. Trong thâm tâm có lẽ y đã chối bỏ hết , nhưng y đã nhẫn
nại vô cùng bởi vì y đã nín câm, y đã im lặng, y đã bận tâm với chuyện hay dở
trực tiếp hơn là ý thức về quyền lợi thật sự của mình. Nhưng khi nhẫn nại không
còn, lúc bắt đầu cơn nóng lòng bực dọc, là khởi sự một trận phát động phong
trào có thể tràn lan trên mọi sự việc đã từng được chấp thuận trước kia. Cơn
phấn phát nọ thường luôn luôn có tính chất hồi tố. Người nô lệ, lúc khước từ
trật tự đảo điên lăng nhục của chủ, đồng thời cũng khước từ luôn cả trạng huống
nô lệ của mình (2). Cuộc phản kháng có tầm vóc rộng rãi, một phạm vi hiệu năng
xa vời hơn là trong một sự chối từ thông thường. Nó vượt luôn cả cái giới hạn
xưa kia đã được ổn định cho đối thủ, nó đòi hỏi được đối xử như kẻ đồng đẳng,
ngang hàng. Những gì thoạt tiên chỉ là một cơn kháng cưỡng vô khả phân hóa của
con người, bỗng trở thành đích thị con người trọn vẹn, con người tự đồng hóa
mình với cơn kháng cưỡng kia và tự chung đúc mình trong đó. Cái phân vị của
chính-con-người-mình mà kẻ nô lệ muốn người ta phải tôn trọng, phần đó được
chàng ta đặt lên trên tất cả, hơn cả sinh mệnh nữa. Nó trở thành của quí tối
thượng của chàng ta. Trước kia, chàng được đặt nằm đề huề trong một cuộc thỏa
hiệp lai rai ba phải, bất thình lình chàng nô lệ lao đầu vào trong cơn một còn
một mất , nhất chín nhì bù, còn thì còn với toàn khối diễm lệ càn khôn, mất thì
xin phiêu bồng cùng càn khôn mất trụi. Tâm linh ý thức phát sinh cùng với cơn
cưỡng kháng.
Nhưng người ta thấy đó đồng thời là ý thức về một cái toàn khối, tuy vẫn còn
khá mơ hồ hàm hỗn, và về một cái ‘toàn không’ báo hiệu trận hy sinh khả dĩ thực
hiện được của con người đối với cái toàn khối nọ. Kẻ phản kháng muốn mình là
toàn khối, muốn đồng hóa mình trọn vẹn vào cái của quý mà anh ta vừa đột ngột ý
thức được và muốn rằng thứ của đó trong con người anh, phải được nhìn nhận và
hoan nghênh và muốn mình là toàn không, nghĩa là hoàn toàn và vĩnh viễn bị lật
nhào đồi phế bởi các lực lượng lung trạo anh ta. Tới giới hạn cuối cùng, anh ta
chấp nhận cuộc đồi phế cực chung kết liễu hết mọi thị phi, ấy là cái chết, nếu
như thân phận anh đáo cùng phải chịu thiếu vắng cái sự chuẩn nhận cung hiến,
bất khả phân hóa, mà anh sẽ gọi bằng danh từ, chả hạn tự do. Thà chết đứng giữa
trận tiền hơn là sống trong qụy lụy.
Theo những tác giả đàng hoàng, giá trị thường biểu hiện một bước băng qua từ sự
kiện tới quyền lợi, từ cái được mong muốn tới cái đáng mong (nói chung: qua sự
trung gian của cái được thói thường mong muốn) (3). Trong tinh thần phản kháng,
như ta đã thấy, cái bước băng tới quyền lợi đã hiển nhiên. Cũng vậy, cái bước
đi từ ‘đáng lẽ phải nên như thế’ tới ‘tôi muốn rằng sự đó phải được thực hiện
là thế’. Nhưng còn hơn nữa, có lẽ, ấy là cái quan niệm của cá nhân tự vượt
mình, bước vào trong một cõi đẹp tốt chung cho cô bác từ đó về sau. Hoặc Tất Cả
hoặc Số Không, hoặc được Toàn Bộ, hoặc mất Toàn Sòng, cái tia lửa nẩy vọt đó
cho thấy rõ: trái với ý kiến thông thường, và mặc dù là nẩy sinh từ những gì có
tính cách cá biệt nhất trong con người ta, tinh thần phản kháng lại đem ngay cả
cái quan niệm về cá nhân ra mà làm nên vấn đề để tư lự. Thật vậy, nếu cá nhân
chịu liều thân, và gặp cơ hội thì chịu chết, chết trong niềm rạt rào phản
kháng, điều đó cho thấy y hy sinh thân mình vì một lợi ích tốt đẹp, vì một cõi
phúc hảo bao la, ở ngoài vòng định mệnh cá nhân mình. Nếu chàng chịu chết để
bảo vệ cái quyền lợi nọ, nếu chàng thà chịu nát thân hơn là sống để thấy quyền
lợi, lợi ích phúc hảo nọ bị hủy diệt, ấy là chàng đã đặt lợi ích lương hảo ở
bên trên cuộc đời mình, chàng đã coi trọng nó hơn đời sống mình. Thế nên chàng
hành động là nhân danh một cái gì. Nhân danh một giá trị ? Một nội dung thanh
hảo thanh hà? Còn bối rối mơ hồ, nhưng ít ra chàng cũng linh cảm rằng cái cõi
đó là cõi chung cho chàng đi về cùng thiên hạ thượng hằng nối mộng chung đôi.
Ta thấy rằng niềm quyết đoán mạnh mẽ, bao hàm trong mọi hành động phản kháng,
quả thật là dàn trải rộng ra tới một cái gì tràn ngập xô vỡ cá nhân chính trong
hạn độ nào mà lôi xốc cá nhân ra ngoài niềm cô độc giả định, và cấp cho cá nhân
một lý do để hành động theo tiết điệu động hành. Nhưng đã cần phải nhận xét
ngay rằng cái nội dung giá trị vốn tiên tại, vốn có sẵn từ trước khi mọi hành
động hiện ra, giá trị đó chối từ những triết học thuần đơn lịch sử, trong những
triết học này thì giá trị được chinh phục (nếu nó có thể được chinh phục) ở
cuối đường hành động. Cuộc phân tích tinh thần phản kháng ít ra cũng dẫn ta tới
chỗ bàng hoàng đăm chiêu nhưng chừng rằng quả thật có một bản tính nhân loại
bẩm sinh theo như người Hy-Lạp xưa đã nghĩ, và trái hẳn lại những định tắc của
tư tưởng thời nay. Thật vậy, nếu không có một cái gì trường tại cần được bảo
tồn ở trong mình, thì còn nhọc công phản kháng làm gì cho mệt xác. Người nô lệ
đứng lên phản kháng ấy là phản kháng vì mọi kiếp người trong một lúc, khi gã
nhận thấy rằng: do trật tự nào, do tổ chức xã hội nào, một cái gì thiết cốt
trong con người của gã bị chối bỏ, một cái gì trong con người của gã nhưng
không phải chỉ riêng của gã, mà chính là một cõi chung cho mọi người về sum
họp, kể cả cái kẻ đang chửi rủa, áp bức gã (4).
Hai nhận xét sẽ phù dực, tán trợ cho lập luận kia. Trước tiên, ta sẽ ghi nhận
rằng cơn phát động phản kháng, trong tinh thần của nó, vốn không phải là một
cơn náo động vị kỷ. Hẳn nhiên là có những quyết định vị kỷ. Nhưng con người ta
đứng lên phản kháng chống hồ ngôn loạn ngữ cũng như chống lại sức đàn áp cưỡng
bức. Vả chăng, kể từ những quyết định kia, và kể từ trong thâm để cơn phấn
khích, kẻ phản kháng không dự phóng gì hết cho mình, bởi vì gã đã trăm nghìn đổ
hết vào một cuộc, muôn vạn trút hết vào một trận một phen, tử sinh liều giữa
trận tiền, dạn dày cho biết gan liền dấy lên. Hẳn nhiên là y có đòi hỏi sự tôn
trọng cho riêng mình, nhưng cũng là trong hạn độ nào mà cái mình của gã đã được
đồng hóa vào trong cái mình của khắp mặt bà con trong một cõi thuần nhiên hảo
hợp.
Sau nữa, ta hãy nhận xét rằng tinh thần phản kháng không nhất thiết chỉ nẩy nở
tại nơi kẻ bị áp bức thôi mà còn có thể nẩy ra trước cái cảnh tượng áp bức mà
kẻ khác phải chịu làm nạn nhân. Vậy trong trường hợp đó, có sự đồng hóa giữa kẻ
này với kẻ kia. Và cần phải xác định ngay rằng đó không phải là một trận đồng
hóa tâm lý, một chuyển-hoàn-thuật do đó cá nhân cảm thấy bằng tưởng tượng rằng
chính mình là kẻ chịu cuộc lăng nhục. Không phải vậy. Trái lại, rất có thể rằng
con người ta không thể chịu đựng nổi lúc nhìn kẻ khác phải chịu những lăng nhục
mà chính mình từng đã chịu với một tâm hồn thanh bình, không phản kháng, không
phân bua. Tinh thần dấy động hoằng viễn nọ được biểu dương rạng rỡ trong những
cuộc tự tử phản kháng của những người thuộc bạo-chính-đảng Nga, lúc họ nhìn bạn
hữu của mình bị đánh đập. Đó cũng không phải là ý thức về quyền lợi chung của
nhóm. Thật vậy, chúng ta có thể cảm thấy tức tối lúc nhìn những bất công vô lý
trút lên đầu những kẻ mà ta vốn coi là địch thủ của mình. Vấn đề chỉ là: đồng
hóa trong định mệnh, chung chìm chung nổi trong thân phận con người, kết hợp
trong con thuyền phiêu dạt long đong. Riêng cá nhân thôi, không phải là cái giá
trị mà cá nhân muốn bảo tồn bảo vệ. Ít ra phải là toàn thể mọi người mới làm
nên cái giá trị vô giá kia. Trong tinh thần phản kháng, con người tự vượt mình
để đạt tới kẻ kia, cập bờ thiên hạ, cập bến nhân gian, và từ quan điểm đó mà
xét đi, thì sự đoàn kết của loài người quả thật mang tính chất hình nhi thượng,
và nó sắp bước vào cõi miền càn khôn vũ trụ để thọ trì tồn lưu. Giờ đây, một
cách đơn sơ, ta chỉ nói tới loại đoàn kết phát sinh từ trong những xích xiềng
triền phược.
ALBERT CAMUS
Bùi Giáng dịch
(1) Désespoir Camus dùng tại đây quả thật trong tinh thể nó không hề giống chút
gì với niềm tuyệt vọng theo thói thường quan niệm. Désespoir nghĩa là xa rời
hết mọi ước ao trên bình diện hoạt sinh náo nức. Nằm trong cơn sầu trăm năm dâu
biển nghe trần ai tịch mịch đi về đối thoại với Thái Hư Chân Như trong cái Đêm
Trong Suốt của Khắc Khoải Hư Không Thanh Bình (dans la nuit claire du Néant de
l’Angoisse - in der hellen Nacth des Nichts der Angst), viết Tân Thanh trong không
khí Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh. Vua quan triều Nguyễn không hiểu chỗ đó nên vô
tình quở trách, đày đọa Tố Như một cách chẳng đâu vào đâu hết. Họ lấy cái lòng
tiểu nhân mà ước độ cái lượng kẻ anh hùng. Tại đây, giải thích désespoir theo
lối nọ, bằng tinh thần siêu đẳng chịu chơi, Camus ngầm bảo người trưởng giả
rằng: rất có thể sự khuất phục tuyệt đối vô hy vọng của người nô lệ nằm bên mép
tư lường trong cõi tư tưởng của Thánh Nhân (chú thích của BG).
(2) Cet élan est presque toujours rétroactif. L’esclave à l’instant qu’il
rejette l’ordre humiliant de son supérieur, rejette en même temps l’état
d’esclave lui-même.
(3) Lalande - Vocabulaire philosophique (chú thích của Camus).
(4) Cõi chung hảo hợp thanh hà của những nạn nhân cũng chính là cõi chung giao
nối nạn nhân với đao phủ. Nhưng đao phủ lại không biết điều đó. (Có lẽ đao phủ
chỉ ý thức được điều đó lúc mê cung tồn hoạt chuyển thêm một nhịp quay nữa, và
đẩy đao phủ tới phiên mình phải làm nạn nhân. Và khi đó mọi sự đã lỡ làng) (chú
thích của BG).
❤❤❤❤❤❤
Mời Xem Thêm :Nhà thơ Bùi Giáng và tuyển tập 10 bài thơ hay được yêu thích nhất
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét