18 thg 4, 2021

Hãi hùng Cách mạng văn hoá: Con tố cáo mẹ dám phê bình Mao Chủ tịch khiến mẹ bị bắn chết

Phương Trung Mưu bị lôi lên xe, sau lưng cắm một lá cờ vong mạng và bị áp giải đến nơi hành quyết. Mọi người ra sức chạy bám theo chiếc xe chở tử tù để kịp xem người ta xử bắn. Dọc đường bụi bay mù mịt…

“Hồi đó, tôi tố giác mẹ tôi và hôm sau bà bị bắn. Giờ tôi già rồi, đêm nào cũng gặp ác mộng… Trong lúc đấu tranh ác liệt, tôi nghĩ đến Mao Chủ tịch, toàn thân như được tiếp thêm sức mạnh vô hạn. Tôi bật radio lên và nghe giọng nói của Mao Chủ tịch, Phương Trung Mưu run lên!” – Trích: Văn bản tố giác mẹ ruột của Trương Hồng Binh.

Cảnh tượng người mẹ bị đưa đến nơi hành quyết

Vào ngày 11 tháng 4 năm 1970, tại huyện Cổ Trấn, tỉnh An Huy, người dân từ khắp nơi đổ xô đến tập trung tại bãi đất trống bên cạnh chính quyền quận để xem một buổi lễ lớn chưa từng có. Hàng vạn người kéo nhau đến, chen chúc, xô đẩy, nhón từng bước đi chật vật về phía bãi đất trống – Pháp trường sắp diễn ra vụ hành quyết. Hàng vạn con mắt dồn về phía đài chủ tịch, trên đó một phụ nữ trạc 40 tuổi có mái tóc ngắn ngang vai và một khuôn mặt với làn da nhợt nhạt. Cô đang bị bắt phải quỳ trên đất với tư thế bị trói chặt, trên cổ đeo một chiếc gông bằng gỗ dày cộp. 

Trương Hồng Binh thuật lại: “Trên đầu bà mang một tử bài bằng gỗ, trên mặt viết dòng chữ: ‘Phản cách mạng Phương Trung Mưu’ và có hai vạch chéo niêm phong màu đỏ như màu máu. Bà bị túm tóc và ấn xuống, buộc phải thú nhận tội của mình với quần chúng cách mạng. Phương Trung Mưu gắng sức rướn cổ, ngẩng đầu lên với một vẻ mặt thản nhiên”. 

Khi ấy, cậu bé Trương Hồng Binh mới lên 16 tuổi. Cậu đứng giữa dòng người, đang chen lấn xô đẩy. Nhìn từ phía xa, người đang bị trói và bắt quỳ trên khán đài kia chính là mẹ đẻ của mình. Vào thời khắc bản án được tuyên bố, toàn bộ quảng trường hàng vạn người im lặng, cúi gằm mặt xuống đất. Trương Hồng Binh nghe rõ mồn một: “Tuyên án tử hình, lập tức chấp hành”. 

Bà Phương Trung Mưu bị lôi lên xe, sau lưng cắm một lá cờ vong mạng và bị áp giải đến nơi hành quyết. Pháp trường ngay bên cạnh bờ phía Đông sông Tam Bát, cách trung tâm huyện Cổ Trấn khoảng hai cây số, ở đó có một bãi đất hoang. Mọi người ra sức chạy bám theo chiếc xe chở tử tù để kịp xem người ta xử bắn. Dọc đường bụi bay mù mịt, Trương Hồng Binh bước đi từng bước nặng trĩu theo sau đoàn người. 

Anh nghẹn ngào nói trong ngấn lệ: 

– Tôi đã không đến gần nơi hành hình chứng kiến cảnh tượng đẫm máu, nơi mẹ tôi bị bắn chết. Tôi thực sự không nhẫn tâm nhìn cảnh tượng đó. Tôi đã nhìn từ rất xa.

Trương Hiểu Nam (người được nghe kể), hỏi Trương Hồng Binh: 

– Lúc nhìn bà ấy bị xử bắn, anh có thấy sợ không?

Trương Hồng Binh trả lời:

– Sợ! 

Và Trương Hồng Binh tiếp tục kể về thời khắc cuối cùng của mẹ mình trong nỗi xót xa, những cảm xúc dồn nén không thể thốt nên lời. Bởi vì, chính anh đã tự tay đẩy mẹ đẻ của mình lên máy chém.

Trương Hồng Binh và mẹ – Phương Trung Mưu.

Buổi tối hôm đó

Ngày 13/2/1970, (tức ngày mồng tám tháng Giêng Hoàng lịch). Sau bữa tối hôm đó, như thường lệ, Trương Hồng Binh rửa bát còn Phương Trung Mưu giặt quần áo cho chồng và con trai. Sau đó, cả gia đình có một cuộc thảo luận về Cách mạng văn hóa.

Trương Hồng Binh nhớ lại: “Lúc ấy, mẹ tôi cầm một cuốn sổ tay của bác sĩ Chân Trần, trên cuốn sổ in một câu nói của Mao Trạch Đông: ‘Kiêu căng là ngu nhất, khiêm tốn là thông minh nhất’. Bà chỉ vào dòng này và nói rằng, đây là câu mà người khác đã từng nói và Mao Trạch Đông chỉ mượn lời”.

Nghe mẹ mình nói những lời bất kính với Mao Chủ tịch, Trương Hồng Binh tức giận mắng: “Mẹ không phải là đang coi thường Mao Chủ tịch – vị lãnh tụ vĩ đại của chúng ta sao? Sao lại có thể nói lời của Mao Chủ tịch là mượn lời của người khác được? Tôi nói cho bà Phương Trung Mưu này! Bà không thể dùng ngữ pháp để công kích Mao Chủ tịch, vị lãnh tụ vĩ đại được!”

Hồi đó, Trương Hồng Binh tuy mới 16 tuổi, nhưng cậu là một Hồng vệ binh tích cực nhất khu. Từ khi còn chưa tốt nghiệp tiểu học, cậu đã tham gia ‘Tiểu đội sáng tác và học tập Mao Chủ tịch’. Đối với Chủ tịch Mao, cậu cực kỳ sùng bái. Lúc này, Hồng vệ binh trung thành Trương Hồng Binh quá phẫn nộ rồi! Để bảo vệ tư tưởng Mao Trạch Đông, Trương Hồng Binh trỏ tay vào mặt Phương Trung Mưu mà phê phán. Mẹ cậu lâu nay vốn là người chưa bao giờ thích tranh cãi với người khác, nhưng hôm nay càng nói càng kịch liệt. Bà nói: “Ta chỉ muốn lật lại vụ án Lưu Thiếu Kỳ nhưng không được”.

Trương Hồng Binh nhớ lại: “Nói đến đây, tôi không thể tha thứ cho mẹ tôi được nữa. Lưu Thiếu Kỳ ‘kẻ phản bội, nội gian, công tặc’ đã bị tống giam, thế mà bà còn muốn lật lại vụ án cho anh ta. Sau đó mẹ tôi còn nói một câu nói khiến tôi sửng sốt: Mao Trạch Đông có tư cách gì mà khiến người ta phải sùng bái? Hình của ông ta được dán ở khắp nơi. Lần này còn thậm tệ hơn, bà dám chỉ thẳng vào mặt Mao Trạch Đông”.

Những câu nói của bà, khiến cho cả nhà thấy kinh hoàng. Bà dám công kích và vu khống ‘vị lãnh tụ vĩ đại’, đó là hành vi ‘phản cách mạng’, đủ để trừng trị một cách nghiêm khắc nhất. Căn nhà họ Trương trong đêm hôm khuya khoắt, như con thuyền nhỏ dập dềnh trong giông bão. Nhìn thấy vợ và con trai càng ngày càng to tiếng, chồng bà là Trương Nguyệt Thăng, lúc này cũng không thể im lặng được nữa. Ông đứng phắt dậy, quát mắng: “Phương Trung Mưu, từ nay cô là kẻ thù của giai cấp. Chúng ta phải vạch ra ranh giới rõ ràng. Cô hãy nhắc lại những gì vừa nói, để tôi ghi lại”. 

Trương Hồng Binh kể tiếp: “Mẹ tôi ngồi phịch xuống ghế, vơ hộp thuốc lá của bố tôi và châm một điếu. Từ bé đến giờ, tôi chưa từng thấy mẹ tôi hút thuốc. Nhưng đêm hôm ấy là ngoại lệ, bà rít một hơi vừa nhả khói thuốc ra vừa nói: “Có gì mà không viết được? Tôi dám nói, dám nghĩ và dám làm, thì có gì mà không dám viết!”

Sau khi thu thập đủ ‘chứng cứ phạm tội’ từ vợ mình, Trương Nguyệt Thăng ngay lập tức đi báo cáo với tổ chức, vạch trần ‘hành động phản cách mạng’ của Phương Trung Mưu. Tuy nhiên, Trương Hồng Binh vẫn chưa thực sự yên tâm về cha mình. Cậu sợ cha lấn cấn, lưu luyến tình nghĩa chồng vợ mà không khai báo hết toàn bộ sự thật. Cậu vội vàng viết một văn bản tố giác, tiện tay tháo chiếc huy hiệu Hồng vệ binh đỏ chót đeo trên ngực gói vào trong bản cáo trạng, để làm tin. Trương Hồng Binh tức tốc rời khỏi nhà, nhét lá thư mật vào khe cửa trụ sở phòng đại diện Ban chỉ huy quân sự huyện.

                            Tài liệu vạch trần mẹ của Trương Hồng Binh.

Nghe Trương Hồng Binh kể đến đây, Trần Hiểu Nam hỏi:

– Khi đó, ông có biết được hậu quả của việc mình làm không? 

Trương Hồng Binh trả lời:

– Đó chính là bản báo cáo vụ việc với vị đại diện quân đội, để bắt mẹ tôi. Từ Mẫu giáo đến Tiểu học, những gì tôi được học là: “Cha, mẹ cũng không tốt bằng Mao Chủ tịch”. Ai chống lại ông ta, thì chính là kẻ thù của chúng tôi.

Trần Hiểu Nam hỏi tiếp: 

– Vậy, người trước mặt anh lúc này?

Trương Hồng Bình đáp:

– Không phải mẹ tôi nữa! Bà ấy đã trở thành kẻ phản cách mạng, là kẻ thù của giai cấp.

Trần Hiểu Nam hỏi:

– Chỉ vì hai câu nói?

Trương Hồng Binh đáp:

– Đúng! Vào khoảnh khắc đó, quả thực khi ấy trông bà ta mặt mũi hung tợn như ma quỷ, đang há hốc mồm, mắt trừng trừng nhìn vào một chậu máu. 

Sau khi “vì đại nghĩa diệt thân”

Ngay sau khi bị hai cha con tố giác, ‘trọng phạm phản cách mạng’ Phương Trung Mưu đã bị bắt ngay tại hiện trường. Ở phần cuối bản tố giác, cả hai cha con Trương Hồng Binh đều ghi dòng chữ “Xử bắn Phương Trung Mưu!”. Cùng ngày hôm đó, Trương Nguyệt Thăng viết giấy ly hôn và tờ đơn cắt đứt tình mẫu tử giữa Phương Trung Mưu và Trương Hồng Binh. Và Phương Trung Mưu đã ‘đồng ý’ ký tên không một chút do dự. 

Ngay sau khi vụ việc xảy ra, Trương Hồng Binh được biết đến như một cá nhân hình mẫu cách mạng, quả cảm ‘Vì đại nghĩa diệt thân’. Trương Hồng Binh còn có bài phát biểu trong hội nghị phê phán mẹ đẻ của mình. Những ‘sự tích cách mạng’ của anh còn được vẽ thành tranh biếm hoạ, trưng bày trong phòng triển lãm của nhà khách quận. Hai cha con nhà họ Trương nhất thời được tôn vinh, nhưng không ít người trong cái thị trấn nhỏ ấy đã chỉ trích về hành vi bán đứng thân nhân của họ. Có người cho rằng: “Trương Nguyệt Thăng nhất định có người phụ nữ khác, nên mới làm vậy!”. 

Vào ngày 11/7/1970, bà Phương Trung Mưu bị xử bắn ngay sau khi bản án tử hình được tuyên bố trước hàng vạn người. Bà cũng là kẻ ‘phản cách mạng’ đầu tiên bị hành quyết tại Cổ Trấn trong cuộc Cách mạng văn hoá lúc bấy giờ.

Sau cái chết thương tâm của bà Phương Trung Mưu, hai gia đình họ Phương và họ Trương cũng tuyệt giao. Cũng kể từ đó, nhà mẹ đẻ của Phương Trung Mưu bị dư luận công kích mạnh mẽ. Người em gái thứ hai của bà, vì không chịu nổi sức ép, uất ức mà qua đời.

Về phần nhà họ Trương, sau khi lập được thành tích ‘Vì đại nghĩa diệt thân’, cũng không vì thế mà được chiếu cố gì. Cái mũ chính trị ‘gia đình phản cách mạng’ liền chụp lên đầu và ám ảnh họ như hình với bóng. Cũng vì mang tiếng xấu, nên sau khi tốt nghiệp trung học, hai anh em Trương Hồng Binh không được tuyển vào làm công nhân tại các nhà máy, cũng không đủ tiêu chuẩn nhập ngũ vì lý lịch không trong sạch. Họ bị đẩy đến vùng nông thôn làm việc, bỏ lại Trương Nguyệt Thăng sống cô độc ở Cổ Trấn. Ông phải trải qua hai cuộc vận động, đấu tố và bị bãi miễn chức vụ. Tuy không đến nỗi mất mạng, nhưng ngày đêm phải sống trong nơm nớp lo sợ, cùng với nỗi tủi nhục đeo bám trước tai tiếng của dư luận.

Bức ảnh gia đình duy nhất của nhà họ Trương: Trương Hồng Binh và Trương Nguyệt Thăng ở bên phải, và Phương Trung Mưu ở bên trái.

Đến năm 1976, cơn sóng ‘Cách mạng văn hoá’ (gọi tắt là Văn cách) kết thúc sau mười năm biến động. Hai năm sau đó, tư tưởng cai trị cực tả dần dần nới lỏng vì sự chỉ trích về những tác động tiêu cực của Văn cách ngày càng phổ biến. Điều này khiến người dân trên khắp cả nước Trung Quốc hết sức vui mừng. Tuy nhiên, Trương Hồng Binh lại hoàn toàn thất vọng. Anh luôn tự hỏi: “Lý tưởng cách mạng mà bấy lâu nay mình vẫn đi theo có thực sự đáng tin cậy? Vị lãnh tụ vĩ đại mình vẫn tôn thờ chẳng lẽ là sai lầm?”.

Cuối năm 1978, người em trai của Phương Trung Mưu là Phương Mai Khai đã nhiều năm không gặp, bất ngờ tìm đến nhà họ Trương. Bấy giờ, cuộc bình phản Cách mạng văn hoá, phổ biến từ trung ương đến địa phương. Và Phương Mai Khai quyết định giải oan cho chị gái mình. Một thời gian sau, cha con nhà họ Trương đọc được tin tức bình phản của Trương Chí Tân, lật lại vụ án mười năm trước. Trương Hồng Binh run rẩy cầm tờ báo trên tay, hai cha con nhìn nhau dốc tiếng thở dài. Cuối cùng Trương Hồng Binh cũng đã hiểu ra lỗi lầm của mình. Anh ta quay sang nói với cha trong nỗi ân hận: “Chúng ta đã phạm phải một sai lầm lớn!”

Đối với Trương Hồng Binh mà nói, tiếng gọi ‘Mẹ!’ đã bị lãng quên trong tâm trí anh suốt mười năm qua. Danh từ ‘Mẹ’ đã hoàn toàn biết mất trong ký ức của anh. Sau cái chết của Phương Trung Mưu, Trương Nguyệt Thăng cũng thiêu huỷ toàn bộ những tấm ảnh và những kỷ niệm có liên quan đến vợ mình. Có lẽ cũng vì thế mà ấn tượng về người mẹ đã hoàn toàn bị xoá sổ trong tâm trí của Trương Hồng Binh. Năm đó, những gì anh viết về mẹ là một bản tố giác ‘tội phạm phản cách mạng’. Song lần này anh viết ra là một bản “Kháng nghị và bình phản Cách mạng văn hoá”. Một câu hỏi lớn được nêu ra là: Tại sao vào đêm hôm đó, mẹ anh lại đột phát quá khích như vậy? Điều bí ẩn này, cũng đã có câu trả lời từ trong hồi tưởng của Trương Hồng Binh một cách kinh ngạc. Dưới đây là những gì ông đã lục lại trong ký ức mờ nhạt của mình:

Sự thật về mẹ

Trong ký ức của Trương Hồng Binh, mẹ anh là một nhân viên y tế và cũng là một người hoạt động cách mạng rất nhiệt thành. Bà từng hiến máu cho một sản phụ bị xuất huyết. Một cậu bé khác bị bệnh bạch hầu và bị tắc nghẽn đờm đặc trong cổ họng, Phương Trung Mưu đã bất chấp nguy cơ bị nhiễm trùng, mà liều lĩnh dùng miệng để hút đờm cứu sống cậu bé. Nhưng vì sao vào đêm hôm đó, ngày 13/2/1970, bà đột nhiên trở nên cuồng loạn và hành động quá khích như vậy? Sau khi xem xét cẩn thận các tài liệu tố giác của Trương Nguyệt Thăng hồi đó, Trương Hồng Binh và những người cùng tham gia đã xâu chuỗi tất cả những chi tiết vụn vặt lại và sự thật được phơi bày. Như một tiếng sét ngang tai, Trương Hồng Binh giật mình tỉnh ngộ! 

Năm 1949, Phương Trung Mưu vừa tròn 23 tuổi. Dưới sự ảnh hưởng sâu sắc của người cha ruột là một Đảng viên ngầm, bà ra nhập Giải phóng quân và tham gia chiến dịch vượt sông với tư cách là một nữ y tá, lập được chiến công hạng hai. Nhưng một năm sau đó, ở các vùng quê bắt đầu nổ ra phong trào ‘Cải cách ruộng đất’. Chính cha bà đã bị liệt vào danh sách ‘địa chủ’, ‘thành phần thổ phỉ, bóc lột’ và bị trấn áp. Vì vậy, Phương Trung Mưu cũng không tránh khỏi bị liên lụy. Bà bị liệt vào “Đối tượng tình nghi đặc biệt, phải giám sát nội bộ”. Vì để chứng minh lòng trung thành với Cách mạng, sớm ngày vào Đảng, bà đã tố giác cha mình với tổ chức, yêu cầu phân rõ ranh giới với gia đình địa chủ, không ngừng cải tạo tư tưởng, chăm chỉ học tập và bà đã làm được. Trong công tác, bà càng tích cực hơn, thậm chí quên cả tính mạng. Cuối cùng cũng leo lên đến chức Phó chủ nhiệm khoa ngoại trú Bệnh viện Cổ Trấn. 

Phương Trung Mưu thời trẻ.

Vào thời kỳ đầu ‘văn cách’ năm 1966, đó là năm huy hoàng nhất trong cuộc đời chính trị gia tộc họ Trương – Con gái lớn của Phương Trung Mưu là Trương Phương được chọn làm đại biểu, đại diện giáo sinh huyện Cổ Trấn tham gia cuộc gặp mặt lần thứ tám của Mao Trạch Đông với Hồng vệ binh. Tuy nhiên, chưa đầy một tuần sau khi trở về Bắc Kinh, Trương Phương đã chết do bị lây nhiễm bệnh viêm màng não trong quá trình giao thiệp. Cái chết của con gái khiến Phương Trung Mưu bị chấn động rất lớn về mặt tinh thần. Giống như sự tích của chị dâu của Tường Lâm năm xưa mất con, bà đi khắp nơi để nói về nỗi đau mất mát của mình. Theo lời người em Phương Mai Khai nhớ lại, Phương Trung Mưu từng nói với anh rằng: “Vì lẽ gì phải làm ‘Văn cách’ và để học sinh giao lưu? Nếu tất cả đều đến trường thì Đại Phương (Trương Phương), đã không chết vì bị lây bệnh”. 

Thật là: ‘hoạ vô đơn chí, phúc bất trùng lai’, cơn sóng nhỏ chưa qua sóng lớn đã ùa về. Gia đình họ Trương còn chưa kịp vơi đi nỗi đau mất con, thì hai vợ chồng họ lại phải chèo chống với những cú sốc liên tiếp ập đến: Trương Nguyệt Thăng là người đầu tiên phải hứng chịu. Ông là kẻ ‘đứng mũi chịu sào’, bị gán mác ‘chủ trương theo đường lối tư sản’ của hệ thống y tế huyện Cổ Trấn. Ông phải đội một chiếc mũ cao, đi diễu hành công khai trên phố, để đấu tố. Phương Trung Mưu cũng dính líu, bị vu vạ là ‘người đàn bà hôi hám của kẻ theo đường lối tư sản’ và thường xuyên bị lôi ra đấu tố. Khi đó, Trương Hồng Binh mới 13 tuổi. Cậu ta đứng dưới khán đài nhìn lên, thấy cha mẹ mình bị đem ra đấu tố. Cha cậu bị đánh, mẹ cậu ra sức ngăn cản, bảo vệ và tất cả những đòn đấm đá tới tấp đều dồn cả lên người bà. Sau một trận đấu tố: bị chỉ chích, lăng mạ và một trận đòn nhừ tử… Phương Trung Mưu lặng lẽ cùng chồng lảo đảo, dìu nhau trở về nhà trong đêm tối. 

Trương Hồng Binh nhớ lại: “Trong trí nhớ của tôi. Tôi chưa bao giờ thấy cha mẹ tôi gần gũi như vậy. Họ đi bên cạnh nhau, tựa vào vai nhau. Hình ảnh đó, tôi vẫn còn nhớ như in đến tận bây giờ. Khi về đến nhà, cha tôi cảm thấy thận bị quặn đau ghê gớm, sau đó còn đi tiểu tiện ra máu. Cha tôi bật khóc, mẹ tôi đã ở bên cạnh an ủi: Anh hãy nghĩ thoáng một chút! Anh đã là cái gì đâu! Bành Đức Hoài Nguyên soái có công lao to lớn vậy, chẳng phải vẫn bị gán là ‘phần tử chủ nghĩa cơ hội hữu khuynh’ đó sao? Nói xong, bà đi kiếm một mảnh vải, một ít bông, khâu làm hai miếng đệm đầu gối. Phòng khi lại bị phạt quỳ, thì sẽ cảm thấy dễ chịu hơn”.

Đau thương chưa qua tai ương đã đến, Phương Trung Mưu bị cha là Phương Tuyết Ngô liên luỵ và phải bỏ trốn. Bà bị bệnh viện cách ly để thẩm tra: Vào mỗi buổi sáng khi đến bệnh viện, bà phải đứng trước cổng lớn của bệnh viện cúi đầu thỉnh tội. Thời gian còn lại, bà phải lau dọn nhà vệ sinh và khử trùng dụng cụ y tế. Bà phải đứng suốt cả buổi, đến mức hai chân sưng vù lên cũng không được nghỉ. Sau một năm bị cách ly, cuối cùng tổ chức cũng cho phép bà được về ăn cơm, ngủ ở nhà. Kể từ đó, Phương Trung Mưu có những lời nói và hành động càng ngày càng kỳ quặc. 

Kể từ ngày 7/2/1970, tư tưởng, tinh thần và cảm xúc của Phương Trung Mưu rất thất thường. Chẳng hạn như: Thường xuyên ngủ không yên giấc, hay nhắc đến người con gái đã chết (Trương Phương), khóc sướt mướt, làm việc nhà thì làm cái nọ quên cái kia… Trước khi đi ngủ bà còn hay rửa mặt, rửa xong rồi lại đi rửa tiếp hai ba lần, nói những chuyện bâng quơ khó hiểu… 

Tất cả là do áp lực của sự vỡ mộng về một niềm tin sắt đá, trước sự công kích của dư luận và sự đay nghiến của xã hội, cuối cùng đã đè bẹp Phương Trung Mưu. Vào đêm xảy ra sự tình đột phát của bà, khi cả gia đình thảo luận về ‘Văn cách’, bà đã cãi lộn với chồng và con trai. Bà có những lời nói và hành động quá khích, rất không bình thường. Tuy nhiên, trong giữa thời kỳ “Cách mạng văn hoá”, cho dù là một kẻ mất trí, hay điên khùng, khi đã phạm tội phỉ báng ‘vị lãnh tụ vĩ đại’, thì không thể tha thứ được.

Cây Thánh giá’ không thể hạ xuống

Tất cả những gì Trương Hồng Binh viết ra vào năm ấy, đều như những chiếc đinh sắc nhọn, đóng chặt mẹ anh lên cột Thập tự giá. Mà giờ đây, từng câu, từng chữ như đang quay ngược trở lại, khoan tâm, khoét tuỷ anh, đau đớn vô cùng. Trương Hồng Binh khóc rống lên, và cầm bút viết ra trong sự hối hận muộn màng. Anh đã mất gần một tháng ròng, để hoàn thành 61 trang tâm thư của mình. Anh mang bản sơ thảo tài liệu khiếu nại đọc cho cha anh nghe. Ông trầm tư một lúc, rồi nói: “Cách làm của chúng ta năm đó, có chút vô nhân đạo”.

Phiếu nhập học của Trương Hồng Binh cho kỳ thi tuyển sinh đại học sau Cách mạng Văn hóa. 

Đến năm 1980, Trương Hồng Binh thi đậu Khoa Tiếng Trung, Trường Đại học Truyền hình địa phương và theo học tại đó. Một hôm, trong giờ học, môn ‘Văn học cổ đại’. Anh đọc được tác phẩm “Viên thuyết” của nhà văn Tống Liêm (Đời nhà Minh). Điều này như sấm sét dội lên đầu Trương Hồng Binh. Trong tác phẩm có đoạn viết: “Có một loài vượn, khi thợ săn bắt được vượn mẹ và đem lột da. Vượn con thấy vượn mẹ bị như vậy, thì cào cấu, kêu khóc phản kháng. Cuối cùng vượn con cũng chết theo”. Phần cuối tác phẩm, có đoạn viết: “Khỉ, vượn còn như thế, huống chi là người!”. Lúc này, Trương Hồng Binh ngậm đắng trong lòng mà tự mắng mỏ bản thân: “Trương Hồng Binh ơi là Trương Hồng Binh? Nhà ngươi thật không bằng loài cầm thú. Đến động vật còn có tình cảm, còn có tình mẫu tử. Còn ngươi, ngươi có không?”.

Trương Hồng Binh kể tiếp: 

– Một hôm, mẹ đột nhiên xuất hiện trong trong giấc mơ của tôi. Tôi hồi hộp lo lắng, sợ mẹ tôi sẽ biến mất. Tôi liền nắm lấy tay bà, vừa khóc, vừa nói: Mẹ đừng đi, con xin lỗi mẹ! Con thật sự xin lỗi người! Mẹ nhìn tôi không nói một lời, liền biến mất”. 

Năm 2013, Trương Hồng Binh nhìn thấy trên mạng Internet, có một số người tung hô rằng: ‘Cách mạng văn hoá là tốt!’ – ‘Tái văn cách một lần nữa!’, cùng với một vài nhận xét tương tự khác. Lúc này, Trương Hồng Binh không thể im lặng được nữa. Ông lập tức viết một bài tiểu luận với tiêu đề: “Lời sám hối của một ‘nghịch tử’ trong cuộc ‘Cách mạng văn hoá’”. Trong bài viết, ông đã mô tả chi tiết về những gì đã xảy ra vào cái đêm tàn khốc năm 1970, tương tự như bản báo cáo ‘Vì đại nghĩa diệt thân’ mà ông đã viết năm xưa. Ông nói: 

– Tôi nguyện ý làm một giáo viên tiêu cực, để cho thế nhân thấy được tấm bi kịch đã xảy đến với gia đình tôi trong thời kỳ Văn cách như thế nào. Tôi sẽ phơi bày vết sẹo đẫm máu này cho tất cả mọi người được thấy. Để cho mọi người tự hỏi, vì lẽ gì lại có thể xảy ra tấm bi kịch này trên thế gian? Và làm sao có thể tránh khỏi thảm kịch này, để nó không xảy ra một lần nữa? 

Trần Hiểu Nam nói: 

– Như vậy, một số người sẽ cho rằng đó là do thời đại tạo ra như vậy. Nó không liên quan gì đến họ!

Trương Hồng Binh nói:

– Từ góc độ trách nhiệm mà nói, thì xã hội có trách nhiệm của xã hội, gia đình có trách nhiệm của gia đình, cá nhân có trách nhiệm của cá nhân.

Trần Hiểu Nam hỏi thêm:

– Anh không định tha thứ cho chính mình ư? 

Trương Hồng Binh trả lời:

– Không! Tôi phải gánh cây ‘Thánh giá’ nặng nề này trên lưng. Bởi lẽ, không phải khi tôi phơi bày sự thật này ra, thì nó liền tiêu mất – mọi tội lỗi sẽ được gột rửa. Nó vĩnh viễn đè nặng trên lưng tôi, theo tôi từng bước, từng bước cho đến ngày xuống mồ.

Quá nửa thập kỷ đã trôi qua, ngoái đầu nhìn lại một thời đại  – Thời đại ‘Cách mạng văn hoá’ vẫn khiến cho nhiều người lạnh sống lưng, về những thảm cảnh đã từng nghe thấy, nhìn thấy, hoặc thậm chí từng là nạn nhân của ‘thời đại’. Câu chuyện của Trương Hồng Binh, khiến chúng ta không khỏi xót xa, và thương cảm trước nghịch cảnh. Tuy nhiên, ông ấy cần phải xoá đi những ký ức xấu xa, tự tha thứ cho lỗi lầm của mình và tôn vinh cái tốt, quay trở về với cuộc sống thiện lương. Chỉ có như vậy, người ta mới chịu được sức nặng của quá khứ. Thiện lương luôn là liều thuốc quý chữa lành mọi vết thương trong trái tim nhân loại.

Bài và ảnh: Theo Aboluowang

Thái Bảo biên dịch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét