Chỉ với một bộ lọc công nghệ cao và năng lượng trực tiếp từ ánh sáng mặt trời, các nhà khoa học Australia đã phát triển công nghệ đầu tiên trên thế giới giúp lọc một khối lượng lớn nước biển thành nước uống trong thời gian chưa đến 30 phút.
Theo công trình nghiên cứu của trường Đại học Monash tại thành phố Melbourne, bộ lọc được thiết kế đặc biệt, có khả năng lọc hàng trăm lít nước có thể uống được mỗi ngày mà chỉ cần sử dụng ánh sáng mặt trời trực tiếp để lọc. Một quy trình hứa hẹn nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, chi phí thấp và bền vững
Bộ lọc sử dụng các vật liệu khung hữu cơ - kim loại (MOFs), gồm các hợp chất chứa các ion kim loại hình thành một vật liệu tinh thể với bề mặt riêng lớn hơn mọi vật liệu từng được biết tới nay. Trong quá trình khử muối, bước đầu, một bộ lọc MOF chuyên dụng sẽ tách hoàn toàn muối từ nước biển, quy trình này không tiêu thụ năng lượng. Sau đó, bộ lọc MOF này sẽ được đưa ra dưới ánh nắng mặt trời trực tiếp trong chưa đầy 4 phút để tái tạo chức năng, trước khi được đưa trở lại để thực hiện quy trình tách muối thêm một lần nữa.
Giáo sư Huanting Wang, giảng viên Khoa Công nghệ hóa học trường Đại học Monash - chủ nhiệm đề tài nghiên cứu trên, nhận định phương pháp khử muối là cách làm khả thi nhằm giải tỏa áp lực thiếu hụt nguồn nước trên thế giới.
Ông Wang cho rằng với ưu điểm tiêu thụ ít năng lượng và không sử dụng chất hóa học, công nghệ mới này hứa hẹn là một giải pháp ổn định và bền vững cho nguồn nước sạch trong tương lai.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét