Tống Từ :
LÝ HẬU CHÚA với bài từ NGU MỸ NHÂN
LÝ DỤC 李煜 (937-978), vua của nước Nam Đường trong thời Ngũ Đại Thập Quốc, tự là Trùng Quang, hiệu là Chung Ẩn, Liên Phong Cư Sĩ, người đất Bành Thành. Ông là con trai thứ 6 của Đường Nguyên Tông Lý Cảnh 唐元宗李璟, lên ngôi từ năm 961 đến năm 975 thì mất nước, sử gọi là Lý Hậu Chúa 李後主. Năm Khai Bảo thứ 8, quân Tống công phá kinh đô của Nam Đường, Lý Dục đầu hàng, bị bắt về an trí ở thành Biện Lương và được phong là Vi Mệnh Hầu (vị Hầu tước Trái mệnh Vua) vì trước đó ông đã đóng cửa thành để chống lại vua Tống. Sau vì cảm tác bài từ nổi tiếng 《Ngu Mỹ Nhân 虞美人》để nhớ về cố quốc mà bị Tống Thái Tông ban thuốc độc giết chết. Lý Hậu Chúa tuy thất bại về mặt chính trị, nhưng ông lại là một tài tử tài hoa tinh thông thư pháp, giỏi hội họa, rành âm luật, thi từ ca phú đều thuộc hàng siêu đẳng, nhất là về Từ. Ông được tôn xưng là “Thiên cổ từ đế 千古詞帝”. Có nghĩa : Là ông vua về Từ từ ngàn xưa tới nay.
Lý Hậu Chúa và bài từ Ngu Mỹ Nhân
Theo bút ký trong "Mặc Ký 默記" của văn học gia đời Bắc Tống là Vương Chí ghi lại : Sau khi đã an trí Lý Hậu Chủ ở thành Biện Lương và phong cho tước Vi Mệnh Hầu rồi. Một hôm Tống Thái Tông triệu kiến cưụ thần của Nam Đường là Từ Huyền để chất vấn về việc có thường xuyên liên lạc với Lý Hậu Chúa hay không. Từ Huyền vô cùng sợ hãi bảo là không có lệnh vua nên không dám đến thăm chúa cũ. Tống Thái Tông bèn ra lệnh cho Từ Huyền đến thăm Lý Dục để thoả lòng tôi chúa cũ. Khi gặp Từ Huyền, Lý Hậu Chúa đã cất tiếng khóc to mà than rằng : Vì không nghe theo lời khuyên của Phan Hựu và Lý Bình chấn chỉnh triều chính, chỉnh đốn binh mã nên mới đưa đến tình trạng mất nước như hiện nay. Khi trở về phục mệnh, Từ Huyền đã không dám dấu diếm đem những lời than ấy mà kể lại với vua Tống; nên Tống Thái Tông đã sinh lòng muốn sát hại Lý Dục. Vào đêm Thất Tịch của năm đó (mùng 7 tháng 7 Âm lịch) cũng là ngày sinh của Lý Hậu Chúa, lúc bấy giờ là Vi Mệnh Hầu vì cảm khái cho thân phận mất nước của mình, ông đã sáng tác bài từ "Ngu Mỹ Nhân 虞美人" và cho các ca nhi hát trong buổi tiệc sinh nhật của mình để bộc bạch lòng nhớ thương về cố quốc năm xưa. Tống Thái Tông biết chuyện, nổi giận ban rượu độc bắt ông phải quyên sinh. Bài từ chết người đó bèn được nổi tiếng và lưu truyền rộng rãi trong dân gian và mãi cho đến hiện nay. Ta hãy cùng đọc bài từ đau lòng của kẻ mất nước này nhé !
春花秋月何時了? Xuân hoa thu nguyệt hà thời liểu?
往事知多少? Vãng sự tri đa thiểu?
小樓昨夜又東風, Tiểu lâu tạc dạ hựu đông phong,
故國不堪回首月明中。 Cố quốc bất kham hồi thủ nguyệt minh trung.
雕欄玉砌應猶在, Điêu lan ngọc thế ưng do tại,
只是朱顏改, Chỉ thị chu nhan cải.
問君能有幾多愁? Vấn quân năng hữu kỷ đa sầu?
恰似一江春水向東流! Cáp tự nhất giang xuân thủy hướng đông lưu !
Ý bài từ là :
Cái cảnh hoa của mùa xuân và trăng của mùa thu là cảnh đẹp nhất trong năm, sẽ hiển hiện mãi hằng năm. Nhưng đối với ta thì cảnh hoa xuân trăng thu này bao giờ sẽ chấm dứt đây ? Biết bao nhiêu là chuyện tốt đẹp cũ đã đi qua ( một cách oan uổng). Nay thì, trong căn lầu nhỏ này, tối hôm qua gió xuân lại thổi như nhắc nhở đến thuở xa xưa. Nhưng cố quốc đâu rồi ? ta khó có thể quay đầu nhìn lại đất nước xưa trong cảnh trăng sáng đẹp như thế này. Ôi, thềm ngọc lan can trạm trổ dát ngọc xinh đẹp (ý chỉ Cung vàng Điện ngọc) năm xưa chắc vẫn còn đó. Chỉ là những người trẻ trung của thuở đó thì dung nhan đã thay đổi cả rồi ! Thử hỏi xem qua bao tang thương sao dời vật đổi thế kia, lòng bạn đã phát sinh được bao nhiêu mối sầu ? Và vô số những mối sầu đó như là những dòng sông xuân tất cả đều tuôn chảy về biển đông rồi mất hút luôn không bao giờ trở lại được nữa !
Qủa là tâm sự não lòng của một đấng quân vương mất nước, lòng luôn canh cánh nhớ về thuở vàng son của quá khứ xa xưa mà nuối tiếc, sầu muộn, ưu phiên... rồi trãi lòng qua những lời từ diễm lệ ưu sầu...
Xuân hoa thu nguyệt hết rồi !
Bao nhiêu chuyện cũ bồi hồi lòng ta.
Gió xuân lầu nhỏ đêm qua,
Nặng lòng cố quốc xót xa hồi đầu.
Cung vàng điện ngọc nay đâu,
Dung nhan đã đổi theo mầu thời gian.
Biết bao sầu muộn miên man...
Tuôn theo dòng nước ngút ngàn về đông !
Đỗ Chiêu Đức diễn Nôm
Nặng lòng với cố quốc là thế, đau lòng với cảnh trí trước mắt là thế, chả trách Tống Thái Tông sau khi nghe bài từ của ông đã phải lo lắng, kinh sợ, nên đã quyết định ban rượu độc để giết chết ông hầu chấm dứt đi mối lo hậu hoạn sau nầy.
Lời Từ của Lý Hậu Chúa chẳng những kế thừa truyền thống của các Từ Gia đời Đường như Ôn Đình Quân, Vi Trang... mà còn mở ra con đường mới cho các từ gia nổi tiếng sau nầy như Lý Cảnh, Phùng Diên Tỵ... Ta hãy đọc thêm một bài từ nữa cũng rất tiêu biểu và nổi tiếng của ông "Tương Kiến Hoan 相見歡" để càng thấm thía hơn với nỗi niềm vong quốc :
無言獨上西樓, Vô ngôn độc thướng tây lâu,
月如鉤。 Nguyệt như câu.
寂寞梧桐深院鎖清秋。 Tịch mịch ngô đồng thâm viện toả thanh thu.
剪不斷,理還亂,是離愁。 Tiễn bất đoạn, lý hoàn loạn, thị ly sầu.
別是一般滋味在心頭。 Biệt thị nhất ban tư vị tại tâm đầu !
Ý bài từ là :
Cô thân chiếc bóng, lặng thinh chẳng một lời nào, rảo bước lên lầu phía tây. Ngẩn đầu nhìn lên chỉ thấy một vầng trăng lưỡi liềm cô độc. Cuối đầu nhìn xuống chỉ thấy bóng của cây ngô đồng lặng lẽ đứng trong sân đình bị bao phủ bởi hơi thu lạnh lẽo. Lòng ta đang rối loạn với một nỗi sầu cắt cũng không đứt, bứt cũng không rời, đó là nỗi ly sầu của người vong quốc. Qủa là có một nỗi niềm riêng cứ vương vấn mãi ở trong lòng !
Âm thầm lặng lẽ bước lầu tây,
Như móc câu, bóng nguyệt gầy !
Lặng lẽ ngô đồng trong sân vắng...
Hơi thu mát lạnh gợi niềm tây,
Cắt chẳng đứt, bứt chẳng rời, sầu vong quốc là đây.
Nỗi lòng chan chứa vơi đầy !
Lục bát :
Một mình rảo bước lầu tây,
Ngẩn trông một mảnh trăng gầy cong cong.
Trong sân lặng lẽ ngô đồng,
Hơi thu mát lạnh cõi lòng đầy vơi.
Cắt không đứt, bứt không rời,
Nỗi sầu vong quốc ai người hiểu cho !
Đỗ Chiêu Đức diễn Nôm
Đối với non sông đất nước, Lý Hậu Chúa là một hôn quân bất tài vong quốc, nhưng trên thi đàn thì ông xứng đáng là một ông vua muôn thuở của giới ca từ, chả trách ông được sử sách tôn xưng là "Thiên cổ từ đế 千古詞帝" (Ông Vua Từ của ngàn đời).
Bài từ NGU MỸ NHÂN 虞美人: Ngu Mỹ Nhân tức là Ngu Cơ 虞姬, người hầu thiếp đẹp đẽ của Sở Bá Vương Hạng Võ 楚霸王項羽. Nhưng là tên của một khúc hát trong giáo phường; và cũng là tên của một loại Từ Loại thịnh hành ở đời Tống.
Từ khóa Ngu Mỹ Nhân còn có những tên khác như《Ngu Mỹ Nhân Lệnh 虞美人令》、《Ngọc Hồ Băng 玉壶冰》、《Nhất Giang Xuân Thủy 一江春水》... Có rất nhiều bài từ có tựa là Ngu Mỹ Nhân, nên sau từ NGU MỸ NHÂN thường phải kèm theo một câu hoặc một vế của câu đâu bài từ đó để phân biệt với bài từ Ngu Mỹ Nhân của các tác giả khác. Ví dụ : Trong bài này là "NGU MỸ NHÂN, XUÂN HOA THU NGUYỆT 虞美人·春花秋月" Ngoài ra ta còn có :
- "NGU MỸ NHÂN. Ngọc câu loan trụ điều anh vũ" của Phùng Diên Tỵ đời Đường 唐·冯延巳《虞美人·玉钩鸾柱调鹦鹉》.
- " NGU MỸ NHÂN. Phong hồi tiểu viện đình vu lục" cũng của Nam Đường Lý Dục南唐·李煜《虞美人·风回小院庭芜绿.
- " NGU MỸ NHÂN. Thuật Hoài" của Tô Thức (Tô Đông Pha) đời Bắc Tống.北宋·苏轼《虞美人·述怀》
- " NGU MỸ NHÂN. Bích Đài Thiên Thượng Tài Hòa Lộ" của Tần Quan đời Bắc Tống 北宋·秦观《虞美人·碧桃天上栽和露》
- " NGU MỸ NHÂN. Đồng Phụ Kiến hòa Tái dụng vận Đáp Chi" của Tân Khí Tật đời Nam Tống 南宋·辛弃疾《虞美人·同父见和再用韵答之》
.............................. .......
Giống như bài ca cổ "LÝ CON SÁO" của ta vây :
- "LÝ CON SÁO" trong Truyện tình Lan và Điệp. "
- "LÝ CON SÁO" trong tuồng Phạm Công Cúc Hoa.
- "LÝ CON SÁO" trong tuồng Thoại Khanh Châu Tuấn.....
Nói chung, NGU MỸ NHÂN trong từ là tên của một từ loại, toàn bài có 8 câu có thể là 56 hoặc 58 chữ và gieo cả hai vần Bằng và vần Trắc. Nhưng vì cái bóng của Lý Hậu Chúa qúa lớn, nên hễ nhắc đến ba chữ "NGU MỸ NHÂN" là người ta lại nghĩ ngay đến bài "Xuân hoa thu nguyệt hà thời liễu" ngay, vì...
Đó là bài từ tiêu biểu nhất cho Lý Hậu Chúa Lý Dục và cũng là bài từ đoạt mệnh của vị vua tài hoa rất mực nầy.
Hẹn bài viết tới.
杜紹德
Đỗ Chiêu Đức
Thêm 🌷🌷🌷🌷🌷:1/ Phương Hà xin phỏng dịch bài NGU MỸ NHÂN của Lý Dục
NGU MỸ NHÂN
Cảnh đẹp ngày xưa dẫu mất rồi
Mà dòng ký ức chẳng phai phôi
Gió xuân gợi nhớ hoài khôn dứt
Bóng nguyệt khơi sầu mãi khó vơi
Cung điện huy hoàng dù vẫn đó
Giai nhân kiều diễm đã qua thời
Nỗi niềm luyến tiếc như dòng chảy
Tuôn mãi không ngừng ra biển khơi
2/ Ngu mỹ nhân (Nguyên thể và phóng tác nôm của Lộc Bắc
*Dịch nguyên thể
Hoa xuân, thu nguyệt khi nao dứt
*Dịch nguyên thể
Hoa xuân, thu nguyệt khi nao dứt
Chuyện xưa biết ít nhiều
Đêm qua gác nhỏ đông phong ghé
Nước cũ - khôn đành quay lại dưới trăng xiêu
Hiên lộng, ngọc miêu còn lưu lại
Đổi thay chỉ má hồng
Hỏi chàng sầu muộn bao nhiêu nỗi?
Thuận dòng - giống như sông nước chảy về Đông!
Đêm qua gác nhỏ đông phong ghé
Nước cũ - khôn đành quay lại dưới trăng xiêu
Hiên lộng, ngọc miêu còn lưu lại
Đổi thay chỉ má hồng
Hỏi chàng sầu muộn bao nhiêu nỗi?
Thuận dòng - giống như sông nước chảy về Đông!
**Phóng tác Nôm
Xuân hoa, thu nguyệt bao giờ dứt
Chuyện xưa thấu hiểu được đôi điều
Đêm qua gác nhỏ đông phong ghé
Nước cũ ngậm ngùi bóng nguyệt xiêu
Hiên lộng, ngọc thềm còn lưu lại
Má hồng thay đổi dáng còn kiêu
Hi chàng sầu muộn bao nhiêu nỗi?
Về Đông, sông nước thuận theo chiều!
Lộc Bắc
Xuân hoa, thu nguyệt bao giờ dứt
Chuyện xưa thấu hiểu được đôi điều
Đêm qua gác nhỏ đông phong ghé
Nước cũ ngậm ngùi bóng nguyệt xiêu
Hiên lộng, ngọc thềm còn lưu lại
Má hồng thay đổi dáng còn kiêu
Hi chàng sầu muộn bao nhiêu nỗi?
Về Đông, sông nước thuận theo chiều!
Lộc Bắc
🌸🌸🌸🌸🌸🌸
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét