23 thg 4, 2021

PHÚC ÔNG TRĂM TRUYỆN - Số 52

 Truyện số 52

 GIỮ KÍN TÂM ĐỘC LẬP TRONG TÂM TA (1)

FUKUZAWA Yukichi (*)

Dịch : Nguyễn Sơn Hùng

***            


Sống độc lập là trước hết tránh nhờ vả người khác, tự mình chịu trách nhiệm mọi việc và sống tự lực, ngay cả quan hệ giữa cha mẹ và con cái cũng phải có ranh giới rõ ràng. Kế đến, nói và làm như ta nghĩ. Ý nghĩa của sống độc lập là như vậy.

 Sau khi đã được cơ sở vật chất để sống độc lập, không nên làm một cái gì dù nhỏ để bản tâm ta phải xấu hổ, hay bẻ cong tiết tháo mà khuất phục kẻ khác. Đối với việc quan trọng không bẻ cong khí tiết là lẽ đương nhiên, nhưng ngay cả đối với mỗi lời nói, mỗi hành động thông thường mà xử lý không thận trọng để phải hối hận về sau cũng là trái với bản ý của sống độc lập. Thêm vào đó, không cần phải để ý đến khen chê của người khác. Viện cớ vì thói đời hoặc cho rằng chỉ là cách giải quyết tạm thời mà đi trái thay vì phải đi phải, thay vì phải sang đông lại đi tây, đó là trái với cứu cánh thực sự của sống độc lập.

Có người nói sống như vậy là rất nhàm chán, không có sắc thái, không thể hòa đồng thật sự với người đời. Nhưng thực tế không phải như người ta nói. Thật ra từ đầu, sống độc lập nói ở đây không phải dùng để trang trí bề ngoài, ở thân xác nhưng ôm kín nó tận đáy lòng. Nó là chủ trương sống của ta.

 Do đó, cái tâm của người sống độc lập rộng lớn như biển cả, bao dung tất cả mọi thứ. Đối với người không đòi hỏi nhiều, và cho rằng “người là người, ta là ta”. Một khi người khác không ngăn trở việc sống độc lập của ta thì việc giao tiếp ôn hòa với người không phải là khó.

Để diễn giải chủ ý nói trên, về cách xử thế có thể lấy thí dụ của Liễu Hạ Huệ, người nước Lỗ thời Xuân Thu, làm quan tận sức chứ không màng chức quan gì. Hoặc thí dụ của Bá Di, Thúc Tề đời Ân-Chu, từ đầu đến cuối sống thanh bạch, một mực giữ nghĩa tiết.

 Dù chỉ một chút độc lập cũng quan trọng hơn cả tánh mạng. Nếu mọi người cản trở cái độc lập của ta, bắt buộc ta cũng xem tất cả như địch. Dù bạn thân cũng nên tuyệt giao, mất tình cốt nhục cũng phải chịu. Để bảo vệ cái độc lập cần không do dự chống kháng lại các cản trở này. Tuy nhiên, trong thực tế rất ít có trường hợp quyết liệt đến mức độ như vậy.

Ở thời đại xã hội phong kiến ngày xưa, lý do võ sĩ (samurai) đeo 2 kiếm bên hông là để cho mọi người biết rằng nếu có ai vô lễ, họ sẽ chém bỏ không khoan dung. Dù mọi người trong thiên hạ do việc này xem họ là địch. Trong thực tế đã hiếm xảy ra chuyện. Hàng trăm ngàn võ sĩ đã sống yên ổn hàng trăm năm nay đã chứng minh được điều đó.

Ở thời đại xã hội phong kiến ngày xưa, người ti tiện có nhiều, kẻ hèn nhát không phải là ít. Nhưng nếu họ không vô lễ với võ sĩ, võ sĩ sẽ không đụng chạm gì đến họ. Cả hai bên vẫn giao lưu qua lại với nhau tự do. Người võ sĩ chân thực tự xem mình là võ sĩ và tự phát nghĩ rằng mình phải bảo vệ tinh thần võ sĩ đạo. Sự việc chỉ có vậy thôi. Do đó, nếu có phương cách sống độc lập, người sống độc lập ngày nay chắc chắn có thể sống yên ổn như võ sĩ thời xưa.

 

Nguyễn Sơn Hùng

Tháng 6/2017

 

(*) Nguồn: Truyện số 52 trong quyển “Phúc Ông Trăm Truyện” của Fukuzawa Yukichi, 1901, Thời Sự Tân Báo Xã phát hành.

Chú thích:

(1)   Nguyên văn là “Độc lập có ở trong tâm ta”, nhưng người biên dịch nghĩ rằng “Giữ kín tâm độc lập trong tâm ta” phù hợp với nội dung hơn.

🌿🌿🌿🌿🌿🌿🌿

Mời Xem : PHÚC ÔNG TRĂM CHUYỆN (Số 30 và 41 )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét