Bước thụt lùi vĩ đại của Kim Jong Un tại Bắc Triều Tiên », đó là tựa đề bài điều tra của Le Figaro ngày 19/04/2021. Từ khi đại dịch nổ ra, « thống chế » đã buộc đóng cửa hẳn đất nước 24 triệu dân với thế giới, ra lệnh bắn hạ tất cả những ai toan đi vào hoặc rời khỏi Bắc Triều Tiên.
Năm ngoái, một người Hàn Quốc định trốn sang miền bắc đã bị bắn chết, xác bị thiêu hủy. Nhà nghiên cứu Triệu Thông (Zhao Tong), trường đại học Thanh Hoa giải thích : « Các nhà lãnh đạo rất hoang tưởng trước Covid, họ còn nghi con virus corona được những trận bão cát hay tuyết mang đến ». Kim Jong Un coi đây là mối đe dọa nặng nề : thống chế bị bệnh đường hô hấp. Tuy nhiên cái giá phải trả về kinh tế và chính trị đã vô cùng lớn.
Theo ông Triệu Thông, ngày càng có nhiều dữ kiện cho thấy « có thể đang xảy ra thảm họa nhân đạo » tại Bắc Triều Tiên. Tình hình có vẻ nghiêm trọng cho đến nỗi chính nhà độc tài trẻ tuổi trong cuộc họp đảng Lao Động vào đầu tháng Tư đã báo động các cán bộ phải chuẩn bị cho một « giai đoạn khắc nghiệt », ý nói trận đói khủng khiếp hồi thập niên 90, khiến hàng trăm ngàn, thậm chí một triệu người chết đói sau khi Liên Xô sụp đổ.
Kim nhìn nhận những khó khăn trầm trọng mà theo thống chế là do bị quốc tế trừng phạt, kêu gọi « tuyệt đối trung thành ». Từ ngữ này khiến nhà nghiên cứu Andrei Lankov, đại học Kookmin liên tưởng đến thời kỳ đen tối nhất dưới thời Kim Jong Il, khi bản thân các cán bộ cũng gục ngã hàng loạt vì kiệt sức và đói. Ông Triệu Thông cho rằng Kim Jong Un ra tay trước để tránh bị quy trách nhiệm, đồng thời đổ lỗi cho cấp dưới.
Nông thôn Bắc Triều Tiên-ảnh từ Google
Buôn bán với Trung Quốc giảm 80%, doanh số với Nga tháng Hai còn 124 đô !
Hiện nay biên mậu với Trung Quốc đã sụt đến 80% do Covid, cộng với những trận bão dữ dội năm ngoái làm cho mùa màng thất bát, trong khi trước đại dịch đã có 40% người Bắc Triều Tiên bị suy dinh dưỡng. Nạn ăn xin, người chết vì đói đã quay trở lại ở vùng biên giới, theo những lời chứng hiếm hoi mà Human Rights Watch (HRW) có được.
Ngay cả các nhà ngoại giao Nga ở thủ đô Bình Nhưỡng cũng lần lượt ra đi vì mọi thứ đều thiếu thốn, nhất là thuốc men. Chỉ còn lại khoảng 290 người ngoại quốc, đa số là người Trung Quốc và Nga ở Bình Nhưỡng. Những chiếc xe tải chở hàng Trung Quốc không còn vượt qua cây cầu Hữu Nghị giữa hai tỉnh Đan Đông và Sinuiju, chỉ còn năng lượng được cung cấp để nước đàn em không chìm trong bóng tối. Và giao dịch thương mại với Nga trong tháng Hai đạt doanh số buồn cười là…124 đô la !
Kim Jong Un đành phải từ bỏ giấc mơ « Đại nhảy vọt ». Nhà lãnh đạo từng tươi cười khai mạc công viên nước và trung tâm thương mại hiện đại, phải quay lại với chế độ tự cung tự cấp, theo chủ thuyết Juche của ông nội. « Lãnh tụ tối cao » còn ứa nước mắt trong vụ tự kiểm hiếm thấy vào tháng 10/2020 sau cuộc diễn binh kỷ niệm 75 năm thành lập đảng, nói rằng mình không đáp ứng những gì nhân dân mong đợi. Kim nói lời xin lỗi và lau chiếc kính đã đẫm nước mắt.
Sự dàn cảnh này nhằm đánh bóng hình ảnh và đổ tội cho các cán bộ về những khó khăn sắp tới. Nhà nghiên cứu Go Myung Hyun của Viện Asan ở Seoul giải mã : « Trong chế độ Bắc Triều Tiên, khi lãnh đạo tự nhận trách nhiệm, trên thực tế là lời kêu gọi tất cả mọi cấp phải tự kiểm điểm ». Còn ông Triệu Thông cho rằng sắp tới Bình Nhưỡng vẫn tiếp tục gây căng thẳng với các vụ thử nguyên tử, hỏa tiễn đạn đạo, nhưng sẽ phải tính toán các giá về kinh tế cho mỗi vụ khiêu khích.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét