15 thg 4, 2021

PHÚC ÔNG TRĂM CHUYỆN (Chuyện 29 ) - NSH Dịch

 Diễn Đàn Khai Phóng  giới thiệu:

Fukuzawa Yukichi là một nhân vật lỗi lạc của Nhật trong triều đại Minh Trị Thiên Hoàng. Ông là người đầu tiên đưa triết lý khai sáng vào chính trị, kinh tế và văn hóa Nhật Bản ở cuối thế kỷ 19, làm cho Nhật nhanh chóng vươn lên bắt kịp phương Tây sau một nửa thế kỷ. Sự phát triển thần kỳ của Nhật từ đó tới nay mang rõ dấu ấn của Fukuzawa Yukichi. Khi nghĩ hưu, ông tìm cách ghi chép những kinh nghiệm cá nhân đã dẫn ông đến thành công. Cám ơn bạn Nguyễn Sơn Hùng đã sưu tập, dịch và giới thiệu cho độc giả những ý tưởng sâu sắc của vị học giả mà tên tuổi vẫn còn mãi lưu truyền trong sử sách Nhật Bản.


PHÚC ÔNG TRĂM TRUYỆN

FUKUZAWA Yukichi (*)

Dịch : Nguyễn Sơn Hùng

Lời dịch giả

Quyển “Phúc Ông Trăm Truyện” gồm 100 truyện và quyển “Phúc Ông Trăm Truyện tiếp theo” gồm 19 truyện của FUKUZAWA Yukichi được viết khoảng trên 120 năm về trước. Qua “Lời mở đầu” trong sách, độc giả có thể biết bối cảnh và mục đích của tác giả. Mặc dù đã trên một thế kỷ nhưng phần lớn nội dung vẫn còn hữu ích để tham khảo vào thời điểm hiện nay, và đây cũng là động cơ biên dịch của dịch giả. Khi biên dịch chủ yếu dịch giả đã dùng phiên bản dịch ra tiếng Nhật hiện đại của trang web dưới đây. 

https://elkoravolo.hatenablog.com/entry/20110918/1316313208

Nhân dịp này dịch giả xin tỏ lòng cảm tạ và biết ơn đối với dịch giả tiếng Nhật hiện đại nói trên, đã cho phép dịch ra tiếng Việt để giới thiệu quý độc giả Việt Nam. Dịch giả phân loại cách truyện theo các chủ đề như: sống độc lập, sống khoáng đạt, vui vẻ và cầu tiến, sống khoa học v.v.... Ở đây dịch giả xin được chỉ giới thiệu một số bài của sách. Phần chữ viết nghiêng là phần dịch giả chủ quan cho là quan trọng để độc giả dễ theo dõi.

***

LỜI MỞ ĐẦU 

***

Sau 40 năm mở cửa giao tiếp với Tây phương, văn minh đất nước ta đã tiến bộ nhiều. Nhưng ý nghĩa căn bản của văn minh không chỉ dừng lại ở phạm vi vật chất hữu hình. Sự thay đổi và tiến bộ đức trí của toàn thể quốc dân sẽ đưa đến kết quả tương tự ở những lĩnh vực tinh thần vô hình khác. Chính loại thay đổi và tiến bộ này mới thật sự làm vững chắc nền tảng để xây dựng đất nước.


Bản thân tôi thích giao tiếp khách nhiều giới. Những đề tài liên quan đến văn minh trong các buổi trò chuyện có lẽ đến hơn vài ngàn lần. Vì chỉ là tạp đàm, nên khi khách ra về tôi không còn để tâm đến nữa. Lần nào cũng như lần nấy.


Tuy nhiên, nếu cứ như vậy thật là uổng. Nên từ năm rồi khi có thời giờ tôi cầm bút ghi lại nội dung đã nói lúc trước theo trí nhớ và sắp xếp chỉnh lý lại. Tính đến nay được khoảng 100 truyện. Tôi đặt tên là “Phúc Ông Trăm Truyện” và quyết định cho đăng trên “Thời sự tân báo”, từ ngày 1 tháng 3 năm nay. Để có thời giờ để hiệu chính nên tạm tính mỗi tuần sẽ đăng từ 2 đến 3 lần.


Đọc giả đọc các bài viết này, biết được chút thiển ý của tôi, dùng làm trí đức xử lý thuận lợi việc nhà và hoạt động xã hội. Để từ độc lập cá nhân và độc lập gia đình đúc kết làm nền tảng độc lập của một nước là niềm hạnh phúc vượt hơn kỳ vọng của tác giả.


Ngày 15 tháng 2 năm Minh Trị thứ 29 (dương lịch 1896).


FUKUZAWA Yukichi


Nguyễn Sơn Hùng

Tháng 6 năm 2017


(*) Nguồn: Truyện số 29 trong quyển “Phúc Ông Trăm Truyện” của Fukuzawa Yukichi, 1901, Thời Sự Tân Báo Xã phát hành.




Truyện 29

 PHẢI SỐNG ĐỘC LẬP KHI TRƯỞNG THÀNH

FUKUZAWA Yukichi (*)

Dịch : Nguyễn Sơn Hùng

***

Phận làm con, “Ơn cha mẹ cao hơn núi, sâu hơn biểnĐến chết không quên công ơn cha mẹ là việc đương nhiên. Tuy nhiên, sau khi được cha mẹ nuôi dưỡng, cho ăn học đầy đủ đến tuổi trưởng thành, con người phải sống độc lập. Sau khi trưởng thành không để cha mẹ phải bảo hộ hoặc nhờ vả cha mẹ lo cho việc sinh sống.


Là cha mẹ, nên hiểu khi con cái không còn nhờ vả mình để sinh sống thì không nên ngăn trở hành động hoặc tự do phát ngôn của chúng một cách quá đáng, dù biết rằng không ai lo lắng cho chúng bằng mình, và mình là người chúng phải tôn kính hơn ai cả. Trong khi còn nuôi dưỡng hoặc trông nom việc sinh sống cho con cái, cha mẹ có thể mệnh lệnh hoặc bắt buộc chúng phải làm theo ý mình. Nhưng khi con cái sống độc lập, cha mẹ không nên làm việc này nữa.


Sau khi con cái sống độc lập, cha mẹ và con cái nên đối xử với nhau vì tình thương yêu. Nếu cha mẹ hoặc con cái bị ốm đau, lúc đó nên săn sóc, trông nom lẫn nhau. Nếu gặp tai nạn hoặc điều không may bất ngờ xảy ra, không ngần ngại cho mượn tiền giúp đỡ nhau là chuyện đương nhiên phải làm.


Quan hệ giữa cha mẹ và con cái là một quan hệ đặc biệt của con người. Tuy nhiên, thế hệ của cha mẹ và con cái là khác nhau. Thế hệ mới có cách sống mới. Thay đổi của thời đại rất nhanh chóng và nhiều hơn chúng ta tưởng, nên cách sống của người lớn tuổi không thể lặp lại hoặc còn thích hợp với thế hệ mới. Đặc biệt trình độ khác biệt hiện nay giữa các thế hệ có thể nói thật là to lớn.


Sau khi con cái kết hôn và vợ chồng gia đình chúng đang cố gắng làm việc để sinh sống, xây dựng gia đình mới, cha mẹ không có lý do gì để can thiệp vào. Cha mẹ không nên rầy la hoặc buồn phiền vì con cái không theo lời hoặc sống xa cách mình. Trái lại, nên để con cái tự do, chỉ trông chừng, và cầu mong sao cho con cái có thể tự sức mình sinh kế và vượt qua được các trở ngại khó khăn. Có như thế thì xã hội mới tiến bộ được.


Trước khi con cái trưởng thành, gia đình sum họp sống hòa thuận; tổ ấm gia đình là niềm vui của cha mẹ. Nay con cái rời cha mẹ lập gia đình mới, niềm vui này không còn nữa. Tuy nhiên, cha mẹ nên nghĩ rằng một khi con cái lập gia đình, tổ ấm của ngày trước nay đã chia thành làm hai nơi, và niềm vui gia đình cũng phân hai.


Mặc dù rời xa cha mẹ nhưng tổ ấm mới là niềm vui của con cái, là động lực để chúng khắc phục khó khăn của cuộc sống mới. Chính nhờ niềm vui này, thế hệ mới có thể rời xa quê hương đi làm việc ở nước ngoài hoặc di trú đến nơi chưa được khai khẩn để xây dựng gia đình mới. Từ đó xã hội và quốc gia mới phát triển được.


Tuy nhiên, có trường hợp người của thế hệ mới chưa hoàn toàn tự sống độc lập được trong đời sống thực tế, khi đó cần hướng dẫn, giúp đỡ kinh nghiệm hoặc hỗ trợ của cha mẹ. Cũng có trường hợp chênh lệch về trí tuệ và tài lực giữa cha mẹ và con cái rất lớn. Đối với các ngoại lệ này cần có cách xử lý thích hợp.


Nguyễn Sơn Hùng

Tháng 6/2017


(*) Nguồn: Truyện số 29 trong quyển “Phúc Ông Trăm Truyện” của Fukuzawa Yukichi, 1901, Thời Sự Tân Báo Xã phát hành.




Xem Thêm Vè :

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét