10 thg 4, 2021

SÀI GÒN NĂM XƯA TÂY ĐẾN RỒI TÂY LẠI ĐI... (1859 - 1946) (Từ FB Đức Phan Trần )

 Những năm học Trung học vị thầy tôi cụ Đốc Ngữ dạy Lịch sử hay nói :

Người Pháp tới Việt Nam đô hộ cũng đúng mà khai hóa cho Việt Nam cũng đúng...
Thời ấy có câu :
An Nam Mít cái đít bồ câu, cái đầu thúi hoắc...
tỏ ý khinh bỉ người Việt...
Tới giờ tôi vẫn không hiểu câu đầu : Cái đít bồ câu...là gì ???
Cái đầu thúi hoắc thì có thể giải thích...ông bà xưa để tóc dài, búi tó...không có xà bông gộii đầu nên hôi rình, ổ của chí của rận...
Lịch sử viết lại thường do phe thắng trận, phe cầm quyền nên che dấu những cái xấu và đề cao những cái không xấu lắm...
Dân gian truyền lại qua ca dao tục ngữ, truyền khẩu như tôi giờ nhắc lại chưa chắc con cháu đã tin...
Mời đọc
XSÀI GÒN NĂM XƯA
TÂY ĐẾN RỒI TÂY LẠI ĐI... (1859 - 1946)
Vương Hồng Sến
Kể về người Pháp sang đất Sài Gòn, trong số những người tiền phong phất cờ, phần nhiều lắm người hữu học, thông thái:
-Aubaret , lão thông chữ Hán, từng cầm đầu phái đoàn phiên dịch trợ lực sứ đoàn Phan Thanh Giản sang triều Napoléon III thương thuyết việc chuộc ba tỉnh miền Đông xứ Nam Kỳ. Có soạn một bộ văn phạm Việt Nam(grammaire) và dịch một phần bộGia Định Thông Chí của Trịnh Hoài Đức ra Pháp văn.
-Luro dạy luật học và phong tục học tại Trường đào tạo các tham biện, tục gọi Collège des Stagiaires (trường ở chỗ học đường Taberd hiện nay), đồng một thời cùng các giáo sư Trương Vĩnh Ký, Trương Minh Ký, Huỳnh Tịnh Của.
-Philastre dịch bộ Hoàng Việt Luật Lệ (Code de GiaLong).
-Doudard de Lagrée, Francis Garnier, là nhà thám hiểm, kẻ đi khảo sát sự lưu thông hai sông Mékong, Nhĩ Hà (sông Hồng) người tìm ra cảnh Đế Thiên, Đế Thích (Angkor).
-Sylvestre khảo về cổ tiền và luật bản xứ.
Nếu nhắc lại đây, tưởng không sao kể hết. Ngoại trừ phần tử xấu, thực dân hạng nặng, qua đây vơ vét bóc lột, và tàn bạo, thì giới mô phạm, giới y tế, phải nhìn nhận - đã để lại nhiều kỷ niệm tố vì làm tròn nhiệm vụ khai hóa trí óc, nâng cao sức khỏe người Việt không ít.
Cuối thế kỷ XIX, bắt đầu thế kỷ XX, Nội các Pháp ngán tài xuất chúng và tánh cứng cỏi của Paul Doumer nên tìm cách không cho ông ở Paris và "trấn" ông sang làm Toàn Quyền Đông Dương (1897). Doumer có tánh độc tài tự quyết nhưng rất thanh liêm, ông muốn mở mang xứ Bắc Kỳ để nhử nước Trung Hoa, không thiết khuếch trương thổ sản đất Nam Kỳ. Trái lại, Paul Blanchy là Chủ Tịch Hội Đồng Quản Hạt Nam Kỳ lại muốn mở mang miền Nam hơn xứ Bắc. Do đó hai nhân vật này không thuận với nhau, nhứt là về cuộc xuất phát chi tiêu công nho thuộc địa (budget colonial). Paul Blanchy mất tháng chạp 1901. Paul Doumer mùa xuân 1902, sang Pháp rồi ở luôn bên ấy không trở qua Đông Dương nữa. Blanchy và Doumer đã ghi đậm dấu chơn tại đây, mỗi người mỗi cách... Gì thì gì, hai người đã mở đầu một nghệ thuật mới mẻ trong xứ: nghề viết báo, trước bành trướng tại Sài Gòn, sau mới tung hoành đất Thanh Long.
Tờ"l Opinion" (Lucien Héloury chủ trương), tờ "le Courrier Saigonais " (Paul Blanchy làm chủ), tờ "La France d Aise" của Héloury giao lại cho bà Luoise Alcan bỉnh bút[101]thì cực lực bên vực Paul Blanchy.
Riêng tờ"le Mékong" do hai anh em Leriche biên soạn thì mật lãnh phụ cấp và triệt để ủng hộ Paul Doumer.
Thời này là thời ký giả Pháp có dịp ẩu đả ngay giữa quán rượu hoặc đánh gươm, bắn súng lục trong các cuộc đánh gươm rửa hận "duel".
Ký giả Julien Delpit nhờ Doumer làm mai, cưới vợ là ái nữ ông Lê Phát Thanh, triệu phú. Delpit lêu lổng xài hết sự nghiệp của vợ rồi đưa nhau lên Lào làm công chức.
De Lachevroti ère xuất thân làm cho báo"L Opinion" ngày nọ đến xin chủ cho lên lương, muốn xin được bốn trăm đồng bạc một tháng, Héloury không nhận lời, de Lachevrotière nhảy ra lập tờ"l Imparatial" do Camille Aymard mua lại của Gallois Montbrun.
Ganesco, dòng dõi một nhà viết báo Pháp có tên tuổi, qua đây làm đầu phòng văn cho Thống Đốc Rodier, nghĩ ra viết báo, rồi nhảy trở vô quan trường, đổi xuống làm tham biện tỉnh trưởng trường Tân An. Để kéo dân Sài Gòn xuống đất Tầm Vu ăn chơi ngày chúa nhựt và cũng để giành mối Hội Đua Ngựa, lão tham biện "công tử bột" nầy bày ra cuộc thi chó bắt chuột gọi "ratadrome" (Lamagat, tr. 171).
Vào thời ấy, mỗi ly rượu khai vị (consommation) thứ mắc tiền nhứt như abinsthe, chỉ có hai cắc bạc (0 đ 20) một ly cối.
Khởi đầu, dùng đèn dầu lửa (dầu hỏa) đã là sang, vì trước kia ta thắp đèn dầu phộng, đèn mỡ cá. Dân chúng muốn đi đêm phải xách đèn lồng, đèn tắt thì lính kêu phạt tội vi cảnh. Các nhà số, nhà điếm, thì có đèn đỏ, đèn xanh. Sau nầy xài đèn khí đá (carbure). Tết đến, lấy ống chì bắt bông mai, cắm lộc bình, đốt lên, mỗi cái hoa là một đóm đèn sáng rực, con nít và dân quê ngó không nháy mắt. Rồi đến thời kỳ xài đèn ét xăng có man chon sáng xanh, chiều chiều có anh phu dạp xe chạy thắp đèn ngoài đường, danh gọi "le lampiste". Rồi bắt qua đèn điện có xài than, rốt lại mới có đèn ngày nay, điện hay néon...
Nhà quan viên thì dùng quạt làm bằng vải bố kaki căng trong khung treo trên trần nhà, có dây rỏ rẻ và sắm chú "bồi" con ngồi kéo quạt (panca, panka, punka).
Nay xin nói sơ qua về cuộc đời an nhàn của những năm về trước trong giới Pháp kiều.
Đầu thế kỷ XX, ra khỏi Sài Gòn hai mươi cây số ngàn (20km) đã là xa xôi lắm. Tha hồ săn bắn; heo rừng, nai, cà tong... Xa vô chút nữa thì trâu rừng, con min, cọp, voi không thiếu gì. Hoàng tử Henri d Orléans dòng dõi Vua Henri IV, Thái Tử xứ Đan Mạch Waldemar và công tước Duc de Montpensier đua nhau thường năm dứt mùa mưa lối tháng mười ta là có mặt tại Sài Gòn, lấy sự săn bắn thú dữ làm món tiêu khiển phong lưu. Công tước Duc de Montpensier xài tiền như nước, mua nhà hàng Continental tặng cho cô nhơn tình là Bá tước Comtesse de B...
Sài Gòn muốn đi Nam Vang phải mất trọn một tuần lễ chớ chẳng chơi, vì mỗi tuần chỉ có ba chuyến tàu khứ và hồi. Nếu phải kể ở lại trên đó bốn mươi tám giờ chờ tàu, toi mất bảy ngày dễ quá, nhưng trên tàu, thú vui trời nước, đọc sách đánh bài tiêu khiển, duy ban đêm chưa có đèn điện, còn dùng đèn cầy và đèn dầu hỏa, thêm nạn tàu ghé Cù lao Giêng thì đúng giờ ăn cơm tối, bọ xích và muỗi đen bay vãi vào mặt vào họng và thức ăn. Hãng tàu chạy sông "Méssageries Fluviales" sáng lập năm 1883 -1884. Sau đổi là "Compagnie Saigonaise de navigation", đầu tiên do Jules Rueff làm chủ sáng tạo. Rueff quen thân với Vua Hoàng Lân (Norodom). Rueff bán đồng hồ reo, đồng hồ chuông, đồng hồ bỏ túi, cho Norodom mà dư sức làm giàu. Rueff mướn bọn thuyền chủ (trong Nam gọi Cò Tàu), tuy người quốc tịch Lang Sa nhưng trả lương chỉ có bốn chục đồng bạc mỗi tháng, tính mỗi tuần mười đồng. Thế mà bọn nầy đều làm giàu ngang xương, đủ tiền nuôi em út, còn nuôi thêm ngựa đua, vì tàu chạy đường Sài Gòn qua Bangkok, chuyến đi thì chở "lậu" súng lục, chuyến về chở "lậu" thuốc phiện, không mau giàu sao phải. Ông Henri kể lại chuyện một cò tàu chở thuốc phiện lậu, khi tàu đến gần thương khẩu Sài Gòn thì sai neo thùng thuốc phiện buộc chùm với chiếc mỏ neo chìm lỉm xuống nước chờ lính đoan xét tàu xong rồi trục vớt lên. Có một lần nọ, lính đoan biết kế, đón tàu từ hòn Côn Sơn, xuống nằm ỳ dưới tàu chờ về địa phận Sài Gòn sẽ ra tay lục xét. Vỏ quýt dày, có móng tay nhọn. Dọc đường, viên cò tàu bơm ngọt, phục rượu Tây đoan say vùi, chờ khi sang tất cả số đồ lậu thuế qua thuyền nhỏ phi tang đâu đó xong xuôi, khi ấy Tây đoan tỉnh giấc, chỉ còn nước chạy giấy phúc trình: "trên tàu, xét kỹ càng không một món đồ nào lậu thuế"!
Năm 1905 đã có vấn đề "nước uống" đem ra bàn cãi tại hội đồng thành phố. Công ty Nhà Đèn xướng ra thuyết ít tốn kém cho ngân quỹ là đào thêm giếng lấy nước ngọt ngay tại chỗ. Hãng Balliste có thế lực lớn lại đề nghị dẫn nước thác Trị An về và như thế đô thành sẽ có dư điện lực do sức mạnh của nước làm ra, vĩnh viễn không lo khan nước khan hơi điện. Năm 1904, Xã Tây Cuniac sang Pháp định vay tiền mẫu quốc mười hai mười ba triệu quan gì đó để thi hành chương trình Balliste. Nhưng Cuniac gặp trở ngại; khi trở về Sài Gòn thì xin từ chức xã trưởng thành phố, và vấn đề "nước ăn nước uống" cho đến ngày nay vẫn chưa dứt khoát.
Vấn đề"đổ bác đổ tường" cũng được chú ý đến. Tuy có lịnh cấm cờ bạc, nhưng cấm lấy chừng, ngày tư ngày tết, các chú hốt me tận ngoài đường cái, những thương gia đầu tắt mặt tối quanh năm cũng nghỉ xả hơi, đóng cửa, cầm giấy đỏ có đề bốn chữ"cung hạ tân xuân", vừa đi thăm bè bạn ba bữa đầu năm, vừa ghé sòng bài thử thời vận. Nhà hàng"Hôtel de France" đường Catinat, trong ba ngày Tết, Hoa Kiều mướn chứa me đến hai chục ngàn đồng một ngày. Dòm vào sòng "đuôi sam" nhiều không thua khăn đóng và khăn quấn đầu rìu. (Lamagat, trương 135).
Năm 1906 Jean Duclos chở ngựa lớn con, giống A Rập từ Hà Nội vào cáp độ Trường Đua Sài Gòn, báo hại nhiều nhà thua phá sản. Qua năm 1912, de Monpezat cũng làm mửng ấy và chủ ngựa Hà Nội vét túi bọn trong Nam.
Câu Lạc Bộ thể thao "Cerclie Sportf" cũng ra đời lối năm 1912.
Lão Mézin, với hai bàn tay trắng, qua đây khai phá ruộng tỉnh Cần Thơ làm nên đồn điền "domaine de l Ouest".
Lão Gressiercòn giỏi hơn nữa, cỡi trâu chạy đua với ngựa, và khai hoang mở rộng vùng Phú Lộc (Sốc Trăng).
Hai người sống ở ruộng nhiều hơn ở đất Sài Gòn. Gressier cày sâu cuốc bẫm củi lục làm ăn ròng rã ở đây bốn chục năm dài không về Pháp quốc chuyến nào.
Lão Vidal,xin thôi làm sĩ quan thủy quân, ở thiệt thọ tại Sài Gòn cưới vợ Việt Nam, tập ăn trầu nhai bỏm bẻm, được tôn làm đại hương cả làng Phú Nhuận. Khi mãn phần, di ngôn dạy chôn cất theo đạo Phật, có thầy chùa tụng kinh siêu độ, đám táng dùng nhà vàng và đạo tỳ đòn rồng, đòn bông khiêng vai (vì thưở ấy chưa có xe tang ô tô) và thêm có hò đưa linh ấm đám. Tôi nhớ rõ việc nầy vì năm ấy tôi còn làm việc tại trường máy đường Đỗ Hữu Vị, chủ trường là quan năm Rosel sai tôi dẫn đường viếng tang Vidal, đến nơi thấy nhà vàng và thầy chùa gõ mõ, ông cật vấn nhiều lần vì tưởng đã lầm nhà.
Lão Fernand Lafonmua đất châu thành và lập nghiệp tại góc đường Lê Văn Duyệt và Hồ Xuân Hương (Verdun Colombier) gần chùa Xá Lợi và trường Áo Tím, nay là Nữ Học đường Gia Long; đất ấy Lafon mua với giá năm cắc bạc (0 đ 50 ) mỗi thước vuông.
Tên Chà Và bán sữa tươi có một bầy bò thả ăn rong trên đất của đô thành. Chánh phủ ép phải mua đất trên Tân Sơn Nhứt để lấy cỏ cho bò ăn, Chà ta khóc ròng và chạy tiền mua; ngày nay Chà cười vì đất "chó ỉa" một thước vuông một, hai cắc bạc, nay đắt hơn vàng khối.
Tiền bạc trong xứ, khi cần dùng tạm bợ thì phải vay hỏi nơi Chà Chetty ở xóm Ohier (nay vẫn còn chỗ cũ) tuy cho vay cắt cổ mà không bạc Chà lấy đâu có vốn làm ăn? Mỗi năm rằm tháng Giêng, Chà bày cộ đèn, đưa thần Civa (tượng đúc bằng bạc ròng) dạo chơi đường phố, mua bán tấp nập suốt đêm.
Các quan Lang Sa và nhà giàu thân thế sắm xe bicyclette, lúc ấy đã biết máy móc là giống gì, thấy xe không dùng ngựa bò mà chạy ngờ ngờ, đã đặt tên nó là "cái xe máy". Trước còn bánh đặc, phần đường xá gồ ghề, mê sức chạy mau mà quên đau... sau có bánh bộng, nhưng xe nổ vỏ thì có lấy tay mà bụm! Xe máy dầu (motocyclette) là một xa xí phẩm mới có sau nầy. Khách phong lưu và người có tiền thì đi xe "kiếng", tức xe đóng bít bùng có cánh cửa gắn kính cho có ánh sáng, nên gọi như thế. Người Pháp gọi xe ấy "voiture malabare" vì người cầm cương phần đông là người Mã Lai. Rồi sau có xe trái bí, hình dáng thanh hơn xe kiếng. Xe trái bí, nhà Dưỡng Lão Thị Nghè mấy năm về trước, còn thấy dùng để đưa các dì, bà phước đi chợ mua đồ ăn. Nhà giàu nữa thì dùng xe mây một ngựa (thùng đan bằng mây) hoặc xe song mã có xà ích (sais) Chà Và cầm cương.
Xe tự động (ô tô) sơ khởi là xe hiệu Peugeot, Panhard, Delage, muốn chạy phải đốt cho máy nó nóng!!! Mui vải bố có dây da kéo chằng chịt ra trước ra sau, cửa xe thì không có... Những người có xe ô tô buổi đầu toàn những cự phú và các Lang Sa sang trọng, trong số có ông Lê Phát An là một. Năm 1923, xe Chánh phủ chỉ có độ một trăm chiếc ghi, số từ C-1 đến C-100, chiếc Delage C.100 của Thống Đốc Nam Kỳ là "chiến" nhứt hạng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét